Điểm Báo Pháp – 11-7-2015
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz người Đức (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Athènes, 29/01/2015. – REUTERS/Marko Djurica
Theo RFI – Trọng Thành – 11-07-2015
Hy Lạp bất ngờ nhượng bộ: Đòn hiểm của ông Tsipras
Hy Lạp là tâm điểm của báo chí Pháp hôm nay 011/07/2015, sau các đề nghị mà chính phủ Tsipras vừa gửi đến khối euro vào tối ngày thứ năm, ít giờ trước hạn chót. Ngạc nhiên cao độ. Báo Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất «Hy Lạp: Sắp đến hồi kết của một cuộc khủng hoảng khiến Châu Âu run rẩy». Le Monde khẳng định: «Tsipras chấp nhận các đòi hỏi của chủ nợ». Libération thì đặt câu hỏi: «Liệu Tsipras thực sự có khả năng lựa chọn?»,
Bất chấp cuộc trưng cầu dân ý với đa số nói «Không» với đòi hỏi của các chủ nợ, các đề nghị mới của Thủ tướng Hy Lạp được đánh giá là lập lại gần như y nguyên các đòi hỏi của chủ nợ trước cuộc trưng cầu dân ý. nhận định: «Thủ tướng Hy Lạp đã nhân nhượng đối với đa số các đòi hỏi của Bruxelles và IMF, chỉ chưa đầy một tuần sau khi quan điểm của ông được đa số cử tri ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý. Tại sao lại có sự thay đổi quan điểm một cách đột ngột như vậy?».
Quyết định của Thủ tướng Hy Lạp được đánh giá như thế nào?
Bình luận về thay đổi đột ngột nói trên, xã luận của Le Monde mang tựa đề «Trở lại với minh triết» khen ngợi chính phủ Hy Lạp «đã trở lại với lý trí, với thảo luận, từ bỏ các lập trường cực đoan, mơ hồ và chủ nghĩa nhị nguyên. Và tránh được điều mà không ai muốn (…): Grexit – tức khả năng Hy Lạp ra khỏi khối euro». Vẫn theo Le Monde, «Rồi Lịch sử sẽ đánh giá cuộc trưng cầu dân ý của ông Tsipras là một quyết định tuyệt vời được chuẩn bị kỹ lưỡng, hay một hành động tuyệt vọng».
«Thử thách với Tsipras», xã luận của tờ Le Figaro thiên hữu, thở phào với niềm tin tưởng: «Xong! Lần này, trái bom Hy Lạp dường như chắc chắn đã được tháo ngòi: bởi ma thuật của một nghệ sĩ uốn dẻo hạng siêu Alexis Tsipras. Ngoại trừ những diễn biến bất thường, Athens và các chủ nợ sẽ phải ký kết trong những giờ tới một thỏa thuận, mà cách đây hai ngày là hoàn toàn không thể tưởng tượng được… Tương lai sẽ đánh giá lập trường mà Hy Lạp chấp nhận sẽ cho phép quốc gia này bình phục», nhưng trường hợp Hy Lạp cho thấy «không có lực lượng chính trị mỵ dân nào có được phép mầu cho phép hứa nhăng hứa cuội (raser ratis)».
«Thỏa hiệp» là tựa xã luận Libération. Tờ báo thiên tả ghi nhận: «Sự thỏa hiệp cần thiết đang trên đường khẳng định, cho phép giữ Hy Lạp ở lại Châu Âu giúp cho Athens có được khả năng hoàn nợ. Sự nhân nhượng này, nếu được khẳng định, sẽ không làm ai thỏa mãn, nhất là cử tri Hy Lạp, bị buộc phải chấp nhận điều mà họ đã chối từ trước đó ít ngày trong một cuộc bỏ phiếu long trọng. Nếu kết quả tốt đẹp, người ta có thể nói bất cứ điều gì về Alexis Tsipras, chỉ trừ một điều: ông ta không thiếu dũng khí. Ông ta đã cư xử như một lãnh đạo chính trị có trách nhiệm, đóng góp phần mình vì lợi ích quốc gia. Nước Pháp, bị đánh giá là cô độc và không có tiếng nói, có thể hài lòng vì đã có một vai trò kín đáo nhưng có tính quyết định».
Tsipras không nhượng bộ về nhiều điểm căn bản
Bình luận về quyết định bất ngờ của Thủ tướng Hy Lạp, Libération có bài «Đòn hiểm của ông Tsipras». Khác với bài xã luận Le Monde, nhà báo Pháp gốc Hy Lạp Maria Malagardis cho rằng: «Bị coi là hành động đầu hàng, chương trình của Athens (vừa gửi đến khối euro) trên thực tế có vẻ như một tính toán chiến lược». Các đề nghị mới của chính phủ Hy Lạp bị một bộ phận cánh tả coi như là «hành động đầu hàng đơn phương của cánh tả chống chủ trương khắc khổ, sau sáu tháng đối đầu căng thẳng với các chủ nợ». Nhiều đề nghị trong đó như tăng thuế TVA 23% hay xóa bỏ dần khoản trợ cấp đoàn kết cho những người về hưu nghèo nhất… bị coi là «phản bội» lại các cam kết tranh cử của đảng Syriza. Các đề nghị này trước đây vốn được coi là những «đường ranh đỏ», không được phép nhận nhượng trong thương lượng.
Bài viết dẫn lại nhận định của một nhà phân tích chính trị, Georges Seferzis, «chiến thắng của quan điểm Không trong trưng cầu dân ý, nay đã chuyển thành chiến thắng của Có trên thực tế», với câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng Hy Lạp đã hy sinh đất nước – đang bên bờ phá sản – để bảo vệ sự đoàn kết của đảng mình, như đánh giá của nhà chính trị học? Theo nhà báo Libération, xem xét kỹ hơn các đề nghị cải cách của Hy Lạp, có thể thấy rất nhiều cải cách bị áp đặt đã được chính phủ Hy Lạp đề nghị kéo dài thêm nhiều năm, hơn nữa việc thực thi cũng được yêu cầu diễn ra tuần tự… Chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục từ chối tăng TVA đối với các thực phẩm chính hay giá điện, từ chối hạ lương, hay cắt giảm tiếp trong lĩnh vực công. Cuối cùng thì, Libération đánh giá, «trong cuộc đọ sức quyết liệt chưa từng có với các chủ nợ» và trong bối cảnh một số «đối tác» Châu Âu mong muốn Hy Lạp ra khỏi euro, Thủ tướng Hy Lạp đã tránh cho đất nước kịch bản Grexit vội vã.
Về mặt đối nội, với việc «chìa tay ra với tất cả các lãnh đạo đối lập, ngay sau chiến thắng trưng cầu dân ý, mời họ tham gia đóng góp vào các cải cách cho đất nước, ông Tsipras đã vô hiệu hóa các đối thủ chính trị». Vẫn theo Libération, sự lựa chọn mang tính chiến thuật – tổ chức trưng cầu dân ý – của ông Tsipras có thể khiến nền kinh tế Hy Lạp phải trả giá, vì nhiều ngày ngưng trệ, tuy nhiên, đối với đa số người dân Hy Lạp, thủ phạm chính của sự thiệt hại này là đòi hỏi cứng rắn của các chủ nợ, hơn là người đứng đầu chính phủ.
«Diaploki»: Liên minh đen tối giữa giới tài phiệt, truyền thông và chính trị
Vẫn liên quan đến cuộc khủng hoảng Hy Lạp, phụ trương Kinh tế và doanh nghiệp của Le Monde có một bài phân tích đáng chú ý khác: «Những liên hệ nguy hiểm giữa hai giới tài phiệt và chính trị» tại Hy Lạp. Le Monde chú ý đến phát biểu ngày 08/07 của Thủ tướng Hy Lạp trước Nghị viện Châu Âu, với lời hứa – nếu được các định chế chủ nợ tạo điều kiện – ông sẽ trở thành «nhà cải cách lớn của Hy Lạp», đặc biệt với việc «tấn công một cách hệ thống vào cơ chế đặc quyền» của nền kinh tế Hy Lạp và «các tập đoàn » từ 30 năm nay chia phần béo bở từ các «hợp đồng của nhà nước». Le Monde chỉ đích danh hiện tượng gọi là «diaploki» – trong tiếng Hy Lạp : liên minh mờ ám giữa một số tập đoàn kinh tế lớn, với giới truyền thông, các ngân hàng và giới chính trị.
Bài phân tích của Le Monde nhắc đến nỗ lực không thành công của một thủ tướng Hy Lạp hồi 2005. Ý định cắt đứt mối quan hệ đen tối giữa truyền thông, chính trị và doanh nghiệp, với một dự luật cấm cá nhân chủ doanh nghiệp và kể cả các thân nhân sở hữu một phương tiện truyền thông. Với áp lực của giới tài phiệt, dự luật trên đã bị Ủy ban Châu Âu phản đối, và điều này không phải là không có lý, khi việc cấm các thân nhân nói trên vi phạm các quy định của Châu Âu (theo nhà hiến pháp học Hy Lạp Nikos Alivizatos).
Nhà báo điều tra Nikolas Leontopoulos (đồng tác giả với Reuters năm 2012 một loạt bài về nạn tham nhũng hối lộ tại Hy Lạp, với đỉnh điểm là Thế vận hội 2004), nhận xét: sau khi rút ruột hết tài sản của Nhà nước, mục tiêu hiện giờ của giới tài phiệt Hy Lạp là kiếm lời từ các việc «tư nhân hóa cổ phần của nhà nước» tại các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng… (tư nhân hóa là một trong những điều kiện chính của các chủ nợ). Le Monde kết luận với ghi nhận đề nghị «làm sạch Hy Lạp» của Thủ tướng Tsipras trước Nghị viện Châu Âu mới đây trên thực tế đã được Hy Lạp đưa ra rất nhiều lần trong quá khứ, và hiện nay Châu Âu khó tin vào điều này.
Doanh nghiệp tư nhân TC: Nạn nhân của suy sụp chứng khoán
Nhìn sang Châu Á, Le Monde chú ý đến diễn biến mới của cuộc khủng hoảng chứng khoán TC, với bài «Hệ thống tài chính của TC suy yếu».
Theo ghi nhận của thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải, sự phục hồi trong hai ngày vừa qua không đủ để xóa được mối nghi ngại về tương lai bất trắc của các thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau đợt sụt giá chưa từng thấy trong tháng qua. Khu vực bị ảnh hưởng mạnh của hiện tượng này là lĩnh vực doanh nghiệp tư của TC, được coi là «mắt xích yếu» của hệ thống, cho dù một phần lớn doanh nghiệp tư nhân lớn của TC chọn các thị trường chứng khoán nước ngoài, như Nasdaq của Hoa Kỳ.
Trong thời gian chứng khoán sôi sục kể từ tháng 6/2014, nhiều doanh nghiệp tư nhân TC – vốn khó tiếp cận với tín dụng ngân hàng – đã được hưởng lợi từ nguồn tiền mặt này. Theo trang thông tin kinh tế Caixin, 70 trong số 200 doanh nghiệp TC – được cấp tín dụng, với vật bảo đảm là các cổ phiếu – đã bị mất đến một nửa giá trị cổ phiếu so với thời điểm cấp tín dụng.
Khủng hoảng TC, Ấn Độ phấn khởi
Ngược lại với TC, Ấn Độ hy vọng kiếm lời từ nỗi bất hạnh của chứng khoán Thượng Hải là nội dung một bài khác của Le Monde trong cùng mục kinh tế và doanh nghiệp. Le Monde bình luận, người Ấn Độ quả là được tiếng lạc quan, nhật báo «được tiếng là nghiêm túc» The Economisc Times chạy tựa trang nhất: «Bất ổn định của Trung Quốc có thể giúp Ấn Độ mạnh hơn». Theo tờ báo Ấn Độ, phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán Ấn Độ hôm 8/7 trước sự suy sụp của chứng khoán TC là «phóng đại», trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ chứng tỏ là một trong những hướng đầu tư «đáng tin cậy nhất».
Mối đe dọa Daesch: Pháp cần đối lập
Nhìn sang Châu Âu, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiếp tục là một ám ảnh thường trực. Chủ đề chính của tuần báo L’Express là «Daesch: Chiến tranh toàn diện». Xã luận của L’Express «Vì một đoàn kết quốc gia thực sự chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan». So sánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo như một quái vật nghìn đầu, nghìn mắt, chặt đầu này, mọc đầu khác, khác hẳn với tổ chức Al-Qai da trước đây, L’Express ghi nhận sức mạnh của Daesch một phần bắt nguồn từ khả năng tuyển mộ lực lượng ngay trong lòng các xã hội Phương Tây.
Đối mặt với tình trạng này, chính phủ cánh tả Pháp cần phải có sự hợp tác của đối lập, làm sao để đoàn kết quốc gia trong lĩnh vực này trở thành một hoạt động có tổ chức, chứ không phải chỉ là lời kêu gọi, bởi theo tác giả bài xã luận, chỉ có một sự chia sẻ quyền lực, mới có thể cho phép «tái tổ chức lại đạo Hồi của nước Pháp», nhằm bảo vệ tôn giáo này trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tương lai của Iran trong tay phụ nữ
Vẫn liên quan đến đạo Hồi, tuần báo Le Nouvel Observateur hướng cái nhìn sang Iran, quốc gia Hồi giáo Trung Đông qua phóng sự «Tương lai của Iran nằm trong tay những người con gái của đất nước»: «Tôi, Nazanon, nhà kinh doanh».
Theo ghi nhận của tuần báo, dù ít có mặt trên các cương vị lãnh đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo, phụ nữ ngày càng có vị trí quan trọng trong lĩnh vực tư nhân. Tại quốc gia Hồi giáo mà nhiều người tưởng như rất khép kín, phụ nữ Iran đã sẵn sàng cho giai đoạn sau khi Phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Một trong những ví dụ thành công của phụ nữ Iran, được Le Nouvel Observateur giới thiệu là cơ sở cung cấp thông tin trên mạng Takhlifan. 60 nhân viên (trong đó 60% là phụ nữ) của công ty Takhlifan có mặt tại 8 thành phố ở Iran. Dịch vụ mà họ cung cấp cho cả triệu khách hàng là thông tin về các dịch vụ hạ giá tại các nhà hàng, các cuộc trình diễn nhạc, phòng tập thể thao… Theo chủ nhân, bà Nazanin Daneshvar, trạc 30 tuổi, công ty Takhlifan là được đại học Teheran đánh giá là một trong những doanh nghiệp tốt nhất nước, được một nghiên cứu trên The Economist ước giá 150 triệu đô la. Chỉ 5 năm trước, Nazanin tâm sự, khi thành lập doanh nghiệp này bà đã phải nhờ cha đi cùng với danh nghĩa giám đốc, mỗi khi cô có các tiếp xúc làm ăn. Giờ đây, ngoài Takhlifan, Nazanin còn là nhà tư vấn cho Avatechn, một dự án khuyến khích doanh nghiệp trẻ tại Đại học Teheran, được Tổng thống Iran quan tâm sát. Chủ trương của Tổng thống Rohani theo xu hướng cải cách là phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích người Iran hải ngoại đầu tư vào công nghệ trong nước.
Hàng năm có khoảng từ 150.000 đến 180.000 thanh niên Iran rời đất nước. Ông Bijan Ghodstinat, người sáng lập hãng sốt cà chua nổi tiếng hiệu Chin Chin (tác giả câu nói «Tương lai của Iran nằm trong tay những người con gái của đất nước») bất bình về tình trạng thất thoát mà ông đánh giá tương đương với tổn thất khoảng 150 đến 200 tỷ đô la «vốn con người». Theo tuần báo Pháp, “ước tính này là thái quá, nhưng hiện tượng này là đáng lo“. Đối với Iran, vấn đề trước hết là phải làm cho phụ nữ yên tâm, bởi nữ giới chiếm tới 56¨% trong tổng số 4 triệu sinh viên, và họ có mặt ngày càng đông tại các trường đại học tốt nhất nước.