Điểm báo Pháp – 30/06/2016
An ninh sân bay : Vấn đề nan giải
« Các sân bay ngoài vòng kiểm soát ? » Libération hôm nay 30/06/2016 đặt câu hỏi. Vụ khủng bố được cho là do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) tiến hành tối thứ Ba 28/6, đã làm ít nhất 41 người chết ở phi trường Ataturk, cho thấy những hạn chế của hệ thống giám sát sân bay hiện nay.
Lại một lần nữa, một sân bay bị khủng bố, và một lần nữa câu hỏi cũ lại được đặt ra. Làm thế nào cải thiện được vấn đề an ninh tại những địa điểm đã đặt dưới sự giám sát cao độ, nhưng lại là mục tiêu ưu tiên của những kẻ khủng bố ? Tấn công vào đó, chúng có thể chắc chắn gây chấn động trên truyền thông quốc tế, làm suy sụp kỹ nghệ du lịch của một quốc gia, gây chấn thương lâu dài cho một dân tộc.
Tại sân bay Ataturk, ba tên khủng bố đã xả súng vào các hành khách và cảnh sát đang canh gác, rồi kích hoạt đai chất nổ. Phương Tây gọi là kamikaze, khủng bố tự sát, nhưng thực ra Daech dùng từ Inghimasi, trang bị kalachnikov và sẵn sàng tự cho nổ giữa đám đông – rất thích hợp để vô hiệu hóa hệ thống giám sát của các phi trường.
Các sân bay được chia làm hai khu vực. Khu công cộng mở rộng cho tất cả, trước khi làm thủ tục lên máy bay ; còn khu dành cho hành khách đi tàu, phải qua cửa kiểm soát và các thiết bị an ninh khác. Sau vụ khủng bố ngày 22/3 ở sân bay Bruxelles, việc mở rộng khu vực an ninh ra toàn bộ sảnh chờ đã được nêu lên.
Hai kẻ khủng bố đã kích nổ tại sảnh sân bay ở Zaventem, một trong hai tên đã hành động ngay gần ghi-sê của Brussels Airlines, tên kia chọn American Airlines. Các quả bom giấu trong những chiếc va-li đặt trên xe đẩy, và chúng đi vào sân bay một cách dễ dàng.
Tại Istanbul, các biện pháp an ninh còn nghiêm ngặt hơn. Ngay lối vào sảnh cũng đã bị kiểm soát với cửa kiểm tra và cảnh sát lục soát. Nhưng chính ở bên ngoài kiến trúc sân bay mà vụ tấn công đã xảy ra, và một tên khủng bố lọt được vào sảnh bên trong. Điều này cho thấy sự hạn chế của việc mở rộng khu vực kiểm tra.
Có thể siết chặt hơn an ninh ở sân bay?
Ông Michael Maness, cựu sĩ quan chống khủng bố của CIA nay là chủ công ty bảo vệ TrapWire, cho biết : « Các biện pháp tại đa số sân bay hiện nay hầu như chỉ nhằm ngăn cản hành khách mang vũ khí lên máy bay, chứ khó thể ngăn được một vụ tấn công vào đám đông đang chờ làm thủ tục, mà số nạn nhân tiềm năng cũng rất lớn. Mùa hè đang đến, hàng dài người xếp hàng tại quầy đăng ký hay cửa kiểm tra là những mục tiêu dễ dàng ».
« Nhưng khó thể làm gì hơn nữa. Chúng ta đang ở mức tối đa từ lâu » – bộ phận truyền thông của sân bay Charles De Gaulle giải thích. Chính phủ Pháp không yêu cầu đặt thiết bị kiểm soát kim loại ngay cửa vào hai sân bay chính, mỗi năm đón đến 91 triệu hành khách.
Nghị sĩ François Bonhomme nhận định : « Bọn khủng bố có thể cho nổ bom ngay trong hàng dài hành khách chờ qua cửa kiểm soát, như đã xảy ra ở nhà ga Volgograd ở Nga ». Hôm 29/12/2013, một phụ nữ khủng bố tự sát đã kích nổ trước nhà ga xe lửa của thành phố làm 17 người chết, ngay sát thiết bị phát hiện kim loại.
Làm thế nào bây giờ ? « Thật khó mà ngăn chận những kẻ sẵn sàng tan xác cùng với quả bom »– Sébastien Caron, giám đốc ASCT International khẳng định. « Kiểm soát an ninh đã ở mức tận cùng rồi, nếu muốn làm hơn nữa, hành khách phải đến phi trường 10 tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay ! ».
Paris Aéroport cho biết đã triển khai 5.000 nhân viên an ninh, thêm vào đó là lực lượng cảnh sát và hiến binh, quân nhân tuần tra bên ngoài những khu vực được kiểm soát như phi đạo, hay trong số các hành khách.
Tại phi trường Roissy, 1.650 cảnh sát biên phòng, 194 hiến binh và 120 quân nhân trong chương trình Vigipirate, kể cả những nhân viên an ninh giám sát để phát hiện các hành khách có thái độ khả nghi. Một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được bổ sung vào các camera sẽ được thử nghiệm trong những tuần lễ tới, bên cạnh đó số lượng camera từ 1.000 vào năm 2001 nay đã tăng lên 9.000.
Khủng bố cho thấy thất bại đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ
Cũng liên quan đến khủng bố, bài xã luận của La Croix nhận định « Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong rọ ». Tờ báo cho rằng vụ tấn công vừa rồi tại sân bay Istanbul có ý nghĩa đặc biệt đối với tổng thống Recep Tayyip Erdogan, làm đậm thêm thất bại của ông trong khu vực.
Nắm quyền từ năm 2003, lãnh đạo bảo thủ đã chơi lá bài Huynh đệ Hồi giáo trong suốt Mùa xuân Ả Rập. Tại Syria, ông muốn đưa nhóm này vào Damas ở chỗ Bachar Al Assad. Thế nhưng cuộc chiến đã mở ra hai chiếc hộp Pandore : thánh chiến và phe dân tộc chủ nghĩa Kurdistan. Ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe thứ nhất chống phe thứ hai, trước khi phải nhượng bộ áp lực của Hoa Kỳ vốn muốn tiêu diệt Daech. Nay thì cả hai mặt trận diễn ra ngay trên đất Thổ.
Chiến lược dân tộc chủ nghĩa và thân Hồi giáo của ông Erdogan còn có hậu quả khác : làm Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập. Bất hòa với Israel, Ai Cập, Nga…, quan hệ với Hoa Kỳ và EU, Ả Rập Xê Út, Iran trở nên lạnh giá. Đối mặt với khủng bố, Erdogan hiểu rằng không thể đơn độc chiến đấu. Hôm qua, ông đã nhấc điện thoại gọi cho Vladimir Putin và hôm thứ Hai 27/6 đã chấm dứt thù nghịch với Israel.
Theo tờ báo, trong giai đoạn khó khăn này, châu Âu không thể đứng ngoài làm khán giả. Ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chống khủng bố, EU phải giám sát về dân chủ và tiếp tục đầu tư, vì một Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn có thể tác động đến Berlin, Roma hay Paris.
Brexit : Kho vàng ở Ngân hàng Anh sẽ ra sao ?
Chủ đề Brexit tiếp tục chiếm nhiều trang báo hôm nay, trong đó nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến số phận « Kho vàng dự trữ khổng lồ của Ngân hàng Anh quốc (BoE)».
Ngân hàng này trữ bốn trăm ngàn thỏi vàng trị giá gần 160 tỉ euro phần lớn thuộc sở hữu của các ngân hàng trung ương khác. Số lượng vàng khổng lồ này chồng chất trong bốn gian nhà bọc thép ở hai tầng lầu, được bảo vệ như hầm chống bom nguyên tử.
Brexit có làm các chủ sở hữu khắp thế giới lo sợ ? Hiện thời ngân hàng Bỉ vốn đang gởi hầu hết vàng tại Anh cho biết không ảnh hưởng gì, nhưng Vienna thì từ năm ngoái đã bắt đầu chuyển vàng về nước.
Ioukos : Các công ty Pháp vạ lây
Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết « Các vụ tịch biên tại các đại công ty Pháp liên quan đến hồ sơ Ioukos » gây khó khăn cho những tập đoàn có quan hệ với Nga.
Total, BNP Parisbas, Air France, Eutelsat, Arianespace đều bị liên can khi các cổ đông Ioukos kiện, và tòa trọng tài buộc Matx cơva phải bồi thường 50 tỉ đô la. Tất nhiên Nga không trả, và nguyên đơn đòi tịch biên tài sản ở nhiều nơi thậm chí tận Ấn Độ.
Vụ tấn công Benghazi : Mỹ phản ứng quá trễ
Nhìn sang Libya, Le Monde nói về « Vụ tấn công Benghazi năm 2012 : Những sai lầm của chính quyền Obama ». Một báo cáo của Quốc hội tố cáo phản ứng quá chậm chạp của Hoa Kỳ khi quân khủng bố tiến công làm bốn nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng trong đó có đại sứ.
Báo cáo dày 800 trang chỉ ra nhiều sai lầm và thiếu phối hợp về an ninh của chính quyền Obama, từ bộ Quốc phòng, CIA cho đến bộ Ngoại giao, vào thời đó do bà Hillary Clinton lãnh đạo. Trong vụ Benghazi, quân tăng viện chỉ được gởi đến khi hai nhân viên Mỹ cuối cùng đã bị giết chết, gần 8 giờ sau khi bắt đầu bị tấn công. Tuy biết đây là một vụ khủng bố, nhưng chính quyền đã lại nói chỉ là phản ứng nhất thời sau một phim đả kích Hồi giáo, để không ảnh hưởng đến việc tranh cử.
Tựa chính báo Pháp
Khủng bố ở Istanbul và tình hình kinh tế chính trị nước Pháp là tựa chính của các báo Paris hôm nay. Le Monde nhận định « Vụ khủng bố tại sân bay Istanbul làm trầm trọng thêm không khí bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ ». Libération than thở « Sân bay, không thể nào giữ nổi an ninh »
« Thâm hụt ngân sách, nợ công, Viện Thẩm kế chỉ trích chính sách của ông Hollande », tựa của Le Figaro. Nhật báo Les Echos kể ra « Brexit, thuế, bầu cử tổng thống : Những gì ông Hollande muốn ». La Croix nói lên lời « Vĩnh biệt túi nhựa » vì kể từ ngày mai 01/07/2016, những chiếc túi nhựa mỏng để khách đựng hàng mua từ siêu thị sẽ biến mất, theo luật chuyển đổi năng lượng tháng 8/2015 nhằm bảo vệ môi trường.