Điểm Báo Pháp – 16-7-2015
Theo RFI – Thu Hằng – 16-07-2015
Hiệp định hạt nhân Iran làm xáo trộn cân bằng tại Trung Đông
Bài xã luận trên Le Monde nhận định bản thỏa thuận này không hoàn hảo. Iran chỉ dỡ bỏ một phần trang thiết bị nguyên tử và chấp nhận sự giám sát của quốc tế để đổi lại việc quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận. Mục đích của hiệp định này là nhằm xóa bỏ sự phát triển hạt nhân tại khu vực luôn nhen nhóm xung đột cùng với ba nước láng giềng đã phát triển hạt nhân bất hợp pháp là Israel, Ấn Độ và Pakistan.
Cả Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều cho rằng hiệp định với Iran làm thay đổi cục diện trong khu vực. Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, năm 2012, tổng thống Barack Obama đã nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran, với hy vọng sẽ phác lại bản đồ cân bằng sức mạnh tại khu vực Trung Đông. Khi tổng thống Hassan Rohani nhậm chức năm 2013, chính quyền Hoa Kỳ đã hy vọng tới chiến thắng của phe ôn hòa trước những người chủ trương bành trướng sức mạnh của Iran trong khu vực và luôn tỏ ra chống Mỹ, trong bối cảnh tổng thống Obama chủ trương rút dần quân khỏi Trung Đông.
Luận thuyết trên của ông chủ Nhà Trắng giúp Iran tăng cường vị thế, cũng như các lợi ích chiến lược trong phạm vi ảnh hưởng của hệ phái Shia, trải dài từ khu vực biển Địa Trung Hải (Liban) tới vùng Vịnh (Irak) và Syria. Sau hiệp định kí kết cách đây hai ngày, Hoa Kỳ sẽ phải hạn chế gây áp lực trước việc Iran trợ giúp cho các lực lượng dân quân theo hệ phái Shia tại Irak trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Liên quan tới Syria, Hoa Kỳ cũng sẽ phải hạ giọng chỉ trích việc Teheran ủng hộ tổng thống Bachar Al-Assad vì việc duy trì chế độ hiện nay có ý nghĩa chiến lược đối với lợi ích của Iran và phe Hezbollah tại Liban, đồng minh thân cận của Iran. Tờ Le Figaro cho rằng Hoa Kỳ và Iran sẽ sát cánh với Nga để tìm ra lối thoát cho tổng thống Syria là khả năng có thể xảy ra trong vài năm tới.
Dĩ nhiên, Washington sẽ không bỏ rơi các đồng minh Ả Rập tại vùng Vịnh, đặc biệt là Yemen trong cuộc chiến chống các lực lượng dân quân Houthi do Iran yểm trợ.
Trong bài diễn văn trên truyền hình, tổng thống Rouhani tỏ ra xoa dịu tình hình với cam đoan Iran hoàn toàn có lợi khi Trung Đông ổn định. Tuy nhiên, những lời phát biểu của ông không làm các nước Ả Rập theo hệ phái Suni an lòng. Những quốc gia này luôn tin rằng Teheran sẽ tận dụng sức mạnh, cả về kinh tế lẫn chính trị, để can thiệp sâu hơn vào khu vực.
Khoản thu nhập 150 tỉ đô la sắp tới từ dầu khí đã khiến các quốc gia láng giềng «chóng mặt». Một phần có thể sẽ được hỗ trợ cho phe Hezbollah tại Liban. Cho tới nay, theo ước tính của các chuyên gia, phe này vẫn nhận được 200 triệu đô la hàng năm để tiếp tục chiến đấu cùng với lực lượng quân đội Syria. Tờ Le Figaro cho biết đối tác chiến lược này được chính Iran thành lập vào năm 1982 để theo dõi kẻ thù « truyền kiếp » Israel và để dễ dàng chi phối Liban hơn. Một phần khác sẽ được dùng để cho chế độ Syria vay.
Các quốc gia theo hệ phái Suni tại vùng Vịnh đã không ngồi yên chờ tới lúc ký kết hiệp định để thích nghi với cục diện mới trong khu vực. Từ vài tháng nay, Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với nhau để ủng hộ các phe nổi dậy chống chế độ của Bachar Al-Assad. Sự đối đầu ngày càng rõ ràng, giữa một bên là Iran và các nước lệ thuộc (Syria, Liban, Yemen) và bên kia là Ả Rập Xê Út cùng với liên quân, càng khiến giới quan sát nghi ngại hơn về ván bài của tổng thống Obama. Thay vì hạ vũ khí, cả hai phe đều tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Ả Rập Xê Út đã chi tới 50 tỉ đô la để hiện đại hóa quân đội, trong đó có hải quân. Còn Iran, trong bản kế hoạch được công bố ngày 30/06 vừa qua, đã quyết định giành 5% ngân sách cho quốc phòng, đặc biệt là hệ thống đạn đạo.
Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể thổi bùng xung đột giữa hai nước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khả năng này khó có thể xảy ra vào thời điểm này. Vì theo nhận định của một chuyên gia, « khu vực này bị phân rẽ tới mức mỗi quốc gia chủ chốt hành động tùy theo lợi ích của mình và riêng một quốc gia không thể dẫn dắt được toàn khu vực này ».
TC tăng trưởng ổn định?
Sau một tuần lao đao trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, tuần này, chính phủ TC đã công bố mức tăng trưởng GDP đạt 7%. Theo Le Monde, «TC ổn định được mức tăng trưởng», còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng: «TC tìm cách trấn an khi công bố mức tăng trưởng 7%».
Theo Le Monde, đây là mức tăng trưởng tương đương với ba tháng trước, đúng với mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra cho năm nay. Còn tờ Les Echos cho rằng, chỉ hai tuần sau sáu tháng đầu năm, mức tăng trưởng 7% mà Bắc Kinh công bố mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn.
Để có thể duy trì nhịp độ như trên, Nhà nước đã phải tăng cường nhiều biện pháp can thiệp. Thứ nhất, trong lĩnh vực Ngân hàng với bốn lần hạ lãi suất từ tháng 11/2014, tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho lĩnh vực đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực thị trường chứng khoán mà lần can thiệp gần đây nhất khi thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt giảm tới 25%.
Theo những số liệu thống kê của Bắc Kinh, có rất nhiều lý do để hy vọng vào sức tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới này. Trước hết, phải kể tới các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và bán lẻ cũng tăng mạnh. Ngay cả lĩnh vực bất động sản cũng có những dấu hiệu phục hồi: ở một số thành phố lớn, giá bất động sản đang tăng trở lại.
Tuy nhiên, Le Monde đặt câu hỏi liệu những biện pháp can thiệp của chính phủ đang không phải đi ngược lại cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình khi ông tuyên bố «để thị trường đóng vai trò quyết định», cách đây một năm.
Dù TC có những bước tiến đáng kể nhiều hồ sơ quan trọng như khả năng chuyển đổi đồng nhân dân tệ và tự do hóa tín dụng ngân hàng, song Bắc Kinh vẫn chưa có nhiều cải cách để giảm bớt vai trò của lĩnh vực công đang thống trị và có hại cho lĩnh vực tư nhân, đặc biệt là những cải cách về doanh nghiệp do Nhà nước quản lý.
Thành phố Bombay mất 40% diện tích rừng sú vẹt trong vòng 10 năm
Chính phủ Ấn Độ vừa bật đèn xanh cho việc phá 108 ha rừng sú vẹt ngoại ô đông nam thành phố kinh tế Bombay để xây dựng một sân bay mới với diện tích khoảng 300 ha. Tờ Le Monde phản ánh lời báo động của các nhà bảo vệ môi trường trong bài: «Thành phố Bombay mất 40% diện tích rừng sú vẹt trong vòng 10 năm».
Khu vực nước mặn đầy sình lầy tại Bombay là môi trường sinh sống của loài cây mắm Avicennia marina, thuộc họ Cỏ roi ngựa, có khả năng chịu được hàm lượng kim loại nặng cao (chì, chrom, thủy ngân) có mặt trong các nguồn nước xung quanh. Theo các chuyên gia, rừng sú vẹt là hàng rào tự nhiên để ngăn chặn nước biển xâm lấn đất liền. Ngoài việc đóng vai trò cần thiết trong việc bảo tồn sự đa dạng của hệ sinh thái, rừng sú vẹt còn giúp thành phố Bombay tránh được hàng trăm ngàn con chim hồng hạc về trú đông.
Thế nhưng, khoảng 108 héc ta rừng sắp bị phá hủy để phục vụ nhiều dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn. Trong số đó phải kể tới hai dự án xây dựng chính là sân bay và một tuyến đường cao tốc dài 36 km chạy dọc ven biển để giảm tải cho tình trạng giao thông luôn ùn tắc tại phía bắc và nam của thành phố.
Bất chấp những lời cảnh báo về tác động của những dự án này tới môi trường, chính quyền địa phương cho biết cả hai công trình lớn trên sắp được khởi công. Cần phải nhấn mạnh rằng, đội ngũ lãnh đạo hiện nay của vùng này theo Đảng Dân tộc Ấn Độ của thủ tướng Modi. Trong khi đó, người đứng đầu chính phủ ủng hộ chính sách xây dựng những công trình lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Để xúc tiến các dự án trên, thời gian nghiên cứu tác động của các dự án tới môi trường chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 ngày. Trong khi đó, theo các chuyên gia, rất nhiều nghiên cứu cần tới hai năm. Kết quả là, chỉ trong vòng vài tuần, hơn một nửa số lượng dự án đang chờ giấy phép, bỗng được bật đèn xanh.
Vì vậy, các nhà bảo vệ môi trường tại Bombay càng thêm lo lắng tình về trạng hiện nay. Chỉ trong vòng 10 năm, thành phố đã mất khoảng 40% diện tích rừng sú vẹt để phục vụ các dự án đô thị. Ngoài ra còn phải kể tới hiện tượng các bãi rác mọc lên bừa bãi và đặc biệt là các đường xả nước thải xuất hiện ngày càng nhiều.
Nghi ngờ doping tại cuộc đua xe đạp Tour de France 2015
Cuộc đua xe đạp Pháp quốc Tour de France đang bị đắm trong tình trạng bất ổn. Môn đua xe đạp trong nhiều năm qua được coi là nổi tiếng của nước Pháp vẫn bị tai tiếng về doping. Báo Libération đăng trọn trên trang nhất: «Hiểm họa áo vàng».
Tay đua Chris Froome tỏ ra quá mạnh trong vòng đua leo núi Pyrénées lại khơi dậy sự nghi ngờ về nguồn gốc thành tích của những tay đua mạnh nhất trong cuộc đua Tour de France năm nay.
Cựu tay đua Lance Armstrong viết trên mạng xã hội Twitter, ngày 14/07/2015: «Froome, Porte và Sky quá mạnh, quá mạnh để tin rằng họ thi đấu trung thực? Đừng hỏi tôi, tôi không có manh mối». Trên France Télévisions, cựu cua-rơ Cédric Vasseur thấy «nghi ngờ» tay đua Froome đã không bị Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) kiểm tra.
Còn trên đài RMC, cựu Giám đốc thể thao Cyrille Guimard chất vấn: «Sky sử dụng hộp dưỡng khí trong lúc nghỉ ngơi, cách này hợp pháp nhưng gây tranh cãi vì nó thúc đẩy quá trình oxy hóa tự nhiên».