Điểm Báo Pháp – 12-3-2016
Người dân Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân trong trận tam tai sóng thần – động đất và nổ lò hạt nhân tại Fukushima cách đây 5 năm.- REUTERS/Kyodo
Theo RFI – 12-03-2016
Fukushima: 5 năm sau, thế giới vẫn chưa rút ra hết các bài học
Ngày 11 tháng 3 năm nay là tròn kỉ niệm 5 năm tam tai xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 : động đất, sóng thần và nổ lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima. Báo Le Monde có bài xã luận đề tựa: «Tất cả các bài học từ Fukushima vẫn chưa được rút ra».
Ngoài việc nhắc lại một vài con số đau thương liên quan đến số người chết và mất tích, số người phải di tản, cũng như những hậu quả thảm khốc mà cho đến giờ vẫn tồn tại trên diện rộng tại những vùng có liên quan, tác giả chỉ trích đường lối lãnh đạo «mù quáng » của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trước sức ép của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản, muốn nhanh chóng khép lại trang đau thương của Fukushima và mở ra trang mới, ông Abe đã cho phép hai nhà máy nguyên tử ở Takahama, phía Tây của Nhật Bản mở cửa hoạt động trở lại. May thay, với sự can thiệp của tư pháp hôm 09/3 vừa rồi, sự việc đó đã phải ngưng lại.
Bài xã luận cũng nhìn sang các nước khác trên thế giới và cho biết thêm: Tại Pháp, việc giảng giải về thảm họa Fukushima vẫn chưa hoàn toàn được chú tâm đúng mức. Trong khi Đức và Thụy Sĩ chọn nói «không » với nguyên tử, thì 65 lò phản ứng hạt nhân khác vẫn đang được xây dựng tại TC, Nga, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập. Trước tình hình này, tác giả cố vớt vát hy vọng của mình: «Liệu các nồi hơi nguyên tử của các lò phản ứng này có đảm bảo và ít nguy hiểm hơn so với các nồi hơi của Fukushima hay không?».
Trước khi khép lại bài xã luận của mình, tác giả nhận định thêm rằng « Đặc thù của công nghiệp điện hạt nhân đó là, ngay cả khi nguy cơ xảy ra thiên tai có thấp đi chăng nữa thì các hậu quả do tai nạn điện nguyên tử gây nên vẫn là vô biên»; và bởi lẽ đó mà các chính phủ phải cân nhắc hết sức kĩ lưỡng trong việc lựa chọn các loại năng lượng cho quốc gia của mình.
“Vùng cấm” cho đến bao giờ?
Nhật báo công giáo La Croix khiến độc giả bồi hồi xúc động với chùm ảnh của 2 nhiếp ảnh gia Bression và Ayesta khi hai ông này trở lại «vùng cấm» của Fukushima. Cách gọi này dùng cho khu vực nằm trong vòng bán kính 20 km xung quanh lò phản ứng hạt nhân hiện đang được tháo dỡ.
Hai nhiếp ảnh gia đã chớp lại được những gương mặt đau buồn, những giằng xé tâm can của một số người dân đã từng sống nơi đây, nay trở về thăm lại chốn quê hương xưa giờ vẫn hoang tàn đến chạnh lòng. Chính phủ Nhật muốn động viên họ trở lại nơi đây nhưng làm sao về lại được trong bối cảnh hiện giờ: hàng trăm công nhân vẫn đang vất vả chế ngự «con quái vật » mang hình hài nhà máy điện nguyên tử, cùng với các lò phản ứng đang cần phải làm nguội. Đó là chưa kể đến khả năng lây nhiễm phóng xạ giữa các vùng chung quanh nơi xảy ra thảm họa có thể thay đổi, tùy vào khí hậu và vận tốc của gió.
Vẫn trên chủ đề năng lượng hạt nhân, báo Les Echos có bài phỏng vấn ông Jacques Repussard, Tổng giám đốc Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân của Pháp. Ngoài việc nhắc lại một số hậu quả nghiêm trọng do vụ nổ lò phản ứng xảy ra ở Fukushima cách đây 5 năm, ông Repussard cũng chia sẻ một số quan điểm của mình trước việc Nhật Bản đã đưa vào hoạt động trở lại một số lò phản ứng nguyên tử.
Trong số các ý kiến đưa ra, ông cho rằng «nước Pháp phải cân nhắc lại chiến lược hạt nhân của mình», bởi lẽ “tập đoàn điện lực EDF của Pháp hầu như vẫn duy trì cách nhìn chiến lược về hạt nhân từ 30 năm nay” và vẫn giữ độc quyền trong lĩnh vực này.
Bắc Kinh: lòng tham vô bờ
«500 tỉ đô la mỗi năm» là con số mà Bắc Kinh nhắm đạt được trong 10 năm tới đây cho khối lượng các giao dịch với Châu Mỹ la tinh.
Trong mục Kinh tế, báo Le Figaro có bài viết: «TC quá tham lam ở Châu Mỹ la tinh». Bắc kinh đã trở thành đối tác thương mại chính của châu lục này, với những phi vụ làm ăn thành công, như xây dựng tuyến đường sắt, bán trang thiết bị khoan dầu, xây dựng nhà máy sản xuất bình điện, xây khu công nghiệp sản xuất gang thép ở Bolivia, rồi đến việc nguyên liệu thô được các nước trong khu vực Châu Mỹ la tinh xuất sang TC chiếm đến 73% các mặt hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước tình trạng một số doanh nghiệp TC đút lót các đối tác địa phương để kí kết được các hợp đồng quan trọng, cũng như việc các tranh chấp trong mỏ đồng giữa các doanh nghiệp TC ngày càng tăng, một số dự án hợp tác với nước này đang bị xem xét lại.
Nga: Lò đào tạo các nhà ngoại giao
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, tuần báo L’Express có bài viết khá thú vị về «lò đào tạo các nhà ngoại giao của Nga ». Tác giả mở đầu bài viết của mình bằng việc nhắc đến vị ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, tốt nghiệp Học viện quốc gia về quan hệ quốc tế của Matxcova (MGIMO) năm 1972, và được coi là «cáo già » hơn hẳn so với những đồng nhiệm Âu và Mỹ. Vậy đâu là bí quyết của «lò » đào tạo ra các nhà ngoại giao Nga tài ba như ông Lavrov?
Từ khi được thành lập vào năm 1944, trong hơn 70 năm qua, MGIMO đã đào tạo tất cả hơn 64.000 sinh viên. Mục tiêu ban đầu là để đào tạo ra một tầng lớp các nhà ngoại giao mới, thay thế cho những thế hệ đã bị thanh trừng trong cuộc cách mạng bolchevik, hay dưới thời Stalin. Với năm tháng, chương trình của trường không chỉ giới hạn ở môn quan hệ quốc tế mà đã được mở rộng đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến luật quốc tế hay báo chí …
Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, trường MGIMO còn là «xưởng đào tạo » ra các nhà ngoại giao của các nước trong vòng kềm tỏa của Matxcơva từ Ba Lan đến Roumani, từ Cu Ba đến Mông Cổ, Việt Nam và kể cả một số các chuyên gia TC. Kể từ khi bức tường Berlin được xóa bỏ, Học viện Quốc gia về Quan hệ Quốc tế Matxcova đã mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu của tây Âu, như Học viện nghiên cứu Chính trị Paris-Sciences Po hay trường đại học Berlin … và giờ đây các chuyên gia xuất thân từ MGIMO đã có mặt tại tất cả các định chế đa quốc gia từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đến Tổ chức Y tế Thế giới …
Theo tác giả, điểm mạnh của trường là 54 ngoại ngữ khác nhau, từ tiếng Ả Rập đến tiếng Ba Tư, từ tiếng Phần Lan đến Triều Tiên, hay cả những hai ngoại ngữ ít được sử dụng nhất là tiếng Afrikaans của Nam Phi và Dari của Afghanistan. Tùy thuộc theo nhu cầu về địa chính trị, mỗi khóa học viên đều được chỉ định theo học ít nhất là 2 hai thứ tiếng nước ngoài và tất cả phải được sử dụng rất thông thạo. Chẳng vậy mà xưa kia ông Lavrov đã được chỉ thị để theo học ba ngoại ngữ chính là tiếng Cingalais của người SriLanka, tiếng Anh và tiếng Pháp. Một người bạn cùng khóa của ông là Anatoly Torkunov thì nói tiếng Hàn không thua tiếng mẹ đẻ.
Để làm chủ một ngoại ngữ như vậy mỗi học viên được đào tạo đến 10 giờ sinh ngữ một tuần và trong lớp học chỉ có tối đa là 7 người ! Gần đây, nhu cầu về tiếng Ả Rập, tiếng Hoa và Ukraina đã tăng rất nhanh. Một đặc điểm khác của trường là các sinh viên khi rời MGIMO có kiến thức rất thấu đáo về thế giới Hồi giáo.
Bên cạnh các lá chủ bài đó, quá trình đào tạo của trường còn đòi hỏi một trình độ rất cao về lịch sử quan hệ quốc tế, về các vấn đề từ tôn giáo đến tầm mức quan trọng của bàn cờ năng lượng thế giới, từ nghệ thuật đàm phán đến nghi lễ ngoại giao. Về mặt tâm lý, thì các nhà ngoại giao Liên Xô trước kia và Nga sau này, nổi tiếng là những người cứng rắn. Đó là điều từng được kiểm chứng qua biệt danh «Mr.Niet » mọi người đã dành cho ngoại trưởng Gomyko khi ông đàm phán với đồng nhiệm Tây Đức Gensher năm 1983 về hạt nhân.
Điều không thay đổi với năm tháng, là trong hơn 70 năm được hình thành đến nay, quan điểm chính thức của «lò đào tạo các nhà ngoại giao » tại Matxcơva luôn rất gần gũi với lập trường của điện Kremlin. Như lời một sinh viên của trường thổ lộ : trên hồ sơ Crimée hay về luật pháp quốc tế, quan điểm được ngoại trưởng Lavrov đưa ra bao giờ cũng được sinh viên của trưởng ủng hộ rộng rãi.
Linh mục 71 tuổi cũng sàm sở trẻ em
Mục xã hội trên tuần báo L’Obs có bài viết có thể khiến nhiều bậc phụ huynh hay các nhà bảo vệ trẻ em rất quan tâm, đồng thời cũng khiến xã hội vô cùng bức xúc, đó là về nạn linh mục lạm dụng tình dục trẻ em.
Tháng giêng vừa rồi, linh mục Bernard Preynat, 71 tuổi, đã bị truy tố về tội «lạm dục tình dục đối với trẻ em dưới 15 tuổi ». Trong số khoảng 15 đơn kiện ông này thì có tới khoảng chục lá đơn cáo buộc các hành động sàm sỡ của ông này trong thời kì 1986 đến 1991. Trong khi đó trong suốt 25 năm, tức là đến mùa hè năm ngoái, 2015, ông này vẫn luôn giữ chức là người chịu trách nhiệm chính trong các giáo xứ.
Khi được hỏi vì sao gia đình các nạn nhân biết chuyện mà không đâm đơn thư kiện sớm hơn, mẹ của một nạn nhân chia sẻ: «Vào hoàn cảnh lúc đó, ông ấy là đại diện cho Giáo hội. Dưới con mắt của nhiều người, chúng tôi chỉ là những kẻ bịa đặt ».
Bertrand Virieux, một thành viên của hội « La parole libérée », hội đứng ra bảo vệ các nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trẻ em, lên tiếng: «Cần phải chấm dứt việc chấp nhận chịu im lặng; Giáo hội không phải là nơi trú ngụ của kẻ ấu dâm, nơi mà hắn có thể tùy tiện hành xử mà không bị trừng phạt».
Lính Pháp ở Đông Dương bị Nhật bắt đi đày
Báo Le Monde có bài viết với tựa ngắn gọn: «Bị lưu đày và bị lãng quên », kể về việc hàng trăm lính Đông Dương Pháp đã từng bị phát xít Nhật bắt đi đày và chết vào năm 1945.
Ngày 7 tháng 2 vừa rồi, cuối cùng nước Pháp cũng đã công nhận danh hiệu «Hy sinh trong lúc lưu đày» cho hai lính bộ binh Pháp trong thời kì chiến tranh Đông Dương ở Châu Á. Đây là 2 trường hợp đầu tiên nhận được danh hiệu quốc gia này. Tuy nhiên, theo Le Monde vẫn còn hàng trăm tù binh Pháp đã thiệt mạng trong các trại giam của Nhật tại Đông Dương năm 1945.
Đảo Saint-Hélène: điểm hẹn du lịch mới
Liên quan đến du lịch, báo Libération có giới thiệu với độc giả một địa điểm du lịch thú vị, đó là đảo Saint-Hélène, nằm ở Đại Tây Dương.
Đây cũng chính là nơi Hoàng đế Napoléon đã sống trong thời gian ông này bị đi đày cho đến khi qua đời. Sắp tới đây, sẽ có chuyến bay phục vụ hành khách đến tham quan và nghỉ ngơi tại hòn đảo này. Ngoài việc giới thiệu chi tiết về hòn đảo, bài báo còn mang đến cho độc giả các thông tin thú vị liên quan đến việc ăn uống, đi lại và các hình thức lưu trú dành cho khách tham quan nơi này.
Trang nhất các báo Pháp
Trên trang nhất các báo ra hôm nay, độc giả có thể thấy các chủ đề lớn đều liên quan đến Châu Âu, chẳng hạn như việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, báo Le Figaro có chạy tựa lớn: «Châu Âu: Đối với Merkel, không còn trông chờ gì từ phía Pháp », hay trên tờ Le Monde, với tựa: «Người tị nạn: Merkel đối mặt với thùng phiếu », hay như trên Libération: «Merkel: bóng dáng của người di cư bao trùm hòm phiếu».
Còn tờ nhật báo công giáo La Croix thì chọn phông màu sẫm, trên đó hiện lên gương mặt rạng ngời của ba đứa trẻ và chạy hàng tựa lớn: «150 năm đồng hành cùng lứa thanh thiếu niên sống bên lề xã hội».