Ðiểm Báo Pháp – 8/5/21
CIA dự báo: Cạnh tranh Mỹ -Trung sẽ còn bao trùm hai thập kỷ tới
Le Point số ra tuần này dành trang quốc tế cho những dự báo tương lai thế giới đến năm 2040 của CIA. Cơ quan tình báo Mỹ phác họa một bức tranh tối màu về một thế giới với trật tự quốc tế hỗn loạn và quyết tâm của Trung Quốc muốn thống trị thế giới.
Báo cáo về hiện trạng thế giới từ nay đến 2040 được tình báo Mỹ làm 4 năm một lần vào đầu nhiệm kỳ tổng thống để lãnh đạo nước Mỹ nắm bắt tình hình. Trong báo cáo ra năm 2021 lần này, Cục tình báo quốc gia Hoa Kỳ bao gồm CIA và các sở tình báo khác của Mỹ, mô tả một thế giới trong tương lai mất cân bằng, chia rẽ, tranh chấp nhau ở mọi cấp độ. Tài liệu của tình báo Mỹ vừa được xuất bản bằng tiếng Pháp có tiêu đề : Thế giới 2040 nhìn từ CIA, vẽ ra 5 kịch bản có thể cho tương lai thế giới.
Một trong những kịch bản đó cho rằng các nền dân chủ phương Tây sẽ « không hồi phục hoàn toàn vì trận đại dịch Covid-19, nền tảng các xã hội ngày càng rạn nứt và thế giới lún dần vào tình trạng vô chính phủ ». Trật tự quốc tế được mô tả như là « không có lãnh đạo, hỗn loạn, bất ổn».
Theo Le Point, trong kịch bản này Trung Quốc lợi dụng những khó khăn của phương Tây để mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Thái độ hung hăng của nước này gia tăng ở châu Á « làm tăng nguy cơ xung đột quân sự với các cường quốc khác trong vùng, đặc biệt là vì nguồn tài nguyên thiết yếu, các tác giả của báo cáo ghi nhận. Trái lại các nước đang phát triển có dân số trẻ nhưng lại không có nhiều việc làm cảm thấy buộc phải đấu dịu trước các đòi hỏi của Trung Quốc với hy vọng có được đầu tư và viện trợ mà họ đang cần.»
Bùng nổ các thách thức quốc tế
Báo cáo phác họa một bức tranh thế giới u ám, bùng nổ nhiều thách thức quốc tế. Le Point trích dẫn một số thách thức cơ bản được tài liệu của tình báo Mỹ nhấn mạnh:
Về tác động của hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên. « Trong vòng hai thập kỷ tới, dân số tăng, đô thị hóa nhanh chóng và việc quản lý không tốt đất đai và nguồn tài nguyên sẽ làm kịch phát thêm các tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển.»
Về phát triển công nghệ, từ nay đến 2040, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được áp dụng rộng rãi cải thiện hầu hết các khía cạnh đời sống. « Tuy nhiên nguy cơ đặt ra là trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng vào trong chiến tranh hay để phục vụ những ý đồ xấu như khủng bố hay để kiểm soát dân chúng vì mục đích chính trị».
Trong vòng hai thập kỷ tới, « cường độ cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên thế giới sẽ đạt mức cao nhất từ sau chiến tranh lạnh (…) Trong môi trường thế giới cạnh tranh dữ dội, nguy cơ xung đột giữa các quốc gia cũng có thể tăng vì nhiều lý do. Quân đội của các cường quốc có thể sẽ cố tránh các xung đột cường độ cao, thậm chí là chiến tranh tổng lực. Nhưng nguy cơ bùng nổ xung đột sau những tính toán sai lầm hay không chấp nhận thỏa hiệp về các vấn đề căn bản sẽ có thể tăng (…)»
Báo cáo của CIA nhận định, « các cuộc xung đột vùng và giữa các quốc gia, áp lực dân số, môi trường bị hủy hoại và dân chủ tụt hậu sẽ làm dấy lên căng thẳng chính trị, kinh tế, xã hội ». Đó là những yếu tố thuận lợi để cho khủng bố trỗi dậy. Nguy hiểm nữa là « các tiến bộ công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và khả năng kết nối internet của các vật dụng, sẽ mang lại cho những kẻ khủng bố khả năng tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn bằng cách triển khai các phương pháp tấn công từ xa và cộng tác với nhau xuyên biên giới».
Đảng Cộng sản Trung Quốc 100 tuổi
Trong một bài xã luận mang tiêu đề : « Trung Quốc, 100 năm của chủ nghĩa Cộng sản », Le Point chú ý đến sự kiện chế độ Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo của tác giả Nicolas Baverez đưa ra quan điểm cho rằng Trung Quốc giờ đây đối với thế giới không chỉ là thách thức về hệ tư tưởng mà còn về kinh tế, công nghệ. Các nền dân chủ phải liên minh với nhau để ngăn chặn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập tại Thượng Hải, ngày 23/07/1921, đến năm 1949 giành được chính quyền với việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đến giờ, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, đảng Cộng sản Trung Quốc với vị thế độc tôn ở trong nước đang nhắm tới đích 2049 Trung Quốc trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới.
Tác giả bài xã luận quan sát thấy, « kỷ niệm 100 năm ra đời của đảng Cộng sản Trung Quốc là dịp để phong thánh cho Tập Cận Bình như là người kế tục của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình ». Dịp kỷ niệm một quá khứ được huyền thoại hóa này sẽ gắn với những hào quang hiện tại cùng sự tán dương tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Bài xã luận nhấn mạnh, Trung Quốc giờ đây là « thách thức toàn diện đối với Hoa Kỳ. Khác với Liên Xô, thách thức không chỉ là ý thức hệ mà còn là kinh tế, công nghệ. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng lại là đối tác công nghiệp, thương mại và tài chính. Là một nhà nước toàn trị, nhưng Trung Quốc cũng là tác nhân lớn của quá trình toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập và kết nối với tất cả các châu lục.»
Tuy nhiên dưới bóng hào quang được tuyên truyền người khổng lồ Cộng sản Trung Quốc còn bộc có không ít những điểm yếu.
Quyết tâm trở thành cường quốc kinh tế công nghệ của Trung Quốc đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại của mô hình kinh tế xã hội và chính trị. Việc tái khẳng định tư tưởng Cộng sản mâu thuẫn với việc bùng nổ bất bình đẳng cũng như với tệ tham nhũng của các quan chức đảng. Rồi chính sách đối ngoại hung hăng càng làm xuất hiện liên minh các nước quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.
Cuối cùng tác giả kết luận : Với các nền dân chủ, kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc phải là dịp để soạn thảo một chiến lược ngăn chặn Trung Quốc, xoay quanh ba ý chính sau:
Thứ nhất : « Trái với những ảo tưởng mà Phương Tây vẫn bám giữ lâu nay, Trung Quốc không phải là một chế độ độc đoán mà là một nhà nước toàn trị theo đuổi mục đích loại trừ tự do ở trong nước cũng như ngoài biên giới của mình.»
Thứ 2 : « Các phương tiện sức mạnh mà Trung Quốc tích lũy được chỉ có thể bị kiềm chế bởi một liên minh các nền dân chủ, không giới hạn trong Phương Tây.»
Thứ 3 : « Trước các mối đe dọa Trung Quốc, các nền dân chủ, như đã từng làm trong thời chiến tranh lạnh để chống lại Liên Xô, phải áp dụng binh pháp Tôn Tử, tức không cần dùng đến chiến tranh mà vẫn khiến kẻ địch phải quy hàng mới là chiến thắng vang dội nhất.»
Ấn Độ: Thảm cảnh làn sóng dịch thứ 2, trách nhiệm của Modi
Khủng hoảng dịch Covid-19 vẫn là đề tài không thể thiếu trên các báo vào thời điểm này, các tuần báo Pháp quan tâm đặc biệt đến tâm dịch của thế giới hiện nay là Ấn Độ, nơi từ nhiều tuần qua đang bị cuốn chìm vào trong thảm họa của sóng dịch thứ 2.
L’Expresse ghi nhận qua hàng tựa bài « Từ chỗ đang ra khỏi khủng hoảng đến cơn ác mộng y tế ». Tuần báo nhắc lại, hồi đầu tháng Hai năm nay, ở Ấn Độ số lượng ca nhiễm virus corona đã xuống đến mức thấp nhất. Trong bang Uttar Pradesh có vùng đồng bằng sông Hằng, cuộc sống đã trở lại như bình thường. Lại thấy cảnh giao thông chen chúc hỗn loạn, chợ đông kín, mọi người đã bỏ đeo khẩu trang.
Chỉ ba tháng sau, không khí sảng khoái đó đã nhường chỗ cho hoảng loạn : Mỗi ngày hơn 400 nghìn ca nhiễm. Theo L’Express, đó chỉ là con số chính thức, nhiều tổ chức của Mỹ hay Anh ước tính con số còn phải cao gấp 5 đến vài chục lần như vậy. Tương tự với số người chết, chính quyền đưa con số trên 3.600 người mỗi ngày, nhưng trang thông tin rất nghiêm túc ở Ấn Độ IndiaSpend cho rằng số ca tử vong hàng ngày phải là trên dưới 50 nghìn.
L’Express mô tả các cảnh tượng xác người chết chất đống trong các phố có thể thấy ở Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh cũng như ở thủ đô New Delhi. « Những hình ảnh kinh hoàng như trong chiến tranh. Xác người chết không kịp thiêu vì thiếu củi…. »
Tuần báo Pháp cho rằng có thể lý giải cho thảm họa này là do sự xuất hiện biến thể virus mới, nhưng còn vì hành vi vô trách nhiệm từ chính phủ thủ tướng Narendra Modi, khi cho duy trì các cuộc bầu cử địa phương cùng các cuộc vận động tranh cử tập hợp hàng trăm nghìn người. Trong khi siết chặt hạn chế đi lại với người Hồi giáo nhân mùa chay ramadan thì chính quyền để hàng triệu người theo đạo Hindu được tự do hành hương đến sông Hằng tắm trong lễ hội Kumbh Mela.
Cùng cái nhìn với l’Express, tuần báo Courrier International có bài : « Covid 19 : Modi đã làm Ấn Độ quỵ ngã ». Bài báo nhận xét, « làn sóng ồ ạt lây nhiễm Covid-19 đổ vào đất nước này cho thấy những yếu kém của hệ thống y tế Ấn Độ. Nó càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và căng thẳng tôn giáo ». Trách nhiệm thuộc hoàn toàn vào thủ tướng Narendra Modi và chính phủ của ông bởi thái độ chủ quan ngạo mạn.
Đầu năm nay, trên diễn đàn Davos, ông Modi còn khẳng định đang cứu cả hành tính nhờ vac-xin được sản xuất tại Ấn Độ. Ông huênh hoang khoe đất nước mình là « nhà thuốc của thế giới » và rằng mô hình y tế của Ấn Độ rất thích hợp cho chống dịch Covid-19… Vậy mà giờ đây hệ thống y tế của Ấn Độ bị gục ngã vì không có thuốc, thiếu oxy cho chính dân mình, đẩy đất nước vào thảm cảnh nhân đạo.
Hồi tháng 3 vừa qua, khi làn sóng dịch đầu tiên chưa qua hẳn, chính phủ đã hô hào chiến thắng dịch và cho các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường. Đây là cái giá mà người Ấn Độ phải trả cho sự chủ quan và ngạo mạn của chính phủ dân tộc chủ nghĩa của thủ tướng Narendra Modi.
Anh Vũ