Điểm Báo Pháp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp
Theo RFI – Lê Vy
Ấn Độ: trường công lập tồi tệ đe dọa tương lai hàng triệu trẻ em

Nhìn sang Ấn Độ, nhật báo Le Monde quan tâm đến tình trạng giáo dục tại Ấn Độ qua bài viết : « Thất bại của các trường công lập Ấn Độ đe dọa tương lai hàng triệu trẻ em ».

Ngày càng đông người Ấn Độ, giàu cũng như nghèo, chấp nhận đóng tiền để đi học ở trường tư. Tỷ lệ trẻ em đi học ở trường tư tăng từ 27,8% lên 33% trong vòng 3 năm và tỷ lệ này tăng từ 16,3% lên 29% ở nông thôn, trong vòng 8 năm nay. Báo Le Monde thuật lại, trường tư mọc lên tuy trong những căn phòng nhỏ, thậm chí ngoài đường nhưng vẫn tốt hơn so với lớp học trường công mà thầy cô vắng mặt, trung bình một ngày trên năm ngày.

Thống kê này minh họa cho một trong những khủng hoảng giáo dục, hiện nay đang gây nguy hại đến sự phát triển của quốc gia này mà một nửa dân số dưới 25 tuổi, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu.

Cuộc điều tra mang tên ASER do Tổ chức phi chính phủ Ấn Độ Pratham tiến hành tại các vùng nông thôn cho biết, nếu như có đến 96% trẻ em Ấn Độ ghi danh học tại trường công thì số trẻ này chẳng học được là mấy. Sau 3 năm học, 60% trẻ không biết đọc, ngoại trừ có thể là tên của mình, trong khi con số này chỉ là 54% cách đây 4 năm.

Một « luật về quyền được giáo dục » được thông qua vào năm 2010, bắt buộc mỗi trẻ em trong độ tuổi từ 6-14 tuổi đến trường nhưng luật này không thực sự quan tâm đến việc trẻ em học gì ở trường.

Thông tín viên báo Le Monde miêu tả, tại một ngôi trường trống rỗng, chỉ có vài con chó và thú nuôi, giáo viên nằm phơi nắng, đọc báo trong lúc có ít học sinh phục vụ trà cho giáo viên. Ali Ahmad, một trợ giáo, công việc của anh là giữ trẻ chứ không phải dạy học nhưng giáo viên chính thường xuyên vắng mặt, nên anh cũng phải dạy trẻ.

Tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, phụ huynh chấp nhận trả 70 roupi/tháng (0,90 euro) để gửi con vào trường tư đang mọc lên như nấm. Lúc đầu, 5 hay 6 trẻ đến nhà một bà giáo hưu trí để học dưới một gốc cây. Chỉ trong vòng vài năm, số lượng đã tăng lên 158 trẻ và giờ đây được ngồi học trong nhà ngói. Vì các phụ huynh đa số mù chữ nên không biết con em mình học hành ra sao, vì thế mà trường tư như một giải pháp đảm bảo cho sự thành công, theo nhận định của phụ huynh.

Kiev chờ đợi một chính phủ mới

Ukraina vẫn tiếp tục là đề tài được các nhật báo ra ngày hôm nay quan tâm bình luận. Nhật báo Le Figaro có bài : « Ukraina : Châu Âu sẽ không trả nợ giúp ».

Nhật báo Libération thì nhận định, chuyện làm ăn của Nga không còn thuận buồm xuôi gió ở Ukraina.

Theo tờ báo, sau khi « con rối Ianoukovitch » trốn biệt và sau chiến thắng của đối lập tại quảng trường Maidan, Mátxcơva không còn nắm lấy được nữa quốc gia chư hầu này. Để gây áp lực lên Châu Âu, Nga sử dụng luận điệu vẫn thường dùng là không can thiệp vào nội bộ Ukraina, một lập luận mà Nga đã từng làm để duy trì chế độ Bachar al-Assad tại Syria.

Riêng nhật báo Les Echos quan tâm đến các gương mặt ứng cử viên tổng thống cho lần bầu cử sắp tới vào tháng Năm qua bài viết đề tựa : « Kiev chờ đợi chính phủ và kỳ tranh cử tổng thống ». Theo tờ báo, việc công bố hai ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống vào hôm qua đánh dấu một bước mới trong quá trình chuyển tiếp tại Ukraina. Nhân vật thứ nhất không mấy gây ngạc nhiên là cựu vô địch đấm bóc Vitali Klitschoko, thủ lãnh của một trong ba đảng đối lập. Thế nhưng, nhân vật thứ hai mới đáng chú ý hơn, đó là Mikhaïl Dobkine, thống đốc thành phố Kharkiv, lãnh địa thân với Nga. Trong khi đó, hôm thứ Hai vừa qua (24/02/2014), Mátxcơva khẳng định không thừa nhận tính chính đáng của chính quyền lâm thời. Trong khi đó, đại diện ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ Kiev nhưng không can thiệp vào chuyện nội bộ » và « Nga với tư cách là láng giềng của Ukraina, cần phải ủng hộ nước này trong quá trình chuyển tiếp ».

Thâm hụt ngân sách, tăng trưởng, thất nghiệp: Pháp vẫn làm Châu Âu lo lắng

Chủ đề cũng được khá nhiều nhật báo Pháp quan tâm là vấn đề về thâm hụt ngân sách, tăng trưởng và thất nghiệp của Pháp vẫn gây lo ngại cho Châu Âu. Đó cũng chính là tựa lớn trên trang nhất báo Le Figaro. Theo đó, Ủy ban Châu Âu không tin tưởng vào sự cam kết của Pháp trong việc giảm thâm hụt ngân sách từ nay đến năm 2015. Trang nhất phụ lục kinh tế báo Le Figaro chạy tựa : « Thâm hụt ngân sách : Bruxelles lên án những dự báo của Paris ».

Trang nhất nhật báo Les Echos cũng báo động : « Pháp cần phải tiết kiệm nhiều hơn ». Trang bên trong tờ báo đăng bài viết: « Bruxelles cảnh cáo Pháp ». Theo đó, thâm hụt ngân sách công của Pháp vẫn đạt ở mức 4% tổng sản phẩm quốc nội GDP vào năm 2014. Để đạt được mục tiêu đưa con số thâm hụt chỉ còn 3% vào năm 2015, Pháp cần phải tiết kiệm đáng kể.

Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị coi thường và muốn nổi dậy

Vẫn liên quan đến Pháp nhưng trên hồ sơ xã hội, trong bối cảnh kinh tế u ám, thanh niên Pháp chỉ thấy một màu đen trong cuộc sống, nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị coi thường và muốn nổi dậy ».

Nhật báo Le Monde đăng kết quả điều tra trên 210 000 thanh niên và họ vẽ ra một bức họa về một thế hệ « thất bại » và không hội nhập. Thành phần tham gia trả lời 143 câu hỏi trên mạng do France Télévision điều tra ở độ tuổi từ 18-34 tuổi. Họ vẽ ra bức tự họa tăm tối, một thế hệ được giáo dục nhưng lại vô cùng ấm ức vì những cánh cửa tương lai trước mặt đều đóng chặt.

Gần 3/4 (70%) trong số đó cảm thấy xã hội Pháp không cho họ có những phương tiện để chứng tỏ bản thân. Trong công việc, thanh niên có cảm giác rằng tài năng và nỗ lực của họ không được bù đắp. 60% cho rằng họ được trả lương không xứng với năng lực của mình. Từ đó, 3/4 người được hỏi cho rằng, nếu có cơ hội sẽ bỏ Pháp ra nước ngoài sinh sống. Họ không còn tin tưởng vào các đảng phái chính trị có thể cải thiện được cuộc sống hiện tại. Đối với câu hỏi : Sắp tới, bạn có sẽ tham gia vào một phong trào nổi dậy như dạng Mai 68 không ? 61% trả lời là có. Nguyên nhân gây ra sự bùng nổ này ở thanh niên là do họ không có chỗ đứng trong xã hội, không được xã hội công nhận, không công ăn việc làm, nhà ở, công việc không phù hợp với học thức, lo ngại cho tương lai.