Điểm Báo Pháp – 11/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11/12/2014
Một cuộc biểu tình bài xích nhập cư do nhóm PEGIDA kêu gọi tại Dresden ngày 8/12/2014. – REUTERS/Hannibal Hanschke

Đức: Làn sóng bài ngoại dâng cao

Theo RFI – Lê Phước – 11-12-2014  16:00
Nước Đức đang đối mặt với một hồ sơ hóc búa: Nạn nhập cư ào ạt làm xáo trộn xã hội Đức. Làn sóng bài ngoại trong bối cảnh đó dâng cao. Nhật báo Libération số ra hôm nay đăng bài đáng chú ý về chủ đề này: «Khủng hoảng lòng bao dung tại Đức».
Tờ báo đề cập đến một phong trào chống nhập cư mang tên Pegida tại vùng Saxe và đang lan ra nhanh chóng ở những khu vực khác của Đức. Nó lớn mạnh đến mức mà nhà cầm quyền dường như bất lực, các đảng phái chính trị cũng nhìn thấy lợi ích ở đó, tức có thể kiếm phiếu ủng hộ bằng các cam kết hạn chế nhập cư. Tờ báo giải thích, Pegida là viết tắt của: «Người Châu Âu yêu nước chống Hồi Giáo hóa phương Tây». Làn sóng này không chỉ huy tụ được các đảng phái cực hữu mà còn của nhiều người dân mà trước đây không hề có đầu óc bài ngoại. Nguyên nhân chính để giải thích cho sự lớn mạnh của Pegida chính là tình trạng nhập cư ngày càng mạnh ở Đức. Hiện tại, nước Đức chỉ đứng sau Mỹ về người nhập cư. Từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền Đức đã nhận được 200 000 đơn xin tị nạn. Số người nhập cư vào Đức tăng nhanh trong thời gian qua, nhất là khi xung đột leo thang tại Irak và Syria. Năm 2008, Đức tiếp nhận 28000 người nhập cư, đến năm 2012 con số này tăng lên thành 77000, rồi 127000 vào năm 2013. Người nhập cư quá đông làm chính quyền trở tay không kịp trong các chính sách nhân đạo. Bởi vậy, nhiều biện pháp theo kiểu cấp bách và tạm thời đã được nhà cầm quyền áp dụng, như : dựng lều tạm bợ, tận dụng xe tải làm chỗ ở, sử dụng tạm trường học hoặc doanh trại quân đội… Và đều đó đương nhiên ảnh hưởng đến đời sống người địa phương. Bởi vậy mà «dư luận Đức ra sức phản đối các khu lều tạm bợ» đó. Người dân Đức cũng tức giận vì nhà cầm quyền tiếp nhận nhập cư mà không hề để ý đến tâm trạng của người dân. Libération dẫn lời một nhà xã hội học nhận định rằng: «Pegida sẽ dần biến mất nếu nhà cầm quyền biết để ý lắng nghe và thấu hiểu những lo âu của người dân». Nhập cư thật sự là cần thiết cho Đức bởi lẽ dân số nước này thuộc loại dân số già, và vì ngành công nghiệp Đức đang thiếu nguồn nhân công có chất lượng. Thế nhưng, những hệ quả phát sinh từ nhập cư làm cho người bản xứ lo ngại, như việc gia tăng thất nghiệp, sự xuống dốc của đạo đức xã hội, sự gia tăng tội phạm, và đặc biệt là sự mất dần «giá trị đặc thù của người Đức».
Nô lệ tình dục tại miền Bắc Irak
Tại miền Bắc Irak đang xảy ra một thảm trạng nhân đạo: Tổ chức nhà nước Hồi Giáo bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục. Nhật báo Le Figaro có bài phóng sự đặc biệt của đặc phái viên của tờ báo tại khu tự trị Kurdistan miền bắc Irak với dòng tựa: «Những phụ nữ nô lệ của Tổ chức nhà nước Hồi Giáo-IS». Tác giả đã gặp mặt nhiều phụ nữ tuổi từ 14 đến 27 từng là nô lệ tình dục của IS. Qua câu chuyện của những nhân chứng này, một tội ác tưởng rằng chỉ tồn tại ở thời Trung cổ lại xảy đến ở thế kỉ 21 ở khu vực miền Bắc Irak. Đó là việc hàng ngàn người thuộc tộc người Yazidi miền Bắc Irak đã bị IS bắt khi làng mạc của họ bị chiếm đóng vào đầu tháng 8 rồi. Sau đó, phụ nữ và đàn ông bị chia thành hai nhóm. Nhóm đàn ông thì bị đưa đi đâu không được rõ. Còn nhóm phụ nữ thị bị chia làm hai loại: trẻ đẹp chưa chồng, và phụ nữ đi cùng với con của họ và những phụ nữ lớn tuổi. Sau đó, những phụ nữ trẻ đẹp nhất trở thành nô lệ tình dục của các quan chức cấp cao trong quân đội IS, số còn lại bị mang đi phân phát một cách vô tội vạ cho quân lính IS. Sau đó, quân lính IS có thể cưỡng hiếp, trao đổi, tặng cho nhau những phụ nữ này. Việc sử dụng nô lệ tình dục được chính IS thừa nhận trên trang mạng của tổ chức này hồi tháng 10, theo đó họ xem phụ nữ tộc người Yazidi như là «chiến lợi phẩm» và «đáng bị bắt làm nô lệ». Thậm chí IS còn lập hẳn một danh sách bán phụ nữ với giá dao động từ 35 đến 138 euro. Theo lời kể của hai nhân chứng thì các phụ nữ bị IS mang đi bán như là «bán hội chợ» vậy. Theo thống kê của chính quyền địa phương khu Kurdistan tự trị của Irak, thì đã có hàng ngàn phụ nữ bị IS bắt làm nô lệ, trong đó có đến 90% làm nô lệ tình dục, và đến hiện tại chỉ có hơn 300 người trốn thoát.
Mạng lưới IS ở Libya
«Tổ chức nhà nước Hồi Giáo đã mở rộng mạng lưới đến Libya», đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Le Figaro báo động về sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức này. Tờ báo dẫn lời Tư lệnh quân đội Mỹ tại Châu Phi, tướng David Rodriguez, cho biết, Tổ chức nhà nước Hồi Giáo (IS) có thể đã thành lập «những trại huấn luyện» ở khu vực miền đông Libya với số quân hiện tại khoảng 200 người. Le Figaro cho biết, sau khi chính quyền Kadhafi sụp đổ hồi năm 2011, thành phố Derna miền đông Libya rơi vào tay Ansar al-Charia, một tổ bị Liên Hiệp Quốc liệt vào hạng khủng bố. Gần đây, IS đã đặt chân rết ở Derna. Tờ báo dẫn lời của một thành viên của Hội đồng hòa giải dân tộc Libya cho biết rằng từ mấy tháng qua, IS đã bắt cóc và ám sát nhiều người trong khu vực. Người này cho biết thêm, các trại huấn luyện được IS lập ở Derna là một sự lựa chọn có tính toán: đây là khu vực rừng núi dễ phòng bị và khó tấn công. Người này cho rằng hiện số quân IS ở Derna «rất nhiều» và «có nhiều quốc tịch khác nhau». Tướng David Rodiguez thì cho rằng, chiến binh tham gia IS ở Derna không phải là những người tình nguyện đến từ nước ngoài, mà là các thành viên của quân tự vệ địa phương. Le Figaro cho biết thêm, theo một đoạn ghi âm được cho là của một lãnh đạo IS, thì Tổ chức này đã có mạng lưới ở Libya, Ai Cập, Yemen, Ả Rập Xê Út và Algeri. Các trang mạng xã hội cũng chuyền nhau hình ảnh cho thấy sự gia nhập IS của các phần tử cực đoan ở Libya. Libya hiện đang bị chia rẽ sâu sắc giữa hai «chính phủ», một ở Tripoli và một ở Tobrouk. Hai bên tranh giành quyền lực và đánh nhau dữ dội. Tình hình hỗn loạn của đất nước đã giúp cho các phần tử Hồi Giáo cực đoan có cơ hội «đục nước béo cò».
Nhật Bản vẫn nghiêng về cánh đàn ông
Trước thềm bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra vào Chủ nhật này tại Nhật Bản, Libération có bài nhìn về vị thế phụ nữ trong xã hội với dòng tựa đáng chú ý: «Khai thác phụ nữ tốt hơn: tương lai còn trong mơ của một nước Nhật trọng nam khinh nữ». Từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không ngừng hô hào quyết tâm nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội. Ông Abe còn xem đó là một động lực quan trọng để phục hồi kinh tế trong một đất nước đang khủng hoảng kinh tế và có dân số thuộc loại dân số già. Mục tiêu mà ông Abe nhắm đến là vào năm 2020 phụ nữ phải nắm đến 30% ghế lãnh đạo trong bộ máy hành chính và các doanh nghiệp. Thế nhưng, mục tiêu đó còn khá xa vời khi mà trước thềm bầu cử, Đảng cầm quyền của ông Abe và đảng đối lập đều chưa thông qua dự luật này. Ngay trong đảng của người hô hào nữ quyền là ông Abe, thì trong cuộc bầu cử vào chủ nhật chỉ có 11,9% ứng viên nữ. Tờ báo cho biết, thực trạng đó làm cho các nhà hoạt động nữ quyền nghi ngờ về lập trường bênh vực quyền phụ nữ của Thủ tướng Abe. Còn trong đảng đối lập chính là Đảng Dân Chủ Nhật Bản thì nữ ứng viên cho bầu cử chủ nhật cũng chỉ có 14,6%. Riêng Đảng Cộng Sản Nhật Bản thì con số ứng viên nữ là ở mức 30%. Số liệu chính thức của chính phủ Nhật Bản càng cho thấy bức tranh u ám : vào năm 2013, chỉ có 6,6% vị trí lãnh đạo ở 3873 doanh nghiệp thuộc về nữ giới. Thậm chí ở Quốc hội Nhật Bản cũng chỉ có 39 đại biểu trên tổng số 480 ghế. Nhật Bản hiện đứng thứ 134 trên 189 nước về sự hiện diện của nữ giới trong nghị viện. Và như vậy thì cuộc bầu cử vào Chủ nhật này, trong hai đảng chính dù đảng nào chiến thắng, vị thế phụ nữ cũng khó có thay đổi gì đáng kể.
Giá dầu sẽ xuống tới đâu?
Giá dầu tuột dốc là một trong những chủ đề được báo chí thế giới đặc biệt chú ý trong thời gian qua. Hôm nay, nhật báo Les Echos đăng bài đáng chú ý: «Giá dầu sẽ tuột dốc đến đâu?». Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Thượng đỉnh APEC đã quyết định không tăng trữ lượng khai thác dầu trong bối cảnh giá dầu liên tục tuộc dốc. Hai tuần sau, các chuyên gia kinh tế tiếp tục lo ngại về tương lai không tươi sáng của giá dầu. Giá dầu thô đã giảm thêm 10 đô la/thùng kể từ Thượng đỉnh APEC, trong khi trước đó đã giảm 35% so với giữa tháng 6/2014. Chỉ trong ngày hôm qua, dầu Brent đã giảm giá thêm 4,32%, tức xuống mức còn 63,95 đô la/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ 5 năm nay, nâng mức giảm giá của dầu Brent lên đến 44% kể từ giữa tháng 6/2014. Về phần mình, dầu WTI của Mỹ đã giảm giá 40% kể từ sáu tháng nay, xuống mức còn 63 đô la/thùng. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia phải hạ thêm mức dự báo của mình. Hôm thứ Ba vừa qua, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ-US EIA- đã hạ mức giá dầu Brent dự phóng cho năm 2015 xuống mức 68,1 đô la/thùng, trong khi con số dự phóng hồi tháng 11 là 83,4 đô la/thùng. Cơ quan này cũng hạ giá dự phóng của dầu WTI xuống mức 62,75 đô la/thùng so với mức dự phóng 77,75 đô la/thùng hồi tháng 11. Về phần mình, Koweit cho rằng giá dầu trong 6 tháng nữa vẫn xoay quanh mức 65 đô la/thùng. Nhiều ngân hàng cũng hạ mức giá dầu dự phóng cho năm 2015. Như ngân hàng Morgan Stanley tại Mỹ thì dự phóng giá dầu vào năm 2015 là 70 đô la/thùng, tức giảm 30% so với dự phóng hồi tháng 11. Còn ngân hàng Société Générale của Pháp thì cho rằng giá dầu sẽ xoay quanh mức 70 đô la/thùng trong năm 2015 và cả năm 2016.
Pháp: Phân biệt chủng tộc gia tăng
Trong số ra ngày hôm nay, nhật báo Libération dành trọn trang nhất đăng dòng tít đáng chú ý: «Giải phẫu một vụ phạm tội bài người Do Thái».  Tờ báo đề cập đến vụ việc vào ngày 1/12 này, tại khu vực Creteil cận Paris, thuộc tỉnh Val-de-Marne, một cặp vợ chồng trẻ người Do Thái đã bị cướp tại nhà. Tờ báo đã tiếp cận được toàn bộ bản khẩu cung của hai vợ chồng này, theo đó vào chiều ngày hôm đó, khi nghe tiếng gõ cửa nhà, người vợ ra mở cửa và lập tức bị ba tên bịt mặt có vũ khí khống chế. Sau đó người chồng cũng bị khống chế. Bọn cướp hỏi chỗ để tiền, lục soát nhà cửa và còn có hành vi cưỡng hiếp người vợ. Qua lời khai của hai vợ chồng, bọn cướp đã theo dõi họ từ lâu và đã chọn thời điểm thích hợp để hành động. Điều đáng chú ý là ba tên cướp đều cho rằng: «Người Do Thái không để tiền ở ngân hàng», «Người Do Thái có nhiều tiền». Vụ việc này góp phần cho thấy rõ hơn tình trạng phân biệt chủng tộc tại Pháp. Libération dẫn số liệu cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2014, bạo lực bài người Do Thái đã tăng 91% ở Pháp. Điều đáng nói là sự bài Do Thái đó lại đến từ «những định kiến» mà người ta tưởng đâu biến mất từ lâu thì bây giờ lại xâm nhập vào một bộ phận tuổi trẻ sống tại Pháp. Định kiến đó chẳng hạn như là: «Người Do Thái có nhiều tiền», «người Do Thái có quyền lực»… Nhận định này được nhấn mạnh trong bài xã luận mang tên «Định kiến» của tờ Libération. Bài xã luận nói thêm, mỗi khi chiến sự Israel và Palestine căng thẳng, thì số vụ bạo lực bài Do Thái tại Pháp tăng lên đột ngột. Điều đó mới thấy sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các nước trong thời đại toàn cầu hóa.