Điểm Báo Pháp Ngày 12/3/2014
Biểu tình, bạo động, một cảnh tượng diễn ra hầu như hàng ngày tại Caracas, thủ đô Venezuela, gần một tháng nay. Ảnh chụp ngày 07/03/2014 – Reuters
”Tư tưởng Chavez”: ngõ cụt của Venezuela
Theo RFI – Trọng Thành –Thứ tư 12 Tháng Ba 2014
Từ đầu tháng 2/2014 đến nay, người Venezuela thuộc đủ tầng lớp liên tục xuống đường để chống lại « một chế độ thành công trong ba lĩnh vực : hoang phí, tham nhũng và độc đoán về chính trị ». Theo Le Monde, « tư tưởng Chavez » là nguồn gốc của tình trạng này. Hugo Chavez, cố lãnh tụ cánh tả của Venezuela, cầm quyền từ năm 1999 đến khi chết, năm 2013 đã để lại một học thuyết có ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội. Tư tưởng Chavez là « một học thuyết hỗn hợp (một « cocktail ») giữa chủ nghĩa dân tộc tập quyền tả khuynh (socialo-souverainisme), lấy cảm hứng từ chế độ cộng sản Cuba và chủ nghĩa chống đế quốc, có nguồn gốc trong truyền thống cách mạng Mỹ Latinh trước đây ». Chế độ theo « tư tưởng Chavez » hiện đang trở thành một cơn ác mộng đối với Venezuela.
14 năm trị vì của ông Chavez cho phép cải thiện đời sống của những người nghèo khổ nhất trong xã hội Venezuela, bằng việc phân phối lại nguồn lợi tức từ dầu mỏ. Nhưng chỉ có thế. Chế độ Chavez đã để lại nhiều hệ quả tồi tệ cho một nền kinh tế, giờ đây nằm dưới quyền thống trị của Nhà nước. Theo Le Monde, người kế nhiệm ông Chavez còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn sau một năm cầm quyền. Nền kinh tế bị đóng băng. Lạm phát tăng 56% trong một năm. Tuần này, Tổng thống Maduro buộc phải tuyên bố lập ra hệ thống « thẻ phân phối hàng nhu yếu phẩm », y như Cuba cách đây nửa thế kỷ.
Phụ trương Le Monde có bài « Tại Venezuela, hàng hóa kiệt quệ và sự nở rộ của các đường dây buôn lậu nhỏ », để mô tả thực trạng thê thảm tại quốc gia này. Một chi tiết nói lên rất nhiều, đó là việc giấy đi vệ sinh cũng trở thành mặt hàng làm giả. Cuối năm 2013, Venezuela thiếu đến khoảng 1/3 hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Trên thị trường chợ đen, giá đô la cao gấp 12 lần giá cả chính thức. Dược phẩm khan hiếm, cắt điện trở thành chuyện cơm bữa… Giá cả bị kiểm soát chặt, giá gạo bên kia biên giới cao gấp 10 lần trong nước. Theo chính phủ, 40% thực phẩm được nhập với giá thấp, được xuất khẩu trở lại sang các nước láng giềng. Nhiều băng đảng mafia kiểm soát buôn lậu xăng dầu, vì xăng là mặt hàng gần như miễn phí tại Venezuela… Buôn lậu mang lại những nguồn thu khổng lồ cho các nhóm đặc quyền trong bộ máy nhà nước.
Giải giáp « dân quân cách mạng » : Điều kiện tiên quyết để đàm phán
Trong tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng này, các phản kháng từ phía xã hội, đặc biệt từ phong trào sinh viên, gặp phải các cản phá quyết liệt từ phía « các lực lượng dân phòng bán vũ trang » của chế độ. Báo Libération mô tả thực trạng này qua bài « Các dân phòng theo tư tưởng Chavez tự do lăn bánh », với ghi nhận : Tổng thống Maduro dựa vào các nhóm « colectivos » nằm ngoài vòng kiểm soát để chống lại đối lập, kể từ tháng 2/2014, các đụng độ khiến 21 người chết.
Libération cho biết, các colectivos là một dạng « dân quân cách mạng vũ trang ». Lực lượng này thề « bảo vệ cách mạng » bằng mọi giá. Mặc dù Tổng thống Maduro khẳng định chỉ có các lực lượng của Nhà nước mới được trang bị vũ khí, nhưng trên thực tế, Tổng thống theo lập trường Mácxít-Lêninnít, vốn là người ủng hộ nhiệt thành đối với « liên hiệp dân-quân » chống « đế quốc » Mỹ. Mới đây ông cũng chính thức kêu gọi sự ủng hộ của các lực lượng này chống lại các chiến lũy của đối lập trên đường phố. Tại Venezuela, một cảnh tượng diễn ra thường xuyên là, đối lập lập các chiến lũy, các dân quân bán vũ trang đi mô tô tới dỡ bỏ. Nhiều trường hợp dân quân nổ súng gây thiệt mạng.
Libération cũng ghi nhận việc chính quyền Venezuela có chủ trương giải giáp lực lượng dân quân này từ một năm nay, với hình ảnh mang tính biểu tượng « đổi súng trường kalachnikov lấy cuốn Hiến pháp bỏ túi màu xanh ». Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn giữ súng ống, vì lo ngại, chính quyền cách mạng bị lật đổ. Hiện tại, ở Venezuela có hàng triệu vũ khí sở hữu bất hợp pháp. 20.000 người thiệt mạng hàng năm trên đường phố, trong đó đa số là do bạo lực. Các lãnh đạo đối lập Venezuela coi việc giải giáp lực lượng dân quân « colectivos » là yêu cầu tiên quyết cho mọi đàm phán với chính phủ.
Bắc Kinh mở cửa thị trường cho tư nhân để chống các tập đoàn kinh tế Nhà nước
Nhìn sang Châu Á, đáng chú ý có bài phân tích về chính sách kinh tế của chính quyền Trung Quốc trên Les Echos, mang tựa đề « Tại Trung Quốc, ngõ hẹp của chính sách tự do hóa ». Trước thực trạng các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước trở thành những vật cản khó lòng dỡ bỏ, chính quyền Bắc Kinh trong hiện tại buộc phải chọn một giải pháp khác.
Các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, không chỉ được hưởng vị trí thống trị trên các thị trường chủ chốt (như truyền thông, năng lượng, ngân hàng), mà thế mạnh đặc biệt của chúng là thu hút được phần lớn các tín dụng. Từ hơn thập kỷ nay, trước sức ép công luận, các tập đoàn kinh tế Nhà nước nhiều lần hứa sẽ hoàn lại cho xã hội một phần các khoản lãi suất khổng lồ của họ. Nhưng cho đến nay, các tập đoàn này nếu có chịu thả ra một chút lời lãi nào, thì ngay lập tức họ sẽ thu lại qua các con đường khác, như kiếm được các trợ giá hay các thị trường được ưu đãi. Theo Les Echos, mặc dù lãnh đạo chính phủ Trung Quốc biết điều này, nhưng các tập đoàn Nhà nước có chỗ dựa hùng mạnh là rất nhiều thế lực trong Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Như vậy, giải pháp chính quyền Bắc Kinh lựa chọn để chống thế độc quyền này, là không tấn công trực diện mà tạo ra các không gian cạnh tranh mới, cho phép các doanh nghiệp mới nổi lên. Ví dụ như kể từ tháng 5/2013, tư nhân mới được phép lập hãng hàng không. Sự ra đời của các hãng giá rẻ đe dọa uy thế của ba tập đoàn hàng không Nhà nước độc chiếm thị trường cho đến nay. Trong lĩnh vực ngân hàng cũng vậy, sự tham gia của Alibaba, công ty thương mại khổng lồ trên mạng vào thị trường tín dụng, với lãi suất rất hấp dẫn, lên tới 6%, khiến nhóm này thu được 400 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 50 tỷ euro) tiền gửi tiết kiệm trong vòng 8 tháng hoạt động. Nối gót Alibaba, Bách độ (Baidu) và Tencent, hai công ty nổi tiếng khác cũng lao vào hoạt động mới mở ra này. Chỉ riêng trong tháng 1/2014, cả ba công ty nói trên đã huy động được đến 1.000 tỷ yuan tiền gửi…
Các thay đổi này không khỏi khiến những thế lực đặc quyền tức tối. Ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng lớn buộc nhà quản lý phải buộc các kẻ mới nhảy vào cạnh tranh phải hạ trần lãi suất xuống ngang bằng với họ. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc gán cho nhóm Alibaba biệt danh « quỹ ma cà rồng », để hàm ý nói đến hệ quả các nhà băng bị mất vốn… Les Echos khẳng định các trận đấu nhỏ lẻ này đang bắt đầu vẽ nên diện mạo của nền kinh tế Trung Quốc đương đại. Giải pháp kể trên có thể mang lại kết quả, với sự ra đời của một thế hệ doanh nhân mới, hiện đại và không mặc cảm, với điều kiện chính quyền Bắc Kinh cưỡng lại xu hướng can thiệp vào cuộc chơi.
«Bản đồ mới» về khủng bố Hồi giáo Châu Phi
Hôm qua, Al Minbar Jihadi Media Network, một trang mạng internet có tiếng của Hồi giáo cực đoan, kêu gọi tấn công vào quyền lợi của nước Pháp và ám sát Tổng thống François Hollande. Hồ sơ « các đe dọa mới của khủng bố tại vùng Sahel, Bắc Phi » của Le Monde hôm nay cho biết sự trỗi dậy của nhiều nhóm thánh chiến tại khu vực giáp ranh giữa Algeri, Mali và Libya khiến các cơ quan tình báo Pháp lo ngại.
Một năm sau vụ bắt con tin đẫm máu ở In Amenas (Algeri), nhiều đơn vị thánh chiến hồi giáo quy mô nhỏ đã được tái tổ chức. Lãnh đạo vụ khủng bố nói trên, Mokhtar Belmokhtar vẫn còn sống sót và hiện tại được coi là mục tiêu số một của cuộc chiến chống khủng bố.
Quân đội Pháp, được sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc đã tiến hành chiến dịch Serval, chống lại các nhóm khủng bố, hơn 1.000 chiến binh Hồi giáo cực đoan đã bị tiêu diệt kể từ đầu năm ngoái, nhưng hoạt động của các nhóm khủng bố chưa bị dập tắt. Paris đang nỗ lực nối kết nhiều hơn nữa với Washington trên mặt trận này.
Pháp tuyên chiến với nạn bạo hành tình dục phụ nữ trong quân đội
Về thời sự nước Pháp, Libération mở ra hồ sơ nạn bạo hành tình dục, nhân dịp ra mắt cuốn sách « Cuộc chiến vô hình » của hai nữ phóng viên Leila Minano và Julia Pascual. Cuốn sách lên án không khí im lặng bao trùm các vụ bạo hành với phụ nữ trong quân đội Pháp.
Ngày 27/02 vừa rồi, cùng với ngày ra mắt cuốn sách, Bộ Quốc phòng Pháp khởi sự cuộc điều tra về tình trạng bạo lực với phụ nữ trong quân đội, mà nạn nhân thường được ngăn cản để không dám cất tiếng nói và thường bị điều chuyển đi nơi khác để « tránh gây bê bối ».
Theo Libération, hiện có khoảng một chục vụ kiện đang được tiến hành ở Paris, liên quan đến các trường hợp nữ quân nhân bị bạo hành, thậm chí bị cưỡng hiếp. Với hàng tít « Ô danh », Libération cho rằng trong vấn đề này các sĩ quan cần phải gương mẫu, và họ phải bị trừng phạt, nếu có những nạn nhân nữ như vậy dưới quyền, nếu họ bao che cho những quân nhân phạm pháp. « Đây là một cuộc chiến mà quân đội Pháp cần tiến hành, với chính niềm tự hào của một quân đội đang trong quá trình nữ hóa, mạnh mẽ còn hơn cả trong lĩnh vực tin học. Cuộc chiến mà quân đội cần chiến thắng ».
Vụ nghe lén cựu Tổng thống Pháp : pháp quyền là thượng tôn
Liên quan đến diễn biến mới trong vụ cựu tổng thống Pháp Sarkozy bị tư pháp nghe lén, sau khi thủ tướng Jean-Marc Ayrault có phát biểu trên truyền hình vào hôm qua, khẳng định Bộ trưởng Tư pháp và chính ông đã được báo cáo, từ cuối tháng 2/2014, về hoạt động của các thẩm phán điều tra, phụ trách việc đặt chế độ nghe lén ông Sarkozy. Le Figaro, trong bài « Sarkozy bị nghe lén : chính phủ ở thế phòng thủ », nhận định phát biểu của Thủ tướng Pháp và việc Tổng thống François Hollande bày tỏ thái độ (sẵn sàng gặp đại diện của giới luật sư) có thể coi là « hành động dập lửa », trước chỉ trích của đối lập về tính độc lập của tư pháp và ý đồ chính trị của đảng cầm quyền, sau khi Bộ trưởng Tư pháp, trước đó ít hôm, khẳng định không được thông tin về các hoạt động điều tra này.
Cũng liên quan đến chủ đề này, La Croix có bài xã luận « Thời gian của các thẩm phán », khẳng định hiện tại trong vụ việc này, « trong các hoạt động tư pháp cho đến nay, chưa có gì cho phép rút ra một nhận định mang tính kết luận sơ bộ. Thời gian của tư pháp là thời gian dài. Nhận định này là một thông điệp kép gửi đến cùng lúc các thẩm phán và những người phê phán hành động của họ. Tính chất thượng tôn của pháp quyền có nghĩa là không gì được phép thoát ly khỏi các quy tắc pháp quyền. Và luật áp dụng cho tất cả mà không phân biệt ai với ai