Điểm Báo Pháp – 16-3-2015
Hạt nhân Iran: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran 16/03/2015Zarif trước khi ngồi trở lại vào bàn họp ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2015. – Reuters
Theo RFI – Minh Anh – 16-03-2015
Đàm phán hạt nhân Iran – Mỹ: vẫn còn nhiều trở ngại
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry hôm qua 15/03/2015 đã gặp đồng nhiệm Iran, Mohammad Javad Zarif tại Lausanne, bắt đầu «Một tuần lễ quan trọng trên hồ sơ hạt nhân Iran», theo như hàng tựa nhận định của Le Monde số ra ngày cho hai ngày Chủ nhật 15/03 và thứ Hai 16/03/2015. Từ đây cho đến cuối tháng 3/2015, cả hai bên phải đạt được một thỏa thuận để từ đó đi đến một đồng thuận chung. Tuy nhiên, theo quan sát của nhật báo, vẫn còn nhiều cản trở trong cuộc thương lượng lần này.
Đầu tiên hết, tờ báo nhận định chưa từng thấy một cuộc thương thuyết ngoại giao nào dài dằng dặc, phức tạp và có một tầm mức quảntọng đến như vậy. Đó cũng vì một mục đích duy nhất: tránh phổ biến hạt nhân tại Trung Đông, một trong những khu vực bất ổn nhất. Theo lịch trình, cả hai ngoại trưởng từ đây đến trước ngày 31/03 sẽ phải đạt được một thỏa thuận chính trị, ấn định những đường nét chính cho một đồng thuận. Để từ đó cho đến cuối tháng Sáu, đồng thuận này sẽ phải được hoàn tất bằng các phần phụ lục kỹ thuật đính kèm.
Tờ báo nhắc lại vào tháng 11/2013, sau hai lần trì hoãn, một thỏa thuận sơ bộ đã được ký kết giữa Iran với các nước thành viên của khối P5+1, bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với sự tham gia của Đức. Nội dung chính gồm việc Iran tạm thời ngưng các hoạt động hạt nhân, và việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của quốc tế nhắm vào Iran do bởi Phương Tây nghi ngờ quốc gia Hồi giáo này đang tìm cách tự trang bị vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự.
Hiện những nét chính của một đồng thuận đã rõ. Vấn đề trọng tâm chủ yếu tập trung vào khả năng làm giàu chất uranium của Iran, một loại nhiên liệu quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân và cơ chế giám sát để kiểm tra xem Teheran có giữ đúng những cam kết của mình trong thỏa thuận khung hay không. Theo đó, Iran sẽ không phát triển mạnh hơn nữa có lò ly tâm và sẽ xuất một phần đáng kể lượng uranium tồn kho đã được làm giàu sang Nga.
Theo nhận định của ông Nicolas Nicoullaud, cựu đại sứ Pháp tại Iran, «những trở ngại kỹ thuật chính dường như đang được giải quyết xong, giờ chỉ còn vấn đề chính trị». Những vấn đề đó bao gồm hai trình tự : thời hạn của thỏa thuận và nhịp độ dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Về thời hạn, Pháp cho rằng thời hạn 10 năm mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gợi ý là chưa đủ. Trong khi đó, phía Iran yêu cầu không quá năm năm. Trên thực tế, đối với Teheran, thử thách chính yếu là dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt (bao gồm từ Mỹ, Châu Âu và Liên Hiệp Quốc). Đây cũng là ưu tiên hàng đầu tuyệt đối của Tổng thống Iran. Do bởi, tính chính đáng của Tổng thống Hassan Rohani đều được đặt trên khả năng cải thiện mức sống cho người dân nhằm chống lại những kẻ cực đoan của chế độ, vốn dĩ phản đối mọi sự nhượng bộ, dù chỉ là rất nhỏ trên hồ sơ hạt nhân.
Người dân Iran yêu cầu phương Tây, và nhất là của Liên Hiệp Quốc phải dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế đất nước. Đó là chưa kể đến việc giá dầu thô giảm gây hậu quả đáng kể đến nguồn thu chính của đất nước. Một đòi hỏi ảo tưởng, Le Monde nhận xét. Bởi vì điều đó sẽ tước đi của phương Tây những công cụ hữu ích để chống lại Iran trong trường hợp quốc gia này đi trệch hướng.
Ngân hàng đầu tư Bắc Kinh gây chia rẽ nội bộ phương Tây
Luân Đôn ngày 12/03 vừa qua, với quan điểm «thực dụng» đã không ngần ngại phản bội đồng minh lâu đời của mình là Hoa Kỳ, tuyên bố quyết định tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng – AIIB do Bắc Kinh chủ xướng. Sự việc đã gây bất ngờ cho phía Washington, vốn cho đó là một công cụ chính trị phục vụ cho các tham vọng của TC và hậu quả có thể có là nhiều quốc gia phương Tây khác cũng có thể tham gia theo.
Les Echos đề tựa nhận định: «Ngân hàng Châu Á: Bắc Kinh gây chia rẽ ở trời Tây». Quyết định của Luân Đôn tham gia cùng với 19 nước khác vào đề xuất của Bắc Kinh đã gây ra những bực bội cho Washington và Tokyo. Cả hai nước này quan ngại ngân hàng mới không tuân thủ các quy định về quản lý của các định chế tài chính đa phương khác và tôn trọng các quy chế trên phương diện xã hội và môi trường. Nước Mỹ bị cô lập?
Thế nhưng, Le Monde trong bài viết đề tựa «Ngân hàng Châu Á đang chia rẽ Washington và Luân Đôn» cho rằng lập luận trên của Hoa Kỳ dường như không còn trọng lượng nữa. Tờ báo trích nhận định của ông Philippe Le Corre, thuộc Brookings Institution, đồng tác giả của quyển sách: «Sự phản công của Trung Cộng tại Châu Âu» (nhà xuất bản Fayard 2015) cho rằng: «Washington không tài nào chứng tỏ là một cường quốc tại Châu Á. Ngược lại, Trung Quốc đang cho thấy là họ cũng biết làm chính trị qua việc gây chia rẽ giữa Mỹ với Châu Âu, và ngay trong nội bộ Châu Âu».
Le Monde cho rằng trong vấn đề này rõ ràng Anh quốc có một cái nhìn rất thực dụng. Luân Đôn biện minh rằng quyết định trên là «một cơ hội không gì bằng để nước Anh và Châu Á cùng nhau đầu tư và khai thông tăng trưởng». Điều này cũng «đem lại cho các tập đoàn của Anh cơ hội tốt nhất để làm việc và đầu tư trên những thị trường năng động nhất trên thế giới»
Việc Luân Đôn quyết định xích lại gần với Bắc Kinh trên lãnh vực ngân hàng là nằm trong logic của chiến lược xích lại gần TC của Anh, nhất là chiến lược này được điều khiển bởi tham vọng muốn biến trung tâm tài chính City thành trung tâm chiến lược về đầu tư bằng đồng nhân dân tệ. Thiện chí này được tỏ rõ qua các chuyến công du TC của Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối năm 2013. Luân Đôn thậm chí cũng không phản đối việc TC từ chối cấp visa nhập cảnh cho các nghị sĩ Anh quốc muốn đến Hồng Kông vào thời điểm xảy ra các vụ biểu tình đòi dân chủ. Ngược lại, vào đầu tháng Ba này, hoàng tử Anh William còn đi ngao du tại TC nhằm thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia.
Cuối cùng, nhật báo nhận xét quyết định trên của Anh – quốc gia hàng đầu trong khối G7 rõ ràng là một cú tát dành cho Hoa Kỳ. Vì điều này sẽ mở đường cho các quốc gia khác tham gia vào kể cả những đồng minh tốt nhất của Mỹ tại Châu Á, từ Úc cho đến Nam Hàn. Hiện tại ngân hàng này đã thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia quan trọng tại Châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore cũng như nhiều quốc gia dầu hỏa Ả Rập. Chưa kể là tại Châu Âu, hành động trên của Anh quốc có nguy cơ khuyến khích sự gia nhập của Đức hay Pháp chẳng hạn.
Quan tham ô Trung Cộng trốn đâu cho thoát?
Cũng liên quan đến TC, Le Figaro cho biết «Bắc Kinh truy lùng tham quan đào tẩu ở nước ngoài». Chính quyền nước này vừa gởi cho Paris một danh sách những tên tham quan đang trốn tránh tại đây, đồng thời phàn nàn về việc thiếu hợp tác tư pháp giữa đôi bên.
Tờ báo hóm hỉnh bình luận, mỗi mùa có con mồi riêng. Sau khi đập bẹp một đám «ruồi muỗi», tức những quan tham nhỏ và lấy da của vài con «hổ» lớn, năm 2014 Tập Cận Bình mở chiến dịch săn «cáo», trong khuôn khổ chiến dịch «bàn tay sạch». Hôm thứ Năm 12/03/2015 vừa qua, trước các đại biểu Quốc hội, Bắc Kinh đưa ra tổng kết đầu tiên của chiến dịch mang tên «Săn cáo», một cuộc truy lùng quốc tế, những quan tham biển thủ công quỹ nhà nước trốn ra nước ngoài.
Theo báo cáo chính thức, chính quyền thu hồi được 749 tài khoản cất giấu ở nước ngoài với số tiền 1,4 tỷ euro và cho dẫn độ về nước 91 nhân vật. TC hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác tư pháp với các quốc gia có liên quan. Tờ báo trích ước tính của tổ chức Global Financial Integrity cho thấy một khối lượng tiền khổng lồ 1080 tỷ đô-la đã được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp trong giai đoạn 2002-2011. Chủ yếu số tiền đó được chuyển qua các nước Hoa Kỳ, Canada và Úc, điểm đến ưa thích nhất của các tội phạm kinh tế do Bắc Kinh không có ký kết các thỏa thuận dẫn độ với những quốc gia này.
Syria: Bốn năm địa ngục trần gian
Tình hình Trung Cận Đông cũng là chủ đề thời sự nóng bỏng trên một số nhật báo Pháp. Tính đến ngày hôm qua, 15/03/2015, Syria tròn bốn năm rơi vào nội chiến. Đối với tờ báo phát miễn phí Direct Matin, đó là «Bốn năm địa ngục tại Syria». Hơn bao giờ hết cuộc nội chiến này dường như không có lối thoát.
Tờ báo đưa ra một con số thống kê đáng sợ. Cuộc xung đột nổ ra từ năm 2011 đã làm cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng bao gồm từ các phía, thường dân, quân chính phủ và phe nổi dậy. Giờ đây bị kẹt giữa chế độ Damas và quân thánh chiến, quốc gia này dường như không có lối thoát nào để giải quyết cho cuộc xung đột.
Nhật báo Công giáo La Croix thương cảm cho số phận của những người công giáo Syria qua bài phóng sự đề tựa «Người Công giáo Syria tại Khabour cảm thấy bị bỏ rơi». Bài viết ghi lại lời thuật của các nhân chứng của vùng Khabour, đông bắc Syria, hiện đang tỵ nạn tại Liban, vụ tấn công của nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bắt đi 250 người trong số họ.
Vào ngày xảy ra vụ tấn công, chiến đấu cơ quần thảo trên cao mà không một chiếc nào đến dội bom vào vùng Khabour đánh đuổi quân thánh chiến Daesh. Không quân chế độ Damas chỉ bắt đầu oanh kích khi quân thánh chiến tiến gần vùng Tal Tamar, một khu vực được cho địa chiến lược, điểm giao thoa dẫn đến Alep của Syria ở phía Tây, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, vùng Hassaké của Irak ở phía Nam và Qamishli thuộc khu tự trị Kurdistan ở phía đông.
Nhiều người trong số họ mong muốn được hưởng quy chế tỵ nạn tại phương Tây càng sớm càng tốt. Thế nhưng, theo Yatron Koliana, Tổng giám mục của Giáo hội Đông Syria tại Liban, cho rằng «họ không nên đi phương Tây, họ cần phải bảo đảm an ninh vùng Cận Đông. Nếu cứ tiếp tục như thế, ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta sẽ biến mất».
Syria: Hoa Kỳ nên đàm phán với Bachar al-Assad?
Vậy thì làm thế nào để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài từ bốn năm qua, Le Figaro cho biết, trên hồ sơ “Syria: John Kerry nhìn nhận nên đàm phán với Al-Assad”.
Nhật báo bình luận: “với sự trỗi dậy ngoạn mục mối nguy hiểm của quân nổi dậy Tổ chức Nhà nước Hồi giáo” tại Irak và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của tổ chức này lên Syria, nhà độc tài Syria giờ đây đương nhiên trở thành một đồng minh, cho dù Hoa Kỳ chưa bao giờ công khai nhìn nhận. Phải chăng là do họ có chung một kẻ thù? Nếu như ngay từ đầu Damas đã bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, Le Figaro nhắc lại cho đến giờ phút này, Tổng thống Syria luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Iran cũng như từ phía Nga.
Trong chiến dịch oanh kích của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu từ hồi mùa thu năm rồi chống lại nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria, về mặt danh chính ngôn thuận chưa có một sự phối hợp nào từ phía Damas. Nhưng nhiều nguồn tin phương Tây xác nhận trên thực tế sự phối hợp đó có tồn tại, thông qua trung gian là Bagdad, quốc gia có cùng kẻ thù với Syria.
Về mặt lý thuyết, tuy không đưa quân vào Syria, nhưng Hoa Kỳ cũng hiểu rất rõ là không thể đi theo nện quân thánh chiến vĩnh viễn được. Cần phải tìm ra một giải pháp chính trị nào đó cho xung đột tại Syria. Đó cũng chính là lý do tại sao Bachar al-Assad lại xuất hiện trong cuộc chơi, bất chấp liều thuốc đó có đắng đến mấy đối với Hoa Kỳ, Le Figaro kết luận.