Điểm Báo Pháp – 16 tháng 5, 2015
Rất nhiều người tỵ nạn Rohingya chạy từ Miến Điện sang Bangladesh. Một ảnh chụp tại Teknaf, 13/06/2013 – Reuters/Andrew Biraj
Theo RFI – Minh Anh –16-05-2015
Đông Nam Á: những thân phận đau khổ trên biển
Thuyền nhân Đông Nam Á là chủ đề thời sự nóng trên các trang báo Pháp cuối tuần, 16/05/2015. Libération chua xót đề tựa: «Đông Nam Á: Những thân phận khốn khổ của biển cả». Le Monde có bài «Hàng nghìn người Rohingya Miến Điện phiêu dạt trên Ấn Độ Dương». Còn Le Figaro ngao ngán chạy tựa «Tại Đông Nam Á, thân phận bọt bèo của các thuyền nhân».
Libération dành hai trang lớn kèm theo những hình ảnh thật xót xa: Một thanh niên đang chới với ngoài khơi biển Andaman do tàu bị đắm. Một ảnh khác cho thấy trực thăng đang kéo một chiếc tàu chở đầy người ra lại ngoài khơi. Những gương mặt hốc hác, bơ phờ đầy tuyệt vọng trên những chiếc thuyền nhét đầy người lênh đênh trên biển là những tấm ảnh được các hãng AFP của Pháp và Reuters của Anh chụp, được tờ Libération đăng lại. Le Monde thì tả lại cảnh một chiếc thuyền mong manh trên biển trên cờ hiệu có ghi dòng chữ «Chúng tôi là người Rohingya từ Miến Điện». Theo Libération, những chiếc tàu chở đầy thuyền nhân sau nhiều tháng trôi dạt trên biển đã bị những kẻ dẫn đường bỏ rơi, không lương thực, không nước uống, bệnh tật không có thuốc men. Theo ước tính của một tổ chức phi chính phủ Arakan Project, «rất có thể có đến 8000 thuyền nhân hiện vẫn còn đang lênh đênh trên biển». Trong bối cảnh này, biển Andaman, ở đông-bắc Ấn Độ Dương đang sắp biến thành một «Địa Trung Hải của Châu Á», theo như nhận định của Le Monde. Còn Le Figaro cho rằng đây chính là hậu quả trực tiếp của việc hồi trong tuần, Indonesia và Malaysia thông báo xua lại ra khơi tất cả các tàu chở đầy thuyền nhân nào có ý định tiếp bờ. Bởi lẽ sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát của các chính phủ trong khu vực. Thân phận của những thuyền nhân giờ giống như những trái bóng bàn «ping-pong» như nhận định của Le Figaro. Indonesia xua qua, Malaysia đẩy lại. Thái Lan khóa cửa, Miến Điện thì ruồng bỏ. Nhật báo cánh hữu này còn dẫn lại lời thuật của một viên cảnh sát tả lại những cảnh tượng thật khủng khiếp và rất đau lòng. Đó là những lời van xin ỉ ôi hay như cảnh các thuyền nhân ném bạn đường xuống biển. Đến mức, một viên cảnh sát phải thốt lên «Họ đang tàn sát lẫn nhau». «Một định mệnh bi thảm», Le Figaro nhận định. Để trốn chạy sự đói nghèo và các vụ thảm sát sắc tộc, hàng nghìn người Bangladesh và Rohingya chiếm phần đông đã rời bỏ xứ sở. Thường các đường dây đưa người bằng đường bộ qua ngả Thái Lan để đến Malaysia. Nhưng kể từ khi Thái Lan thông báo quyết tâm chặn đứng tình trạng nhập cư trái phép, sau vụ phát hiện các hố chôn gần 30 thi thể trong khu rừng rậm tỉnh Songkhla, phía Nam Thái Lan, nên mới có thảm họa thuyền nhân trên biển như vậy.
Thái Lan: vương quốc nạn buôn người
Về vụ việc này, tờ nhật báo The Daily Star tại Dacca, Bangladesh, nhận định rằng sự việc đã lộ rõ cả một mạng lưới buôn người rộng lớn liên quan đến nhiều quốc gia như Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan và Malaysia. Đồng thời vụ việc đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lộn xộn trong ngành cảnh sát Thái Lan. Bài viết được tuần san Courrier International trích dịch và đăng lại qua hàng tựa «Thái Lan: Tại vương quốc của nạn buôn người». Theo lời thuật của nhiều nhân chứng, những tên dẫn đường nhốt đoàn người Bangladesh hay Rohingya trong những trại trung chuyển nằm giữa rừng sâu ở Thái Lan. Tại đây, những người nào mà gia đình của họ ở quê nhà nộp đủ số tiền chuộc dao động từ 200.000-350.000 takas (2260-3955 euro) cho những băng đảng địa phương thì được thả ra đi tiếp. Bằng những ai không có tiền giao nộp sẽ bị đem bán như là nô lệ cho các chủ ngành công nghiệp đánh cá tại Thái Lan, theo như tiết lộ của tờ The Guardian hồi năm 2013. Cũng theo các nhân chứng, nạn buôn người này được nhiều mạng lưới có tổ chức kiểm soát. Ông Matthew Smith, giám đốc điều hành của Tổ chức phi chính phủ Fortify Rights trong một thư trả lời tờ Daily Star xác nhận: «Trong một số trường hợp, chính quyền Thái Lan từng là đồng lõa của nạn buôn người như bán họ cho các tổ chức tội phạm (…)». Thái Lan, vào tháng Giêng năm nay, đã công nhận : hơn một chục quan chức tỉnh của vương quốc đã bị xét xử vì tội tham gia hay đồng lõa trong nạn buôn người, trong đó có nhiều cảnh sát cao cấp và một sĩ quan hải quân.
Ấn Độ – TC: «kình địch truyền kiếp, đối tác bắt buộc»
Cũng tại Châu Á, nhưng trong lãnh vực ngoại giao, chuyến công du TC ba ngày của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay kết thúc. Làm thế nào thu hút đầu tư của TC để phát triển cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, nhưng đồng thời cũng phải kìm hãm được đà bành trướng ảnh hưởng của TC trong khu vực, là hai vấn đề ông Modi cần phải giải quyết được với Bắc Kinh. «Ấn Độ và Trung Quốc: đối thủ truyền kiếp, đối tác bắt buộc» là hàng tựa của Le Monde. Mặc dù cả hai quốc gia này đều là những cường quốc đông dân nhất tại Châu Á, nhưng nền kinh tế của Ấn Độ kém trọng lượng hơn TC đến 5 lần. Cách đâu 27 năm, Đặng Tiểu Bình từng nói với Rajiv Gandhi, Thủ tướng Ấn lúc bấy giờ «Một thế kỷ 21 Châu Á chỉ có thể xảy ra nếu như Ấn Độ và Trung Quốc hợp lại với nhau». Giờ đây, New Dehli đang nhìn thấy thế kỷ Châu Á đang vuột khỏi tầm tay và tạo thuận lợi cho TC. Do đó, để chống lại các tham vọng của TC, ông Modi đề xuất các mối liên minh mới. Đầu tiên hết là chuyến công du Nhật Bản hồi tháng 9/2014, ngầm chỉ trích «chính sách bành trướng» của TC. Tiếp đến tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng Giêng năm nay, nhấn mạnh đến «tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do lưu thông trên biển, nhất là tại Biển Đông». Bởi lẽ hành động bành trướng của TC tại Châu Á đang làm sống lại nỗi sợ hãi từ cuộc chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962. Bắc Kinh hiện đang xâu từng chiếc hạt cho chuỗi dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều chương trình rất gần với phía mặt biển của Ấn Độ, để hình thành hai con đường tơ lụa, trên biển và trên bộ. Sợ rằng một ngày nào đó sẽ bị xiết chặt bởi «xâu chuỗi ngọc» đó, Ấn Độ liên tục gia tăng đối tác với nhiều đảo quốc trong khu vực Ấn Độ Dương, như Maurice, Seychelles và Sri Lanka hồi tháng Ba năm nay. Nhưng có lẽ đáng lo nhất là sự hợp tác giữa TC và Pakistan. Chuyến công du chính thức Islamabad của Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua đã được New Dehli theo dõi sít sao. TC cam kết đầu tư 46 tỷ đô-la để xây dựng một hành lang kinh tế nối cảng Gwadar và Thiên Tân. Dự án khổng lồ này, đối với Ấn Độ là một sự can dự lớn về mặt hậu cần và an ninh. Không những vậy, Bắc Kinh còn gia tăng hợp tác quân sự và cảnh sát với Islamabad để bảo vệ kiều dân của mình. Dù sao, mối quan hệ đó cũng có mặt tích cực cho Ấn Độ. Theo quan điểm của Andrew Small, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford: «Các dự án về kinh tế hành lang TC – Pakistan và các áp lực của TC lên Pakistan có thể sẽ khiến cho quốc gia này giữ một vai trò có chừng mực và thậm chí có tính xây dựng hơn. Do Pakistan trở nên ‘bình thường’ hơn về mặt kinh tế và chính trị, nên quốc gia này cũng trở thành một láng giềng dễ bảo hơn đối với Ấn Độ».
Châu Âu cũng khốn khổ vì thuyền nhân
Hồ sơ thuyền nhân cũng đang làm cho Châu Âu phải vò đầu bứt tóc. Trang nhất Le Figaro chạy tựa «Báo động đỏ: Thuyền nhân ở ngay cửa biên giới Pháp – Ý». Gần một ngàn dân nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ tại Nice. Người ta có thể nhận ra họ, đến từ Châu Phi ngồi bên vệ đường trước nhà ga. Số khác thì đang tìm cách bắt tàu đi Paris. Số khác nữa đang vượt qua các dãy núi giữa Áo và Ý. Đối với cảnh sát, đây chẳng khác gì đang chơi trò «mèo bắt chuột». Khoảng vài chục tên dẫn đường đã bị bắt. «Mẻ lưới đang dần xiết chặt» nhật báo viết. Đây cũng là tờ báo chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch giải quyết nạn nhập cư trái phép do Ủy ban Châu Âu đề xuất. Tờ báo trích lời nhận định của ông Yves Threard cho rằng «Phân chia người tỵ nạn theo định mức là một giải pháp tồi. Điều đó có nguy cơ gây ra bất hòa vừa đáng thương vừa vô ích giữa các chính phủ (…). Anh quốc, Ailen và Đan Mạch đã từ chối không tham gia. ( …). Những tình cảm tốt hiếm khi là một chính sách tốt». Bài phóng sự «Trong tay của mafia» của Le Monde về biên giới Macedonia và Serbia là một minh chứng cho nhận định trên. Nhân chứng là một thanh niên Syria, cũng như bao người đồng hương khác đến Châu Âu qua một đảo Hy Lạp. Nhân chứng này đã kể lại đoàn của anh đã bị các băng đảng người Afghanistan tấn công như thế nào. Thế nhưng đối với họ «Hành trình đã làm thay đổi con cháu của chúng tôi, làm chúng trở nên cứng cỏi hơn». Còn đối với một người làm công tác thiện nguyện, «Châu Âu đang hất những người chạy nạn vào vòng tay của mafia».
Pháp làm gì với «Mistral», nếu không bán cho Nga?
Trên lĩnh vực quốc phòng, Libération chú ý đến căng thẳng giữa Nga và Pháp trên hồ sơ «Mistral», chiến hạm sân bay của Pháp. «Mistral kẻ thua cuộc» là tít lớn trên nhật báo. Nước Pháp chính thức đề nghị hủy hợp đồng giao Mistral cho Nga và đề xuất món tiền hoàn trả là 785 triệu euro. Nhưng phía Nga không đồng tình và đòi bồi thường hơn tỷ euro. Ngoài những thắc mắc xung quan món tiền bồi thường, nhật báo cũng đặt câu hỏi về số phận của hai chiếc chiến hạm. Rồi phải làm gì với hai chiếc tàu đang neo đậu tại cảng Saint-Nazaire? Nếu có bán lại thì «bán cho ai?». Người mua thì đâu có nhiều, chẳng lẽ lại phải tháo dỡ. Nếu như vậy, chi phí ước tính không những sẽ «quá đắt mà còn làm mất uy tín».
Bí ẩn của tâm hồn Nga
Nhật báo Công giáo La Croix tiếp tục dẫn độc giả sang đến nước Nga. Để tìm hiểu tâm tư của họ, nhật báo mở một hồ sơ dài nhiều trang đề tựa «Những bí ẩn của tâm hồn Nga». Một xã hội «vốn bị hiểu sai, đang nảy sinh nhiều nghịch lý, đó là một đất nước mới hướng về Châu Âu và cũng là một nước Nga truyền thống ủng hộ Putin». Phóng sự tại Perme, một thành phố công nghiệp bang Oural, cho thấy đâu đó vẫn còn những chiếc loa phóng thanh ra rả những bản nhạc ca ngợi vinh quang của những người lao động thời Xô Viết cũ. Nhưng đối với nhiều người tại đó, «Đã khá hơn trước rồi!». Nhưng cũng có nhiều người trẻ, sinh viên, bằng cấp trong tay mơ ước thử dịp may nơi chân trời xa như Matxcơva, Luân Đôn, Paris hay New York. Nhìn chung, đối với người Nga: «Các căng thẳng quốc tế xếp sau các mối bận tâm thường nhật».