Ðiểm Báo Pháp – 7/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 7/1/22

Tiêm chủng ở Pháp: Lời lẽ “cứng rắn” của TT Macron bị phản đối mạnh

Cuộc nổi dậy tại Kazakhstan, nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, chống giá nhiên liệu tăng vọt, tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp. Nước Mỹ một năm sau vụ tấn công nhà Quốc Hội cũng là một chủ đề trang nhất khác. Tuy nhiên, chủ đề hàng đầu vẫn là tình hình dịch bệnh trong nước với số ca nhiễm tăng theo chiều thẳng đứng. Thái độ của tổng thống Pháp, tấn công trực diện vào những người “không tiêm chủng”, với lời lẽ bị cho là thô bạo, được đặc biệt quan tâm.

Trang nhất Le Monde chạy tựa trang nhất “Những người không tiêm chủng: Vì sao Macron tỏ ra cứng rắn hơn”. Nhật báo này cho biết “sau ba ngày và ba đêm thảo luận dữ dội, dự luật chuyển chứng nhận y tế thành chứng nhận tiêm chủng (theo yêu cầu của chính phủ) đã được Quốc Hội thông qua” vào sáng hôm qua, 06/01/2021. Khẩn cấp chích ngừa cho bộ phận còn lại của dân cư là biện pháp chủ yếu mà chính phủ Pháp đề ra để hy vọng chống chọi được đà lây nhiễm ghê gớm của biến thể Omicron.

Lời lẽ cứng rắn của Macron: Những tính toán đằng sau

Tối thứ Ba 04/01, tổng thống Pháp khẳng định sẽ không để cho hàng triệu người chưa tiêm ngừa được yên. Câu nói tôi “rất muốn gây phiền nhiễu” cho những người này, của tổng thống Pháp khiến nhiều người bị sốc. Le Monde nhận định: những lời lẽ gây tranh luận của tổng thống, chống lại những người chưa tiêm chủng, có những ý đồ chính trị đằng sau.

Le Monde có bài mô tả những “tính toán” đằng sau thái độ bị coi là thô bạo của tổng thống. Phát biểu nói trên của ông Macron trả lời báo Le Parisien trên thực tế được đưa ra cùng lúc với việc tổng thống Macron thông báo quyết định ra tái tranh cử. Nếu như, với tư cách của một tổng thống, ông Macron phải thể hiện là một “vị tổng thống đoàn kết” người Pháp (điều mà cho đến trước đó ông liên tục khẳng định), thì ngược lại, với tư cách một ứng cử viên, ông Macron đã chọn một thái độ hoàn toàn khác. Với phát biểu “không để yên những người chưa tiêm chủng”, ứng cử viên Emmanuel Macron đã chọn thái độ tấn công trực diện một bộ phận dân cư.

Le Monde ghi nhận, tất cả các ứng cử viên tổng thống không bỏ lỡ cơ hội để lên án mạnh mẽ ông Macron. Ngược lại, đa số những cộng sự của tổng thống Macron bênh vực, coi đó như “tiếng nói đại diện cho ‘đa số thầm lặng’ ”. Thủ tướng Jean Castex khẳng định ông “đã nghe thấy khắp nơi những phát biểu giống như của tổng thống”.

Tuy nhiên, cũng theo Le Monde, chiến thuật nói trên của tổng thống, ứng viên tái cử Emmanuel Macron có thể lợi bất cập hại. Trước hết các phát biểu của ông Macron gây tranh luận dữ dội tại Quốc Hội, làm chậm lại việc thông qua dự luật chứng nhận tiêm chủng, thứ hai là một bộ phận đảng cầm quyền cũng không đồng tình với những lời lẽ bị cho là “mị dân”, khi chọn việc tấn công một bộ phận dân cư này để lấy lòng bộ phận dân cư kia. Nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền không giấu được nỗi lo ngại về những “lời lẽ gây chia rẽ” của tổng thống, có thể khiến các tranh luận về chủ đề này sôi sục đến mức vượt tầm kiểm soát.

Phóng đại mức trầm trọng của tình hình: “Con dao hai lưỡi”


luận của Le Monde, nhan đề “Tiêm chủng: Thái độ làm trầm trọng hóa, con
dao hai lưỡi”, trước hết nhấn mạnh đến tâm trạng của hai nhóm dân cư
đặc biệt phẫn nộ về tình trạng còn hàng triệu người không chịu tiêm
chủng, đó là “các nhân viên y tế – vốn mệt mỏi từ hai năm nay – phải
hàng ngày chứng kiến cảnh bệnh nhân phải nhập viện và điều trị tăng
cường, trong lúc nếu được tiêm chủng lẽ ra họ đã tránh khỏi”. Cùng lý do
đó là “nhiều người bệnh nặng đang chờ phẫu thuật, bị hoãn chương trình
nhiều lần” do bệnh viện quá tải. Nếu chưa có vac-xin, thì có thể chấp
nhận, nhưng giờ đã có vac-xin, khó mà không giận dữ.

Theo Le
Monde, về thực chất vấn đề, chỉ có thể đồng ý với việc tổng thống gia
tăng áp lực lên những người chưa tiêm chủng. Thời gian đã đủ để cho thấy
vac-xin “không chỉ là một cơ may, mà là vũ khí hiệu quả chống lại đại
dịch”, và những người lớn tiếng lên án chính quyền “độc tài” khi thúc
đẩy tiêm chủng, đã “giả bộ không hiểu rằng trong nền dân chủ tự do cá
nhân phải dừng lại nơi nó gây nguy hiểm cho tính mệnh người khác”.

Tuy
nhiên, theo Le Monde, về mặt hình thức, một vị tổng thống – người có
nghĩa vụ bảo đảm đoàn kết quốc gia – không thể có những lời lẽ loại trừ
một bộ phận dân cư, để làm hài lòng quan điểm của đa số. Emmanuel Macron
trong trường hợp này đã “sử dụng thiếu suy nghĩ” các biện pháp của
những chính trị gia mị dân, sử dụng cùng “giọng điệu, thái độ hung hăng
của họ”. Hành xử như vậy đi ngược lại phương hướng mà chính tổng thống
Macron đã làm trong những tháng gần đây, là làm dịu bớt các căng thẳng,
tìm cách mở rộng khối dân cư đi theo “tiếng nói của sự tỉnh táo”. Le
Monde đưa ra một lời khuyên : ông Macron nên xem kỹ vì sao cho đến nay,
một bộ phận rất nhỏ dân cư kiên quyết chống tiêm chủng đến cùng, “bất
chấp các kết quả rõ ràng, cũng như các lập luận đầy đủ lý lẽ”, trước khi
quyết định tấn công họ.

Lẽ ra tổng thống nên tìm cách “thuyết phục hơn là ép buộc”

“Những
người không tiêm chủng” tại Pháp cũng là hồ sơ lớn trang nhất của Le
Figaro. Nhật báo thiên hữu giành một phần chính để xác định “ai là những
người bị Emmanuel Macron cáo buộc ? Và họ chịu phần trách nhiệm nào
trong tình hình dịch bệnh hiện tại ?”.

Cũng giống như Le Monde, Le
Figaro ghi nhận việc dân Pháp đồng ý với tổng thống về quan điểm phản
đối với người không chấp nhận tiêm chủng, nhưng ngược lại, không đồng
tình về cách nói của tổng thống, như trong cuộc trả lời phỏng vấn tối
thứ Ba. Nhật báo thiên hữu có bài thuật lại kết quả điều tra dư luận của
Odoxa-Backbone Consulting, theo đó 59% người Pháp đồng ý với chính phủ
về việc cần gây áp lực với những người lưỡng lự, nhưng có đến 65% người
Pháp cho rằng một tổng thống không nên phát biểu như vậy. 70% muốn “lẽ
ra tổng thống nên tìm cách thuyết phục hơn là ép buộc”.

Ai là những người không tiêm chủng?

Về mặt chính thức, có hơn 5,1 triệu dân cư trên 12 tuổi hoàn toàn chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, không phải tất cả những người này đều chống lại việc chích ngừa. Trước hết, Le Figaro lưu ý đến đến khoảng 40% là những người cao tuổi, dễ tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Theo một thăm dò dư luận của Slavaco, được công bố hôm qua 06/01, còn khoảng 10,5% người Pháp chưa tiêm chủng, trong đó hai phần ba khẳng định “chắc chắn không tiêm”, một phần ba có thể thay đổi quan điểm (giảm so với cuộc điều tra tháng 9, khi 9% khẳng định “chắc chắn không tiêm chủng”).

Cũng về chủ đề này, Le Figaro cung cấp thêm
một số liệu khác cho thấy số người “chống vac-xin triệt để” chỉ vào
khoảng 2% dân số. Và điều này không chỉ liên quan đến vac-xin Covid-19,
mà vốn đã có trong những đợt tiêm chủng trước.

Về chủ đề thứ hai, việc không tiêm chủng ảnh hưởng thế nào đến dịch bệnh hiện nay, theo Le Figaro, về mặt mức độ lây nhiễm thì không, nhưng về mặt mức độ nặng của bệnh thì rõ là có. Le Figaro đưa ra nhiều con số xác nhận điều này. Một ước tính cụ thể: nếu trong giai đoạn từ ngày 13 đến 19/12 toàn dân đã được tiêm chủng, thì tỉ lệ ca phải điều trị hồi sức, cũng như nhập viện, lẽ ra đã có thể giảm từ 40 đến 50%. Số liệu của SFAR (tổ chức của giới y tế Pháp phụ trách về gây mê và hồi sức), “80% bệnh nhân điều trị hồi sức là người chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ”.

Cần huy động phương tiện, thay vì phát biểu kích động

“Biến thể Omicron. Cao ngất ngưởng” là tựa trang nhất của Libération, với nhận xét. gần 200.000 nghìn ca mới một ngày và con số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ 5, 6 ngày một lần. Nhật báo thiên tả Libération, trong bài xã luận “Các phương tiện”, cũng ủng hộ một cách phát biểu tạo hoà khí hơn là làm căng thẳng thêm tình hình, cùng lúc đó nhấn mạnh đến việc, để chuẩn bị cho phương án để Omicron lây lan tự nhiên, không phong tỏa, chính phủ cần gấp rút điều động các phương tiện phòng dịch đến đúng nơi cần, đặc biệt là các trường học, nơi rất cần đến khẩu trang, máy hút khí, xét nghiệm tự làm…

Libération dành hồ sơ chính để các nhà dịch tễ học lên tiếng bình luận về chính sách thả lỏng không phong toả, thiết quân luật, của nước Pháp, để hướng đến nhanh chóng có được “miễn dịch cộng đồng” (tiếp nối kinh nghiệm của Anh). Chiến lược thả nổi này được đánh giá là có thể thành công, nhưng cũng đầy nguy cơ thất bại. Theo chuyên gia mô hình hoá dịch bệnh Samuel Alizon (CNRS), nước Pháp có thể phải đón nhận kịch bản 20 nghìn bệnh nhân hồi sức do Covid. Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh lây lan mạnh, một biến thể nguy hiểm mới xuất hiện có thể khiến cuộc chiến phòng chống dịch phải “khởi đầu lại từ số không”.

Trong một bài viết khác, Libération thừa nhận rất nhiều thách thức với chính phủ trong đợt dịch chưa từng có này. “Cân bằng” là từ khoá mà Libération ghi nhận trong chính sách của chính phủ.

Cần thảo luận công khai về “tiêm chủng bắt buộc”

Về vấn đề tiêm chủng, cần bắt buộc hay chỉ là “chứng nhận” là câu hỏi mà nhật báo kinh tế Les Échos đặt ra trong bài xã luận “Vac-xin: từ chứng nhận đến bắt buộc”.  Theo Les Échos, Hiến pháp nước Pháp để ngỏ khả năng áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc, nếu điều này là cần thiết “để bảo đảm sức khoẻ cá nhân và cộng đồng”.

Chứng nhận tiêm chủng thực ra cũng là một dạng bắt buộc tiêm chủng, nhưng không nói thẳng. Les Echos nhấn mạnh là, không nên vì cuộc bầu cử tổng thống sắp tới mà tránh việc thảo luận công khai về vấn đề này, về những vấn đề như có đặt ra đòi hỏi tiêm chủng bắt buộc tùy theo nhóm tuổi hay tình trạng bệnh tật hay không…

Không tiêm chủng: Những người chọn cuộc sống “bên lề xã hội”

“Những người không tiêm chủng chọn cuộc sống bên lề xã hội” là nhan đề trang nhất của La Croix. Dự luật về chứng nhận tiêm chủng gia tăng áp lực lên những ai từ chối chích ngừa là nhận định của nhật báo Công Giáo trên nền hình ảnh phần mềm chứng nhận y tế trên điện thoại di động, như một khuyến nghị gửi đến những ai còn lưỡng lự. La Croix dành hồ sơ chính để mô tả quan điểm của nhiều người phản đối tiêm chủng, chọn cuộc sống bên lề xã hội thậm chí, bên lề gia đình.

Kazakhstan: Cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài thân Nga

Cuộc nổi dậy của người dân Kazakhsztan, chống lại chính quyền bị cáo buộc tham nhũng, bị đàn áp, là chủ đề xã luận của Le Figaro và La Croix. Le Figaro trong bài xã luận “Dô-mi-nô hậu Liên Xô” nhấn mạnh đến việc Kazakhstan trong vòng 30 năm qua được coi như thành trì của chế độ độc tài, chế độ được coi là chuyên quyền nhất trong số các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Sau Belarus, giờ đây đến Kazakhstan trở thành quân bài đô-mi-nô tiếp theo. Theo Le Figaro, không nên đánh giá về cuộc nổi dậy của người dân Kazakhstan ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Nga, và giữa Nga và NATO, về an ninh tại không gian các nước Liên Xô cũ, là một hiện tượng ngẫu nhiên.

Le Figaro ghi nhận việc nhiều tiếng nói tại
Nga tố cáo “can thiệp nước ngoài”, nhưng trên thực tế, nhật báo Pháp
nhấn mạnh là “các cuộc nổi dậy tại Georgia, Armenia, Belarus, Ukraina và
giờ đây là Kazakhstan cho thấy khát vọng của nhân dân các nước được
hưởng nhiều quyền tự do hơn, và quyết tâm cắt đứt với các lãnh đạo tham
nhũng liên hệ mật thiết với Matxcơva”. Le Figaro dự báo ông Putin sẽ làm
mọi cách để ngăn chặn sự sụp đổ của các quân bài đô-mi-nô, đe dọa không
gian ảnh hưởng của ông ta.

“Kết thúc một kỷ nguyên trị vì tại
Kazakhstan” là nhan đề xã luận La Croix. Nhà độc tài Noursoultan
Nazarbaïev, cựu lãnh đạo thời Liên Xô, trị vì hơn 30 năm tại quốc gia
Trung Á đã phải rời bỏ quyền lực. Chế độ độc tài khắc nghiệt của
Noursoultan Nazarbaïev vốn ngăn cản sự trỗi dậy của bất cứ đối lập dân
chủ nào. Ông Noursoultan Nazarbaïev 5 lần tái đắc cử sau các cuộc bỏ
phiếu dàn dựng, kiểm soát toàn bộ quyền lực. Cuộc nổi dậy của người dân
buộc chế độ phải kêu gọi sự can thiệp của Nga.

Mỹ một năm sau vụ tấn công Quốc Hội: Những vết thương vẫn còn nhức nhối

Nước Mỹ một năm sau vụ tấn công nhà Quốc Hội, “những vết thương vẫn còn đau” là một hồ sơ trang nhất của Le Monde. Tình hình nguy hiểm với nền dân chủ Mỹ, theo một thăm dò dư luận, của CBS, chỉ có 54% người Mỹ tin tưởng vào nền dân chủ nước này (so với 90% năm 2002, cách đây 20 năm), 2/3 cử tri hiểu rằng nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ.

Về vụ tấn công nhà
Quốc Hội, 57% cho rằng cựu tổng thống Trump có vai trò quan trọng, hay
khá quan trọng. Nhưng tỉ lệ này chỉ là 22% ở những người ủng hộ đảng
Cộng Hòa, hay nói cách khác, công luận Mỹ đang trở nên đối kháng hơn bao
giờ hết. Tỉ lệ cử tri thuộc tất cả các phe phái chính trị trên toàn
quốc tin ông Trump bị thua oan do gian lận là 31%, trong khi có đến 68%
người ủng hộ đảng Cộng Hòa cho rằng ông Trump bị thua oan, do gian lận
bầu cử, cho dù “không hề có bằng chứng nào cho thấy điều này”.

Đảng Cộng Hòa phục vụ ông Trump:  Đe dọa lớn với nền dân chủ Mỹ

Đảng Cộng Hòa tìm mọi cách để ngăn cản cuộc điều tra của Hạ Viện về trách nhiệm của cựu tổng thống Trump trong việc để xảy ra cuộc tấn công nhà Quốc Hội. Trong một bài phân tích khác, Le Monde nhận định “số phận của nền dân chủ Mỹ phụ thuộc một phần đáng kể vào sự thay đổi lớn trong nội bộ đảng Cộng Hoà” đang diễn ra. Một số nghiên cứu, trong đó có khảo sát của nhà sử học và chính trị học Maya Kandek, trong một phân tích được Viện Montaigne (Pháp) công bố hôm 03/01, cho thấy đảng Cộng Hòa Mỹ đang trên đường loại bỏ những chính khách có quan điểm khác biệt, từ chối việc tự xem xét trách nhiệm của đảng này trong vụ tấn công nhà Quốc Hội, vốn đang thách thức nền dân chủ Mỹ đến tận nền móng.

Việc đảng Cộng Hòa loại bỏ các chính khách “theo truyền thống Cộng Hòa”, để trở thành công cụ phục vụ “mù quáng” cho mục tiêu của Donald Trump, là một đe dọa lớn đối với nền dân chủ Hoa Kỳ.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220107-nguoi-chua-tiem-chung-loi-le-cua-macron-bi-phan-doi-manh