Điểm Báo Pháp – 13/4/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 13/4/2014
Putin tiếp nối sự nghiệp của Sa hoàng Nicolas I? – REUTERS/Alexei Nikolskiy/RIA Novosti/Kremlin

Putin: Người kế nghiệp Sa hoàng Nicolas I

Theo RFI – Trọng Thành – Thứ Ba 13/5/2014

Khủng hoảng Ukraina tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay 13/05/2014. Trong hồ sơ Ukraina-Nga, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý «Chiếc bóng của Sa hoàng» về người đứng đằng sau những biến động tại vùng biên giới phía Tây của Châu Âu.

Le Figaro đưa ra ba góc nhìn qua những bài báo: «Những người ly khai Donetsk tuyên bố muốn sáp nhập vào Nga», «Nước Cộng hòa Donetsk, năm thứ nhất…» và «Phủ Tổng thống Nga tránh mọi biểu hiện vui mừng» trong lúc «Liên hiệp Châu Âu thể hiện sự bất lực».

Bài viết mang tựa đề «Chiếc bóng của Sa hoàng» trên Le Monde, nhận định tư tưởng chính trị của Tổng thống Nga Putin dường như là sự tiếp nối trung thành của Sa hoàng Nicolas I (1796-1855).

Ba trụ cột của chế độ Sa hoàng Nicolas đệ nhất

Trong văn phòng Tổng thống Nga có treo bức hình Sa hoàng Nicolas I, khiến những ai hiểu về lịch sử phải giật mình. Ông chủ điện Kremlin chắc chắn không ngẫu nhiên chọn bức hình của hoàng đế nói trên – hiện thân hoàn hảo nhất cho truyền thống quân chủ Nga. Học thuyết của Nicolas đệ nhất, được tuyên bố chính thức vào năm 1833, bao gồm ba trụ cột : cai trị độc đoán, đạo Chính thống và chủ nghĩa bành trướng Nga.

Về đối nội, để chống lại các hoạt động lật đổ và thuần hóa một giới quý tộc mà bản thân ông ta khinh bỉ, Nicolas I đặt đất nước dưới sự cai trị của quân đội và một hệ thống kiểm duyệt hết sức chặt chẽ. Một bộ máy cảnh sát chính trị được hình thành để kiểm soát gần như toàn bộ xã hội, ngăn chặn các tư tưởng mới nẩy nở.

Chế độ của Sa hoàng Nicolas I hoàn toàn quay lưng lại với chủ nghĩa duy lý Tây Phương, toàn bộ quyền lực nằm trong tay một người duy nhất, không có bất cứ một đối trọng nào, kể cả nhỏ nhất. Về mặt tôn giáo, với đạo Chính thống, Matxcơva tự coi là người tiếp nối ngọn lửa của đức tin Thiên chúa giáo, thay cho hai trung tâm trước đây, Roma và Constantinople, đã tàn lụi.

Về đối ngoại, chế độ Nicolas I tuyên bố tiếp tục bành trướng lãnh thổ, bảo vệ lợi ích của các kiều dân Nga, của các dân cư Slave theo đạo Chính thống ở khắp nơi.

Vào thời điểm Châu Âu bước vào giai đoạn cách mạng giữa thế kỷ 19, Nicolas I trở thành «viên sen đầm của Châu Âu», ra tay đàn áp các phong trào cách mạng tại Ba Lan, Hungary, tại Valachie, tức Rumani ngày nay, dự định can thiệp dập tắt cuộc nổi dậy của dân Bỉ chống lại ách thống trị của Hà Lan… Đế chế của Nga hoàng Nicolas I cũng làm lung lay đế quốc Ottoman hùng mạnh vào thời điểm đó. Sự bành trướng của vương triều được coi là bảo thủ nhất Châu Âu chỉ bị dừng lại sau chiến dịch của liên quân Anh-Pháp tại bán đảo Crimée 1854-1855.

Qua đời trước khi Sebastopol thất thủ năm 1855, Sa hoàng Nicolas đệ nhất đã trở thành một biểu tượng của những người dân tộc chủ nghĩa Nga, như đại diện cho một «thiên tài» Nga bất tử. Le Monde nhận định, đặt mình vào vị trí kế thừa Nicolas I, Tổng thống Putin «đang tìm cách làm sống dậy thời của đế chế Nga, lập trường của các thế lực phản động nhất của châu Âu, điều đó khiến ông ta rất được lòng dân chúng trong nước và làm mê hoặc các lực lượng chính trị cực hữu nhất tại Châu Âu».

Phương Tây lúng túng trước “nghệ thuật chiến tranh mới” của Putin

Về chủ đề này, tựa lớn của Le Monde là «Phương Tây lúng túng trước nghệ thuật chiến tranh mới của Putin», với nhận định thành công của các cuộc trưng cầu dân ý ly khai cho thấy chiến lược giành chiến thắng không cần đọ sức của điện Kremlin.

Theo Le Monde, trong những ngày tới các quan hệ an ninh mới giữa Nato và Nga sẽ phải được xác định lại. Phân tích từ giới chuyên gia quân sự cho thấy, cho dù trên thực địa, tình hình miền đông Ukraina có vẻ rơi vào tình trạng vô chính phủ, nhưng Tổng thống Nga vẫn làm chủ tình hình. Cho đến nay Nga đã thành công trong lối chơi mới, mang tên «chiến tranh» không tiếp xúc trực tiếp. Trong cuộc chiến này, Nga đưa lên tuyến đầu « các đơn vị nhỏ, cơ động » và tinh nhuệ, thay vì các binh đoàn lớn trong chiến tranh cổ điến. Đây là lời giải thích của đô đốc Mỹ Franck Pandolfe, phụ trách tác chiến Bộ tổng tham mưu, ngày 08/04 vừa rồi trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia, chiến lược mới được áp dụng kể từ cuộc chiến tại Gruzia năm 2008 cho thấy quân đội Nga đã tìm ra được một cách hành động mới. Vẫn theo tướng Mỹ Franck Pandolfe, chiến thuật quân sự mới của Nga, một mặt dựa trên hoạt động trên tuyến đầu của các đơn vị nhỏ tinh nhuệ, mặt khác gieo rắc một không khí « bất định » về khả năng và thời điểm chuyển sang tấn công quy mô lớn. Với chiến thuật này Nga đã vi phạm «các quy chế của các lực lượng quy ước tại Châu Âu», như nhận định của một nhà quân sự Pháp.

Nato phản ứng như thế nào trước chiến thuật mới của đối phương?

Theo Le Monde, Nga thừa biết sự yếu kém trong khả năng điều quân tác chiến của quân đội Châu Âu, chỉ với khoảng 50.000 binh sĩ là có thể triển khai trong các chiến dịch, trong số 1,5 triệu quân nhân và cho dù chi phí quân sự của Châu Âu gấp ba lần so với Nga. Trong hiện tại, rất nhiều trở ngại khiến lực lượng Nato tại Châu Âu khó lòng tăng cường sức mạnh, đặc biệt là bất đồng về chi phí.

Cũng về vai trò của nước Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina, l’Humanité đưa tin lãnh đạo liên đảng cánh tả lớn nhất Hy Lạp Alexis Tsipras, ứng cử viên vào chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu của đảng cánh tả Châu Âu, vừa đến Matxcơva. Ông Alexis Tsipras có cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nga, người nằm trong danh sách bị Phương Tây trừng phạt, để tìm giải pháp ngoại giao. Tối qua, có tin đồn lãnh đạo đảng cánh tả Phương Tây sẽ gặp Tổng thống Nga.

Đọ sức trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc

Về xung đột tại Biển Đông, Le Figaro có bài «Đọ sức trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc». Theo Le Figaro, chính quyền cộng sản Việt Nam đã không làm gì để ngăn cản biểu tình tại nhiều thành phố chống lại việc Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu mỏ vào khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Những người biểu tình giận dữ đả đảo Trung Quốc xâm lược và chỉ trích thái độ của chính quyền Hà Nội.

Việt Nam cử một số tàu thuyền ra ngăn chặn, nhưng không vượt qua nổi hàng rào của hơn 50 tầu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan. Hai quốc gia cộng sản đổ lỗi cho nhau về các va chạm. Tuần duyên Việt Nam phổ biến các hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc chủ động đâm và dùng vòi rồng phun nước vào tàu Việt Nam. Le Figaro ghi nhận Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt trong các đòi hỏi chủ quyền trên biển, ngoài Việt Nam, Bắc Kinh còn xung đột với Philippines, Bruneil, Malaysia, Đài Loan.

Thái Lan: Tin đồn về cú đảo chính quân sự

Vẫn tại Đông Nam Á, Le Monde có bài «Ngõ cụt chính trị kéo dài tại Thái Lan». Thông tín viên Le Monde tại Bangkok ghi nhận tình trạng biểu tình chống chính phủ kéo dài hơn 5 tháng nay, đòi hỏi thành lập một chính phủ được bổ nhiệm, không do dân cử, ngược lại với «khái niệm về nền dân chủ kiểu phương Tây». Thái Lan đang đi vào năm bất ổn chính trị thứ 7, «một trong những giai đoạn phức tạp nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này». Mặc dù, Thủ tướng Yingluck bị Tòa bảo hiến phế truất, lãnh đạo hiện nay của chính phủ vẫn là người cũ, phe Áo vàng tiếp tục xuống đường và đe dọa có các biện pháp quyết định, nếu một Thủ tướng «trung lập» không được bổ nhiệm. Cho đến nay, chưa có đụng độ giữa phe Áo vàng và phe Áo đỏ ủng hộ chính phủ, nhưng lại có nhiều tin đồn về một cuộc đảo chính mới.

Nạn mua phiếu bầu, một «gương mặt khác» của nền dân chủ Ấn Độ

Bầu cử Quốc hội, tại Ấn Độ, một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất hành tinh với 815 triệu cử tri được kêu gọi đi bầu, đang diễn ra, được báo chí Pháp nhìn qua nhiều góc cạnh. Báo La Croix có đáng chú ý bài «Nạn mua phiếu bầu ở Ấn Độ». Theo các thăm dò tối qua, sau vòng thứ 9 tức vòng cuối cùng của cuộc bầu cử, khoảng 550 triệu cử tri đã đi bầu, Liên minh dân chủ quốc gia, do đảng dân tộc chủ nghĩa BJP của Narenda Modi lãnh đạo, có nhiều khả năng chiến thắng.

La Croix nhận xét, khẩu hiệu tranh cử của tất cả các đảng là chống tham nhũng, tuy nhiên, chưa bao giờ nạn mua phiếu bầu (vote-buying) lại nở rộ như lần này. Chi phí cho kỳ tranh cử Ân Độ gấp ba lần năm 2009, với khoảng 3,6 tỷ euro. Chi phí của ứng cử viên Modi gần bằng Obama trong cuộc bầu cử 2012. Kể từ 05/03 đến nay, Ủy ban bầu cử đã bắt giữ được số tiền tổng cộng 35 triệu euro tiền mặt, được dùng để mua chuộc cử tri. Thực tế chắc chắn còn nghiêm trọng hơn nhiều. Bên cạnh việc các ê kíp tranh cử mua chuộc cử tri trực tiếp bằng tiền hay hứa hẹn sau khi đắc cử, đây cũng là dịp tranh giành ảnh hưởng của nhiều băng đảng tội phạm đỡ đầu các chính khách. Gần 1/5 ứng cử viên là đối tượng điều tra của tư pháp. Với Quốc hội mãn nhiệm, con số này là 30%. Nạn mua phiếu là «một gương mặt khác của nền dân chủ Ấn Độ».

Về cuộc bầu cử Ấn Độ, Le Monde có bài «Ấn Độ đối mặt với hiểm họa dân tộc chủ nghĩa» của nhà nghiên cứu chính trị quốc tế người Pháp Christophe Jaffrelot, tác giả cuốn Ấn Độ đương đại, vừa ra mắt bạn đọc. Christophe Jaffrelot dự báo hai khả năng. Nếu đảng cánh hữu BJP giành được đa số tuyệt đối, tân Thủ tướng Modi sẽ phải chịu nhiều áp lực của cánh cứng rắn trong phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ, với nguy cơ kích động các nhóm xã hội thiểu số. Ngược lại, nếu buộc phải liên hiệp với các đảng nhỏ để có đa số, ông Modi sẽ có thể rảnh tay thực thi ưu tiên hàng đầu là tái thúc đẩy nền kinh tế.

Vụ Boko Haram bắt con tin: Hậu quả của một xã hội Nigeria bệnh hoạn

Về vụ bắt con tin, Libération đăng trên trang nhất hình ảnh người phụ nữ đang chùi nước mắt, chắc hẳn đây là mẹ của một trong 276 nữ sinh bị bắt cách nay một tháng. Trong bài xã luận, mang tựa đề «Những kẻ man rợ», Libération đặt câu hỏi làm thế nào cộng đồng quốc tế giải phóng được các nữ sinh?

Bên cạnh vấn đề các nữ sinh, Libération cũng đưa ra nhận định chung, «Nigeria là một đất nước bệnh hoạn» với nạn tham nhũng triền miên, khiến mọi niềm tin vào Nhà nước, cảnh sát và quân đội bị hủy hoại. Boko Haram là triệu chứng của một đất nước suy sụp và giáo phái này chỉ thất bại, nếu các nguyên nhân sâu xa của tình trạng nói trên được giải quyết.