Ðiểm Báo Pháp – 4/10/21
Sách nhiễu Đài Loan, Trung Quốc muốn đi đến chiến tranh?
Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định đưa Đài Loan trở về với « đất mẹ » bằng mọi giá, kể cả bằng giải pháp quân sự. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc càng lúc càng dồn dập tại eo biển Đài Loan khiến một số chuyên gia cho rằng «xung đột vũ trang là điều khó tránh khỏi» và «chiến tranh có thể nổ ra sớm hơn dự kiến». Có thực là Bắc Kinh đang khơi mào chiến tranh?
Trong cả năm 2020 chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan tổng cộng 380 lần. Mới chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Đài Loan đã ghi nhận 500 vụ và gần 100 trong số đó được thực hiện nội trong ba ngày vừa qua, vào lúc Bắc Kinh mừng lễ Quốc Khánh và một chục ngày trước Quốc Khánh Đài Loan.
Đài Bắc mạnh mẽ tố cáo Bắc Kinh có thái độ hung hăng, hiếu chiến « đe dọa hòa bình khu vực ». Cộng đồng quốc càng lúc càng lo ngại trước những động thái với những hậu quả khó lường của Trung Quốc. Chuyên gia về Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp, Antoine Bondaz giải thích Trung Quốc theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc đó là « thách thức khả năng phòng thủ của Đài Loan, làm nản lòng công luận xứ này» vốn muốn độc lập với Hoa Lục, nhưng quan trọng hơn nữa là Bắc Kinh muốn « dọ xét phản ứng của cộng đồng quốc tế, tạo nên không khí bất ổn về mặt chiến lược. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Đài Loan?».
Trên mặt trận truyền thông, báo chí Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng những từ ngữ đằng đằng sát khí, báo trước kịch bản chiếm đóng Đài Loan bằng sức mạnh quân sự. Trong một bài xã luận từ năm 2020, Global Times từng phân tích, những chiến dịch dồn dập của Không Quân Trung Quốc « không chỉ là những lời cảnh báo mà còn là một cuộc tập dợt để kiểm soát Đài Loan ». Giới quan sát cũng ghi nhận rằng, kể từ giữa thập niên 1990, tình hình tại eo biển Đài Loan chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay. Tháng 3/2021 đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương cảnh báo kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan « gần hơn rất nhiều » so với dự báo.
Điều tra của Học Viện Quân Sự Pháp IRSEM vừa được công bố hôm đầu tháng cũng cho rằng « nguy cơ nổ ra chiến tranh tại eo biển Đài Loan ngày càng lớn ». Việc liên tục điều chiến đấu cơ đến địa điểm được cho là « nơi nguy hiểm nhất thế giới » này cho thấy rõ ý đồ của Bắc Kinh : một là nhắc nhở công luận Đài Loan về một mối « đe dọa thường trực và thậm chí là kịch bản không thể tránh khỏi » và mục tiêu thứ nhì là nhằm « tạo những điều kiện để có thể dẫn tới một sự cố » và đấy sẽ là cái cớ để Trung Quốc thực hiện kế hoạch thôn tính Đài Loan, « mảnh ghép cuối cùng còn thiếu trong giấc mộng Trung Hoa».
Nhà Trung Quốc học Jean- Pierre Cabestan, tác giả cuốn Trung Quốc ngày mai : chiến tranh hay hòa bình, NXB Gallimard, nhìn nhận « Những tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông, quyết tâm của ông Tập Cận Bình thống nhất Đài Loan là những thùng thuốc súng có thể nổ bất cứ khi nào (…) và càng lúc càng có nhiều tiếng nói cho rằng Trung Quốc sẽ giành lấy phần thắng trong một cuộc đối đầu quân sự tại eo biển Đài Loan».
Câu hỏi còn lại là những đòn hù dọa và sách nhiễu chính quyền Đài Bắc của nữ tổng thống Thái Anh Văn liên tiếp trong thời gian gần đây là những dấu hiệu Bắc Kinh chuẩn bị ra tay hay chế độ Tập Cận Bình muốn thị uy với cộng đồng quốc tế?
Chuyên gia Cabestan tin rằng, « kịch bản chiến tranh chưa thể xảy ra nay mai ». Trả lời tuần báo L’Express hôm 02/10/2021 ông giải thích : « Ít có khả năng, Trung Quốc khơi mào một cuộc chiến », bởi « một thế cân bằng về lực lượng đang được hình thành với vai trò ngày càng lớn của Nhật Bản trong khu vực » và yếu tố « hạt nhân » trong trường hợp Mỹ – Trung đọ sức về quân sự.
Một câu hỏi khác cũng có thể được nêu lên : phải chăng Trung Quốc bắt cộng đồng quốc tế và nhất là công luận trong nước tập trung vào điểm nóng là eo biển Đài Loan để quên đi hàng loạt những khó khăn nội bộ từ nguy cơ tập đoàn bất động sản lớn thứ nhì toàn quốc vỡ nợ đến những chỉ số kinh tế cho thấy tăng trưởng đang chựng lại?
Trong mọi trường hợp, những tính toán đó cũng bao hàm một mối nguy hiểm. Cho đến nay, Đài Loan vẫn bình tĩnh phản ứng chừng mực, nhưng liệu rằng sự kiên nhẫn đó của Đài Bắc kéo dài được bao lâu?
Thanh Hà
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211004-sach-nhieu-dai-loan-trung-quoc-muon-chien-tranh
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nối lại kênh liên lạc trực tiếp
Hai miền Triều Tiên đã thiết lập lại đường dây liên lạc trực tiếp vào lúc 9 giờ sáng, giờ địa phương hôm nay 04/10/2021. Đây được coi là một bước tiến nhỏ hướng tới việc Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đối thoại sau một tháng được đánh dấu bằng hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa.
Tuy nhiên, cử chỉ mang tính biểu tượng này không hẳn là dấu hiệu chứng tỏ hai miền Nam – Bắc sẽ đạt bước tiến lâu dài trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca giải thích:
«Sau các phát biểu của Kim Jong Un là các hành động. Tuần trước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên bày tỏ mong muốn mở đường dây liên lạc trực tiếp với Seoul, vốn dĩ đã gần như không hoạt động trong hơn một năm qua. Kênh liên lạc này đã được nối lại vào hôm nay 04/10, một ngày mang tính biểu tượng cao : Vào ngày 4 tháng 10 năm 2007, hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã dẫn tới một tuyên bố chung mở đường cải thiện quan hệ liên Triều.
Thế nhưng, những ý định tốt đẹp đó không duy trì được lâu, bởi một vài tháng sau đó, đảng bảo thủ, vốn ít cởi mở hơn nhiều trong việc đối thoại với miền Bắc, đã giành thắng lợi trong bầu cử. Kịch bản này có thể sẽ giống như kịch bản mà tổng thống Moon Jae In có khả năng sẽ trải qua. Ông Moon Jae In muốn đạt được những bước tiến đáng kể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ kết thúc vào tháng 05/2022.
Bình Nhưỡng khẳng định đang chờ đợi Seoul «có những nỗ lực tích cực để giải quyết các vấn đề quan trọng và duy trì quan hệ liên Triều ». Đây là những tuyên bố có thể khiến mọi người lạc quan, thế nhưng từ vài tuần nay, Bắc Triều Tiên đã khéo léo giữ cân bằng giữa các hành động khiêu khích thông qua nhiều vụ thử tên lửa và những tuyên bố hướng tới đối thoại».
Thùy Dương
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211004-han-quoc-bac-trieu-tien-noi-lai-duong-day-nong
Nga sẽ phát triển mạnh tầu ngầm nguyên tử, nếu bị AUKUS đe dọa
Tuyên bố lập liên minh AUKUS Mỹ – Anh – Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương dường như có nguy cơ làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược quân sự với Nga tại khu vực này. Hiện tại chính quyền Nga đang theo dõi các động thái cụ thể của AUKUS. Matxcơva có khả năng phản ứng ra sao ? Chuyên gia về an ninh quốc tế Alexey D. Muraviev (Úc) nêu ba kịch bản.
Phản ứng «thận trọng» của chính quyền Nga
Nếu như Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ sự ra đời của một liên minh mới do Hoa Kỳ lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thì chính quyền Nga có phản ứng dè dặt và thận trọng hơn nhiều trong phản ứng đầu tiên. Ngày 17/09, Điện Kremlin ra tuyên bố chính thức, nhấn mạnh rằng « Trước khi đưa ra quan điểm chính thức, chúng tôi cần hiểu được các mục tiêu và các phương tiện » của liên minh này và « trong hiện tại còn rất ít thông tin về vấn đề này ».
Trong bài phân tích trên trang mạng The Conversation, chuyên gia người Úc, Alexey D. Muraviev – phó giáo sư về các nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia, Đại học Curtin University – ghi nhận vào thời điểm đó, một số nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ quan điểm lo ngại về việc sự phát triển của các tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc, với trợ giúp của Mỹ và Anh, sẽ vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân và « làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang » tại khu vực. Các nhà ngoại giao Nga nói trên cũng gợi ý là việc chế tạo hạm đội tầu ngầm nguyên tử của Úc cần phải được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế giám sát. Một đề xuất mà theo chuyên gia Úc, chính quyền Canberra chắc chắn sẽ không chấp nhận.
Matxcơva báo động khối «NATO châu Á»
Chuyên gia Úc cho biết thêm là giọng điệu của các quan chức cao cấp Điện Kremlin bắt đầu thay đổi, cùng lúc với việc có nhiều thông tin rõ hơn về Liên minh AUKUS. Sau tuyên bố của cựu đại sứ Úc tại Mỹ, Joe Hockey, rằng AUKUS không chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà Nga cũng là đối tượng của liên minh này, trong một thông điệp đăng tải ngày 21/09 trên truyền thông Nga, thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrouchev đánh giá hiệp ước này là « mô hình mẫu cho một liên minh kiểu NATO tại châu Á ». Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng dự báo : « Washington sẽ cố gắng để có thêm một số quốc gia khác gia nhập tổ chức này, chủ yếu để tiến hành các chính sách chống Trung Quốc và chống Nga».
Hôm 01/10, hai tuần sau thông báo «gây chấn động» thành lập liên minh AUKUS, lần đầu tiên Matxcơva có quan điểm cụ thể. Trả lời hãng tin Nga TASS, tại Thụy Sĩ, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Serguei Riabkov, cho biết Nga quan ngại về việc Úc có thể được trang bị tầu ngầm nguyên tử, và điều này « là một thách thức lớn cho cơ chế quốc tế không phổ biến hạt nhân».
Cơ hội bán tầu
Chuyên gia Úc Đại học Curtin University nêu ra ba kịch bản khác nhau, và phản ứng của Matxcơva tùy thuộc vào mức độ nguy cơ mà Nga nhìn nhận ở liên minh AUKUS. Cụ thể là, ngay trong trước mắt, khi chưa có đe dọa thực sự rõ ràng, chính quyền Matxcơva có thể coi đây là « đây là nguy cơ về chính trị và quân sự », phản ứng trực tiếp của chính quyền Nga có thể là coi đây như một « tiền lệ » để bản thân Matxcơva quảng bá việc xuất khẩu của công nghệ tầu ngầm hạt nhân đến một số quốc gia có nhu cầu trong khu vực. Đây hoàn toàn không còn là giả thiết mà là điều đã được chính một số chuyên gia quân sự Nga, có mối quan hệ mật thiết với bộ Quốc Phòng nước này, nêu ra ngay sau khi liên minh AUKUS ra mắt.
Cho đến nay, Matxcơva không chia sẻ công nghệ tầu ngầm nguyên tử. Matxcơva chỉ có một số hợp đồng với Ấn Độ, cho phép New Delhi sử dụng các tầu ngầm tấn công hạt nhân, do Liên Xô trước đây và Nga sản xuất từ năm 1987, nhưng không bao hàm việc chuyển gia công nghệ. Chuyên gia quân sự Nga, trong bài viết « Hoa Kỳ mở chiếc hộp Pandora trong lĩnh vực tầu ngầm hạt nhân », trên trang mạng Nga MKRU, đăng tải ngày 17/09 (được bài viết của chuyên gia Úc trích dẫn), cho biết cụ thể là Algérie, Việt Nam hay thậm chí Trung Quốc có thể là các khách hàng tiềm năng của Nga. Theo chuyên gia nói trên, một thị trường tầu ngầm nguyên tử đang hình thành, và trong trường hợp này, Nga sẽ không thiếu khách hàng. Công nghệ tầu ngầm nguyên tử của Nga được coi là tốt hàng đầu thế giới, và chắc chắn là hơn hẳn Trung Quốc, quốc gia được coi là non trẻ trong lĩnh vực này.
Tăng tốc phát triển lực lượng tầu ngầm
Kịch bản thứ hai là về mặt dài hạn. Theo chuyên gia Úc, trong tương lai có khả năng các tầu ngầm Úc sẽ hoạt động nhiều tại các khu vực phía tây và tây bắc Thái Bình Dương, nơi hiện diện thường xuyên của hải quân Nga. Sự hiện diện của tầu ngầm Úc – được trang bị vũ khí – tại các khu vực này có thể coi là mối đe dọa trực tiếp với vùng Viễn Đông và Siberi của Nga. Nếu Nga coi liên minh AUKUS là một đe dọa về quân sự, Matxcơva sẽ tăng tốc trang bị thêm tầu ngầm nói chung và tầu ngầm nguyên tử nói riêng tại khu vực này, và phạm vi hoạt động « có thể trải dài đến Biển Đông hoặc xa hơn ».
Chuyên gia Úc cũng lưu ý là ngay trong hiện tại Nga cũng đã đang phát triển lực lượng tầu ngầm hạt nhân tại khu vực này. Trong 12 tháng tới, hạm đội Nga tại Thái Bình Dương sẽ có thêm ít nhất ba tầu ngầm nguyên tử. Hai trong số đó thuộc thế hệ thứ tư (lớp Yasen-M), về công nghệ, tiên tiến hơn các tầu của Trung Quốc, và gần như có chất lượng ngang với các tầu ngầm mà Mỹ sẽ chế tạo cho Úc. Từ đây đến năm 2028, tức trước khi Úc có được những chiếc tầu ngầm đầu tiên do Mỹ chế tạo, Hải quân Nga sẽ có thể có thêm ít nhất 14 tầu ngầm nguyên tử và 6 tầu ngầm quy ước tại khu vực Thái Bình Dương.
Liên minh Hải quân Nga – Trung?
Kịch bản thứ ba là Matxcơva thiết lập liên minh Hải quân với Trung Quốc. Theo chuyên gia Úc, kịch bản căng thẳng nhất là việc Nga và Trung Quốc thiết lập liên minh Hải quân để chống lại liên minh quân sự AUKUS, do Mỹ chỉ huy. Do việc Matxcơva và Bắc Kinh đã siết chặt các quan hệ hợp tác quốc phòng, một hợp tác trong lĩnh vực Hải quân, dường như không phải là điều « phi thực tế ». Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh là liên minh này khó có khả năng trở thành một liên minh Hải quân thực sự, và càng khó trở thành một cơ sở cho phép hình thành một khối quân sự lớn hơn bao gồm nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ riêng việc Nga và Trung Quốc phối hợp các hoạt động hải quân đã là một thách thức lớn với liên minh AUKUS.
Riêng về nước Úc, trong trường hợp căng thẳng leo thang, Matxcơva và Bắc Kinh có thể coi Úc như « một mắt xích yếu ». Báo mạng Trung Quốc Global Times – đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh – gần đây đã xác định Úc như « một cái đích tiềm tàng của một cuộc tấn công hạt nhân ». Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Úc Alexey D. Muraviev, cho dù viễn cảnh chiến tranh thực sự còn xa vời, việc Úc tham gia vào « câu lạc bộ » của một vài cường quốc hạt nhân quân sự cũng để ngỏ khả năng xảy ra một « cuộc chiến tranh lạnh về hải quân » tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trọng Thành
Anh Quốc muốn có thêm nhiều hiệp ước an ninh như AUKUS
Đại hội thường niên của đảng bảo thủ cầm quyền Anh mở ra hôm qua 03/10/2021 tại Manchester. Tại đại hội, ngoại trưởng Anh, Liz Truss, khẳng định Luân Đôn muốn ký kết nhiều hiệp ước an ninh với các nước như Ấn Độ, Canada và Nhật Bản, tương tự như liên minh AUKUS với Mỹ và Úc. Quảng cáo
Ngoại trưởng Liz Truss nhấn mạnh là Luân Đôn và các đồng minh phải giành thắng lợi trong « trận chiến về ảnh hưởng kinh tế » và khẳng định là về an ninh, Luân Đôn đang chuẩn bị «các hiệp ước mới để bảo vệ các tuyến đường biển, các tuyến thương mại và tự do» của nước Anh.
Ngoại trưởng Anh cho biết đang bàn với Nhật Bản về « khả năng tiếp cận quân sự và hỗ trợ hoạt động tốt hơn giữa hai nước » và đôi bên cần có « mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh chủ chốt như Ấn Độ và Canada về mọi mặt, từ chiến tranh mạng đến khả năng phòng thủ truyền thống».
Theo trang The Sydney Morning Herald của Úc, ngoại trưởng Anh, trước đây là bộ trưởng Thương Mại, là nhân vật « diều hâu » nhất trong nội các Anh về chính sách với Trung Quốc. Bà Liz Truss tuyên bố điều quan trọng là Anh Quốc giao thương với Trung Quốc, nhưng phải bảo đảm đó là các giao dịch đáng tin cậy, tránh sự phụ thuộc về chiến lược và không được liên quan đến các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Anh sẽ thành lập đơn vị tấn công mạng quy mô lớn
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, nói với London Telegraph là Trung Quốc phải « tôn trọng các quy định » trên trường quốc tế và Anh Quốc phải «thách thức các chế độ độc tài trên toàn thế giới và bằng sức mạnh».
Bộ trưởng Quốc Phòng còn cho biết Anh đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tin học mới, có khả năng tấn công mạng ồ ạt để trả đũa các vụ tấn công tin học của các Nhà nước thù địch, trong đó có cả Nga. Cơ quan mới này sẽ ra đời vào năm 2030, gồm hàng ngàn chuyên gia « tấn công tin học » và nhà phân tích, có khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Bộ trưởng Ben Wallace khẳng định Anh sẽ là một trong số các quốc gia hiếm hoi có đơn vị tấn công tin học ở quy mô lớn như vậy.
Thùy Dương
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211004-an-muon-them-nhieu-lien-minh-aukus