Điểm Báo Pháp – 17-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 17-2-2015

Chủ tịch TC Tập Cận Bình trong buổi đón tiếp Thủ tướng Pháp tại Đại Lễ Đường, Bắc Kinh ngày 30/01/2015-REUTERS/Fred Dufour/Poo

Trung Cộng đầu tư vào Pháp: vấn đề nhạy cảm

Theo RFI – Thu Hằng – 17-02-2015
Cuối tháng 1/2015 vừa qua, thủ tướng Pháp, Manuel Valls đã có chuyến công du tới Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư Trung Cộng (TC) ngày càng quan tâm tới châu Âu. Thế nhưng, tại Pháp, TC đầu tư lại là một chủ đề chính trị khá nhạy cảm. Tờ Le Monde trong chuyên mục «Hồ sơ» phân tích nỗi lo lắng này dưới tựa đề: «Chào mừng Trung Cộng xâm lăng!».
Sự kiện gây lo lắng trong dư luận Pháp là việc tư nhân hóa sân bay Toulouse. Trước đó, Club Med, một hãng lữ hành Pháp, cũng đã rơi vào tay tập đoàn Fosan của TC. Nhưng chưa hết, trong giới thể thao, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux thuộc tập đoàn Peugeot, cũng có khả năng bị LED Ledus của TC mua lại. Hay gần đây, một công ty sản xuất đèn LED khác, Bắc Kinh Shenan, cũng vừa kí hợp đồng mở một nhà máy sản xuất tại Verdun bắt đầu từ năm 2016 tới. Theo một chuyên gia, «Đây mới chỉ là bước đầu!». Năm 2014, có 272 thương vụ mua bán và đầu tư với tổng số tiền lên tới 103 tỉ đô la (khoảng 90 tỉ euro), so với 200 thương vụ vào năm 2013. Đây là kết quả của việc chính quyền TC đã giảm bớt các thủ tục rườm rà và xóa bỏ việc phải xin phép trước nếu số tiền cần chuyển ra nước ngoài vượt quá 100 triệu đô la. Trong chiến dịch đầu tư ra nước ngoài, Châu Âu là mục tiêu quan trọng của TC. Nếu như trước đây, Hồ Cẩm Đào ưu tiên phát triển kinh tế trong nước và tung đầu tư vào hai khu vực Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh, các nhà cung cấp nhiêu liệu quan trọng nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp TC cho rằng các thủ tục tại Châu Âu quá phức tạp và chuẩn tắc. Thế nhưng, hiện nay, «cuộc chinh phục phương Tây» đang được đẩy mạnh. Khủng hoảng đang hoành hành tại Châu Âu hiện nay đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp TC can thiệp. Không chỉ mua đứt, họ còn quan tâm tới xây dựng các khu vực mới hay trùng tu các cơ sở đã tồn tại. Khoảng 150 hợp đồng đã được kí kết năm 2014 với số tiền lên tới 18 tỉ đô la, gấp đôi so với năm 2013, trong đó, khoảng 10 hợp đồng liên quan tới Pháp. Có thể kể tới việc China Huaxin mua lại tập đoàn Alcatel-Lucent hay Jin Jiang International mua lại tập đoàn Louvre Hôtels quản lý các chuỗi khách sạn như Campanille, Première Classe, Kyriad, Tulip… Ngoài ra, phải kể tới việc quỹ China Investment Corporation đang nắm 30% hoạt động khai thác và sản xuất của công ty sản xuất khí đốt Pháp, GDF Suez. Hiện giờ, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân TC cũng quan tâm đầu tư ra nước ngoài với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các ngân hàng trung ương. Lĩnh vực họ quan tâm là công nghệ, kỹ năng và các thương hiệu mà họ có thể kinh doanh được tại TC. Ngoài ra, còn phải kể tới các quỹ đầu tư TC, như Hony Capital đã mua lại Pizza Express, chuỗi cửa hàng pizza của Anh. Dù phát triển nhanh, song thị phần của TC vẫn khá khiêm tốn tại Pháp. Hiện có khoảng 250 tới 300 doanh nghiệp Pháp có vốn TC sử dụng 15000 nhân công. Con số này vẫn xa so với 440 000 người Pháp làm việc cho các công ty của Mỹ. Một vấn đề đặt ra là, đối với một số người, so với các nước láng giềng như Ý, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đức, thì Pháp gặp khó khăn để thu hút các nhà đầu tư TC. Vì trong mắt người Trung Hoa, Pháp không phải là một nước nổi tiếng về công nghiệp và công nghệ. Các nhà đầu tư Châu Á này lại mê ngành công nghệ của Đức hay lĩnh vực bất động sản và tài chính của Anh. Trong chuyến công du cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Pháp đã cố gắng thu hút giới đầu tư TC khi phát biểu rằng: «Chưa bao giờ Pháp lại mong muốn đón tiếp các doanh nghiệp Trung Hoa đến thế».
Gián điệp công nghệ Trung Cộng tại Pháp
Vẫn liên quan đến TC, một chủ đề được báo Libération quan tâm: đó là «TC tiến hành hoạt động gián điệp trên quy mô lớn» tại Pháp. Một tài liệu mật tổng hợp tình hình của Tổng cục phản gián Pháp – DGSI – cảnh báo về các phương pháp hoạt động tình báo kinh tế của TC, trên mọi lĩnh vực tại Pháp. Về mặt chính thức, quan hệ giữa Pháp và TC đều thuận buồm xuôi gió. TC đầu tư vào nhiều dự án ở Pháp như sân bay Blagnac (Haute-Garonne), Airbus, Club Med, tập đoàn xe hơi Peugeot PSA, các khu trồng nho làm rượu vang ở Bordeaux…Theo lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls, nhân chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, thì không có gì đáng lo ngại cả. Thế nhưng, cơ quan phản gián Pháp không cảm thấy như vậy và cho rằng TC rất «xông xáo» trong lĩnh vực tình báo kinh tế. Phản gián Pháp nhận định, TC «rất giỏi trong việc đánh cắp các thiết bị thử nghiệm và tin tặc», chừng nào chưa bị bắt thì không gì có thể ngăn chặn được họ. Tình báo TC đặc biệt quan tâm đến các đổi mới công nghệ, trong lĩnh vực hàng không, không gian, y sinh. Cục 2 của quân đội TC trực tiếp chỉ đạo các hoạt động này. Một mối quan tâm khác của chính quyền TC là theo dõi, giám sát các nhà ly khai, đối lập chính trị. Giới lãnh đạo Bắc Kinh rất lo ngại phong trào Pháp Luân Công, vấn đề người Tây Tạng, các hiệp hội ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng, các cộng đồng người Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ và các nhà ly khai chính trị. Báo Libération cho biết là ngay cả Tổng cục phản gián Pháp cũng đã từng bị tình báo TC thâm nhập. Cách nay vài năm, một lãnh đạo của DGSI dường như đã tỏ ra «mềm yếu» trước một đối tượng TC làm việc cho cơ quan tình báo của Bắc Kinh. Tài liệu của phản gián Pháp nêu rõ, các nhân viên tình báo TC hoạt động với «vỏ bọc» ngoại giao trong sứ quán TC tại Paris và các cơ quan lãnh sự ở Marseille, Strasbourg (nơi có Nghị viện Châu Âu), Lyon và Polynésie thuộc Pháp. Bắc Kinh cũng thường xuyên điều phái các nhân viên tình báo dưới danh nghĩa sinh viên, thực tập sinh, thành viên các phái đoàn thương mại và những người này là «những chuyên gia đi lạc đường trong các cuộc viếng thăm nhà máy». Theo sứ quán Pháp tại Bắc Kinh, hiện có khoảng 50 ngàn sinh viên Trung Hoa đang theo học tại Pháp. Đương nhiên, tất cả không phải là gián điệp của Bắc Kinh. Các dự án liên doanh nghiên cứu giữa các tập đoàn bào chế dược phẩm cũng là đối tượng nhòm ngó của tình báo kinh tế TC. Một nhân viên phản gián Pháp nói với báo Libération, «trên thực tế, tình báo  TC «vẫn hoạt động với tâm lý như thời chiến tranh lạnh», «bất kể lúc nào, mọi thành viên của cộng đồng người Trung Hoa, đặc biệt là các sinh viên đang theo học đại học, các thực tập sinh trong những doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn» có thể được sử dụng để thu thập thông tin. Do vậy, rất khó ngăn chặn các hoạt động này. Việc chỉ định các đại diện những hiệp hội sinh viên, giới nghiên cứu TC tại  Pháp, lãnh đạo các viện Khổng Tử, đều phải có sự chấp thuận của sứ quán TC. Do không có đủ người để theo dõi, giám sát, DGSI tìm cách cảnh báo, kêu gọi tinh thần cảnh giác trước nguy cơ tình báo kinh tế trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Cũng do thiếu phương tiện và nhân lực, từ năm 2011, cơ quan phản gián và hiến binh Pháp đã không còn hợp tác với nhau nữa trong việc điều tra, ngăn chặn hoạt động tình báo kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, DGSI tìm cách thiết lập mối quan hệ làm việc với giới lãnh đạo các trường đại học, các viện công nghệ hoặc các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn.
Hy Lạp: Thương lượng nợ với Châu Âu
Về thời sự Châu Âu, vào lúc cuộc thương lượng giữa Athenes và Châu Âu về kế hoạch giải quyết nợ công của Hy Lạp bị bế tắc và một trong những nguyên nhân là do thái độ cứng rắn của Berlin, trang kinh tế báo Libération có bài phỏng vấn ông Daniel Cohn Bendit, nguyên đồng Chủ tịch nhóm Nghị sĩ đảng Xanh tại Nghị viện Châu Âu. Theo ông: «Đức đánh giá thấp, không đúng mức độ kiệt quệ của xã hội Hy Lạp». Libération cho rằng người ta có cảm giác Đức muốn trừng phạt Hy Lạp. Ông Cohn Bendit giải thích : Đức cũng như các nước Bắc Âu, Hà Lan tin rằng chỉ mình Hy Lạp phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế hiện nay và Athenes phải trả giá cho lỗi lầm này. Vẫn theo ông Cohn Bendit, dân Đức tin rằng chính họ tự tái thiết đất nước sau chiến tranh. Điều này hoàn toàn sai. Nếu không có kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ, nếu không có thỏa thuận Luân Đôn năm 1953 xóa bỏ một phần nợ của nước Đức và nếu không có dự án xây dựng Liên Hiệp Châu Âu, thì không rõ bây giờ nước Đức ra sao. Chính phủ Đức hiện nay tìm cách duy trì suy nghĩ này trong người dân. Chính vì thế, Đức mới tự cho phép mình lên lớp, dạy dỗ Châu Âu. Tình hình Châu Âu càng trở nên phức tạp, trong khi Hy Lạp thì lại tin rằng họ là nạn nhân của lịch sử, của đế chế Ottoman, của Thổ Nhĩ Kỳ, của Đức, Hoa Kỳ và bây giờ họ là nạn nhân của Châu Âu. Nói tóm lại đó là một nước Hy Lạp bị truy bức và không chịu trách nhiệm gì cả. Ông Cohn Bendit tố cáo, trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, chính quyền Berlin đã cư xử như Matxcơva trong hồ sơ khủng hoảng Ukraina và Hy Lạp thì cư xử như Ukraina, luôn luôn coi mình là nạn nhân. Do vậy, ông Cohn Bendit cho rằng Đức và Hy Lạp nên quay lại đối thoại với nhau và ông tin tưởng là Hy Lạp không ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Nhà nước Hồi giáo tới cửa ngõ Châu Âu
Nhà nước Hồi giáo thảm sát 21 người theo đạo Cơ đốc tại Libya gây sốc cho toàn thế giới. Liên Hiệp Châu Âu lo lắng vì vụ việc diễn ra chỉ cách nước Ý khoảng 350 km. Trên trang nhất, cùng với hình ảnh người dân tưởng nhớ 21 nạn nhân, báo Le Figaro đăng dòng tựa lớn: «Tàn sát 21 người Cơ đốc giáo tại Libya: trả đũa thế nào?» Cũng trên trang nhất, bài xã luận lo ngại: «Hành động dã man ngay ở cửa ngõ chúng ta». Báo Le Monde thông tin «Ai Cập đáp trả nhà nước Hồi giáo sau vụ hành quyết người Thiên chúa giáo» bằng cách đánh bom các vị trí đóng quân của tổ chức này tại Libya.
Trang nhất các báo
Các chủ đề thời sự của Pháp trên báo chí ngày hôm nay là vụ xét xử “Carlton” liên quan tới cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và cải tổ luật lao động của Pháp trong chuỗi luật Macron. Về thời sự quốc tế, các nhật báo tiếp tục đề cập thông tin tới Libya, một mặt trận mới chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo; cú sốc sau vụ khủng bố tại thủ đô của Đan Mạch và lo lắng thỏa thuận ngừng bắn kí tại Minsk có thể bị chết yểu. Thời sự Châu Á được đề cập trên trang quốc tế của báo Les Echos với các thông tin Nhật Bản thoát khỏi suy thoái nhưng tăng trưởng rất chậm. Còn tại Trung Quốc, đầu tư nước ngoài giảm nhịp. Và Thái Lan đang nỗ lực xóa bỏ vết tích của cuộc khủng hoảng chính trị 2014.