Ðiểm Báo Pháp – 6/7/21
«Chung sống» với Covid nhờ vac-xin: Bài học Anh cho dân Pháp
Nội bộ chính phủ Pháp bất đồng về dự án cải cách hưu trí là chủ đề chính của hầu hết các báo hôm nay, 06/07/2021. Về đại dịch Covid, quyết định của chính phủ Anh chuẩn bị dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh biến thể Delta tăng vọt, và bất đồng xung quanh vấn đề tiêm chủng bắt buộc đối với giới nhân viên y tế Pháp là các đề tài được nói nhiều.
Nước Anh sắp trở lại cuộc sống « bình thường », bất chấp biến thể Delta khiến tỉ lệ người nhiễm mới tăng vọt tại Anh là tựa nhỏ trang nhất Le Figaro. Theo thông báo của chính phủ Anh hôm qua, hàng loạt biện pháp phòng dịch căn bản bắt buộc, như mang khẩu trang tại nơi công cộng khép kín, giữ khoảng cách một mét…, sẽ được xóa bỏ trong hai tuần tới.
« Việc chung sống với virus » từ giờ phụ thuộc vào tiêm chủng và « ý thức trách nhiệm cá nhân », theo thủ tướng Anh. Đa số người Anh vẫn ủng hộ việc mang khẩu trang trong các phương tiện giao thông công cộng (71% theo thăm dò của YouGov) và trong các cửa hàng, siêu thị (66%).
Dỡ bỏ mọi biện pháp trong lúc ca nhiễm tăng vọt
Quyết định của chính phủ Anh có thể gây ngạc nhiên trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới tăng vọt, với khoảng 30.000 ca/ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là số ca nhiễm mới. Le Figaro ghi nhận điểm đặc biệt đáng chú ý là số ca nhiễm gia tăng không tỉ lệ thuận với số người nhập viện, người tử vong gia tăng như trong các làn sóng dịch trước. Bất chấp ca nhiễm mới tăng vọt, số người chết vì Covid là dưới 20 người/ngày (đỉnh điểm của dịch là hơn 1.500 người/ngày).
Bài xã luận của Le Figaro « Covid-19 : ‘‘Chung sống với vac-xin’’ » so sánh hai quyết định của thủ tướng Anh, vào hồi đầu đợt dịch đầu tiên, với quyết định được thông báo hôm qua. Vào thời đầu năm ngoái, quyết định « Chung sống với virus », dựa trên miễn dịch cộng đồng bằng con đường tự nhiên, của thủ tướng Boris Johnson để lại nhiều hậu quả nặng nề. Nước Anh vẫn buộc phải phong tỏa sau đó vào cuối tháng 3/2020, nhưng việc điều chỉnh quá trễ đã khiến Anh là nước có nhiều người chết nhất châu Âu trong đợt dịch này (hơn 40.000 người).
Theo Le Figaro, một năm rưỡi sau, thủ tướng Anh lại quyết định « chung sống… với virus », nhưng bối cảnh lần này là hoàn toàn khác. Anh đã tiến hành một chiến dịch tiêm chủng hoàn hảo. Tổng cộng 86% người Anh trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều, vượt cả Israel, chính vì vậy, số lượng người chết không tăng, bất chấp dịch tiếp tục lan rộng.
Xã luận Le Figaro nhấn mạnh là, bài học nhãn tiền của nước Anh cho thấy tính hiệu quả của vac-xin, sẽ « thuyết phục 35% người Pháp ở tuổi trưởng thành » chưa quyết định tiêm chủng. Le Figaro cảnh báo, nếu đợt dịch thứ tư bùng lên tại Pháp vào mùa thu này, thì những người không muốn tiêm chủng có phần trách nhiệm.
Pháp: Làn sóng dịch thứ tư sẽ ra sao?
Đại dịch Covid cũng là chủ đề chính của La Croix hôm nay. Nhật báo Công giáo cung cấp một số thông tin để độc giả hình dung rõ hơn về « làn sóng dịch thứ tư » tại Pháp, có thể sẽ bùng trở lại vào cuối hè, với bài « Làn sóng dịch thứ tư đại thể sẽ ra sao » của La Croix. Theo dự báo của Viện Pasteur, số lượng người nhập viện có thể tương tự như trong đợt dịch năm ngoái, 35% bệnh nhân là người hơn 60 tuổi (nhóm cư dân này, chỉ chiếm 3% dân số), cho dù đã có đến 90% người trên 60 tuổi đã tiêm chủng ít nhất một lần. Đẩy mạnh tiêm chủng là giải pháp số một. Theo bác sĩ Jean-Paul Stahl, ở một bệnh viện tại Grenoble, đáng lo ngại nhất là giới trẻ, với hai lý do, người trẻ là một kênh lây nhiễm cho những người dễ tổn thương nhất, mặt khác, tỉ lệ người trong độ tuổi 30, hay 40 bị các chứng Covid nặng, đang gia tăng.
Tuy nhiên, cũng bài « Làn sóng dịch thứ tư đại thể sẽ ra sao » của La Croix, dẫn lời nhà dịch tễ học Mahmoud Zureik, đại học Versailles-Saint-Quentin, nhấn mạnh là dù dịch có bùng lên một lần nữa mức độ của dịch « chắc chắn sẽ ít nghiêm trọng hơn so với các đợt dịch trước, nhờ tỉ lệ miễn dịch tự nhiên (với người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi) và một bộ phận dân cư đã được tiêm chủng, trong đó có đa số người dễ tổn thương nhất ».
Cần nỗ lực quốc tế để ngăn chặn các biến thể Covid mới
Thế giới hiện nay không chỉ bị biến thể Delta đe dọa. Việc tiêm chủng chậm trễ trên quy mô toàn thế giới, để lại những mảnh đất thuận lợi cho sự nảy nở của nhiều loại biến thể mới, có khả năng lây lan mạnh hơn, và thậm chí nguy hiểm hơn.
Tựa trang nhất của La Croix hôm nay là « Cuộc chạy đua tiêm chủng », với hồ sơ chính « Chống lại các biến thể Covid, cần một nỗ lực tập thể ». Theo bác sĩ, nhà sinh học Marie-Laure Chaix, bệnh viện Saint-Louis, « cần tiêm chủng 90% dân cư để ngăn cản một cách hiệu quả sự xuất hiện của các biến thể ». Bác sĩ, nhà dịch tễ học Anne-Claude Crémieux, đồng nghiệp cùng bệnh viện, nhấn mạnh là, để tránh « sự xuất hiện của các biến thể lây nhiễm nhanh hơn, đáng sợ hơn », cần phải có nỗ lực quốc tế.
Chuyên gia y tế Michèle Legeas cảnh báo : Nếu các nước Nam Mỹ chẳng hạn không được tiêm chủng đầy đủ, thì sự xuất hiện các biến thể mới tại khu vực này cũng sẽ lan ra phần còn lại của thế giới, trừ khi các quốc gia tiếp tục tự cô lập.
Nhân viên y tế không muốn chích ngừa: Thách đố lớn với chính phủ Pháp
Trở lại với nước Pháp, thách thức hàng đầu trong chiến dịch tiêm chủng hiện nay với nước Pháp là một bộ phận giới y tế chưa chấp nhận chích ngừa. Về chủ đề này, nhật báo Libération có bài xã luận mang tựa đề « Phá sản », phê phán sự lưỡng lự của chính phủ, trong bối cảnh « làn sóng dịch thứ tư » có thể bắt đầu ngay từ cuối tháng 7 này. Theo Libération, quyết định bắt buộc tiêm chủng không đến nỗi gây mất lòng dân quá mức. Libération dẫn kinh nghiệm của Anh, theo đó, đối với nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão, tiêm chủng là bắt buộc từ tháng 10/2021, và các nhân viên y tế nước Ý đã buộc phải chích ngừa kể từ tháng 4 vừa qua, nếu không muốn bị sa thải.
Les Echos có thái độ thận trọng về vấn đề này. Nhật báo kinh tế Pháp có bài giới thiệu về kinh nghiệm các nước khác trong hồ sơ tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế. Trái ngược với Libération, Les Echos lưu ý là tại châu Âu, chỉ mới có nước Ý áp dụng chích ngừa bắt buộc đối với tất cả các nhân viên y tế, trong lúc một số nước khác mới đang có dự án về tiêm chủng bắt buộc. Theo Les Echos, quy định tiêm chủng bắt buộc « sẽ vấp phải một vấn đề nghiêm trọng về pháp lý, đối với các loại vac-xin vốn được đưa ra dùng theo lệnh cho phép sử dụng khẩn cấp ».
Cải cách hưu trí Pháp: Macron «tiến thoái lưỡng nan»
Dự án cải cách hưu trí là chủ đề chính trang nhất Le Monde, với tựa « Mâu thuẫn nội bộ trong chính phủ về chủ trương cải cách ». Les Echos : « Tổng thống Macron đối mặt với phe phản đối ». La Croix có bài xã luận tóm lược vấn đề, có nhan đề « Cải cách hưu trí : Tiến thoái lưỡng nan ».
Theo La Croix, tổng thống Pháp không thể trì hoãn, ông buộc phải lựa chọn ngay từ bây giờ, hoặc ít nhất cũng phải vạch ra đường hướng trong những ngày tới. Tình thế hiện nay với tổng thống Emmanuel Macron là đầy thách thức. Gần như tất cả các đối tác xã hội đều phản đối việc cải cách hưu trí trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống (sẽ khép lại vào đầu năm 2022). Các nghiệp đoàn không ủng hộ việc nâng mức tuổi về hưu, từ 62 lên 64.
Giới chủ lo ngại các cuộc bãi công lớn sẽ bùng lên, chặn đứng đà tăng trưởng vừa khởi sự trở lại. Quan điểm của giới chủ Pháp (Medef), trước hết là phục hồi kinh tế, tiếp theo đó là cải cách.
Tuy nhiên, tổng thống lưỡng lự. Vì sao ? La Croix giải thích : ông Macron được bầu lên vào năm 2017 với hứa hẹn sẽ cải cách triệt để hệ thống hưu trí. Tuy nhiên, đại dịch đã ngăn cản dự định này. Tình thế là « tiến thoái lưỡng nan » với Macron. Nếu hoãn lại cải cách, ông sẽ bị lên án là không hành động. Ngược lại, nếu tiến hành cải cách ngay vào mùa thu này, chắc chắn quyết định này sẽ khiến đông đảo dân Pháp « bực bội », trong bối cảnh viễn cảnh ra khỏi đại dịch còn xa vời.
Nội bộ chính phủ Pháp cũng bị phân hóa. Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire (xuất thân cánh hữu) đang thúc đẩy một cuộc cải cách nhanh chóng, trong lúc chủ tịch Hạ Viện Richard Ferrand (xuất thân cánh tả) cho rằng cải cách vội vã là « điên rồ ». Thêm một khó khăn cho tổng thống Macron : nỗ lực vượt qua thế đối đầu tả – hữu của ông từ 5 năm nay có nguy cơ bị hồ sơ cải cách hưu trí làm trầm trọng trở lại.
Hiểm họa: Dân Pháp nhiễm kim loại nặng ở mức cao
Trong lĩnh vực y tế, một hồ sơ được Le Monde và nhiều báo khác báo động là dân Pháp nhiễm kim loại nặng « cao hơn nhiều » so với nhiều nước châu Âu khác.Theo Santé Publique France (SpF), toàn bộ cư dân Pháp, kể cả trẻ em, là nạn nhân của tình trạng này. Đây là lần đầu tiên, một nghiên cứu trên quy mô quốc gia tại Pháp cho thấy tình trạng trẻ em nhiễm kim loại nặng. Các kim loại nặng, như arsenic, đồng, thủy ngân, kẽm, chì…, với nồng độ cao, là các chất nguy hại cho sức khỏe. Nghiên cứu do SpF tiến hành trong nhiều năm, được công bố ngày 01/07/2021.
Người giàu nhất châu Á đầu tư hơn 1/10 tài sản cho năng lượng xanh
Theo Les Echos, tỉ phủ Ấn Độ Mukesh Ambani thông báo sẽ đầu tư 8,5 tỷ euro vào năng lượng tái tạo trong ba năm tới. Tập đoàn Reliance của Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á, sẽ đầu tư 8,5 tỷ euro vào năng lượng xanh trong vòng 3 năm tới. Phát biểu trước các cổ đông của tập đoàn tại Đại hội đồng lần thứ 44, ông Mukesh Ambani : « Kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong gần ba thế kỷ nay không thể kéo dài hơn nữa ».
Tỉ phú Ấn Độ sẽ đầu tư khoảng 6,8 tỷ euro cho bốn « nhà máy khổng lồ » thuộc bang Gujarat, tây bắc của Ấn Độ. Một trong bốn nhà máy sản xuất pin mặt trời, mà Ấn Độ vốn vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Dự kiến, tập đoàn Reliance sẽ lắp đặt điện mặt trời, với tổng công suất 100 gigawat, từ đây đến 2030, bằng một phần tư mục tiêu của thủ tướng Ấn cho toàn quốc.
Trọng Thành
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210706-chung-song-voi-covid-bai-hoc-anh-cho-phap