Điểm Báo Pháp – 17-4-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 17-4-2015
Các vòng đeo tay nhiều màu tưởng niệm các nạn nhân Khơme Đỏ được treo tại nơi trước đây là hố chôn tập thể Choeung Ek. – REUTERS/Damir Sagolj

Theo RFI – Tú Anh – 17-04-2015

Vẫn còn người Tây phương bênh vực chế độ Pol Pot

Tuyển dụng lao động đã «tăng nhẹ» tại Pháp phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế 2,1% trong năm 2016, nước Ý kêu gào bất lực trước làn  sóng thuyền nhân từ Trung Đông, tín đồ Thiên chúa bị người Hồi giáo ném xuống biển, Putin và lực lượng dư luận viên «định hướng» dân Nga, người Cuba thao thức trước hiện tình đất nước và «du hành vào xứ Pol Pot» nhân 40 năm ngày Khờ-me đỏ chiến thắng (trước khi chiến bại) là một số chủ đề chính hôm nay.

Kẻ hồi tâm, người bảo thủ

Với bức tranh biếm họa đoàn người tham quan Cam Bốt, bắt tay một cán bộ Khờ-me đỏ, chân đạp trên chiếc thảm xanh phủ che những con người hấp hối bên dưới, Le Monde đưa độc giả ngược giòng thời gian trở lại 40 năm về trước: du lịch nhà Pol Pot mà phương châm cai trị là «ai phản đối là kẻ thù, ai chống lại sẽ thành xác chết». Tò mò nghề nghiệp của nhà báo Adrien le Gal là muốn tìm hiểu trong số những phóng viên, trí thức, phản chiến Tây phương từng hoan hô «cách mạng Khờ-me đỏ», 40 năm sau tư tưởng của họ ra sao?

Ngày 17.04.1975, khi Khờ-me đỏ vào Phnom Penh, từ Châu Mỹ đến Châu Âu, giới trí thức thiên tả, phóng viên, kể cả trong ban biên tập Le Monde, và thành viên các tổ chức phản chiến chống Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, vỗ tay tán thưởng. Chiến thắng này báo hiệu Sài Gòn cùng chung số phận 12 ngày sau.

Trong những tuần sau, hàng ngàn người Cam Bốt vượt biên sang Thái Lan kể lại những vụ hành quyết, nạn đói, khủng bố của Pol Pot… nhưng bị những trí thức Tây phương ủng hộ «Kampuchia dân chủ», tên mới của Xứ chùa Tháp, lên án là dối trá. Dù sao đi nữa thì Cam Bốt đã bị một bức màn đen bao trùm. Năm 1978, khi chiến sự bùng nổ với người anh thù địch Việt Nam, theo Nga, thì Bắc Kinh «cố vấn» cho Pot Pot «tìm bạn mới trong thế giới cộng sản và nơi khác». Lập tức, những thành phần thiên tả, mao –it Âu Mỹ được chọn lọc một nhóm nhỏ sang thăm “thiên đàng vô sản”. 40 năm sau, Gunnar Bergstrom, người Thụy Điển, lúc đó mới 27 tuổi, kể lại: chúng tôi thảo luận kỹ để làm sao đừng bị lừa đảo như kinh nghiệm những người cộng sản Tây phương trước đây đã bị Stalin lừa dối khi sang thăm Liên Xô. Tuy nhiên, ông nhìn nhận bị thất bại.

Chuyến đi thăm theo một kịch bản được kiểm soát chặt chẽ: từ Bắc Kinh bay đến Phnom Penh, đi thăm Đế Thiên Đế Thích, xem dự án đập thủy điện nơi «lao động tự nguyện đang làm việc». Phái đoàn gặp Pol Pot nhưng không được diện kiến hoàng thân Sihanouk vì «bận việc». Nhà hoạt động thiên tả Thụy Điển biết ngay là bị che dấu gì đó.

Cuối năm 1978, đoàn thứ hai, gồm ba người, Malcolm Cadwell, «bạn» của Khờ me đỏ và hai nhà báo Mỹ, đến thăm nhưng xảy ra một vụ nổ súng giữa hai toán bảo vệ Khơ-me đỏ ngay trại tù Toung Sleng S-21. Hệ quả là một viên đạn đã giết chết Malcolm Cadwell. Vô tình hay hữu ý? Phi Phuon, cán bộ đặc trách an ninh cho người nước ngoài, giải thích là trong chính quyền có người không đồng ý chuyến viếng thăm.

Sau năm 1979, khi Khơ me đỏ bị Hà Nội lật đổ, xứ chùa Tháp được mở ra đôi chút và một số sự thật về tội ác diệt chủng được phơi bày nhưng vẫn có một số nhà báo như David Kline vẫn ra sách «Khuôn mặt mới của Kampuchia dân chủ» ca tụng «thành quả cách mạng» của Pol Pot.

Nếu một số nhân vật Tây phương như Gunnar Bergstrom đã thức tỉnh hoặc như bà Marita Wikander, chồng là cán bộ Khơ me đỏ, hối hận vì đã ủng hộ Pol Pot kẻ đã «giết hết gia đình chồng tôi» như bà thú nhận sau này, thì cũng có một số tên tuổi vẫn «bảo lưu» tư tưởng. Nhà văn Jan Myrdal còn có ý định sang Cam Bốt làm nhân chứng bảo vệ Khiêu Samphan trước tòa án quốc tế. Hoặc như Jacques Jurquet, nhà văn Pháp, năm 2001 ra sách A Contre Courant (Lội Ngược Dòng) để vinh danh chế độ cộng sản Pol Pot và phản đối con số 1,7 triệu nạn nhân. Tuy nhiên, người viết phần giới thiệu đã khéo léo «điều chỉnh» mô tả Jacques Jurquet là người «chân thật» nhưng “phạm nhiều sai lầm” . Người con lớn của ông khẳng định là về già ông «có thay đổi đôi chút», nhưng không bao giờ «phủ nhận» chế độ Pol Pot.

Trong số những người phản tỉnh, Eric Bacher, cựu đảng viên đảng Mác-Lê, tự thú: chúng tôi là những kẻ bị bệnh tự kỷ, khăng khăng bảo vệ những điều mà thực tế chứng minh là sai. Không ít những nhân vật loại này từ chối gặp phóng viên Le Monde, lấy lý do bận việc hoặc sợ bị phê phán.

Năm 2008, trong một hành động sám hối, Gunnar Bergstrom quay lại thủ đô Cam Bốt để xin lỗi nhân dân Cam Bốt. Nhà báo Thụy Điển tổ chức một cuộc triển lãm hình ảnh mà ông chụp khoảng 40 năm về trước cũng ngay trong trại tù S-21. Những tấm ảnh «Kampuchia  dân chủ yên bình» với những nụ cười tươi mát, nụ cười của hàng ngàn nạn nhân sắp sửa bị đem ra hành quyết.

Cuba thao thức

Chế độ cộng sản Cam Bốt tiêu vong , liệu chế độ Cuba sẽ theo chân lụi tàn?

Theo Le Monde, dân chúng thủ đô La Habana mong chờ kinh tế khả quan hơn nhờ hâm nóng quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, vào đầu bài phóng sự «ở La Habana, niềm hy vọng mong manh của người dân Cuba», nhật báo Le Monde trích lời cảnh báo của một phụ nữ: bạn hãy coi chừng, ở đây cỏ cây cũng có tai.

Một thanh niên tên Michel khẳng định: đến hôm nay chẳng thấy thay đổi gì, đối thoại chính trị là của lãnh đạo, người dân Cuba chỉ là kẻ bàng quang. Anh xin lỗi không dám trả lời phóng viên Pháp vì bị bao vây giữa «gián điệp của nhà nước và điềm chỉ bán chính thức».

Cũng như đông đảo dân Cuba, Michel cũng có thân nhân vượt biển tỵ nạn tại Mỹ. Hạ thấp giọng anh tâm sự: tôi muốn đi lắm, vì tương lai của con cái.

Không ai dám nói rõ suy nghĩ của mình vì 60 năm sau cánh mạng thành công, chính quyền vẫn duy trì «các tổ dân phố» danh nghĩa là chống trộm cướp, nhưng thật ra để theo dõi phát hiện những ai phê phán lãnh đạo và chế độ. Tai mắt của chính quyền đặt khắp nơi.

Mối lo âu hàng đầu của người dân là miếng ăn. Một phụ nữ, bỏ nghề đào tạo giáo chức, ra buôn chợ trời: tuy kiếm ít tiền nhưng khác hơn lúc còn trong biên chế. Thỉnh thoảng có thể mua ít thịt cho các con.

Tình hình kinh tế nếu không được cải thiện thì sẽ có nhiều người Cuba tìm cách ra đi. Nhưng nếu tất cả đều đi thì ai «tranh đấu»? Đây là nhận xét của một thanh niên tự xưng là Alexis, vận động viên bóng bầu dục, có may mắn hơn nhiều người. Anh đã có cơ hội sang Pháp, nhưng quyết đinh quay về để cùng giới trẻ xây dựng Cuba.

Putin và đạo quân dư luận viên

Theo nhật báo cảnh tả Liberation, Putin đã sáng chế ra nhà máy sản xuất dư luận viên. Một nhân chứng bút danh Marat, 40 tuổi, cho biết, ông tham gia đạo quân dư luận viên, qua một cơ quan tuyển dụng, loan truyền luận điểm thân Putin trên internet để kiếm tiền. Ngày làm việc bắt đầu lúc 9 giờ sáng, không ai được trể. Điều kiện làm việc: viết nhanh và luôn khen nước Nga và chỉ trích mọi thứ của Tây phương. Nhóm buổi sáng, mỗi ngày viết 700 chữ, xử lý từ 4 đến 5 đề tài. Nhóm buổi tối: 1000 chữ. Cụ thể, trong vụ Charlie Hebdo, phải lên án khủng bố, nhưng cũng công kích chính phủ Pháp không đặt nặng chính sách chống khủng bố. Phải nhấn mạnh đến vụ tranh biếm họa gây bất bình trong thế giới Hồi giáo. Mỗi nhóm chia làm ba người: một người giả vờ bảo vệ một lập trường gây tranh cãi để «tạo tin cậy», hai người đáp trả với giọng điệu hung hăng, bài ngoại. Xong rồi gửi đi khắp các trang mạng thân Putin. Dư luận viên không cần phải đọc xem «đồng chí viết gì», cứ theo bài bản mà làm. Mỗi dư luận viên giữ nhiều tài khoản mạng khác nhau. Marat cho biết chỉ có ba người mà «tạo ra diễn đàn» tranh luận như có hàng trăm người tham gia.

Tại sao làm dư luận viên? Marat trả lời Liberation: vì tiền. Phần đông họ ở tuổi 20 đến 25.

Trở lại chương trình «họp báo trường giang» của tổng thống Nga ngày hôm trước, Liberation mỉa mai: Dân Nga hãy an tâm, có cha già Putin chăm lo về chủ đề này. Le Figaro, cánh hữu bổ túc: Putin cho rằng hai năm nữa nước Nga sẽ thoát khủng hoảng kinh tế tại chính.

Liên quan đến các câu hỏi về quốc tế, tổng thống Nga cam kết «sẽ tái xây dựng một đế chế». Tránh đề cập đến vụ ám sát nhà đối lập Boris Nemtsov, chủ nhân điện Kremli tập trung khen ngợi các cơ quan mật vụ Nga. Ngược lại, ông dành thời gian để tố cáo «những vụ ám sát chính trị» tại Ukraina, sau khi một dân biểu thân Nga và một nhà báo ủng hộ Putin bị ám sát tại Kiev.

Chưa biết tình hình kinh tế Nga sẽ diễn biến theo nhãn quan của chủ nhân điện Kremli hay không, nhưng hàng chục ngàn công nhân Tadjikistan đã bỏ nước Nga, hồi hương trong niềm thất vọng. Le Figaro dành một bài khá dài để cho thấy hệ quả của tình trạng khủng hoảng ở Nga. Matxcơva đã chuẩn bị một danh sách 277.000 người Tadjikistan thuộc thành phần «phải bị trục xuất». Đây cũng là một đòn đau cho nước Trung Á này mà bản thân cũng bị khủng hoảng và nạn tham nhũng làm dân chúng điêu linh.

Trở lại Tây Âu, La Croix báo động: nước Ý tìm cách tổ chức để đón tiếp làn sóng thuyền nhân. Từ nửa triệu đến 1 triệu người từ Libya đang chuẩn bị xuống thuyền vượt biển. Trong vòng có vài ngày mà 10.000 người đã đến Ý. Tin cuối cùng là hàng chục thuyền nhân Thiên chúa giáo chay trốn bạo lực Hồi giáo đã bị thuyền nhân theo đạo Hồi ném xuống biển. Những người còn lại phải ôm chặt lấy nhau bể bảo vệ nhau và mắn đã được cảnh sát biển của Ý cứu kịp. Hơn một chục thủ phạm đã bị bắt.

Bí quyết sống lâu 100 tuổi

Trong bối cảnh những bất hạnh này, cũng xin gửi quý thính giả một tin thú vị: bí quyết sông trên trăm tuổi. Báo miễn phí Direct cho biết, theo điều tra của nhà thám hiểm Dan Buettener, thuộc cơ quan National Geographic, Mỹ, thì trên thế giới có 5 vùng có tiên ông tiên bà: Ikaria ở Hy Lạp, đảo Sardaigne của Ý (gần đảo Corse), Loma Linda ở bang California, Nicoya ở Costa Rica, và Okinawa, Nhật Bản. Ông đã khảo sát và phỏng vấn hàng trăm người trên 100 tuổi trên trái đất và đúc kết bí quyết: tất cả đều tập luyện thể thao, dành thời giờ để giải trí, nghĩ ngơi, sanh hoạt cộng đồng, có quan hệ gia đình gia tộc vững chắc, ăn trưa và tối thật ít, dùng rau, đậu, trái cây nhiều hơn thịt.

Nói tóm lại, để sống lâu, độc giả, thính giả cần phải hoạt động, ăn ít và tiêu khiển lành mạnh. Trong bí quyết này không có thuốc lá và rượu.