Ðiểm Báo Pháp – 28/8/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 28/8/22

Ukraina, thiên anh hùng ca vệ quốc của những người kháng chiến bình dị

27/08/2022 – Thụy My – «Thiếu nước ngọt», «Liệu Noel này có điện hay không», nỗi lo của học sinh trong mùa tựu trường…đó là những ưu tư được Courrier International, Le Point và L’Obs đưa lên trang nhất tuần này. Riêng L’Express dành số báo đặc biệt dày đến 70 trang cho chủ đề «Chúng ta, những người Ukraina!». Cả một dân tộc đã đứng lên khi xe tăng của quân xâm lược tiến vào lãnh thổ ngày 24/02/2022.

Từ những đêm đông rét buốt ở Maidan năm 2014…

Phóng viên Charles Maquet của L’Express nhớ lại một đêm mùa đông năm 2014 ở Maidan. Khí lạnh đốt cháy buồng phổi, nhưng không ngăn được người dân Ukraina đổ về quảng trường này. Cuộc cách mạng đang diễn ra, biển người xuống đường để đuổi tổng thống thân Nga Iakounovitch.

Chẳng hạn Serhiy chỉ có một cái khiên gỗ tạm bợ để chống đỡ dùi cui của «berkout», cảnh sát chống bạo động vốn dữ dằn. Anh bị thương ở mắt, nhưng ngày nào cũng trở lại biểu tình. Những bình xăng cháy rực soi sáng hàng ngàn khuôn mặt: nhà đấu tranh thân châu Âu, người nói tiếng Nga, dân tộc chủ nghĩa, công nhân, những bà cụ choàng khăn…của một xã hội đã ý thức được sức mạnh tập thể. Họ nói, tại sao chúng tôi không có quyền chọn lựa vận mệnh của mình, sau khi đã quyết định độc lập hôm 24/08/1991 bằng phương cách dân chủ?

Sau Maidan, tất cả không còn như xưa. Là người chứng kiến cuộc cách mạng hừng hực lửa, nhà báo Pháp hiểu được quyết tâm không gì lay chuyển của người Ukraina. Họ sẽ không bao giờ đầu hàng, từ Kiev cho tới Kharkov. Đó là điều mà Vladimir Putin không bao giờ hiểu được. Ông ta có thể làm họ bị thương tích, nghiền nát họ bằng những trận bom, nhưng không bao giờ cầm tù được tinh thần của họ. Một tinh thần chiến đấu đã sinh ra từ Maidan, trong đêm mùa đông lạnh giá ấy, hồi năm 2014.

…Và 8 năm sau, khi xe tăng Nga tiến vào Kiev

«Tám năm sau, cả một dân tộc đã đứng dậy», khi đoàn xe tăng Nga tiến gần thủ đô Kiev – theo nhận xét của nhà báo Cyrille Pluyette. Ở tất cả những nơi đã đến, sức mạnh kháng chiến của dân tộc này đều gây ấn tượng mạnh mẽ.

Triết gia Hy Lạp Aristote nói rằng «Sự can đảm nằm giữa sợ hãi và táo bạo». Nhà văn Pháp Georges Bernanos định nghĩa «Dạng thức cao nhất của can đảm là nỗi thất vọng đã được vượt qua». Nhưng người dân Ukraina bằng hành động là những minh chứng cụ thể. Không chỉ là ra chiến đấu nơi tiền tuyến, dù đây là sự hy sinh lớn nhất. Trên 8 trang báo, các phóng viên L’Express đã phác họa ra những chân dung người thật việc thật trên mọi miền đất nước Ukraina. Từ ngày 24/02, sự kiên cường của họ đã gây kinh ngạc cho thế giới.

Gặp gỡ những người hùng của đời thường

Đó là Iryna Rybinbika, bác sĩ phẫu thuật thuộc loại giỏi nhất Luân Đôn, vừa định cư ở New Zealand với chồng con, nghe tin chiến cuộc nổ ra đã rời bỏ cuộc sống tiện nghi để trở về Ukraina. Tại Lviv, cô lập ra hiệp hội Smart Medical Aid, vận động được nhiều triệu euro, 90 xe cấp cứu, gởi ra mặt trận 150.000 băng cứu thương, tìm được cả những áo giáp chống đạn cỡ nhỏ để di tản trẻ mồ côi. Đó là Halyna Kozatchenko, nữ thị trưởng ngày ngày vẫn đi tuần bằng xe đạp trong ngôi làng Fenevychi nằm giữa Kiev và Belarus đang bị quân Nga chiếm đóng. Bà đã khôn khéo, bình tĩnh đối đầu với lính Nga để đưa được một phụ nữ đi sinh, ngăn chận những ý định phá phách.

Đó là Sacha Ostapa, nhà báo ở Bucha, thành phố đối với thế giới là biểu hiện cho sự dã man của quân Nga. Là tổng biên tập báo mạng địa phương The Bucha City, anh đóng vai trò quan trọng trong sự sống sót của thành phố nhỏ ở tây bắc Kiev bị chiếm đóng suốt tháng Ba. Là cựu phóng viên điều tra của truyền hình, Ostapa đăng lên trang web tất cả những thông tin thiết yếu : di chuyển của lính Nga, những người thiệt mạng, những căn nhà bị phá hủy…dựa vào nguồn tin của hơn một chục người tin cậy có internet ở nhiều khu phố. Một số tin như có tay súng bắn tỉa hay một khẩu pháo ở khu nhà nào đó, thì được chuyển cho quân đội.

Anh tạo điều kiện cho thường dân di tản bằng cách thông báo số xe buýt, xe hơi có thể sử dụng, tổng cộng 11.000/35.000 dân đã trốn thoát được; tổ chức phân phát thực phẩm trong những lần hiếm hoi quân Nga cho phép. Đã sơ tán sang những làng kế cận, Sacha Ostapa là một trong những người đầu tiên tiến vào Bucha khi quân địch rút đi, chứng kiến những xác chết trên đường phố và nhanh chóng báo động về một hố chôn tập thể. Tờ báo của anh trở nên nổi tiếng với trên 2 triệu lượt tham khảo mỗi tháng, nhận được rất nhiều quảng cáo nhưng một phần số tiền này được dành cho những người bị mất nhà.

Trăm nghìn phương cách đấu tranh

Yurko Didula, người sinh viên từ Mỹ trở về để tham gia phong trào Maidan, nay lập ra hiệp hội Building Ukraine Together để tái thiết nhà cửa bị bom phá hủy ở miền đông. Maria Koutniakova, cô gái làm sống lại ký ức về Mariupol, thành phố cảng đã bị hủy hoại 90 % sau ba tháng vây hãm, trước kẻ chiếm đóng muốn viết lại lịch sử. Diễn viên Volodymyr Rashchuk, không hề có kinh nghiệm quân sự, chỉ biết được một số kỹ thuật nhờ…đóng phim hành động, xung phong đi chiến đấu và trở thành tiểu đoàn trưởng ở Severodonetsk khi người chỉ huy tử trận. Serhiy Jadan, ngôi sao nhạc rock trình diễn tại các bệnh viện, trong métro, doanh trại…đôi khi dưới lằn đạn địch để lên dây cót tinh thần cho người dân. Anh sống như một người chiến sĩ, nhưng trong bộ veste màu đen bằng da và mái tóc rocker…

Kháng chiến, còn là kiên trì nói lên sự thật cho những người thân ở Nga. Chiến tranh đã chia cách 11 triệu người Ukraina với thân nhân đang sống tại Nga, cả trong cách suy nghĩ. Misha Katsourin luôn phải cải chính những luận điệu dối trá của Matxcơva khi người cha lặp lại các tuyên truyền về bọn quốc xã Ukraina, tiếng Nga bị cấm…Từ những cuộc đối thoại như vậy đã nảy ra sáng kiến «Papa, hãy tin con», một trang web được lập ra với sự hợp tác của các nhà tâm lý để làm thay đổi ý nghĩ của những thân nhân bị Matxcơva giựt dây. Phương châm: sự kiên nhẫn. Misha khẳng định, «không phải trong một ngày mà có thể xóa bỏ được 30 năm tuyên truyền», và «mỗi người Nga biết được sự thật đã là một chiến thắng nho nhỏ».

Toàn dân chống giặc

Trong bài «44 triệu người kháng chiến»L’Express nêu ra một ví dụ nhỏ từ cậu bé Oleksa, 12 tuổi sống tại Lviv. Gia tài của fan bóng đá này được trân trọng treo trên tường : những chiếc áo thun của các cầu thủ nổi tiếng, găng tay của thủ môn đội Ukraina…Nhưng khi có lời kêu gọi quyên góp để mua tặng cho quân đội một drone giám sát mà những chiến binh đang rất cần để điều chỉnh hướng bắn, cậu bé không ngần ngại bán đấu giá bộ sưu tập. Nhờ đó, 3.000 euro đã được dùng để mua một drone ở Estonia và trao cho một tiểu đoàn trưởng. Trước đó vài tháng, nếu được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, Oleksa chắc chắn trả lời cầu thủ, nhưng nay cậu bé chỉ muốn có quyền có được tương lai, và được sống tự do trong đất nước mình.

Từ các trại tị nạn ở miền tây cho đến những con đường bị tàn phá ở Kharkov, trên những cánh đồng phì nhiêu của Tchernihiv thuộc miền bắc, những quán cà phê vừa mở cửa lại ở thành phố tử đạo Bucha. Dù nói chuyện với một nông dân, một quân nhân, chủ doanh nghiệp, bộ trưởng hay một tình nguyện viên, từ một người dân bình thường cho đến tổng thống Volodymyr Zelensky, đều có thể cảm nhận được nhiệt tình sôi sục của họ. Nhân viên bưu điện tiếp tục chuyển thư và bưu kiện bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, nông dân vẫn ra đồng dù hỏa tiễn Nga có thể ập xuống bất kỳ lúc nào…Tất cả cùng chung một mục đích : bảo vệ tổ quốc chống quân xâm lược Nga – đã ngang ngược tuyên bố rằng 44 triệu người dân của một quốc gia độc lập từ 31 năm qua, không có chủ quyền trên đất nước của họ.

Tổng thống Zelensky và mục tiêu giành lại các lãnh thổ bị chiếm

Trả lời phỏng vấn của tuần báo Pháp, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định «Mục tiêu là tái lập biên giới của Ukraina».Ông Zelensky bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự giúp đỡ của nước Pháp: 1 tỉ euro viện trợ, giúp đưa trẻ em Ukraina bị ung thư sang Pháp chữa trị, đặc biệt trong thời gian Paris làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, hai quyết định quan trọng đã được đưa ra về trừng phạt Nga và công nhận Ukraina là ứng cử viên gia nhập Liên hiệp. Ông nhấn mạnh đến nguy cơ thảm họa nguyên tử, một khi nhà máy Zaporijia vẫn nằm trong tay bọn lính đánh thuê cho Nga. Về mặt quân sự, mỗi một ngày trôi qua quân Nga lại tiến lên dù rất chậm chạp, và những chiến binh Ukraina tiếp tục ngã xuống để bảo vệ đất nước.

Với tư cách tổng thống, mục tiêu của ông phù hợp với mong muốn của người dân là là tái lập toàn vẹn lãnh thổ. Zelensky nhắc lại, Crimée là của Ukraina. Một ngày nào đó Ukraina sẽ thu hồi lại bán đảo này bằng bất kỳ phương tiện nào. Courrier International trích dịch New York Times, cho rằng các vụ oanh kích mới đây vào các địa điểm quân sự tại bán đảo Crimée của Ukraina nằm trong chiến lược nhằm gây rối loạn cho quân Nga.

Dù yếu hơn về vũ khí, lợi thế của Ukraina là tinh thần chiến đấu của quân dân. Về kinh tế, Volodymyr Zelensky tin rằng phương Tây sẽ hỗ trợ được Kiev nhiều hơn qua việc giúp bảo vệ vùng trời, thay vì viện trợ tiền bạc để bù đắp cho thâm hụt thương mại. Bởi vì bảo vệ được không phận sẽ kiểm soát được hỏa tiễn Nga, các nhà máy điện nguyên tử và những địa điểm chiến lược, bảo đảm được cuộc sống dù chiến tranh tiếp diễn.

Xe tăng và Starlink, Diia: Cuộc chiến giữa quá khứ với tương lai

Cuộc xâm lăng của Nga còn là «Cuộc chiến tranh của quá khứ chống lại tương lai», theo nhận xét của Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số, thành viên trẻ tuổi nhất trong chính phủ Ukraina. Chính vị phó thủ tướng 31 tuổi và ê-kíp đã liên lạc với hàng trăm công ty lớn trên thế giới thông qua email, tin nhắn, Zoom để thúc đẩy họ ngưng làm ăn với Nga. Và trong thời gian kỷ lục ông đã huy động được cả một đạo quân chuyên gia tin học tình nguyện là IT Army gồm khoảng 250.000 người để chống lại tin tặc và chiến dịch bóp méo thông tin của Nga.

Trong thời gian đại dịch, Fedorov tập hợp tất cả dịch vụ hành chánh nhà nước vào trong một ứng dụng là Diia, và từ khi bị xâm lược, đã mở rộng thêm các dịch vụ mới. Chỉ vài cú nhấp chuột, người dân có thể đóng góp cho quân đội, những người chạy loạn không kịp đem theo giấy tờ có thể nhận được bản sao trên mạng, hay được trợ cấp. Công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến tranh này, đặc biệt các thiết bị Starlink của tỉ phú Elon Musk mà Fedorov đã kêu gọi được trên Twitter, để giúp duy trì kết nối internet. Ukraina đã nhận được 13.000 thiết bị, trong đó 5.000 bộ do USAID viện trợ, 5.000 từ Liên Hiệp Châu Âu, số còn lại do các công ty tư nhân và người dân các nơi quyên góp.

Putin đã tính toán, nhưng…

Cây
bút bình luận Marion Van Renterghem nhận định, trong mưu đồ đế quốc của
mình, Vladimir Putin đã dự kiến mọi thứ, ngoại trừ khát vọng không gì
lay chuyển của người Ukraina, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đất nước
gia nhập thế giới dân chủ. Tổng thống của đất nước rộng lớn nhất hành
tinh dù vậy đã ở rất gần mục tiêu. Ông ta đã thành công trong việc tạo
dựng được quyền lực tuyệt đối, đã khiến đa số dân Nga chấp nhận tình
trạng nghèo khó qua việc ru ngủ họ bằng niềm kiêu hãnh dân tộc chủ nghĩa
và đàn áp những người sáng suốt. Putin để cho các nhà tài phiệt làm
giàu và đặt họ trong vòng kiểm soát, dùng dầu khí để bắt làm con tin các
nước Liên Hiệp Châu Âu. Ông chủ điện Kremlin khôn ngoan lợi dụng những
điểm yếu của phương Tây khi họ do dự giữa các giá trị và lợi ích.

Chỉ cần bước qua một giai đoạn chiến lược là giấc mơ lớn của Vladimir Putin sẽ thành hiện thực. Putin không thể nghĩ rằng Nga, cường quốc nguyên tử trải dài trên 11 múi giờ có thể bị đe dọa. Sau khi biến Belarus thành chư hầu ngoan ngoãn, ám ảnh của Putin là chinh phục cho được mảnh đất bị tách khỏi Liên Xô, vùng ảnh hưởng và vùng đệm của mình là Ukraina. Đã nhiều lần Vladimir Putin trắc nghiệm Hoa Kỳ và châu Âu. Năm 2013, tổng thống Mỹ Barack Obama lùi bước, không tôn trọng lằn ranh đỏ do chính mình vạch ra khi nhà độc tài Syria dùng vũ khí hóa học giết dân. Một năm sau, phương Tây chỉ có phản ứng yếu ớt khi Matxcơva ngang nhiên sáp nhập Crimée của Ukraina và xúi giục quân ly khai nổi dậy ở Donbass. Việc gia nhập NATO của Ukraina bị các nước thành viên hoãn lại không biết đến bao giờ vì không muốn làm mất lòng Putin.

Nhưng nay trước sự kháng cự anh hùng của cả một dân tộc, Ukraina đã được công nhận là ứng cử viên của Liên Hiệp Châu Âu, đang hướng về một Nhà nước pháp quyền và một nền kinh tế cạnh tranh. Về các giá trị dân chủ, chính những người sẵn sàng chết cho châu Âu mới đang dẫn dắt châu lục này. Tác giả kết luận bằng lời kêu gọi đồng thời là tựa bài báo «Các bạn Ukraina thân mến, hãy nhanh chóng đến đây, các bạn có bao nhiêu là điều để chúng tôi học hỏi».

Ở phía tây, một châu Âu mới

Putin sẽ còn đi đến đâu? Câu hỏi này nhiều lần được đặt ra, và đúng sáu tháng sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, người ta đã hiểu rằng ông chủ điện Kremlin sẵn sàng ra tay thảm sát, làm đủ loại « săng-ta » để đạt mục đích. Ông ta huy động thêm nhiều binh sĩ dù đã có trên 80.000 lính Nga chết và bị thương, gắn huy chương cho những chỉ huy quân sự tội phạm chiến tranh, đùa với ngọn lửa hạt nhân ở Zaporijia, dối gạt người dân của mình và thế giới… Le Point cho rằng «Nước Pháp cần tái vũ trang», vì trong tình hình không đủ trang bị và binh lính như hiện nay, sẽ chỉ trụ được vài tuần lễ nếu một cuộc chiến tranh quy mô xảy ra. Berlin trước cuộc xâm lăng Ukraina đã tăng ngân sách quốc phòng lên 100 tỉ euro, còn Paris vẫn chưa có động thái nào.

Trong cuốn «Khai sinh một quốc gia châu Âu» vừa phát hành tuần này, nhà báo Olivier Weber nhận định «một châu Âu thứ ba vừa được sinh ra, nhờ có một Ukraina cổ vũ cùng những giá trị và chống lại độc tài». Một châu Âu từ sáu tháng qua không ngừng trợ giúp cho Kiev từ viện trợ nhân đạo, kinh tế đến quân sự, đón tiếp hàng triệu người tị nạn. Một châu Âu, trong đó có Pháp, cuối cùng đã quay lưng với Vladimir Putin, kẻ độc tài đã gây ra lắm tội ác. Nhưng sự đổi giọng này liệu có lâu bền, sự hào hiệp phương Tây có sẽ kéo dài trước «sự mỏi mệt của chiến tranh»?

La Croix cuối tuần đặt câu hỏi với Anthony Bellanger, nhà báo quốc tế kiêm chuyên gia về địa chính trị: «Sau sáu tháng, làm thế nào duy trì sự chú ý về Ukraina?». Bellanger cho biết cũng như nhiều nhà báo khác, ông nghĩ rằng công chúng rồi sẽ chán ngán, nhưng thực tế ngược lại. Đây là ngạc nhiên cho các ban biên tập. Người dân biết rằng sẽ phải trả giá cho hậu quả cuộc chiến; lạm phát, giá nhiên liệu tăng nên họ vẫn tiếp tục theo dõi. Trên mạng xã hội, những người có ảnh hưởng của Ukraina tường thuật chi tiết cuộc xung đột. Chiến tranh Ukraina không cùng chung số phận với Syria hay Yemen vì sự gần gũi địa lý, nhất là lại xảy ra khi châu Âu đã sống qua 70 năm hòa bình. Đặc biệt là năng lực truyền thông của tổng thống Volodymyr Zelensky, mỗi lần xuất hiện ông đều có cách lôi kéo sự chú ý của công luận.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220827-ukraina-thi%C3%AAn-anh-h%C3%B9ng-ca-v%E1%BB%87-qu%E1%BB%91c-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-kh%C3%A1ng-chi%E1%BA%BFn-b%C3%ACnh-d%E1%BB%8B