Điểm Báo Pháp – 17-3-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 17-3-2016

Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump tươi cười tại cuộc họp báo ở Mar-A-Lago Club, Florida, ngày 15/03/2016. – REUTERS/Joe Skipper

Theo RFI – Thu Hằng – 17-03-2016

Bầu cử sơ bộ Mỹ: Donald Trump chia rẽ đảng Cộng Hòa

Sau ngày «Super Tuesday mini » 16/03/2016, bộ đôi Clinton-Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng rõ nét, sau khi cả hai bỏ xa các đối thủ trong nội bộ đảng của họ. Các nhật báo Pháp tiếp tục đưa tin về cuộc bầu cử sơ bộ ngày càng trở nên căng thẳng và bất ngờ trong số ra ngày 17/03/2016.

Bất ngờ vì tỉ phú Trump hạ đo ván đối thủ Marco Rubio ngay trên sân nhà Florida và buộc thượng nghị sĩ trẻ này tuyên bố bỏ cuộc. Bài xã luận «Cuộc bầu cử sơ bộ đầy bất hòa» trên nhật báo Le Figaro cho rằng «tình hình phức tạp hơn bên phía Cộng Hòa, vì cuộc bầu cử sơ bộ được hy vọng sẽ làm hồi sinh đảng này, nhưng đang có nguy cơ giết chết nó ». Dù giữ khoảng cách xa so với các đối thủ, nhưng «Với Donald Trump, con đường vẫn còn dài», theo nhận định của La Croix vì ông không được chính đảng của mình ủng hộ.

Đối với các thành phần nòng cốt đảng Cộng Hòa, chiến thắng của Trump là một cuộc tàn sát, theo nhận định của bài báo: «Phe Cộng Hòa bên cuộc khủng hoảng cân não» trên trang 2 của Le Figaro. Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng «Các đối thủ của Trump vẫn còn hi vọng cản đường nhà tỉ phú vào tháng Bẩy» tại hội nghị đảng cử ứng viên tổng thống.

«Đừng sợ Donald Trump!»

Vậy tại sao Donald Trump lại khiến mọi người sợ? Đảng Cộng Hòa hốt hoảng. Báo chí cũng lo sợ, thậm chí cả báo chí châu Âu. Làm thế nào mà một người ba hoa, không có kinh nghiệm nào ngoài lĩnh vực bất động sản lại có thể trở thành nguyên thủ của một thế giới tự do? Có những ý kiến so sánh Donald Trump với Hitler hay cho rằng nền dân chủ sẽ sụp đổ dưới gót giầy của Trump. Nhưng «Đừng sợ Donald Trump!» Đây là lời nhận định, pha chút thách thức, của nhà văn Mỹ Iain Levison, được Libération đăng trong mục «Ý kiến».

Theo nhà văn Mỹ, đánh giá Trump không đủ tư cách để tranh cử thì đang đánh giá thấp thảm họa trong đảng Cộng Hòa hiện nay. Trên thực tế, nhà tỉ phú New York chẳng tồi tệ hơn các ứng viên khác trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thậm chí ông còn có thể thay đổi chính sách của nước Mỹ, một cách tốt hơn.

Điều mà người ta thường nghe thấy trong những bài diễn văn của Donald Trump là ông muốn cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ; ông muốn xây một bức tường để ngăn chặn người Mêhicô, mà ông coi họ là những kẻ ăn cướp. Trump dám nói vì những ứng viên khác đều từ chối đề cập tới chủ đề này. Theo nhà văn Mỹ Iain Levison, những đề xuất trên không phải của một người bị điên, mà là những ý kiến thu nhận được từ trào lưu chính trị tại Mỹ.

Nếu có sự khác biệt, đó chính là trong cách trình bày chính sách của Donald Trump. Không mất vài năm theo học các chương trình đào tạo chính trị cần thiết, nên nhà tỉ phú Mỹ sử dụng những từ đơn giản nhất. Trong khi đó, phần lớn các đối thủ Cộng Hòa đều sử dụng “ẩn ý” khi đề cập tới những chủ đề phân biệt chủng tộc. Họ khẳng định không có vấn đề gì với cộng đồng người da đen, mà «phải tái lập lại văn hóa đô thị » và phải thận trọng với «những người lạm dụng hỗ trợ xã hội». Với họ, người Mêhicô không phải là kẻ cắp, mà chỉ là « những người nhập cư tới chiếm việc làm của người Mỹ». Không cần phải trục xuất hết khỏi đất nước những người Hồi giáo, nhưng phải « hết sức cẩn thận với an ninh quốc gia».

Donald Trump không buồn áp dụng những “nghệ thuật” chính trị trên. Và điều này làm đảng Cộng Hòa lo ngại. Thế nhưng, chính việc “nghĩ gì nói nấy” đã giúp Trump thành công. Không phải tất cả đảng viên Cộng hòa đều đồng tình với bất kỳ đề xuất nào của nhà tỉ phú nổi tiếng với tính khí thất thường và hùng hổ trong lời nói. Thế nhưng, ủng hộ Trump là cách họ muốn thể hiện sự bất bình với đảng mà từ hai thập kỷ nay không hề thực hiện bất kỳ lời cam kết nào.

Nhà văn Mỹ đặt câu hỏi: «Liệu Trump có thể trở thành một vị tổng thống tốt hay không?» Có thể là không nhưng chẳng ai biết được. Nhà tỉ phú đã có 30 năm kinh nghiệm đàm phán thành công trong lĩnh vực bất động sản và là người biết cách thỏa hiệp. Chắc chắn bầu không khí chính trị tại Washington sẽ rất căng thẳng, nhưng cũng chẳng thể tệ hơn so với thị trường bất động sản tại New York, nhà văn Mỹ hài hước so sánh.

Một câu hỏi khác: «Liệu Donald Trump có tệ hơn cả Georges Bush hay không?»  Theo nhà văn Iain Levison, một nửa phát biểu của Donald Trump không có giá trị và phần còn lại biến ông thành đứa trẻ học lớp 1. Nếu có người cho rằng đây là thảm họa đối với nền chính trị Mỹ, điều đó có nghĩa là từ lâu họ không theo dõi tình hình đảng Cộng hòa. Nhà văn kết luận: «Donald Trump trở thành tổng thống năm 2016? Đây mới là kịch bản tồi tệ nhất».

Chính sách nhập cư châu Âu rơi vào ngõ cụt?

Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ họp trong vòng hai ngày 17 và 18/03 để tiếp tục bàn về kế sách tiếp nhận người nhập cư. Trong khi đó, hôm qua, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo châu Âu có thể vi phạm nhân quyền nếu trục xuất hàng loạt người về Thổ Nhĩ Kỳ.

Le Figaro cho rằng «Châu Âu sắp đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhập cư». Dẫn lời một quan chức ngoại giao, nhật báo thiên hữu cho biết «những trường hợp đầu tiên bị gửi trả lại sẽ được tiến hành trong vài ngày tới».

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhật báo Le Monde nhận định, chưa bao giờ Ankara lại được “trọng vọng” như vậy. Chính phủ của thủ tướng Erdogan đã biết tận dụng “giá trị” của mình để áp đặt các điều kiện cho châu Âu. Chính vì vậy, vẫn theo Le Monde, Nicosie dọa dùng quyền phủ quyết vì cho rằng Bruxelles quá nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là một khó khăn khác mà Bruxelles phải vượt qua để thuyết phục Cộng hòa Chypre chấp nhận kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên Hiệp Châu Âu, một trong những điều kiện mà Ankara đưa ra.

Nhật báo Les Echos đánh giá về mặt nhân quyền của bản thỏa thuận có thể sẽ được kí kết giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Giải pháp trên sẽ gặp phải những vấn đề pháp lý và vận chuyển khó lòng giải đáp được ngay, như làm thể nào để gửi ngược lại hết số người nhập cư tại Hy Lạp mà vẫn hoàn toàn tôn trọng được luật pháp quốc tế?

Ngoài ra, nội bộ khối 28 nước cũng đang lục đục. Rất nhiều nước thành viên thấy thủ tướng Đức Angela Merkel can thiệp vào bản thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ được trình bày vào phút trót ngày 07/03 vừa qua, đặt các nước vào “thế đã rồi”. Điều này làm giảm giá trị vai trò của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk hiện đang phải thương lượng bản thỏa thuận mà ông không được tham gia hoàn toàn.

Nội bộ lúc đục cũng là nhận định của bài xã luận trên La Croix. Nhật báo công giáo nêu lên ba biện pháp được hữu hiệu nhất : phải có những biện pháp để hạn chế lượng người đến châu Âu,  giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông và đầu tư phát triển vào các nước miền nam Địa Trung Hải.

Viễn cảnh tái lập hòa bình tại Syria trong năm 2016?

Chủ đề Syria cũng được các nhật báo Pháp chú ý đề cập, đặc biệt từ sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định rút dần quân khỏi Syria. Viễn cảnh tái lập hòa bình tại Syria có thể thực hiện được trong năm 2016 hay không ?

Theo bài xã luận của nhật báo Le Monde, quyết định rút quân khỏi Syria được đưa ra chắc hẳn do Matxcơva sợ sa lầy vào cuộc chiến tại đây. Tổng thống Nga đã đạt được các mục đích chính: củng cố chế độ Damas, phô trương sức mạnh của quân đội Nga và khẳng định là một yếu tố quan trọng tại khu vực Trung Đông.

Có vẻ như số phận của tổng thống Bachar Al Assad không còn quan trọng đối với Matxcơva bằng việc bắt tay cùng Washington thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp tại Damas thông qua các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Geneve. Đây là một quá trình còn mong manh nhưng là cách duy nhất.

Chân dung nạn nhân bạo lực gia đình

Chuyển sang đề tài xã hội, theo kết quả nghiên cứu của Viện Thống kê quốc gia Pháp và Viện quan sát về tình trạng phạm pháp, trong vòng hai năm, hơn 270.000 phụ nữ và 120.000 đàn ông là nạn nhân của tình trạng bạo lực thân thể và bạo lực tình dục trong gia đình. Tuy nhiên, chỉ có 10% trong số này nộp đơn kiện. Năm 2014, có 118 phụ nữ và 24 nam giới bị chồng hoặc vợ giết chết.

Nhật báo Le Monde phác họa «Chân dung nạn nhân tình trạng bạo lực trong gia đình» tại Pháp. Theo bài báo, có ba yếu tố chính đó là độ tuổi, trình độ học vấn và tình trạng tàn tật.

Kết quả đáng ngạc nhiên của cuộc điều tra là những phụ nữ trẻ lại là nạn nhân bị bạo hành nhiều nhất với tỉ lệ là 35,3% trong độ tuổi 18-24, tiếp theo là 22,6% ở độ tuổi 25-34 và 15,5% ở độ tuổi 55-64.

Tiếp theo là trình độ bằng cấp giữa người chồng và vợ. 25,7% phụ nữ sống với người đàn ông không bằng cấp hoặc có bằng cấp thấp hơn là nạn nhân bạo hành của người chồng. Trong khi đó, tỉ lệ này là 14% đối với phụ nữ sống cùng với một người đàn ông có ít nhất là bằng tốt nghiệp tú tài hoặc đại học.

Yếu tố cuối cùng là tình trạng tàn tật : 39,1% phụ nữ tàn tật là nạn nhân của nạn bạo hành hay bị quấy rối trong cuộc sống hàng ngày.

Công chức Pháp được tăng lương

Một số thông tin thời sự nổi bật khác tại Pháp là các vấn đề xã hội. Chính phủ Pháp quyết định tăng thêm 1,2 đến 1,3% lương cho công chức nhà nước. Từ 6 năm nay, mức lương này không hề được điều chỉnh.

Tiếp theo là việc nhà nước sẽ thu thuế thu nhập cá nhân ngay tận gốc, tức là ngay từ cơ quan nơi người lao động làm việc bắt đầu từ tháng 09/2018. Có nghĩa là, thay vì mỗi cá nhân phải tự khai thuế hàng năm, chủ lao động sẽ đứng ra thu thuế thu nhập ngay trên mức lương hàng tháng. Cuối năm, doanh nghiệp sẽ nộp lại khoản tiền này cho ngân khố nhà nước. Tin vui đối với người lao động là thu nhập của năm 2017 sẽ không bị đánh thuế.