Điểm Báo Pháp – 11-9-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11-9-2015
Căn cứ hải quân của Nga tại Tartus, Syria. Wikipedia
Tú Anh –  11-09-2015

Vladimir Putin cố cứu đồng minh Bachar al-Assad

Tây phương nên hay không nên đổ quân vào Syria? Nga tăng cường lực lượng quân sự tại Syria cứu chế độ Damas suy yếu trong bối cảnh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng trong chiến lược trợ giúp lực lượng nổi dậy. Làn sóng người tịnạn đa số là dân Syria tràn ngập châu Âu . Kinh tế Trung Quốc có thật sự vững chắc? Đó là những chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay.

Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất: «Nga động binh “kỳ lạ” tại Syria». Tây phương lo ngại ý đồ của Vladimir Putin khi đưa quân vào miền tây bắc Syria. Matxcơva nhìn nhận có tăng cường vũ khí nhưng không đưa thêm người. Tây phương biết rõ là Nga nói dối.

Nhật báo cánh hữu của Pháp đặt câu hỏi : Mục tiêu chiến lược của Nga khi tăng quân tại Syria để làm gì? Những phi trường dã chiến, tàu đổ bộ, lều trại mới dựng lên cho hàng trăm quân lính, không kể chiến xa và vũ khí nặng cung cấp cho quân đội Syria là để hợp tác với Tây phương chống tổ chức thánh chiến Hồi giáo? Hay là chỉ để bảo vệ căn cứ địa của dòng họ và hệ phái Shi-a của tổng thống Al Assad, vừa chuẩn bị cho giải pháp chia cắt lãnh thổ vừa bảo vệ được quyền lợi «cốt lõi» của Nga tại Trung Đông mà Damas là đồng minh duy nhất.

Le Figaro để cho độc giả tự trả lời nhưng cho biết thêm một số dữ kiện: trên chiến trường, quân đội chính phủ đã hoàn toàn suy yếu không đủ sức đương cự với lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Cách nay 4 năm, khi cách mạng dân chủ ôn hòa xảy ra, quân đội Syria còn khẳng định một cách ngạo mạn là quân đội bách chiến bách thắng. Từ khi tình thế đổi thay, tranh đấu chính trị biến thành vũ lực, quân đội Syria đã đuối sức rõ rệt. Dấu hiệu đại bại rõ nét nhất là tại nhiều khu vực, như ở Idlib, quân đội chính phủ biến mất, phải nhờ cậy vào lực lượng võ trang Hezbollah do Iran tài trợ thay thế. Chính trong tình thế nguy ngập này, Damas phải kêu gọi sự giúp đỡ của Nga, nhất là để bảo vệ thành phố Lattaquié, thành trì của gia tộc Al-Assad.

Cơ hội “bình thường hóa” quan hệ Nga-Tây phương

Theo nhận định Le Figaro, Putin cố gắng tránh cho chế độ Al-Assad sụp đổ một cách thô bạo vào tay tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, kẻ thù của Tây phương. Thế mạnh áp đảo của Daech cũng là cơ hội cho Tây phương “nối lại” quan hệ với Matxcơva mà thái độ tráo trở của Putin trong hồ sơ Ukraina đã làm nước Nga bị cô lập.

Cũng trong chiều hướng này, nhật báo Công giáo La Croix phân tích “vấn đề nước Nga” trong bài xã luận cùng tên : trong nước, tổng thống Putin dựa trên tham nhũng để cai trị và trấn áp một cách hiệu quả phong trào đối lập. Ngoài nước, ông không đe dọa mà thẳng thừng ra tay tấn công những quốc gia muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng Nga như trường hợp Gruzia và Ukraina.

Theo La Croix, thái độ của Putin đáng bị lên án. Ngay nước Pháp, tuy không có truyền thống chống Nga nhưng dù không ghét cũng thành ghét. Nhưng nhật báo Công giáo nhắc nhở công luận trước khi trách người hãy tự trách mình. Đừng quên là sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô sụp đổ, bị phá sản từ kinh tế đến chính trị. Phe “thắng cuộc” là Tây phương và Mỹ đã không thật lòng trợ giúp phe “chiến bại” sớm hồi phục. Mỹ không rộng lượng với Nga như đã hào phóng cứu nước Đức sau Thế chiến thứ hai. Nato không những xem Nga là một loại “cường quốc nghèo” mặc kệ cho số phận, mà còn không tôn trọng một số cam kết khi mở rộng biên giới về phương đông. Sự sỉ nhục này giải thích phần nào lý do phần đông dân Nga ủng hộ chính sách tân đế quốc của Vladimir Putin. Nhật báo Công giáo khẳng định “không thể chấp nhận” chính sách vũ lực của Nga nhưng phải quan sát từng cơ hội để thúc đẩy Nga xuống thang, phục hồi chổ đứng trong bàn cờ quốc tế.

Liệu con đường hòa giải với Nga có ảo tưởng hay không?  La Croix đương cử trường hợp cụ thể qua thỏa thuận hạt nhân với Iran và kết luận: hãy tạo cơ hội thứ hai ở Syria.

“Chúng tôi đơn độc chống thánh chiến”

Trong khi Nga cố gắng giúp chế độ Damas thì liên minh nổi dậy do Mỹ và Tây phương hậu thuẫn cảm thấy bị bỏ rơi. Trong một bài phóng sự dài “Chúng tôi một mình chống thánh chiến”, nhật báo Libération cho biết lực lượng đối lập võ trang ở phía bắc Syria đang là nạn nhân của hai lập trường tương phản của Mỹ và đồng minh khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Washington muốn thành lập một khu an toàn do liên minh đối lập Syria do Mỹ huấn luyện và người Kurdistan ở Syria kiểm soát thì kế hoạch này bị Ankara chống đối kịch liệt. Chính quyền Erdogan bị oán thù với tổ chức đối lập Kurdistan PKK làm mờ mắt.

Trong khi đó, hàng triệu người Syria tuyệt vọng vì chiến tranh triền miên tiếp tục chạy sang châu Âu lánh nạn gây bối rối cho Liên Hiệp Châu Âu. Le Monde loan báo: Châu Âu đón nhận dưới 10% trong số 4 triệu người tị nạn Syria. Các nước vùng Vịnh từ chối mở cửa biên giới cho dù các vương quốc Ả Rập giàu sang, phồn thịnh là nhờ nhân công giá rẻ. Tại Châu Âu, Đan Mạch không theo gương nước Đức mà lại bắt chước các nước Trung Âu từ chối nhận người tị nạn. Le Figaro cho biết thêm, một trong các nước Trung Âu đó là Hungari đang tính đến giải pháp ban bố tình trạng khủng hoảng, quân đội đã bắt đầu được huy động diễn tập chiến dịch khóa chặt biên giới được đặt tên là “hành động quyết định”. Trái lại, tại Đức, thủ tướng Merkel vun bồi hình ảnh của một nhà lãnh đạo nhân hậu, được người tị nạn lẫn người Đức tôn vinh là “ bà mẹ bảo trợ”.

Trước viễn ảnh bị làn sóng tị nạn tràn ngập, một câu hỏi then chốt được đặt ra là có nên đưa quân vào Syria hay không?

Trên Les Echos, triết gia Roger-Pol Droit thẩm định là phải can thiệp : hãy nhìn những tội ác mà tổ chức tự xưng là thánh chiến Hồi giáo đã và đang, cũng như sẽ thi hành tại Irak và Syria, nếu họ chiến thắng thì không có giải pháp nào khác: phải tiến hành chiến tranh trên bộ. Dĩ nhiên, đây là giải pháp “xấu nhất” nhưng ít tồi tệ hơn thái độ thụ động vì thời gian đang có lợi cho phe thánh chiến.

Ý kiến can thiệp trên bộ này bị Le Monde xem là “điên rồ” vì nhiều lý do trong đó có nguy cơ trúng kế tổ chức cuồng tín: gây xung đột giữa hai cộng đồng đạo Hồi và Thiên chúa giáo tại châu Âu. Thứ đến châu Âu sẽ bị khủng bố trả thù. Tuy nhiên nhật báo độc lập không chống lại phương án để một liên minh quân sự có “cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo, cùng khẩu vị, sinh trưởng cùng quê hương khủng bố” đổ quân vào Syria.

Biện chứng pháp không giúp kinh tế TC vững bền 

Tuy dành nửa trang báo tường thuật lời thủ tướng TC Lý Khắc Cường trấn an Tây phương và khẳng định kinh tế Hoa lục vững chắc, Le Monde đưa ra một loạt dữ kiện chứng minh ngược lại kèm theo một giải pháp đã được nhiều nước Á châu, khi ở trong tình trạng phát triển của TC áp dụng để thoát hiểm.
Sự kiện chính quyền TC dàn dựng vụ “thú tội” của nhà báo Vương Hiểu Lỗ đưa tin “giật gân” gây chao đảo thị trường chứng khoáng cho thấy chế độ Bắc Kinh vẫn lạc hậu khi bị khó khăn là bắt một người làm vật tế thần.

Điều đáng ngại hơn nữa là “chiến dich bài trừ tin đồn” mà theo Le Monde chứng tỏ ban lãnh đạo đang bị tê liệt, vô kế khả thi và nhất là để lộ rõ mâu thuẫn trong chiến lược phát triển. Đã nói đến kinh tế thị trường thì phải cho tự do thông tin, cải cách theo chiều hướng tự do hóa kinh tế, nhà nước phải tôn trọng pháp luật, phải giảm bớt bàn tay can thiệp kiểm soát. Theo Le Monde, đây là những giải pháp mà những quốc gia châu Á như Nhật Bản rồi sau đó Hàn Quốc, Đài Loan và tất cả các chế độ dân chủ khác trên toàn cầu đã tiến hành khi dân chúng của họ đạt được mức sống như hiện nay của dân TC.

Nhật báo Le Monde kết luận không ít mỉa mai: Biện chứng pháp được diễn giải là có thể chém đứt gạch đá nhưng chắc chắn là khả năng này phải có giới hạn.

Song song với tình hình kinh tế TC đình trệ, trường hợp Brazil,một thành viên khác trong nhóm BRICS bị suy thoái, cũng được mổ xẻ: “Brazil bị ngã gục vì mất điểm tín nhiệm tài chính”, tựa của Les Echos. Với 7% tỷ lệ tín nhiệm, liệu Tổng thống Dilma Roussef có đi hết nhiệm kỳ hai hay không? Le Monde đặt câu hỏi. Nhật báo độc lập cũng quan tâm đến chiến thắng của xã hội công dân Guatemala: bằng cách nào mà những người “phẫn nộ”, tức phong trào chống tham nhũng ở Guatemala đã thành công buộc phó tổng thống Roxana Baldetti từ chức và đưa đương kim tổng thống Otto Perez Mollina từ phủ tổng thống vào thẳng nhà tù.

Một số thông tin khác

Giới cổ sinh vật học vừa công bố khám phá tìm thấy hàng chục, và có thể hàng trăm hài cốt của người tiền sử Homo Nadeli ở Nam Phi. Họ xuất hiện trên trái đất cách nay 2 triệu năm và đã biết sử dụng dụng cụ và tổ chức tang lễ.

Trở lại đời sống hiện nay, Les Echos giới thiệu những thành công vượt bậc của giới tu sĩ Pháp. Sản phẩm từ thức ăn giàu sinh tố, rượu thuốc, thuốc thảo mộc, sữa ong chúa, kem dưỡng da … do hơn 200 tu viện sản xuất, bán chạy như tôm tươi. Thành công thương mại của giới tu sĩ đã gây bất bình cho nhiều doanh nhân thế tục. Họ cho rằng các tu sĩ được nhiều ưu quyền thụ đắc từ thời xa xưa. Đối với Les Echos thì thu nhập qua sản phẩm tiểu công nghệ này cho phép các tu viện có điều kiện sinh hoạt.