Điểm báo Pháp ngày 03-10-2015
Một tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Thái Lan Mit Jai Inn.DR
Theo RFI
Mai Vản
ngày 03-10-2015
Thái Lan : Văn nghệ sĩ trổ tài lách kiểm duyệt
Châu Á hầu như vắng bóng trên báo Pháp ngày 03/10/2015, ngoài trừ một phóng sự của nhà báo Bruno Philip trên tờ Le Monde về lãnh vực văn hóa ở Thái Lan mang tựa đề : « Sáng tác trong guồng máy kiểm duyệt Thái Lan ».
Tác giả bài viết nêu bật tình trạng là trong bối cảnh của một xã hội bác bỏ mọi hình thức khiêu khích, một chế độ thẳng tay đàn áp ở Thái Lan, đối với người nghệ sĩ, muốn vượt qua khuôn khổ này là cả một sự phiêu lưu nguy hiểm. Nhưng họ không chịu bó tay.
Đối với nhà báo Le Monde, nghệ sĩ, người làm phim ở Thái Lan giờ đây không chỉ có tập trung trên sáng tác của mình, mà để có thể tiếp tục làm việc, họ còn phải sáng tạo, phải trở nên điêu luyện trong một nghệ thuật khác có lẽ phức tạp hơn : tránh né kiểm duyệt tại một vương quốc mà quyền tự do ngôn luận thường thay đổi. Cho nên họ phải biết vượt qua cản lực bằng cách nói bóng nói gió, khiêu khích nhưng không quá lộ liễu.
Bài báo trích ví dụ của một nhà làm phim viđeo Chulayamnon Siriphol : « Nói thẳng rất nguy hiểm… muốn nói gì với công luận thì phải khéo léo đi vòng ». Trong một bộ phim ngắn, ông đã kể lại câu chuyện tình giữa một công chúa với một cậu sinh viên sau vụ đảo chính năm 1932, đã đưa Thái Lan từ nền quân chủ chuyên chế sang nền quân chủ lập hiến. Trong bối cảnh hiện nay của Thái Lan, đây là loại chủ đề có thể được xem là ‘mấp mé’ giới hạn.
Kiểm duyệt ở Thái không thiếu lý do. Theo điều 112 của Hiến Pháp Thái Lan, xúc phạm đến Quốc vương, Hoàng hậu, Thái tử, người nhiếp chính có thể bị từ 3 năm đến 15 năm tù. Vấn đề là cách diễn giải về tội ‘xúc phạm’ khá rộng để chính quyền thoải mái kiểm duyệt.
Và từ cuộc đảo chính tháng 5/2014, với việc tướng Prayut Chan Ocha lên nắm quyền, thì không gian hoạt động của giới nghệ sĩ muốn chỉ trích những biểu hiện thái quá, ngày càng eo hẹp. Nhưng không chỉ có chính quyền, người dân Thái nói chung, như nhận xét của nhà báo Kong Rithdee trên tờ The Bangkok Post, cũng có một cái nhìn đơn giản về nghệ thuật, chưa mấy quen với loại hình dấn thân. Nhưng dù thế nào, thì nói thẳng vẫn không phải là một điều tốt.
Thế nhưng, cho dù thế, bài báo trên Le Monde ghi nhận là nhiều nghệ sĩ không ngần ngại vượt qua lằn ranh « màu vàng », như họa sĩ kiêm điêu khắc gia Mit Jai Inn, đã dám chơi với màu sắc của quốc kỳ Thái – xanh trắng đỏ – mà ông đã thêm nhiều màu khác trong đó có màu xanh lá cây của quân đội.
Dĩ nhiên vấn đề kiểm duyệt không mới mẻ qua bao nhiều chế độ quân sự cầm quyền, nhưng hiện nay nhiều người đánh giá là Thái Lan đang sống dưới ách một chính quyền xuất thân từ cuộc đảo chính quân sự, với tâm lý nghi kỵ nặng nề, nên kiểm duyệt càng gay gắt thêm. Chỉ vì nói đến dân chủ hay ủng hộ chính quyền trước, ngày càng có nhiều người bị mời đến trại lính để « được » cải tạo tư tưởng.
Giới làm phim là dễ bị kiểm duyệt nhất. Có người thì nghĩ đến việc ra nước ngoài quay phim, nhiều người nghĩ đến những hình thức đối đầu, như cách thức ngoạn mục của đạo diễn Pen Ek, với cuốn phim tài liệu chính trị trong đó giới trí thức đã nói lên cảm nghĩ, phân tích về con đường khó khăn của nền dân chủ trên đát Thái.
Phim dĩ nhiên là đã bị kiểm duyệt. Nhưng đạo diễn không chịu thua đã thuyết phục được những người muốn cắt xén là không cắt hình ảnh mà chỉ cắt âm thanh thôi. Kết quả là cuốn phim đã rất thành công ở Bangkok năm 2013, vì lẽ kể lại câu chuyện lịch sử đương đại nước Thái chưa từng dậy ở trường học, và cũng độc đáo ở chỗ người ta thấy người nói chép miệng nhưng lại trong sự im lặng, không nghe một tiếng nào cả.
Đạo diễn cũng vào xem phim, nhớ lại :’Lúc đầu khán giả chưng hửng, rồi bực mình, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng hiểu ra và bắt đầu cười’. Ông cũng tin tưởng là 50 năm nữa khi âm thanh được phục hồi thì khán giả sẽ thắc mắc : có gì đâu mà phải tranh cãi như vậy ?
Nước Đức kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất
Báo Le Figaro hôm nay chú ý đến nước Đức kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất, và trong hàng tựa lớn trang nhất nói đến « Nước Đức mời thúc hối Châu Âu ». Tờ báo giải thích bên dưới là quốc gia kỷ niêm 25 năm thống nhất hôm nay, đã trở nên cường quốc kinh tế và chính trị hàng đầu. Đến nỗi nhiều khi đã làm các láng giềng phải tức giận chống lại.
Le Figaro không ngớt lời khen, nhắc lại ngày mùng 3/10/1990, Đông Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức) chính thức thống nhất với phía Tây (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Một phần tư thế kỷ sau, nước Đức của bà Angela Merkel đã bỏ đi được hình ảnh ‘người bệnh của Châu Âu’ mà ngược lại, Châu Âu dường như đang sống một ‘thời điểm hưng thịnh mang màu sắc Đức’ : Là cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu, Đức là nước thứ nhì, sau Hoa Kỳ, mà người di dân, tị nạn trên thế giới chọn đến. Nắm quyền từ 10 năm nay, Thủ tướng Merkel ngự trị trên sân khấu chính trị Đức và cả Châu Âu.
Với bà Merkel, nước Đức từ đây cũng đóng vai trò hàng đầu về ngoại giao. Tóm lại Đức hiện là một cường quốc không thể bỏ qua, có điều Đức cũng gây bức xúc nhất là với các láng giềng châu Âu.
Tờ báo nhân dịp này cũng nhìn lại những thành tựu bên trong nước, cho thấy 82% người Đức tỏ vẻ hài lòng về chất lượng đời sống của họ, 72% nghĩ là uy tín nước Đức đã tăng trên thế giới. Có điều, như Le Figaro ghi nhận, sự chênh lệch giữa Đông và Tây vẫn chưa được san bằng, thanh niên phía Đông vẫn đổ xô sang phía Tây, thất nghiệp vẫn cao, 6,4% năm 2015 này.
Đức và vị thế tại Châu Âu
Trong bài xã luận Le Figaro phân tích ‘sức mạnh của Đức’ và thế đứng đối với Châu Âu. Tờ báo nhìn lại 25 năm trước đây sự thống nhất của nước Đức là thắng lợi đầy tính biểu tượng của chế độ dân chủ trên chế độ cộng sản. Nó cũng là thắng lợi của đề án Châu Âu mang lại hòa bình và sự thống nhất của lục địa này.
Nhưng mặt khác, cũng phải công nhận là nó đã gây xáo trộn cho thế cân bằng cũ, và tạo nên một cường quốc thống trị ở Châu Âu và cũng mở van cho việc mở rộng Châu Âu đáng lý ra phải được thực hiện một cách chặt chẽ hơn.
Đối với Le Figaro sức mạnh của Đức không ngừng tăng lên với thời gian nhờ có mô hình kinh tế hiệu quả và quản lý nghiêm túc của Nhà nước. Người Đức đã tìm lại được sự tin tưởng, tự tin đến nỗi đôi khi áp đặt quan điểm của mình cho người khác, như trong trường hợp của Nam Tư cũ những năm 1990, Đức đã dễ dãi với Croatia, các nước khác đã phải chấp nhận, và giờ đây cứ hỏi Hy Lạp thì biết là thái độ nghiêm khắc của Châu Âu đến từ đâu ?
Ngay cả các nước Đông Âu trước đây cũng bực mình đối với Đức về chính sách đón người tị nạn bị cho là thiếu suy nghĩ.
Le Figaro nhìn thấy là vai trò của Đức quá rõ đối với các cường quốc khác từ Hoa Kỳ, Nga đến Trung Quốc, Đức như là bảo vật được trưng trong tủ kính Châu Âu.
Có điều Đức cũng khiến Châu Âu khó nghĩ : Với Đức khó có sự gắn kết, nhưng không có Đức thì tiếng nói của Châu Âu càng không được mấy lắng nghe.
Đứng đầu nước Đức hùng mạnh này là bà Merkel mà le Figaro khen là có nhiều đức tính nhưng đôi khi thiếu suy nghĩ. Thận trọng, khiêm tốn, dứt khoát, tôn trọng hợp tác Pháp-Đức, không đánh lẻ . Bà đúng là một nhà chiến thuật, nhưng tầm nhìn lại ngắn, nhượng bộ công luân hay liên minh của bà trên những vấn đề quan trọng từ việc bỏ điện hạt nhân cho đến vấn đề người tị nạn.
Berlin trong mắt của Le Figaro, đã trở thành một chàng khổng lồ mềm yếu. Sự thống nhất giữa Đức và Châu Âu còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.
Số phận Tổng thống Syria khuấy động quan hệ với Nga
Hồ sơ Syria hay đúng hơn là số phận Tổng thống Syria Bachar al Assad vẫn là nguyên nhân giằng co giữa Nga, Mỹ và Pháp. Đối với ông Putin thì phải duy trì đương kim tổng thống Syria.
Le Monde trong hàng tít lớn trang sự kiện, nhìn thấy là Matxcơva đang cổ vũ cho phe thân Assad. Tờ báo còn trích câu hỏi của Ngoại trưởng Nga Lavrov, nhắc đến trường hợp Irak, Saddam Hussein bị treo cổ, tình trạng Irak có tốt đẹp lên hay không ?
Đói với Pháp, tờ báo trích lời ngoại trưởng Fabius cũng nói rõ « không có chuyện cứu vãn một kẻ độc tài ». Ngoại trưởng Pháp chỉ trích các vụ oanh kích của Nga ở Syria, cho là đã tập trung vào lực lượng đối kháng với chế độ Damas hơn là vào lực lượng thánh chiến.
Hoa Kỳ cũng chủ trương không duy trì al Assad, có điều theo Le Monde Hoa Kỳ đã bị hỏng chân và tỏ ra bất lực.Theo Le Monde, các cuộc oanh kích của Nga đã làm thất bại chiến lược kềm hãm tổ chức Nhà nước Hồi giáo của ông Obama. Sự can thiệp có giới hạn của Mỹ khiến Washington từ 3 ngày này chỉ còn vai trò bình luận mà thôi.
Báo kinh tế Les Echos trong một bài báo dài trở lại quan điểm của các ‘tác nhân’ chính trong hồ sơ Syria : Putin rõ ràng hậu thuẫn hết mình cho chế độ Damas. Tính toán của Putin rất khôn khéo : Oanh kích ở Syria có lợi cho ông, thoát khỏi thế cô lập ngoại giao, và hơn nữa ông sẽ lợi dụng để mặc cả trên hồ sơ Ukraina.
Về chiến lược của ông Obama, Les Echos đánh giá nghiêm khắc : Mỹ thực tế nhưng không rõ ràng. Bây giờ việc duy trì al Assad không còn là một điều cấm kỵ đối với Washington nữa. Tờ báo có vẻ tán đồng khi nhắc lại ông Obama bị chỉ trích thiếu nhất quán, không táo bạo, không có tầm nhìn trên hồ sơ Syria.