Điểm Báo Pháp
Một người biểu tình tại Simferopol ngày 11/03/2014 với tấm bảng mang dòng chữ “Putin – Kẻ chiếm đóng” – REUTERS/David Mdzinarishvili
Ukraina và những hạt cát của ông Putin
Theo RFI – Thụy My – Thứ tư 12/3/2014
Bài báo viết, có thể người Ukraina và người Nga không có cùng quan niệm về chính trị với phương Tây. Nhưng khi người ta mang cái tên Mikhail Khodorkovski, và chọn Viện Bách khoa Kiev làm nơi đầu tiên để lên tiếng trước công chúng hôm 10/3 với đề tài « Tự do và nhân quyền », thì có thể nghĩ là sự chọn lựa này không thể lọt qua khỏi con mắt của Kremli. Và việc ghé qua quảng trường Maidan, tưởng niệm những người đã thiệt mạng hồi tháng Hai, cùng sưởi ấm với những người Afghanistan muốn xin chữ ký của ông, những cái bắt tay nồng nhiệt được trong những tấm ảnh được lan truyền trên internet, tất cả đều là một thứ chính trị tuyệt diệu.
Đó là những hạt cát làm lộ ra những điểm yếu trong kịch bản do Tổng thống Nga đưa ra để không mất Ukraina. Là một nhà chiến thuật tài ba, Vladimir Putin chứng tỏ là một người bày mưu tính kế rất giỏi. Những người lính không mang phiên hiệu Nga nhưng đã nắm quyền kiểm soát Crimée, một chính quyền địa phương bù nhìn kêu gọi giúp đỡ, một tổng thống bị lật đổ trốn sang Nga, sản xuất ra một lá thư yêu cầu can thiệp hôm 1/3 trong khi chỉ trước đó một ngày từng tuyên bố chống lại mọi can thiệp quân sự. Một Hội đồng Bảo an bất lực không thể phản ứng vì Nga nắm quyền phủ quyết, những chiếc xe buýt chở người biểu tình đến những vùng nói tiếng Nga để gieo rắc sự chia rẽ…Tất cả đều ổn thỏa. Bản thân việc trả tự do cho ông Khodorkovski và nhóm Pussy Riot cũng đã được tính toán để không làm ảnh hưởng đến Thế vận hội Sotchi.
Nhưng ông Vladimir Putin khi tính toán đã không dự kiến đến yếu tố con người. Những con người bằng xương bằng thịt. Và thế là vị cựu tù nhân nổi tiếng, sau ba tháng sống cuộc sống tị nạn sang cả, đã lên máy bay đến Kiev. Đó là cơn ác mộng tệ hại nhất của Putin : sự hỗ trợ của những nhà dân chủ Nga đối với cách mạng Ukraina. Điều này chưa thành hiện thực, nhưng đây là những hạt cát có thể làm cho bộ máy bị hư hại.
Những hạt cát đôi khi làm nên ngọn núi
Cũng như giáo sư Zoubov, một hạt cát khác. Andrei Borissovitch Zoubov, nhà sử học dạy môn triết tại MGIMO, Viện Quan hệ Quốc tế danh giá của Matxcơva. Một nhà trí thức đáng tôn trọng và rất được tôn trọng. Ông năm nay 62 tuổi, có đôi mắt xanh biếc và chòm râu xám, như từ trong bộ phim Bác sĩ Jivago bước ra. Khi được biết về vụ Crimée, bầu máu nóng của giáo sư bỗng sôi sục trong huyết quản.
Ông viết một bài báo so sánh kế hoạch của Putin tại Crimée với việc Hitler xâm chiếm nước Áo năm 1938-1939, gởi cho nhật báo Vedomosti tại Matxcơva và được đăng trên mạng ngay. Sau đó ông giải thích với đài Radio Free Europe : « Tôi muốn nói lên sự thật và cho người Nga thấy điều phải trái. Tôi cũng muốn chứng tỏ với người Ukraina là không phải tất cả mọi người Nga đều chia sẻ quan điểm của Putin. Có sự hiện diện của một nước Nga khác. Đó là nghĩa vụ của một người dân Nga như tôi ».
Giáo sư Zoubov cho biết đã nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ từ khi bài báo đăng lên. Tất nhiên là không phải từ điện Kremli, vì sau đó ông nhanh chóng được biết mình đã bị cách chức. Tuy vậy theo các thông tin mới nhất, giáo sư đã được quay trở lại chức vụ cũ.
Cũng luôn tại Matxcơva, nơi mà chính quyền nghĩ rằng có thể bịt miệng được nhà đối lập Alexei Navalny khi quản thúc ông tại gia và cắt internet, vợ ông đã quyết định tiếp bước người chồng. Bà thông báo trên tài khoản Twitter của chồng : « Kể từ hôm nay, tôi, Ioulia Navalnaia quản lý tài khoản này ». Và bỗng dưng bà có đến nửa triệu người theo chân (follower). Thế là dù bị cấm đoán, @Navalny vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin thông qua Navalnaia.
Ngoài ra còn có, và có nhiều những hạt cát tại Ukraina. Chẳng hạn những người đã từ chối tin vào luận điệu đơn giản về « phương Tây chống lại phương Đông », bọn phát-xít tấn công vào người nói tiếng Nga. Andréi Sadovyi, thị trưởng Lviv, thành phố chống đối nhất và dân tộc chủ nghĩa nhất ở miền tây Ukraina, hôm 2/3 đã cho thu lời kêu gọi bằng tiếng Nga trên YouTube, hướng về các đồng bào ở Crimée và miền đông đất nước.
Đó là một lời kêu gọi đoàn kết quốc gia đầy xúc động : « Chúng ta hãy cùng chiến đấu cho tính đa dạng, cho ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, để chiến thắng nạn tham nhũng và cùng xây dựng một nước Ukraina dân chủ. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian từ khi giành được độc lập. Và điều này không phải Washington, Bruxelles hay Matxcơva làm nên, mà phải do chính chúng ta ».
Hay là đại tá Youli Manchour, người mà hôm 4/3 đã dẫn đầu đoàn quân khoảng 200 người của đơn vị Belbek, tại Loubimovka ở Crimée. Đi bộ, không mang theo vũ khí, các quân nhân Ukraina này đã quyết định quay lại căn cứ không quân đã bị quân Nga chiếm đóng, để giữ thể diện tối thiểu. Hay là chiếc huy chương đầu tiên của Ukraina tại Thế vận hội người khuyết tật. Vận động viên Olena Iourkovska đã dành vinh dự này cho « nền độc lập của Ukraina ».
Bài báo kết luận, đôi khi với những hạt cát, người ta có thể làm nên cả một ngọn núi.
Putin thắng cuộc trong ván bài Crimée dù phải trả giá
Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên nhật báo Libération trong bài phân tích cho rằng « Tại Crimée, ông Putin đã chơi ván bài và đã thắng cuộc ».
Tờ báo nhắc lại cách đây ba tháng, Tổng thống Nga tuyên bố trước một ngàn phóng viên trong và ngoài nước là việc can thiệp quân sự vào Ukraina là một ý tưởng « buồn cười » và sẽ không xảy ra. Và nay quân Nga đã kiểm soát tất cả những điểm chiến lược ở Crimée.
Cách đây mười ngày, cũng trong một cuộc họp báo, ông Putin không chối cãi khả năng sử dụng đến vũ lực vì đã được Thượng viện cho phép, nhưng bác bỏ việc sáp nhập Crimée vào Nga. Điều này không ngăn cản Hạ viện soạn thảo một dự luật cho phép sáp nhập các lãnh thổ mới, và hoan nghênh « chọn lựa lịch sử » của nghị viện Crimée muốn tách khỏi Ukraina để nhập vào Nga.
Các nhà quan sát đều đồng ý rằng Nga đang vội vã hợp thức hóa việc chiếm đóng Crimée và không ngần ngại làm tổn hại đến mối quan hệ với các đối tác phương Tây cũng như với người láng giềng Ukraina. Theo một chuyên gia, thì ban đầu có thể Matxcơva chưa có ý định vẽ lại đường biên giới, nhưng hy vọng duy trì được Ukraina trong vòng ảnh hưởng ở miền đông và miền nam. Nhưng tình cảm thân Nga có vẻ yếu đi tại Crimée, nên Kremli phải ra tay.
Bài báo nhận xét, khi tạo nên một sự đã rồi tại tỉnh tự trị này của Ukraina, Tổng thống Nga củng cố được uy tín tại Nga. Đối với nhiều người Nga, thì Crimée thuộc về nước Nga và không bao giờ nên để địa phương này thuộc về Ukraina sau khi Liên Xô sụp đổ.
Matxcơva có thể đã mất đi Kiev, lọt vào tay « phát xít », nhưng không thể nào mất Crimée. Kremli đóng vai người bảo vệ lợi ích quốc gia trước phương Tây thù địch, mà mục tiêu duy nhất là làm cho Nga yếu đi. Nhìn chung, trong lôgic tuyên truyền của Kremli, cuộc khủng hoảng Ukraina là phương tiện tốt để kích động dư luận chống lại « mối đe dọa của xu hướng tự do ». Những người bất mãn và phản kháng bỗng trở thành các « nhân viên nước ngoài » tìm cách gây mất ổn định cho Nga theo « kịch bản Ukraina ».
Thái Lan : Thaksin và những người Áo Đỏ
Nhìn sang châu Á, đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Thái Lan nói về cuộc sống của những người Áo Đỏ tại Isan ở miền đông bắc. Thần tượng của họ là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và những người Áo Đỏ này đang tranh đấu ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm, em gái ông Thaksin trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nông dân tại Isan ủng hộ một cách có thể nói là mù quáng đối với ông Thaksin, người đã đưa ra những biện pháp để người nghèo có được dịch vụ y tế tốt hơn. Địa phương nằm cách xa thủ đô và gần nước Lào, đất đai chua phèn cho năng suất thấp, là hình ảnh trái ngược với Bangkok và những ai được hưởng lợi từ phép lạ kinh tế thập niên 80.
Một người dân cho biết, nhờ chính sách của ông Thaksin mà người nghèo có thể được khám chữa bệnh với tối đa 30 baht (dưới 1 euro). Trước đó họ phải chờ đợi và vay mượn mới có thể vào bệnh viện. Thaksin còn trợ cấp một triệu baht cho mỗi làng và giúp phát triển.
Cho nên đối với dân nghèo tại đây, họ mặc kệ chủ nghĩa tự do của ông Thaksin, hay chính phủ của ông nổi tiếng tham nhũng, lạm dụng chức quyền, những gì mà người ta nhớ lại về nhiệm kỳ của Thaksin là mức sống được tăng lên.
Nếu chúng ta biết rằng chính phủ dành đến 70% ngân sách cho Bangkok và ngoại vi, trong khi miền đông bắc chiếm đến 1/3 dân số chỉ được có 6%, có thể thấy sự bất công lớn như thế nào. Theo Ngân hàng Thế giới, trong thời kỳ ông Thaksin cầm quyền (2001-2006), thu nhập các hộ gia đình tại Isan tăng 46%. Số liệu công bố năm 2010 cho biết chênh lệch về lương bổng giữa 5% người giàu nhất và 5% người nghèo nhất là gấp mười lần.
Nhật Bản: Bài học Fukushima bị quên lãng
Cũng tại châu Á, hồ sơ của nhật báo La Croix được dành cho Nhật Bản. Ba năm sau trận động đất, chính phủ Nhật muốn tái khởi động các nhà máy điện nguyên tử. Nhà văn Ôé Kenzaburo, giải Nobel văn chương đã than thở, thảm họa Fukushima chẳng hề được dùng làm bài học.
Nhà văn 80 tuổi cho biết, đây là bi kịch lớn thứ hai trong cuộc đời ông. Bi kịch thứ nhất xảy ra vào năm 1945, khi hai quả bom nguyên tử Mỹ được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, ông mới lên mười. Kenzaburo được giáo dục rằng Thiên hoàng là một Thượng đế, nhưng sau 1945 Thiên hoàng lại trở thành một con người bình thường, và một cá nhân như Kenzaburo không còn phải sống dưới cái bóng của Hoàng đế nước Nhật nữa. Hai quả bom nguyên tử đã khiến cho xã hội Nhật Bản thay đổi sâu sắc, trở thành một đất nước hòa bình và tôn trọng nhân quyền.
Sau thảm kịch Fukushima, Kenzaburo đã từng hy vọng Nhật Bản sẽ chối bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Nhưng ba năm đã trôi qua, ông có cảm giác người Nhật bắt đầu quên lãng. Còn Thủ tướng Shinzo Abe không những cố thuyết phục công luận sự cần thiết phải tái khởi động các nhà máy điện nguyên tử, mà còn dự định xuất khẩu công nghệ này. Như vậy sau tai nạn Fukushima không hề có bài học nào được rút ra, theo nhà văn.