Điểm Báo Pháp – 11-4-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11-4-2015

Dân làng xung quanh khu vực hồ trữ nước Đan Giang Khẩu đang di dời đi nơi khác.Reuters/Stringer

Theo RFI –  Thu Hằng – 11-04-2015

Trung Quốc xây hệ thống dẫn nước khổng lồ cho Bắc Kinh

« Trung Quốc xây hệ thống dẫn nước khổng lồ cho Bắc Kinh », với mục đích cung cấp hàng năm cho thủ đô khoảng 9,5 tỉ mét khối nước. Dự án đầy tham vọng được triển khai từ năm 2002 với tổng chiều dài là 1400 km, có số vốn đầu tư lên tới 33 tỉ đô la. Giai đoạn đầu vừa kết thúc với khả năng cung cấp hàng năm cho Bắc Kinh khoảng 1 tỉ mét khối. Thế nhưng, tại rất nhiều địa phương nơi có dự án đi qua, đất đai của người dân chìm theo dòng nước. Phóng viên của báo Le Figaro phản ánh những khó khăn của người dân tại Nam Dương, tỉnh Hà Nam trong bài : « Đắng cay của những người mất đất ».

Dự án kênh dẫn nước phản ánh tham vọng lớn của Trung Quốc, đồng thời chứng tỏ những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong quá trình phát triển. Nước sẽ ngược dòng 1400 km, từ miền trung trước khi tới Bắc Kinh và điều tiết cho nền công và nông nghiệp ở miền Bắc ngày càng khô hạn. Thế nhưng, cái giá phải trả là sự hy sinh của con người và môi trường.

Ngư dân và nông dân tại Nam Dương là những nạn nhân trực tiếp của « Dự án chuyển hướng dòng nước từ miền nam lên miền bắc ». Việc xây dựng đoạn kênh chính đã khiến nhiều ngôi làng và người dân phải di chuyển. Theo con số chính thức của chính quyền, có 345 000 người, trong đó, riêng tỉnh Hà Nam đã có 160 000 người và 176 ngôi làng chìm sâu dưới nước. Một phần lớn dân di dời vẫn còn ở trong hoàn cảnh bấp bênh, không việc làm, sống trong những căn nhà tạm bợ và không nhận được tiền bồi thường như chính quyền đã hứa.

Ngôi làng Lưu Lộ (Liulu) với hơn 3000 nhân khẩu từ năm 2014 đã chìm dưới lòng hồ trữ nước Đan Giang Khẩu (Danjiangkou). Làng chài Tùng Dương (Songyang) giờ như một ngôi làng ma. Trước đây, cả làng có 40 hộ dân chài, giờ chỉ còn khoảng 10 hộ ở lại. Một người dân trong làng cho biết thanh niên trong làng đi nơi khác tìm việc. Chỉ còn người già, không biết làm gì khác nên ở lại.

Trước khi nâng cao các đập nước trong vùng để tăng trữ lượng nước, hàng ngày gia đình bà có thể đánh bắt được 50 kg cá, giờ còn chưa được 5 kg. Với người dân trong làng, đánh bắt cá giúp họ cải thiện đường đời sống của nông dân chỉ trông mong vào nguồn thu nhập từ việc bán nông phẩm. Khoản trợ cấp ít ỏi của chính phủ không giúp họ đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng nước, chính phủ cấm nuôi cá, vì lo ngại người dân sẽ cho cá ăn bột tăng trọng.

Dự án khổng lồ trên kế thừa ý tưởng của Mao Trạch Đông. Vị cựu lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố : « Miền Nam thừa nước, miền Bắc thì thiếu. Nếu có thể được, miền Nam chia cho miền Bắc một chút, mọi việc đều tốt đẹp ». Người dân tại đây mong những hy sinh của mình không rơi vào những thảm họa  mà cố Chủ tịch Mao đã gây ra, như nạn đói hay Cách mạng Văn hóa…

Trong vài thập kỷ gần đây, hàng triệu người Trung Quốc đã buộc phải di dời để phục vụ cho những dự án đầu tư hạ tầng, mà hầu hết không tham khảo ý kiến dân. Hơn một triệu người phải nhường lại đất đai nhà cửa để xây đập Tam Hiệp, đi vào hoạt động cách đây 10 năm. Năm 2012, chính phủ phải công nhận điều kiện sống của người dân ở đây là một vấn đề cấp bách.

Ủy ban thành phố Nam Dương cam đoan mỗi công dân nằm trong chính sách giải tỏa sẽ được đền bù ít nhất 700m2 đất canh tác và hàng năm nhận được 600 tệ (78 euro) tiền trợ cấp trong vòng 20 năm. Thế nhưng, dân làng Lưu Lộ cay đắng trước chính sách đền bù. Ngoài diện tích căn hộ bị thu hẹp hơn so với trên giấy tờ đền bù, diện tích đất canh tác mà họ nhận được cũng ít hơn và không màu mỡ so với đất đai họ có trước đây. Một người dân mỉa mai : « Nếu phải hy sinh để các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể uống nước sạch và để giữ được những ý tưởng sáng suốt, thì đây là vinh hạnh của chúng tôi ».

Mao, con người bất khả xâm phạm

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, bài xã luận trên tờ Le Monde khẳng định : « Mao, con người bất khả xâm phạm ».Bài viết nhắc lại vụ việc Tất Phúc Kiếm (Bi Fujian), một người dẫn chương trình nổi tiếng của đài CCTV (Trung Quốc), bị buộc phải xin lỗi công khai và tự kiểm điểm do xúc phạm cố Chủ tịch Mao, khi ăn tối cùng bạn bè.

Trong đoạn video dài hơn một phút, bị phát tán trên các mạng xã hội, người ta thấy Tất Phúc Kiếm lăng nhục Mao là « con của gái làng chơi » và cho là « Ông đã làm chúng ta khổ ». Đài CCTV là tiếng nói chính thức của chính phủ, là một trong những trụ cột của chương trình tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy vụ tai tiếng gây chấn động cả nước. Dù Hoàn cầu thời báo biện minh rằng việc phát tán những tuyên bố cá nhân « không được sử dụng để nhận định khuynh hướng chính trị của một người nào đó », nhưng Tất Phúc Kiếm nên hiểu rằng ông đã làm nhiều người thất vọng.

Vụ tai tiếng trên khẳng định vị trí chắc chắn của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc gần 40 năm từ khi ông mất. Chỉ trích vị cố chủ tịch không nằm trong đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, trong một đất nước mà những bất công ngày càng tăng, một bộ phận dân chúng vẫn nuối tiếc thời kì Mao. Ông Tập Cận Bình hiểu điều đó và hành động dưới sự che chở của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Obama-Castro : cuộc gặp lịch sử tại Panama

Hôm qua, 10/04/2015, Hoa Kỳ và Cuba đã bắt tay hòa giải tại Thượng đỉnh Châu Mỹ đang diễn ra tại Panama. Các nhật báo Pháp đều quan tâm tới sự kiện lịch sử này.

Từ năm 1961, sau tuyến bố của Tổng thống Mỹ Eisenhower, quan hệ giữa hai nước trở nên lạnh giá. Báo Libération nhận định Obama và Castro đang hâm nóng quan hệ tại Panama. Ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raoul Castro bất ngờ đồng thời công bố tiến hành đàm phán bình thường hóa quan hệ, mở đường cho các cuộc gặp gỡ song phương. Dù sẽ còn kéo dài, nhưng cái bắt tay tượng trưng tại Panama mang hình ảnh lịch sử, chấm dứt tàn dư cuối cùng của chiến tranh lạnh.

Với Le Figaro, đây là « Obama-Castro : cuộc gặp gỡ lịch sử tại Panama » từ năm 1959. Washington và La Habana hòa giải sẽ cho phép Hoa Kỳ trở lại khu vực này và tạo nên bầu không khí cởi mở hơn. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, quá trình bình thường hóa quan hệ sẽ kéo dài với nhiều vấn đề cần giải quyết, như nhà tù Guantanamo, trưng dụng đất đai, tài sản của những người chống chế độ Castro. Ngoài ra, việc bỏ cấm vận với Cuba sẽ gặp trở ngại tại Nghị viện Mỹ vì nhiều nghị sĩ cho rằng Tổng thống Obama không đạt được thỏa thuận gì về nhân quyền tại Cuba.

Le Figaro dẫn lại tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại thương Cuba Rodrigo Malmierca : « Cuba cần 2,5 tỉ đô la đầu tư ». Đầu tư nước ngoài sẽ giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài. Ngoài lĩnh vực y tế hay kiều hối, Cuba muốn phát triển ngành du lịch và khai thác kền (nickel). Hòn đảo có tiềm năng kinh tế nhưng lại không có khả năng vay mượn. Một kinh tế gia bình luận : « Sẽ không có phát triển kinh tế nếu Castro không biến mất. Chỉ có 11 triệu lao động có thu nhập hàng tháng vào khoảng 20 đô la. Ngay cả với tiền từ chợ đen và kiều hối, vẫn không có sức mua ở đây ».

Ấn Độ bất ngờ mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Đàm phán mua máy bay Rafale của Thủ tướng Ấn Độ nhân chuyến công du đang diễn ra tại Pháp là tâm điểm của báo chí Pháp số cuối tuần.

Le Monde, ra từ chiều hôm qua, trong chuyên trang « Kinh tế », cho biết « Ấn Độ muốn mua khoảng 60 máy bay Rafale » với trị giá lên tới 7,2 tỉ euro. Bài viết đặt câu hỏi liệu đây có phải là bất ngờ thứ hai sau hợp đồng với Ai Cập hay không ? Tờ Le Figaro ra hôm nay đã khẳng định tin này. Tối qua, chính phủ Ấn Độ đã quyết định mua ngay 36 máy bay Rafale sản xuất tại Pháp. Từ 3 năm nay, hai quốc gia đã bàn hợp đồng mua 126 chiến đấu cơ, trong đó 108 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ.

Về phía Ấn Độ, do nhu cầu cấp bách, không quân nước này muốn có ngay chiến đấu cơ sẵn sàng hoạt động. Việc sản xuất chiến đấu cơ Rafale tại Ấn Độ sẽ gây khó khăn cho nhà sản xuất Dassault. Nhà sản xuất e ngại sẽ không đảm bảo được việc lắp ráp loại máy bay tại Ấn Độ với một số bộ phận được sản xuất tại đây. Khó khăn thứ hai, máy bay Rafale lắp ráp tại Bangalore sẽ có giá thành cao  hơn. Thế nhưng, đây lại là một chính sách công nghiệp trọng điểm của Thủ tướng Modi trong chiến dịch « Sản xuất tại Ấn Độ ».

Bài báo nhận xét, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Le Drian thêm lần nữa, sau hợp đồng với Ai Cập, đã khẳng định vai trò của mình. Không có thông tin chính thức liên quan tới giá trị của hợp đồng bán 36 chiếc Rafale, nhưng người ta ước lượng khoảng 4 tỉ euro. Các cuộc thương lượng tiếp theo về tổng số 126 chiến đấu cơ sẽ được hai chính phủ tiếp tục trong thời gian tới.

Chuyến lưu diễn của các tu sĩ

Đang lưu diễn tại Marseille, ba tu sĩ trong nhóm « Les Prêtres » khiến khán giả ngưỡng mộ bởi giọng ca của họ. Trong số đó, có một người Pháp gốc Việt, Joseph Nguyễn Văn Nguyên, đã rời chủng viện năm 2011 và hiện đang làm kĩ sư âm thanh cho địa phận Gap. Le Figaro giành chuyên mục « Phóng sự » để phản ánh sự thành công của nhóm.

Đức cha di Falco, giám mục tại Gap, đại diện cho nhóm đùa rằng : « Đúng là khán giả có mặt đông hơn nhiều tại các buổi lễ sáng chủ nhật ». Danh sách nhạc của nhóm rất đa dạng, từ các bài thánh ca tới các đoạn nhạc cổ điển, điểm thêm các thông điệp tới mọi người. Được đài truyền hình TF 1 Productions đứng ra thực hiện và quảng cáo, hiện nhóm đã ra 3 album và luôn đứng đầu danh sách các bảng xếp hạng. Với hơn 2 triệu đĩa bán ra, khoảng 80 buổi biểu diễn, tại Pháp và nước ngoài, nhóm thu hút được 230 000 khán giả.

Buổi hòa nhạc tại Paris, diễn ra ngày 14/6 tới, được quảng cáo là « ủng hộ cho giáo dân phương Đông », đã gây tranh luận trong công chúng. Dù đã được tháo xuống, nhưng nhờ thế, lượng vé đã tăng lên gấp đôi. Nhóm đã phải lên thêm một buổi phụ cùng tối hôm đó để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Các thông tin khác

Sau các vụ khủng bố tại Paris cách đây ba tháng, một dự luật theo dõi đang được Quốc hội xem xét. Những nhà đấu tranh vì quyền tự do cá nhân cho rằng đạo luật này quá nguy hiểm. Chủ đề này được phân tích trong chuyên mục « Sự kiện » của tờ Libération. Tờ báo cũng cho biết, các đối tượng nhắm tới gồm những kẻ buôn vũ khí, buôn thuốc phiện, tình báo, nghiên cứu, những kẻ theo thánh chiến, các nhà biểu tình hay thậm chí những người ủng hộ đòi độc lập.

Chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp và việc đảng này bị nghi ngờ nhận tài trợ bất hợp pháp cũng là chủ đề chính của thời sự nước Pháp. Thời sự thế giới nổi bật với cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Cuba, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh. Ngoài ra, chiến sự tại khu vực Trung Đông vẫn được các báo tiếp tục phản ánh