Ðiểm Báo Pháp – 4/1/2022

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 4/1/2022

2022: Một năm đầy bất trắc

Nước Pháp ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh với biến thể Omicron, là chủ đề chính của đa số các nhật báo Pháp hôm nay, 04/01/2022. Chính phủ Pháp cố gắng không đưa ra các biện pháp siết chặt quá mức trong bối cảnh đầy bất trắc hiện nay. Đầy bất trắc cũng là dấu hiệu chính của năm mới 2022 vừa mở ra.

Nhật báo Kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất: «10 hiểm họa lớn đe dọa thị trường thế giới». Đó là «lạm phát vượt tầm kiểm soát» (lạm phát vốn đã ở mức cao nhất từ 20 năm nay đối với đồng euro, cao nhất từ gần 40 năm với nước Mỹ), đại dịch Covid có thể làm tê liệt các chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách tiền tệ siết chặt quá mức, tăng trưởng Trung Quốc chững lại mạnh, lãi suất tín dụng tăng vọt, cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn sụt giá mạnh, thiếu hụt nguyên nhiên liệu, khủng hoảng năng lượng, sụp đổ của các đồng tiền điện tử khiến thị trường tài chính bị khủng hoảng dây chuyền…

«Hai điều chắc chắn» trong năm đầy bất trắc

Xã luận Les Echos, nhan đề «Covid: Các thị trường và tình hình bình thường mới», mở đầu với nhận định: «Đối với các thị trường, nếu như năm 2020 là năm khủng hoảng, 2021 là năm hồi phục, thì 2022 là năm bất trắc». Đầu tháng Giêng, viễn cảnh tương lai mờ mịt: «Chứng khoán đang ở mức cao nhất, nhưng cũng chính vào thời điểm này, một tín hiệu xấu nhỏ cũng có thể khiến một trận đại cuồng phong có thể bùng lên. Lạm phát không chỉ trở lại, mà có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Các biến thể mới của virus corona, ít gây chết người hơn, nhưng lây lan dễ hơn, có thể làm chao đảo đà hồi phục kinh tế».

Theo Les Echos, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn đầy bất trắc. Có hai điểm « chắc chắn » ẩn dưới tình hình đầy bất trắc hiện nay mà các nhà đầu tư cần phải đặc biệt chú ý. Thứ nhất là « giá tín dụng » hay nói cách khác lãi suất cho vay sẽ gia tăng, và đây sẽ là một xu thế kéo dài, không chỉ với các gia đình khi vay tiền mua nhà, mà cả đối với các doanh nghiệp và chính quyền các nước. Thứ hai là giá nguyên liệu gia tăng, từ khí đốt đến kim loại, cũng như sản phẩm nông nghiệp. Biến đổi khí hậu làm mùa màng trở nên thất thường hơn. Nhu cầu tái khởi động nền kinh tế, cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh khiến giá năng lượng tăng cao… Theo Les Echos, hai điểm « chắc chắn » trên đây có thể sẽ kéo dài.

2022, «năm thách thức với các nhà dự báo»

Giai đoạn kinh tế đầy bất trắc hiện nay, trong bối cảnh Covid, lại càng bất trắc hơn khi đi kèm với những bất trắc địa chính trị, với các quan hệ quốc tế đang trở nên căng thẳng hơn. Le Monde có bài thời luận đáng chú ý có tựa đề «2022, năm thách thức với các nhà dự báo», của nhà báo Jean-Michel Bezat. Thách thức rõ ràng đầu tiên được nhà báo Le Monde nhấn mạnh là Diễn đàn của giới chóp bu kinh tế thường niên toàn cầu nổi tiếng ở Davos, dự kiến diễn ra từ 17 đến 21/01, đã phải hoãn đến đầu hè.

Thay cho Diễn đàn của Davos là một hội nghị trực tuyến bàn về « các giải pháp cho những vấn đề khẩn cấp trước mắt ». Ý định thì rõ là tốt, nhưng theo Le Monde, không dễ đề ra các giải pháp trong bối cảnh « mờ mịt » hiện nay. Bài phân tích « 2022, năm thách thức với các nhà dự báo »
nhắc lại biến cố bất ngờ trong năm vừa qua diễn ra tại Trung Quốc,
nhưng để lại các tác động dây chuyền đến toàn bộ kinh tế thế giới, khi
Bắc Kinh đóng cửa một trong những cảng container lớn nhất thế giới hồi
giữa tháng 8, nhân danh chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, năm 2021 cũng
đã là năm mà phục hồi kinh tế trở lại mạnh hơn nhiều so với dự đoán.
Không thể loại trừ những bất thường theo hai chiều đối nghịch, tiêu cực
hay tích cực như vậy, tương tự trong năm nay.

«Công Cuộc Tái Khởi Động Vĩ Đại» của Davos hoàn toàn bị chôn vùi

Theo
Le Monde, những hiểm họa lớn với thế giới trong năm 2022 sẽ là lương
thực, bạo động do đói, vì giá thực phẩm tăng vọt, có thể tái diễn và gây
rối loạn nhiều quốc gia, như điều xảy ra tại Trung Đông năm 2011. Về
mặt chính trị, nhiều bất ngờ có thể xảy ra, như phe Cộng Hòa Mỹ kiểm
soát được đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu cử cuối năm 2022, khiến chính
quyền Biden bị tê liệt. Việc Iran sở hữu được vũ khí hạt nhân dẫn đến
một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ-Israel. Can thiệp quân sự của Nga tại
Ukraina đẩy Liên Âu và NATO vào chân tường. Bắc Kinh có thể tấn công Đài
Loan để trắc nghiệm phản ứng của Hoa Kỳ.

Cũng như Les Echos, Le Monde nhấn mạnh đến việc thế giới đang bước vào giai đoạn gọi là « bình thường mới » (« The new normal »). Bình thường mới là diễn đạt của tuần báo Anh The Economist. Điều đó có nghĩa là giai đoạn mà « tính không thể dự đoán đã trở thành điều bình thường ».
Bài viết khép lại với nhận định châm biếm : Không ai đợi đến Diễn đàn
Davos của giới chóp bu kinh tế toàn cầu sang năm để bắt đầu một Công
Cuộc Tái Khởi Động Vĩ Đại (« Great Reset »), như lãnh đạo của Diễn đàn Davos từng đề xuất đầy hứng khởi hồi tháng 5/2020, vào đầu đại dịch Covid.

Những bất trắc địa chính trị lớn

Về
những bất trắc địa chính trị của năm tới, cũng như Le Monde, ngoài nguy
cơ Nga xâm lược Ukraina, đảng Cộng Hòa Mỹ kiểm soát trở lại Hạ Viện,
Les Echos chú ý đến việc Tập Cận Bình đang trên đà thâu tóm toàn bộ
quyền lực. Nhiệm kỳ chủ tịch luân phân Liên Âu của nước Pháp cũng được
Les Echos ghi nhận như diễn biến đầy bất trắc, bởi đây là lần đầu tiên
Pháp làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu đúng vào lúc diễn ra cuộc tranh cử
tổng thống.

Chính phủ ba đảng của nước Đức vừa được thành lập sẽ
phải qua những thử thách đầu tiên, liên quan đến việc đối phó với dịch
bệnh. Chính phủ Olaf Sholz phải có được một đa số rộng rãi tại Quốc Hội
mới có thể thông qua được các luật cần cho việc giã từ năng lượng hóa
thạch.

Thế giới căng thẳng, 5 cường quốc thỏa thuận chống phổ biến hạt nhân: Bước đi đúng

Bối
cảnh thế giới đầy bất trắc có thể là điều khiến các cường quốc hướng
đến một số đồng thuận trong các vấn đề căn bản mang tính sống còn của
nhân loại. Nhật báo Công Giáo La Croix có bài xã luận : « Vũ khí hạt nhân, cục diện thay đổi ». Hôm qua, năm quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An ký cam kết « chống phổ biến vũ khí hạt nhân » với khẳng định « không ai có thể chiến thắng trong cuộc chiến hạt nhân, và không bao giờ được để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân ».

La Croix khẳng định trước hết công chúng có thể đón nhận sáng kiến nói trên của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh, với « sự hoài nghi ».
Nhật báo Công Giáo khẳng định việc này có thể được nhìn nhận như một
thái độ vô liêm sỉ cực điểm, tương tự như việc một nhà sản xuất rượu vừa
sản suất rượu, vừa quyết định khởi động chương trình chống rượu. Quyết
định nói trên của năm cường quốc hạt nhân cũng có thể xem như một thủ
đoạn mang tính chiến thuật, được đưa ra vào thời điểm đàm phán hạt nhân
với Iran vừa khởi sự, và chỉ ít ngày trước hội nghị thứ 10 về không phổ
biến vũ khí hạt nhân, như một cam kết giúp đảm bảo thành công của hội
nghị.

Tuy nhiên, sáng kiến của 5 thành viên thường trực Hội Đồng
Bảo Anh cũng có thể được nhìn nhận theo một cách nhìn lạc quan không
ngây thơ. Đó là coi « đây là một bước đi đúng hướng đúng nhằm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ quốc tế ». Nước Pháp, quốc gia điều phối sáng kiến này, khằng định rằng mục tiêu cuối cùng là hướng đến một thế giới « không vũ khí hạt nhân ». Như vậy, điều đó có nghĩa là trong lĩnh vực này, « dù sao thì vẫn còn không gian cho một cơ chế đa phương ».

La
Croix hy vọng, là với lập trường kiên quyết của chính phủ Đức trong
việc chống vũ khí nguyên tử, và một trong những trục chính của ngoại
giao Vatican là cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, mục tiêu thế giới giã từ
vũ khí hạt nhân « không còn thuộc về chuyện viễn tưởng nữa, mà nay là điều có thể ».

Việc
các cường quốc nguyên tử hướng đến từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể coi đã
có một bước tiến nhỏ, mang tính biểu tượng, nhưng chạy đua vũ trang thì
hoàn toàn không. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài « Chạy đua vũ khí siêu thanh sẽ thiết lập lại bản đồ an ninh toàn cầu ».

Covid tại Pháp: Omicron cản trở tranh cử

Trở lại tình hình đại dịch tại Pháp, trang nhất của Les Echos thông báo « kế hoạch mới của chính phủ Pháp để giảm nhẹ tác động của biến thể Omicron ».
Ngày hôm qua, bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire thông
báo các biện pháp hỗ trợ các ngành kinh tế bị đại dịch, đặc biệt là
ngành du lịch, với tổng chi phí khoảng 100 đến 200 triệu euro trong
tháng 1/2022. 

Tựa lớn trang nhất Le Figaro là « Tranh cử tổng thống bị Omicron cản trở ».
Các ứng cử viên buộc phải thích ứng với tình hình này, trong lúc Quốc
Hội Pháp bắt đầu thảo luận về các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt
là vấn đề « giấy chứng nhận tiêm chủng », mà bộ trưởng Y Tế đã
bảo vệ trước Quốc Hội vào ngày hôm qua, trước khi được thông qua vào
cuối tuần. Các biện pháp siết chặt sẽ khiến cho các cuộc tập hợp sẽ chỉ
có ít người được phép tham gia hơn, tranh cử diễn ra nhiều hơn trên
mạng…

Le Figaro có bài nhận định : Biến thể Omicron gây bất lợi
cho tổng thống Macron. Ông Macron buộc phải tiếp tục đảm nhiệm vai trò
tổng thống, việc tuyên bố chính thức ứng cử bị hoãn lại. Theo Le Figaro,
nỗi lo lớn của tổng thống Macron là bị người Pháp đồng nhất với đại
dịch.

Chính sách chậm trễ của bộ Giáo Dục bị chỉ trích mạnh

Xã luận Le Figaro thiên hữu nhan đề « Chính trị bệnh hoạn »
than phiền về việc các tranh luận chính trị giữa các bộ trưởng và chính
trị gia đối lập, về cách đối phó với đại dịch nay chỉ còn tập trung vào
các biện pháp y tế cụ thể, lẽ ra là chủ đề thảo luận ở cấp chuyên gia y
tế, cụ thể như vấn đề số lượng ngày cách ly, khoảng cách giữa các liều
tiêm chủng, các tác dụng của khẩu trang y tế FPP2, chất lượng so sánh
của các loại máy lọc không khí… Theo Le Figaro, « rõ ràng tình huống
đặc biệt cần đến tình trạng đặc biệt, nhưng phẩm chất của một nền dân
chủ là bảo vệ được các quyền tự do ngay trong những giai đoạn hỗn loạn.
Tình trạng khẩn cấp không thể trở thành tình trạng bình thường của một
chính phủ dân chủ. Khi lô-gic y tế tràn ngập trong mọi lĩnh vực, thì
chính trị cần phải khẩn trương lấy lại vị trí của mình
 ».

Bài xã luận của nhật báo thiên tả, có tiêu đề « Hỗn loạn »,
cũng chỉ trích việc chính phủ đã rất bị động khi đưa ra chính sách
Covid, cụ thể với ngành giáo dục. Một hôm trước ngày học sinh trở lại
trường, bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquier mới thông báo các biện
pháp cụ thể, trong bối cảnh số lượng lớp học phải đóng cửa đạt mức kỷ
lục. Libération nhấn mạnh là ngành giáo dục, với 1.160.000 nhân viên và
hơn 12 triệu học sinh, đã chờ đợi các biện pháp phòng dịch mới của chính
phủ từ hai tuần nay.

Việc bộ trưởng Giáo Dục đưa ra thông báo trước tiên qua con đường báo chí bị Libération chỉ trích như là một « thái độ vô cảm đáng lo ngại »
của một người bộ trưởng có sứ mạng lãnh đạo ngành giáo dục. Lý do được
bộ trưởng Giáo Dục đưa ra, để giải thích cho sự chậm trễ, vào sáng thứ
Hai hôm qua, là để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp nhất với những diễn
biến mới của thực tế.

Theo Libération, mệt mỏi trong tình hình
hiện nay, do chính sách của chính phủ, do thiếu khẩu trang, sợ virus…
các nghiệp đoàn ngành giáo dục không loại trừ việc bãi công.

Thăm dò dư luận bầu cử Pháp hàng ngày: Kết quả lần đầu tiên công bố

Về
tranh cử tổng thống Pháp, Les Echos có bài giới thiệu kết quả thăm dò
dư luận hàng ngày của OpinionWay-Kea Partners, gần 100 ngày trước cuộc
bỏ phiếu (dự kiến diễn ra ngày 10/04). Kết quả điều tra, được công bố
hàng ngày từ đây đến ngày bẩu cử, lần đầu tiên được đưa ra vào hôm qua.

Theo cuộc thăm dò này, tổng thống Emmanuel Macron được 26% người ủng hộ, vượt xa hai ứng cử viên đảng cực hữu RN và đảng cánh hữu LR, đều 16%, và chính trị gia cực hữu Eric Zemmour với 13%. Vẫn theo kết quả thăm dò dư luận nói trên, ông Macron sẽ dễ dàng chiến thắng trước cả hai ứng cử viên cánh hữu, với lần lượt là 54% (nếu đấu với ứng viên LR Valérie Pecresse), và 58% (nếu đấu với ứng viên RN Marine Le Pen) trong vòng hai.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220104-2022-nam-day-bat-trac