Ðiểm Báo Pháp – 4/3/22: Nga xâm lược Ukraina

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 4/3/22: Nga xâm lược Ukraina

Cuộc xâm lược Ukraina: Nga chuẩn bị kém, binh sĩ không sẵn sàng

Cuộc xâm lăng Nga tại Ukraina bước sang ngày thứ chín tiếp tục là chủ đề trang nhất của các báo Pháp. «Cỗ máy chiến tranh Nga trước thử thách thực tế», tựa trang nhất Le Monde. «Putin: Lộ trình của điều tồi tệ nhất», tựa chính của của Les Echos. Nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến quyết tâm sắt đá của tổng thống Nga.  

Nga có thể chỉ chuẩn bị cho một «chiến dịch ngắn hạn»

Le Monde cho biết quân của Putin đã chiếm được thành phố miền nam Kherson, nhưng đang tiến với tốc độ chậm hơn dự kiến. Theo Le Monde, «Những thất bại trong giai đoạn đầu của cuộc chiến» đặt ra câu hỏi về việc quân đội Nga đã thiếu chuẩn bị, «nhiều kẽ hở trong hệ thống hậu cần cho thấy Matxcơva đã chỉ chuẩn bị cho một cuộc xung đột ngắn ngày».

Le Monde dẫn hãng tin nhà nước Nga TASS, theo đó ngay trong ba ngày đầu tiên của cuộc chiến, 27 phi cơ, 26 trực thăng, 146 xe tăng, 706 thiết giáp… đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Thông tin gần như ngay lập tức bị rút khỏi mạng. Cho đến hôm thứ Tư, tức ngày thứ 7 của cuộc chiến, quân đội Nga mới lần đầu tiên thừa nhận tổn thất nhân  mạng, với 498 binh sĩ tử trận.

«Điểm yếu nhất» của phía Nga dường như là «tinh thần của binh sĩ» đang phải chống lại những người anh em Ukraina đầy nhiệt huyết, những thành viên của «cùng một dân tộc», theo tổng thống Putin. Theo chuyên gia về quân sự Nga Michael Kofman (người Mỹ), những đơn vị Nga tại Belarus không hình dung là họ bị đưa vào cuộc chiến tranh này, họ hoàn toàn không muốn chiến đấu. Bất chấp sự phủ nhận của bộ Quốc Phòng Nga, hàng loạt nhân chứng mẹ lính Nga và những chứng cứ do phía Ukraina cung cấp cho thấy các lính nghĩa vụ Nga đã bị cưỡng bức ra chiến trường.

Tinh thần chiến đấu của người Ukraina bị chính quyền Nga đánh giá thấp cũng là một «điểm yếu khác» của phía Nga. Về hậu cần, ngoài việc thiếu xăng dầu, quân đội xâm lược Nga còn thiếu cả đồ ăn. Các đoàn quân Nga bị dàn mỏng, bị người Ukraina tập kích. Một lãnh đạo đối lập Belarus cho biết một mạng lưới thanh niên Belarus đã dùng đủ phương tiện, từ tấn công tin học đến can thiệp trên thực địa, để ngăn cản việc vận chuyển quân sự Nga trên các tuyến đường sắt ở Belarus. Hệ thống phòng không, không quân Ukraina vẫn trụ được sau loạt tấn công tên lửa phủ đầu của Nga….

Le Monde tổng hợp ý kiến nhiều chuyên gia độc lập, khẳng định tuần lễ tấn công đầu tiên cho thấy can thiệp quân sự của Nga dài hơn dự kiến. Đây là điều mà các giới dân tộc chủ nghĩa Nga thừa nhận, nhưng tỏ ra không lo ngại. Theo quan điểm của những người này, với việc tăng cường oanh kích, chiến dịch kết thúc trong vòng vài tuần. Giới chuyên gia chờ đợi trong những ngày tới nhiều thành phố lớn của Ukraina sẽ phải hứng chịu những đợt oanh kích dữ dội.

Putin sẽ đánh đến cùng, đưa Nga trở lại vị thế siêu cường

Giai đoạn đầu của cuộc tấn công thiếu chuẩn bị là điều dễ thấy. Nhưng tổng thống Nga quyết đi đến cùng, đó là nhận định của Les Échos. Nhật báo kinh tế cho biết ông Putin không nao núng bất chấp các áp lực. Mục tiêu của tổng thống Nga là kiểm soát toàn bộ Ukraina. Nước Pháp cảnh báo «điều tồi tệ nhất chưa xảy ra».

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phỏng vấn dài với nhà địa chính trị học Jean-Sylvestre Mongrenier, có tựa đề «Putin muốn trở thành ông chủ mới của châu Âu». Nhà địa chính trị học nhấn mạnh là chiến tranh tại Ukraina chỉ là «một bước đệm» trong chiến lược của Putin nhằm khẳng định ảnh hưởng trên toàn lục địa châu Âu, và «cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ đẩy nhanh việc Nga – Trung xích lại gần nhau, làm đảo lộn các cân bằng địa chính trị giữa các cường quốc».

Chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier bác bỏ quan điểm, mà ông cho là ảo tưởng, của một số lãnh đạo châu Âu, rằng Putin sẽ hài lòng khi đạt được một số tham vọng lãnh thổ chỉ riêng tại Ukraina. Jean-Sylvestre Mongrenier ghi nhận tổng thống Nga có «sự kiên nhẫn về chiến lược», chứ không phải là «người cơ hội chủ nghĩa». Putin sẵn sàng chờ đợi nhiều năm, cho đến khi đủ cơ hội thực hiện từng bước các mục tiêu của mình. Đối với chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier, mục tiêu chính của tổng thống Nga là phối hợp được các động lực của nước Nga thời Sa hoàng và thời Xô Viết, để đưa nước Nga trở lại vị thế của một siêu cường, như Liên Xô thời Brejnev, thời điểm được coi là cực thịnh của Liên Bang Xô Viết.

Theo Jean-Sylvestre Mongrenier, nếu Putin đạt được tham vọng của ông, các nước châu Âu sẽ trở về tình trạng thế kỷ 18, 19, khi lục địa này là nơi đối đầu của các quốc gia dân tộc, thời kỳ thượng phong của «chủ thuyết cạnh tranh sinh tồn về địa chính trị» (darwinisme géo-politique).

Quân Nga oanh kích bừa bãi, với hỏa lực ngày càng mạnh hơn

Cuộc chiến trong những ngày tới tại Ukraina sẽ ra sao? Le Figaro đặc biệt chú ý đến việc quân đội Nga sử dụng hỏa lực pháo binh hạng nặng và kể cả bom áp nhiệt (vũ khí thường được coi là đáng sợ nhất ngoài bom hạt nhân). Những gì đang diễn ra cho thấy sau loạt tấn công nhắm chủ yếu vào các cơ sở hạ tầng chiến lược và lực lượng phòng không Ukraina, trong những ngày đầu tiên, giờ đây quân đội Nga bắt đầu tiến hành những cuộc oanh kích «bừa bãi». Kinh nghiệm về các cuộc chiến tranh tại Tchetchenia và Syria trước đây cho thấy quân đội Putin sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật này.

Thanh niên Ukraina ồ ạt đăng ký nhập ngũ 

Bạo lực tàn khốc của Nga khiến người Ukraina đoàn kết hơn. Le Figaro có bài cho biết tại thành phố viễn tây Lviv, rất đông người tình nguyện chen chúc trước cửa một văn phòng đăng ký nhập ngũ, ra chiến trường. Số lượng người đăng ký thậm chí vượt quá khả năng tiếp nhận. Nhiều thanh niên trẻ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, thất vọng vì chưa được tuyển chọn đợt này. Đợt tuyển quân cho mặt trận đầu tiên chỉ tiếp nhận những người dưới 40 tuổi, cả nam và nữ, đã từng phục vụ trong quân ngũ từ năm 2014. Trên toàn Ukraina, có khoảng 400.000 cựu chiến binh, đã từng chiến đấu tại vùng Donbass trong 8 năm vừa qua.

Tài phiệt Nga có dám phản đối Putin?

Cuộc chiến Nga – Ukraina cũng là một cuộc chiến về kinh tế. Truy lùng tài sản các tài phiệt Nga ủng hộ chiến tranh xâm lược là chủ đề chính của Le Figaro. Le Figara chú ý đến việc phương Tây «truy lùng tài sản của các nhà tài phiệt» ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraina của ông Putin. Hình ảnh trang nhất của Le Figaro là hàng loạt đại gia Nga tề tựu về điện Kremlin trước cuộc xâm lăng, để «bày tỏ lòng trung thành» với lãnh đạo tối cao.

Trước các áp lực trừng phạt, một số tài phiệt được tiếng là thân cận với tổng thống Nga đã thể hiện sự bất bình về «chiến dịch quân sự đặc biệt» của ông Putin tại Ukraina. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến thái độ của giới này, bởi sự bất đồng với cuộc chiến dù của chỉ một người cũng cho thấy «một sự rạn nứt của bức tường quyền lực Putin». Le Figaro điểm mặt một số tên tuổi lớn có thái độ phản đối chiến tranh, như Oleg Tinkov, chủ nhà băng, Mikhail Friedman, một trong những người giàu nhất nước Nga… Tuy nhiên, chính quyền Putin đã có những phản ứng cứng rắn nhắm vào giới này. Một số nguồn tin tại Matxcơva cho biết, «bất kỳ một chỉ trích nào về chiến tranh tại Ukraina» sẽ khiến đương sự bị bỏ tù.

Trong giai đoạn hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là những cảnh báo của một số tài phiệt Nga có thể ảnh hưởng đến quyết định của ban lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh, cần tiếp tục theo dõi, bởi nhiều tài phiệt Nga hiểu rằng, việc Nga bị tách rời khỏi phần còn lại của nền kinh tế thế giới sẽ không mang lại điều gì tốt lành cho đất nước này, như nhận định của chuyên gia về quân sự và chính sách đối ngoại Nga Pavel Louzine.

Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro nhấn mạnh đến việc chính quyền Mỹ bắt đầu nhắm tới những tài phiệt thân điện Kremlin. Tuy nhiên, Le Figaro cũng chỉ ra là có một cách biệt lớn giữa lời nói và hành động. Việc truy lùng các tài sản như vậy không hề dễ dàng tại Mỹ, do những lỗ hổng khổng lồ trong hệ thống luật pháp chống gian lận tài chính đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Ukraina: Cuộc chiến vì truyền thông tự do dưới bom đạn

Bảo vệ tự do truyền thông là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả chạy tựa lớn chữ «Свобода» bằng tiếng Nga và tiếng Ukraina («Свобода» có nghĩa là Tự Do). Tờ báo dành phần chính của số ra hôm nay để nói về nỗ lực của giới truyền thông trong chiến tranh, trước hết là những nhà báo tại Ukraina, trên tuyến đầu cuộc chiến. Libération đưa độc giả đến với báo NV, do nhà báo Vitallii Sych, 46 tuổi đứng đầu. NV xuất bản trên mạng bằng hai thứ tiếng, Nga và Ukraina. Trước chiến tranh, báo bán được 20.000 bản. Báo tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh. Bài «Đoàn kết» của Libération nhấn mạnh đến nỗ lực phi thường của các phóng viên đang phải làm việc trong những điều kiện «không thể tưởng tượng được», để tiếp tục chuyển đến công chúng các thông tin trung thực về cuộc chiến, chống nạn tin giả.

Putin đàn áp những phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng

Tổng thống Nga gia tăng áp lực lên truyền thông độc lập là một chủ đề chính khác trong số báo này của Libération. Ông Putin bị thua hiệp đầu trên mặt trận truyền thông, theo Libération, đây chính là lý do để tổng thống Nga gia tăng việc kiểm soát trong nước. Một số đài báo độc lập cuối cùng đã phải chấp nhận đóng cửa trước áp lực của chính quyền, trong đó có đài truyền hình Dojd và đài Tiếng vọng Matxcơva. Báo Novaya Gazeta, của giải Nobel Hòa bình Dmitri Mouratov, là phương tiện truyền thông độc lập gần như duy nhất còn trụ lại, cũng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Chiến tranh Ukraina khiến Giáo hội Chính Thống Giáo Nga tan vỡ

La Croix chạy tựa trang nhất: «Ukraina: Chính Thống Giáo tan vỡ». Nhật báo Công Giáo đặc biệt chú ý đến việc toàn bộ các tổ chức thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo tại Ukraina chống xâm lăng Nga, trong lúc tổng thống Nga dùng chiêu bài «bảo vệ Chính Thống Giáo để biện minh cho cuộc xâm lược». Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga có thể khiến Giáo hội Chính Thống Giáo Nga tại Ukraina quay sang chống lại bề trên tại Matxcơva là chủ đề chính của tờ báo.

Bài xã luận «Chủ nghĩa dân tộc tôn giáo» của La Croix nhấn mạnh đến việc hai nước Ukraina và Nga chia sẻ một cội rễ Chính Thống Giáo chung, và tổng thống Nga đã lợi dụng quan hệ này, sử dụng niềm tin Thiên chúa giáo để khẳng định tính chính đáng của cuộc xâm lăng Ukraina. Quan điểm của tổng thống Putin được thượng phụ Chính Thống Giáo Matxcơva ủng hộ. Thượng phụ Kirill cũng được coi là người quản lý phần hồn của hàng triệu tín đồ Giáo hội Chính Thống Giáo tại Ukraina. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc chiến bùng nổ, đông đảo giáo phận Kiev, trực thuộc Giáo hội Matxcơva, đã lên án chiến tranh, phản đối quan điểm của thượng phụ Kirill.

La Croix dự báo khoảng 20% dân Ukraina, vốn tin tưởng vào tòa Thượng phụ Matxcơva, có thể sẽ rời bỏ giáo hội này, để đi theo Giáo hội Chính Thống của Ukraina. Cuộc xâm lược Nga đã góp phần củng cố Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina. Cuộc chiến tranh của tổng thống Putin không chỉ khiến Giáo hội Chính Thống Matxcơva mất Ukraina, mà mất luôn cả vị thế hàng đầu của giáo hội này trong thế giới Thiên Chúa Giáo.

Tổng thống Macron tái ửng cử trong bối cảnh chiến tranh

Việc tổng thống Pháp chính thức tuyên bố ra tái tranh cử hôm qua, trong không khí chiến tranh cũng là một chủ đề chính khác của báo chí Pháp. Le Figaro chạy tựa trang nhất: «Macron, ứng cử viên trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina», nhấn mạnh đến thông điệp của tổng thống Pháp, «ra ứng cứ để bảo vệ các giá trị của chúng ta, đang bị những đảo lộn thế giới hiện nay đe dọa». Theo Libération, vị trí thủ lĩnh thời chiến của TT Macron là một nhân tố quan trọng, «một lợi thế không thể phủ nhận được» của Emmanuel Macron trong cuộc tranh cử tổng thống, với vòng một sẽ diễn ra trong 5 tuần nữa. Trên La Croix, nhà chính trị học Vincent Martigny Professeur cùng chung nhận định: «Bối cảnh quốc tế hiện nay có lợi cho việc ông Macron tái đắc cử».

Le Monde có bài xã luận «Macron, vị tổng thống của những khủng hoảng», nhấn mạnh đến một số nét chính trong bài phát biểu của TT Macron hôm 02/03 về cuộc xâm lược Nga, phát biểu được đưa ra một ngày trước tuyên bố tái ứng cử. Một thông điệp chính trong bài diễn văn là nước Pháp sẵn sàng cho «các hậu quả của chiến tranh và các trừng phạt kinh tế» chống chính quyền Putin. Tổng thống Pháp nhấn mạnh là cuộc xâm lược Ukraina của Nga càng khẳng định các quan điểm của ông kể từ cuộc tranh cử năm 2017, đó là Liên Âu phải tăng cường «chủ quyền» của khối, tăng cường nền quốc phòng chung của châu lục.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220304-cuoc-xam-luoc-ukraina-nga-chuan-bi-kem-binh-si-khong-san-sang