Ðiểm Báo Pháp – 31/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 31/7/21

Biến thể Delta cắt đôi hai miền Nam Bắc Việt Nam

Le Figaro số cuối tuần có bài viết mang tựa đề «Biến thể Delta chia cắt Việt Nam làm hai». Trước đây là mẫu mực chống dịch trong khu vực, nay Việt Nam phải cố gắng ngăn chận con virus lây lan tại miền Bắc.

Một chốt chặn ở ngõ vào Hà Nội đang trong thời kỳ phong tỏa. Ảnh chụp ngày 24/07/2021.
Một chốt chặn ở ngõ vào Hà Nội đang trong thời kỳ phong tỏa. Ảnh chụp ngày 24/07/2021. AP – Hieu Dinh

Sài Gòn «lâm bệnh», Nam-Bắc lại chia cắt

Những con đường nhộn dịp xe cộ của Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ yên tĩnh như thế kể từ tháng 4/2020, khi đợt dịch Covid đầu tiên nổi lên tại Việt Nam. Thủ đô kinh tế ở miền Nam đã bị phong tỏa nhiều tuần lễ, cũng như các tỉnh khác. Mười lăm tháng sau, lịch sử lặp lại với 9 triệu dân Sài Gòn : họ bước vào tuần lễ phong tỏa nghiêm ngặt thứ tư, chỉ được ra ngoài để mua thực phẩm một tuần hai lần.

Số ca dương tính ở Việt Nam trước đây không đáng kể, nhưng từ ba tháng qua tình hình đã thay đổi. Một thời gian dài được ca ngợi là gương mẫu về quản lý đại dịch, nay đến lượt Việt Nam phải chống chọi với con virus xuất xứ từ Vũ Hán, do biến thể Delta lây nhiễm mạnh hơn. Xuất hiện từ cuối tháng Tư ở Bắc Giang và Bắc Ninh, nay virus ngự trị ở miền nam. Đầu tháng Năm, số ca dương tính kể từ đầu đại dịch lên đến 4.000, và đến nay đã gần 130.000 ca, trong đó đến 65% tại Sài Gòn. Số tử vong vô cùng thấp trong hơn một năm qua, nhưng giờ đây số nạn nhân thiệt mạng vì Covid đã trên 1.000 người.

Ông Rogier Van Doorn, giám đốc văn phòng Việt Nam của Oxford University Clinical Research Unit ở Hà Nội nhận xét: « Đại dịch ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi tầm vóc. Với biến thể Delta, chúng ta đã đạt đến giới hạn các biện pháp phòng chống cho đến nay đã tỏ ra rất hiệu quả (truy vết gắt gao, cách ly lập tức người bị nhiễm và các trường hợp tiếp xúc) ». Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid hôm thứ Tư lo ngại sẽ phải mất nhiều tháng mới kiểm soát được đại dịch ở miền Nam.

Để tránh virus lây lan ra cả nước, Việt Nam nay bị cắt làm đôi. Các chuyến bay Hà Nội- Sài Gòn, đường bay đông đúc thứ bảy thế giới, bị hạn chế hai chuyến một tuần với tối đa 400 khách. Mười chín tỉnh miền Nam có 35 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt, còn Hà Nội cũng được thận trọng áp dụng Chỉ thị 16 từ tuần trước. Một người dân khi được Le Figaro hỏi đã tỏ ra ủng hộ quyết định của chính phủ dù cửa hàng nội thất của người này bị đóng vì không phải mặt hàng thiết yếu.

Nếu dùng đại trà vac-xin Trung Quốc, chính quyền gánh rủi ro lớn

Rõ ràng là sau một năm rưỡi, 98 triệu dân Việt Nam đành phải học cách sống chung với con virus. Bởi vì đã chắc chắn với chiến lược zero Covid, đóng cửa biên giới từ tháng Giêng 2020, chính quyền coi nhẹ tầm quan trọng của chiến lược vac-xin. Với chỉ 4,4% dân số đã được tiêm một liều, Việt Nam đứng hạng chót tại ASEAN về tiêm chủng. Chủ yếu là do chính quyền từ chối sử dụng vac-xin Trung Quốc vì dân chúng không tin tưởng : chỉ có 500.000 liều Sinopharm được Hà Nội tiếp nhận để chích cho công dân Trung Quốc và những người cần qua lại biên giới.

Ông Benoît de Tréglodé, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp phân tích: «Nhờ quản lý tốt đại dịch, đảng Cộng Sản Việt Nam đã củng cố được hình ảnh trong dân. Dùng rộng rãi vac-xin Trung Quốc rất đáng ngờ về hiệu quả, sẽ gánh lấy hậu quả chính trị quá lớn : nếu số ca dương tính và tử vong tăng lên dù đã tiêm đại trà vac-xin Trung Quốc, thì tính chính danh của chính quyền sẽ bị đặt lại hoàn toàn».

Để đối phó, Việt Nam liên tục ký kết với các nhà sản xuất (Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V) để có được 140 triệu liều. Việt Nam cũng đặt cược vào việc tự lực sản xuất vac-xin Nanocovax « made in Vietnam » hiện đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Sài Gòn. Bộ Y Tế tuần này loan báo việc ký chuyển giao công nghệ với Nhật Bản để sản xuất vac-xin ADN tái tổ hợp. Đàm phán tương tự cũng đang diễn ra với Hoa Kỳ. Ông Tréglodé nhận xét: «Giải pháp vac-xin nội địa giúp chứng tỏ chính quyền có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng bất ngờ. Thêm một lần nữa, đảng muốn lợi dụng lòng yêu nước mạnh mẽ để tự giới thiệu như người bảo vệ nhân dân hàng đầu».

Quỵ lụy trước Bắc Kinh, Duterte phá hoại phán quyết trọng tài

Cũng tại châu Á, The Economist đề cập đến quan hệ giữa Philipppines và Trung Quốc, theo đó thái độ hòa hoãn của tổng thống Duterte chẳng đem lại bao nhiêu lợi lộc, mà còn làm thiệt hại cho cách tiếp cận của khu vực.

Trước một bạo chúa, chúng ta có hai chọn lựa. Một là đối đầu, như Rodrigo Duterte đã tuyên bố khi vận động tranh cử năm 2016, rằng ông ta sẽ giải quyết vấn đề Trường Sa với Trung Quốc bằng cách điều khiển xe trượt nước (jet ski) ra vùng biển tranh chấp và vẫy cờ Philipppines. Nhưng một khi đã yên vị trên ghế tổng thống, ông ta lại chọn cách thứ hai : cố gắng tâng bốc, nịnh bợ, xuống nước với kẻ bắt nạt mình để mong hắn ta nương tay cho.

Vào lúc Duterte sắp rời ghế, quan hệ với Trung Quốc chẳng tốt đẹp gì hơn so với khi ông ta bắt đầu nhiệm kỳ năm 2016. Benigno Aquino, người tiền nhiệm vừa qua đời vào tháng Sáu, từng so sánh việc chấp nhận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc với việc hòa hoãn với Đức quốc xã trong thập niên 30. Ngược lại, Duterte vừa nhậm chức đã sang thăm Bắc Kinh, loan báo « chia tay » về quân sự và kinh tế với Mỹ, nói với cử tọa người Hoa « chúng tôi lệ thuộc vào các vị ». Trung Quốc hứa đầu tư và cho vay, hai bên đồng ý thương lượng về khu vực đánh cá trên Biển Đông.

Việc này phá hoại thành tựu của ông Aquino : một chiến thắng lịch sử 5 năm trước, với phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực khẳng định yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là vô căn cứ. Bắc Kinh không công nhận quyết định của tòa, còn Duterte nói rằng đó chỉ là một « tờ giấy lộn », sẵn sàng « quăng vào thùng rác ».

Duterte vội vứt bỏ 3 lá bài của ASEAN, chịu đựng sự chà đạp của Trung Quốc

Dù vậy, khi để cho Bắc Kinh chà đạp lên quyền lợi đất nước mình, Duterte hầu như chẳng đạt được gì. Chỉ có 3/14 dự án hạ tầng được khởi động, và chỉ 3,2 tỉ đô la trong số 15 tỉ đô la hứa hẹn được thông qua. Tuy số tiền cho vay lãi nhẹ và trợ giúp của Trung Quốc tăng lên đến 590 triệu đô la trong năm 2019, nhưng cũng chỉ bằng viện trợ của Mỹ, và thua xa 8,5 tỉ đô la viện trợ của Nhật Bản. Điều bất thường đối với một nước Đông Nam Á, là Philipppines vẫn buôn bán với Nhật và Mỹ nhiều hơn với Trung Quốc.

Sự ve vãn của Duterte cũng không ngăn được Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Từ tháng Ba năm nay, khoảng 200 tàu dân quân Trung Quốc đội lốt tàu cá tập trung ở Đá Ba Đầu. Ngoại trưởng Philipppines chỉ trích dữ dội, nhưng Duterte vẫn gọi Trung Quốc là « bạn tốt ».

Dù vậy, ông ta không hủy bỏ hiệp ước về các lực lượng thăm viếng (VFA) có từ 70 năm qua với Hoa Kỳ như đã hứa với Bắc Kinh, do sự phản đối của quân đội và nhiều lực lượng khác. Cử tri vẫn ưa thích Duterte, nhưng với Trung Quốc thì không ! Theo The Economist, người kế nhiệm Duterte có thể sẽ phải tìm cách duy trì sự cam kết của Mỹ đồng thời cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Quan hệ với Trung Quốc không hề dễ dàng, Bắc Kinh luôn nhắc nhở các láng giềng rằng mình là « đại quốc ». Nhưng tuy yếu hơn, các nước Đông Nam Á vẫn còn ba lá bài mà Duterte đã vội vàng vứt bỏ.

Trước hết là sự đoàn kết trong khu vực. Việt Nam và Malaysia – cũng tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc – cùng với ASEAN từ lâu vẫn tìm cách khiến Bắc Kinh phải chấp nhận bộ quy tắc ứng xử. Thứ hai là tình hữu nghị với Hoa Kỳ, với tất cả sức mạnh quân sự của nước này. Thứ ba, về lâu về dài, sử dụng hai lá bài trên là phương cách tốt nhất để cho Trung Quốc thấy được lợi ích của họ trong một thế giới mà các quốc gia tuân thủ các quy định, phán quyết cách đây 5 năm không phải là một tờ giấy lộn.

Trăm phương nghìn kế để kiếm chút quyền lực khi mãn nhiệm

Cũng về tổng thống nhiều tai tiếng của Philipppines sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới, The Economist nhận định Duterte vẫn cố gắng tìm cách duy trì ảnh hưởng.

Theo tờ báo, có bốn lãnh vực mà ông Duterte phải nỗ lực : chống chọi với đợt dịch Covid thứ ba, đẩy lùi quân thánh chiến có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS), ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông mà không để xảy ra xung đột, tránh được các hậu quả pháp lý từ chiến dịch chống ma túy của ông đã làm cho hàng ngàn người chết.

Các dân biểu có xu hướng tập hợp quanh những nhân vật nhiều ảnh hưởng. Hiện thời đảng của Duterte đóng vai trò trung tâm, nhưng dân biểu – không bị giới hạn một nhiệm kỳ như tổng thống – dễ dàng quay về phía những khuôn mặt nhiều hy vọng đắc cử. Duterte có thể đặt hy vọng vào con gái, Sara Duterte, thị trưởng thành phố quê hương ông, được cho là sẽ đánh bại các ứng cử viên khác. Ngoài mặt thì Duterte phản đối, nhưng phát ngôn viên của ông cho biết ông ta âm thầm ủng hộ.

Duterte cũng có thể dòm ngó chức phó tổng thống, với hy vọng được hưởng quyền đặc miễn, không bị truy tố. Nhưng thách thức lớn nhất là  dùng ảnh hưởng hiện có để vận động cho người được đánh giá là sẽ đắc cử kỳ tới, và sau đó được sự ưu ái của tân tổng thống.  

Di tản gấp rút khỏi Vũ Hán, nhiều người Pháp vẫn chưa thể quay lại

Liên quan đến Trung Quốc, L’Express nói về cơn ác mộng của những người Pháp làm việc tại đây – đã vội vã hồi hương khi đại dịch vừa bùng nổ tại Vũ Hán – nay muốn trở lại Hoa lục.

Trên một diễn đàn thuộc mạng WeChat, một nữ giáo sư tiếng Pháp than thở, tất cả đồ đạc của bà vẫn còn để lại Trung Quốc. Tương tự đối với 8.000 sinh viên Pháp học tại các đại học Trung Quốc, đã phải vội vàng rời căn phòng trọ hồi tháng 2/2020. Từ đó đến nay, không có ai quay lại Trung Quốc được.

Cũng như Bỉ và Ý, Pháp nằm trong « danh sách đen » của chính quyền Bắc Kinh gồm 14 nước. Công dân các nước này để có được visa nhập cảnh cần phải vượt qua hàng loạt chướng ngại : phải có thư mời của chính quyền, hai xét nghiệm PCR và kháng thể trước khi lên đường tại một trong hai trung tâm ở Paris được đại sứ quán Trung Quốc chỉ định, và nhất là từ nay chỉ được vào Hoa lục một mình, không mang theo gia đình. Đại sứ Pháp tại Trung Quốc, ông Laurent Bili lấy làm tiếc rằng thư mời chỉ được gởi cho người vào làm việc mà thôi. Hiện có 400 công dân Pháp đang chờ visa.

Làm khó để buộc công ty nước ngoài phải dùng cán bộ Trung Quốc?

Khi đã được nhập cảnh, phải cách ly ba tuần, và một số người phương Tây còn bị đối xử một cách cực đoan. Chính quyền châu Âu phẫn nộ khi biết nhiều công dân Tây Ban Nha và Đức bị cưỡng bức nhập viện vì tỉ lệ kháng thể cao hơn mức Trung Quốc áp đặt. Nhưng đó là điều bình thường, vì họ đã tiêm chủng ! Nhưng Bắc Kinh bất chấp. Một người kể lại, phải cách ly ba ngày trong một bệnh viện mà không có hành lý. Hàng ngày bị lấy máu đi thử hai lần, xét nghiệm họng hai lần, xét nghiệm mũi hai lần thậm chí cả ở đường hậu môn, trước khi chụp phim phổi và được cho phép cách ly ở một khách sạn được trưng dụng. Tất cả chi phí đương sự đều phải trả hết !

Dù đã chích ngừa, người Pháp làm việc tại Trung Quốc vẫn bị nghi ngờ từ cả hai phía, vì các vac-xin được cho phép tại Trung Quốc và Pháp không giống nhau. Một công dân Pháp đã tiêm vac-xin Trung Quốc tại Bắc Kinh khi về nước bị từ chối cấp thông hành dịch tễ, và ngược lại, những ai không chích Sinopharm hay Sinovac sẽ khốn khổ với Bắc Kinh.

Và ngay cả khi có được chiếu khán quý giá, vẫn không bảo đảm sẽ lên được máy bay. Một tuần chỉ có 6 chuyến bay thẳng Paris, so với Đức 10 chuyến và Hàn Quốc là 32, chưa kể thường bị hủy chuyến vào phút chót. Đức và Ý cố gắng thuê máy bay riêng cho công dân làm việc tại Trung Quốc, nhưng Pháp thì không. Điều tra của Phòng thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho thấy đến 3/4 doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì biện pháp hạn chế nhập cảnh.

Một số người phương Tây coi việc dựng lên « Vạn lý Trường thành Dịch tễ » là thủ đoạn của Bắc Kinh để « Hán hóa » cán bộ quản lý các công ty đa quốc gia. Không thể gởi người sang làm việc tại Hoa lục, nhiều công ty đành phải giao chìa khóa chi nhánh cho người Trung Quốc. Với nguy cơ bị đánh cắp bí mật công nghiệp.

Chủ đề các tuần báo Pháp

Đã vào mùa hè, như thường lệ, các tuần báo Pháp chọn những chủ đề nhẹ nhàng. Chủ đề của L’Express« Những giấc mơ điên cuồng của các ông khổng lồ công nghệ » với ảnh của Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg trên trang bìa. Le Point dành toàn bộ hồ sơ cho việc điều tra vụ cả gia đình bác sĩ Godard mất tích từ tháng 9/1999. Tai nạn hay án mạng ? Bí mật vẫn bao trùm, và 22 năm sau tờ báo tiết lộ nhiều chi tiết về vụ án ly kỳ này. L’Obs nói về « Cuộc sống dưới sự bảo vệ » của một số chính khách, công dân bị đe dọa ; việc giữ an ninh cho các nhân vật này tiêu tốn đến 280.000 euro một năm cho mỗi người.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210731-bi%E1%BA%BFn-th%E1%BB%83-delta-c%E1%BA%AFt-%C4%91%C3%B4i-hai-mi%E1%BB%81n-nam-b%E1%BA%AFc-vi%E1%BB%87t-nam