Điểm Báo Pháp – 11-2-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11-2-2016

Niêm yết giá đồng rúp Nga với ngoại tệ quốc tế. Ảnh ngày 11/01/2016. Reuters

Theo RFI – Thanh Hà – 11-02-2016

Năm điều bất thường đe dọa kinh tế toàn cầu

Báo Les Echos: Khi nào lại vỡ quả bóng tài chính? Giáo sư Nouriel Roubini, đại học New York nêu lên «5 điều bất thường » đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Năm 2006 ông là người đầu tiên báo trước khủng hoảng tài chính 2008-2009, xuất phát từ Hoa Kỳ.

Vị “lang y” này bắt mạch tình hình hiện nay như sau : tăng trưởng của TC đang hụt hơi, mọi người lo ngại đà phục hồi của kinh tế Mỹ chựng lại sau khi Ngân Hàng Trung Ương Fed tăng lãi suất, bất ổn về địa chính trị tại Trung Đông, giá dầu hỏa liên tục đổ dốc, các tập đoàn – chủ yếu là của Mỹ, trong cảnh nợ nần chồng chất. Dù vậy trên các sàn chứng khoán nhìn chung, cho tới những ngày rất gần đây, chỉ số vẫn tăng cao. Hiện tượng đó không thể kéo dài.

Thêm vào đó, kinh tế của thế giới đang đứng trước 5 hiện tượng mà giáo sư Roubini gọi là những «điều bất thường»: Một là tiềm năng tăng trưởng của cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nước đang trỗi dậy đều bị giảm sụt. Hai là do tỷ lệ tăng trưởng thực sự của thế giới vẫn không cất cánh nổi- đáng quan ngại nhất là trường hợp của châu Âu. Lý do thứ ba liên quan đến chính sách tiền tệ của thế giới.

Theo chuyên gia người Mỹ này, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đua nhau áp dụng chính sách «tiền rẻ » để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Hậu quả về lâu về dài, trên nguyên tắc là lạm phát tăng lên, đồng đô la mất giá, vàng và dầu hỏa thì tăng giá.

Sau 7 năm liên tiếp Âu – Mỹ, Nhật Bản và cả TC cùng nới lỏng chính sách tiền tệ, tất cả những tác động mọi người chờ đợi nói trên đều không xảy ra : đồng đô la tăng giá, dầu hỏa tuột dốc đến mức thấp chưa từng thấy, lạm phát thì gần như ở số không. Đó chính là nghịch lý thứ tư trong mắt giáo sư Roubini.

Điều bất thường cuối cùng, là giá vật liệu trên thế giới đồng loạt giảm sụt, trong lúc thế giới đang ngồi trên nhiều thùng thuốc nổ, từ khủng hoảng về bản sắc tại châu Âu tới khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông, giếng dầu của nhân loại.

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini kết thúc bài nhận định bằng câu hỏi : đến khi nào các thị trường tài chính trên thế giới mới ý thức được tất cả những mối đe dọa tiềm tàng đó?

Bão từ ngành dầu khí thổi qua ngân hàng 

Libération không lạc quan hơn với một bài báo ngắn: «Chứng khoán quốc tế, tình hình tạm yên ắng trước cơn giông tố». Trên thị trường châu Âu, từ đầu năm 2016, cổ phiếu của các ngân hàng mất giá 25 %.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do các ngân hàng châu Âu đã quá tin tưởng vào các tập đoàn dầu hỏa, cấp đến 3.500 tỷ euro tín dụng cho các hãng dầu khí. Có điều trong 18 tháng qua, giá dầu hỏa không ngừng sụt giảm, kéo theo các đại tập đoàn dầu khí của châu Âu vào vòng xoáy.

Nhiều người lo sợ các đại gia dầu hỏa không đủ khả năng trả nợ đáo hạn. Les Echos: «Áp lực ngày càng lớn đối với các tập đoàn ngân hàng».  Trong bối cảnh rối ren này, mọi cặp mắt đều đã hướng về bà Janet Yellen, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ. Le Figaro đánh giá rất cao bản phúc trình của bà tại Quốc Hội ngày hôm qua đã phần nào trấn an được giới tư bản.

La Croix lo lắng: Liệu rằng kinh tế toàn cầu có được chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới hay không?

Bà Aung San Suu Kyi, tổng thống Miến Điện? 

Châu Á, ít được các tờ báo Paris trong ngày quan tâm, ngoại trừ bài viết của Bruno Philippe, thông tín viên báo Le Monde từ Bangkok về “đàm phán giữa lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyu và quân đội”. Đàm phán về khả năng sửa đổi Hiến Pháp Miến Điện để bà có thể trở thành tổng thống quốc gia Đông Nam Á này.

Tại thủ đô hành chính Miến Điện Naypyidaw ngày càng có nhiều tin đồn giải Nobel Hòa bình năm 1991 đồng ý không đụng chạm đến quyền lợi của bên quân đội một khi bà ngồi vào chiếc ghế tổng thống.

Hiện tại, bộ Quốc Phòng Miến Điện đang trực tiếp quản lý hai đại tập đoàn Myanmar Economic Holdings và Myanmar Economic Corporation. Theo tác giả bài báo, việc Quốc Hội lưỡng viện Miến Điện sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 17/03/2016 để chỉ định tổng thống cho thấy “tiến trình thương lượng” cần có nhiều thời gian.

“Hiện tượng” Bernie Sanders 

Nhìn sang Hoa Kỳ, hai ngày sau cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire với kết quả như đã biết là nhà tỷ phú Donald Trump về đầu phía đảng Cộng Hòa và thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders áp đảo bên đảng Dân Chủ, báo chí Paris vẫn ngạc nhiên trước “Hiện tượng” Bernie Sanders, người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa lại “ung dung với vị trí khá vững vàng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng”, như bình luận của Le Monde.

Le Figaro cũng ngạc nhiên không kém khi thấy Sanders, 74 tuổi, trở thành “thần tượng của giới trẻ và phụ nữ” đe dọa tương lai chính trị cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Theo các con số được thông tín viên của tờ báo này đưa ra, tại bang New Hampshire vừa qua, đã có tới 83 % những người dưới 30 tuổi bỏ phiếu ủng hộ ông Sanders và 55 % phụ nữ tin tưởng vào thượng nghị sĩ bang Vermont này hơn là tín nhiệm cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.

Tờ La Croix xem Bernie Sanders là “hiện tượng bất bình thường của nước Mỹ”: ông là ứng cử viên dám đề nghị đánh thuế tới 52 % vào những người có thu nhập trên 10 triệu đô la! Trong suốt sự nghiệp ông Sanders luôn khẳng định mình là người theo chủ nghĩa “xã hội” trước khi tự cho mình là người của bên đảng Dân Chủ.

Báo kinh tế Les Echos không vòng vo “Sanders, người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thu hút nước Mỹ”. Hậu quả kèm theo là tới đây chiến dịch vận động của bà Clinton sẽ phải nghiêng thêm về lập trường của cánh tả.

Đánh mất tuổi thơ

Chia tay với New Hampshire để tìm đến với trại tị nạn Kepy trên đảo Lesbos, Hy Lạp: đây là nơi đón nhận hàng ngàn trẻ vị thành niên từ Afghanistan, Syria hay Irak, Somalia. Phóng sự trên tờ Le Monde mang tựa đề “Tuổi thơ bị đánh mất” không khỏi gây chú ý.

Eman, Chadab hay Fatima, một vài thanh niên mà phóng viên của tờ báo gặp được đều đã hy sinh tuổi thơ của mình để đương đầu với thực tế: Eman 16 tuổi, được gia đình gửi đi tiên phong, từ Syria đi sang Iran, rồi Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến được Lesbos. Đây là nơi hàng ngàn thanh niên đồng trang lứa có cảm tưởng là bị giam lỏng trong tù.

Chung quanh trại tị nạn là hàng rào kẽm gai, là cổng sắt. Những thanh thiếu niên này bị cách ly với thế giới bên ngoài. Để đến được trại Kepy, Eman từng bị cướp và bạo hành. Chadab, một đứa bé 12 tuổi xuất xứ từ Afghanistan, mồ côi cha từ năm lên 6, em phải có trách nhiệm tìm kế sinh nhai trong gia đình. Khi hay tin nước Đức đón nhận 800.000 người tị nạn, đứa bé này đã cùng với 17 thanh niên khác lên đường. Nguyện vọng của Chadab là tìm lại được tuổi thơ đã mất.

Fatima, một thiếu nữ người Somalia vẫn chưa thể nói thành lời để kể lại những gì kinh khủng nhất đã xảy đến với cô trên con đường đi tìm sự sống.

Tác giả bài viết kết luận : những thiếu niên mà Le Monde đã gặp, không một ai được vẹn toàn. Đó là thất bại chung của châu Âu, lục địa mà tới nay vẫn xem nặng quyền của trẻ em.

Vị đắng trong dự luật sửa đổi Hiến Pháp

Hạ Viện Pháp vừa thông qua dự luật sửa đổi Hiến Pháp, với hai điều khoản gây nhiều tranh cãi : một là luật cho phép ban hành tình trạng khẩn cấp, và hai là khả năng tước quốc tịch trong trường hợp đương sự bị kết tội khủng bố. Sự kiện này chiếm nhiều trang trên các tờ trong ngày.

Libération thiên tả chạy tựa “Củ khoai nóng bỏng trong tay cánh hữu” bởi vì giờ đây đến lượt Thượng Viện, với đa số thuộc về cánh hữu phải xem xét dự luật này. Hình ảnh củ khoai nóng, cho thấy hồ sơ này nhậy cảm tới mức, hễ ai đụng vào “củ khoai nóng đó” thì cũng phải bỏng tay.

Một vị dân biểu của đảng Xã Hội nói với nhà báo của Libération: “Trong câu chuyện hàng ngày ở ngoài chợ, người ta lo lắng về vấn đề cơm áo, gạo tiền, chứ chẳng ai rỗi hơi bàn về chuyện tước quốc tịch” bao giờ. Dù vậy hồ sơ này đang là một thứ thuốc độc ngấm vào các hoạt động chính trị ở Pháp. Đáng tiếc hơn cả là dự luật sửa đổi Hiến Pháp đang trở thành một “chuyện dài nhiều tập vẫn chưa có hồi kết”. 

Báo Le Figaro thiên hữu nói đến một “thắng lợi mong manh” của tổng thống François Hollande bởi vì tương lai dự luật sửa đổi Hiến Pháp giờ đây được đặt trong tay Thượng Viện. Chắc chắn là văn bản này sẽ phải được điều chỉnh nhiều, để rồi sẽ phải đưa trở lại cho Hạ Viện biểu quyết. Vẫn theo Le Figaro, thành công của ông Hollande mang nhiều “vị đắng”.

La Croix thì quá mệt mỏi mong rằng, bên hành pháp nhanh chóng thoát khỏi cảnh bế tắc hiện nay để dồn sức lực cho các mặt trận “hữu ích hơn” thay vì lãng phí thời gian, và tiền bạc vì một biện pháp “gây chia rẽ bên cánh hữu, còn cánh tả thì chia năm sẻ bảy”. Chỉ còn 14 tháng trước khi mãn nhiệm kỳ, La Croix khuyên tổng thống Hollande nên làm điều hữu ích.

Thuê bạn gái hay bạn trai để trấn an gia đình 

Vào lúc châu Á đón mừng năm Bính Thân, Libération để ý tới một hiện tượng xã hội khá vui: ở TC ngày càng có nhiều phụ nữ thích sống độc thân. Nhưng vào ngày Tết, khi về họp mặt gia đình thì bị cha mẹ vặn hỏi “Bao giờ con lấy chồng?”.

Để giảm bớt áp lực, các cô gái tân thời ngày nay không ngần ngại bỏ tiền ra “thuê bạn trai” . Trang mạng Taobao của TC trong những năm gần đây đã đầy rẫy những thơ rao hàng liên quan đến dịch vụ “thuê, mướn” bạn trai. Tùy theo dịch vụ: vài euro thì họ gặp nhau vài giờ, nói chuyện qua loa để có “cơ sở về báo cáo lại với cha mẹ”. Còn nếu như muốn thực sự đưa bạn về quê ăn tết với gia đình để “che mắt” xóm giềng, thì có khi phải chi ra đến vài ngàn euro!

Có nhiều người trên mạng băn khoán: về ăn Tết như vậy, khi được tiền mừng tuổi của gia đình, thì những “vị hôn phu” giả vờ đó có phải hoàn lại cho cô chủ hay không?