Ðiểm Báo Pháp – 26/11/21
Covid 19: Hy vọng vào thuốc chữa và vac-xin mới
24/11/2021 – Anh Vũ – Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng lên trở lại một cách dữ dội khắp châu Âu và nước Pháp cũng bắt đầu đối mặt với làng sóng dịch thứ 5, cuộc chiến phòng chống dịch Covid lại nổi lên là mối quan tâm của nhiều tờ báo. Le Figaro chạy tựa chính trang nhất : « Vac-xin, điều trị : Những vũ khí mới chống lại Covid».
Le Figaro ghi nhận «Những con số kinh ngạc về virus lây lan (hơn 20 nghìn ca mỗi ngày ở Pháp), những dự báo thảm họa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (thêm 700 nghìn người chết ở châu Âu từ nay đến mùa xuân), hàng loạt nước từ Đông đến Bắc Âu trở lại với các biện pháp phòng dịch ngặt nghèo… không còn nghi ngờ gì nữa làn sóng dịch thứ 5 đã xuất hiện».
Trong khung cảnh u ám đó vẫn có những tia sáng hy vọng. Trang sự kiện của Le Figaro phản ánh «cuộc chiến chống dịch sẽ được tăng cường với việc xuất hiện hai loại thuốc kháng virus và một loại vac-xin mới nhiều hứa hẹn để tiêm liều bổ sung».
Ngay khi những vac-xin có công hiệu tốt đầu tiên được cấp phép, các nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm các liều thuốc điều trị. Le Figaro cho biết, hai phòng thí nghiệm lớn của Mỹ Merck Sharp and Dhome và Pfizer đã có thành công lớn bào chế được các loại thuốc chữa Covid, người bệnh có thể sử dụng tại nhà ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Loại thuốc có tên thương mại Lagevrio này giảm rất nhiều nguy cơ bệnh chuyển nặng. Những liều thuốc đầu tiên này có thể được kê đơn tại Pháp từ giữa tháng 12 này. Trong khi đó trên mặt trận vac-xin, hãng dược Novavax, cũng vẫn là một tập đoàn của Mỹ, giới thiệu một loại thuốc chủng mới có công hiệu trên 90%, được bào chế bằng công nghệ protein truyền thống vẫn làm trước đây. Đáng chú ý là loại vac-xin mới này thích ứng hoàn toàn với tất cả các loại vac-xin hiện hành để tiêm thêm liều nhắc lại. Cơ quan quản lý dược châu Âu đang khẩn trương xem xét hồ sơ để cấp phép lưu hành cho loại vac-xin mới này.
Trong khi ở chính quốc Pháp, quy định về chứng nhận y tế tỏ ra có hiệu quả thúc đẩy tiêm chủng thì tại vùng lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe của Pháp quy định này đang làm dấy lên làn sóng chống đối chưa từng có.
Nhật báo Libération có bài phóng sự dài ghi nhận : Từ hơn một tuần nay, quần đảo này bị tê liệt vì phong trào phản kháng và bạo lực bùng phát dữ dội. Lý do là để chống lại quy định bắt buộc chứng nhận y tế như ở chính quốc, vì tại Guadeloupe tỷ lệ tiêm ngừa Covid mới chỉ đạt chưa đến 40%. Nhưng thực tế, nguyên nhân sâu xa của phong trào phản kháng hiện nay là đời sống kinh tế của người dân đảo đang bị xuống cấp, Hơn một phần ba dân Guadeloupe sống dưới mức nghèo khó, thất nghiệp. Đại dịch Covid-19 càng làm cho tình hình kinh tế của quần đảo, vốn phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào du lịch, xấu đi thêm. Người dân đảo cảm thấy bị chính quốc bỏ rơi. Nỗi bất bình đã lên rất cao, giờ đây quy định về chứng nhận y tế, chỉ là giọt nước làm tràn ly nước, theo ghi nhận của Libération.
Ai Cập – Pháp: Mặt trái của quan hệ đối tác quân sự
Chuyển qua với các chủ đề thời sự quốc tế. Nhật báo Le Monde chạy tựa chính trang nhất: «Ai Cập đã sử dụng sai trợ giúp quân sự của Pháp thế nào».
Pháp và Ai Cập có sự hợp tác quân sự khá chặt chẽ từ lâu nay. Le Monde nêu ra mặt trái của quan hệ đối tác quốc phòng từ những tiết lộ của trang tin Disclose của Pháp, theo đó Cairo đã sử dụng các tin tức tình báo nhằm chống khủng bố được Paris cung cấp để đánh vào các mục tiêu dân sự, những đối tượng buôn lậu. Một chiến dịch do thám trên không của Pháp đã giúp cho Ai Cập tiến hành nhiều lần các vụ không kích vào những mục tiêu dân sự ở biên giới Lybia.
Theo tiết lộ của trang tin chuyên về các điều tra nói trên thì phía Pháp đều biết việc sử dụng tin tức tình báo sai mục đích như vậy của phía Ai Cập. Nhưng do Ai cập là bạn hàng vũ khí lớn của Pháp nên Paris đành nhắm mắt làm ngơ cho các hành động trấn áp của chính quyền của tổng thống Al-Sissi. Ngoài ra Le Monde cũng cho biết là Paris cũng không muốn minh bạch trong việc cung cấp các thiết bị công nghệ cao phục vụ nghe lén thông tin cho Ai Cập.
Hung thần làm cảnh sát trưởng thế giới?
Trang thế giới báo La Croix chú ý tới một nhân vật của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, từng bị nhiều tố cáo là hung thần tra tấn, lại đang có khả năng được bầu làm lãnh đạo tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế Interpol.
Theo La Croix, 194 nước thành viên tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế, ngày 25/11 này bầu chủ tịch mới. Ứng viên chủ chốt là ông Ahmed Nasser Al Raisi, một nhân vật đang là đối tượng bị kiện ở Pháp và Anh vì những cáo buộc can dự vào các vụ tra tấn người.
Gần như chắc chắn tướng Ahmed Nasser Al Raisi, tổng thanh tra của bộ Nội Vụ Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), là thành viên ban chấp hành của Interpol từ 2018, sẽ trở thành chủ tịch của tổ chức cảnh sát quốc tế. Đối thủ cạnh tranh với ông hiện có 2 người : là bà phó chủ tịch Interpol, Sarka Havrankova, người CH Séc và ông Amadu Mohamed, người Nigeria.
Có điều là tướng Al Raisi, người từng qua những vị trí lãnh đạo chủ chốt về an ninh của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế không ít lần cáo buộc đã can dự vào các vụ bắt bớ, tra tấn một cách có hệ thống những tù nhân bất đồng chính kiến hay những nhà bảo vệ nhân quyền.
Ở Anh và Pháp, nhân vật này đã bị nhiều đơn kiện vì các cáo buộc như trên, nhưng đều không có câu trả lời từ chính quyền Pháp. Bởi Paris cũng không muốn ngáng đường đại diện của một quốc gia đang được coi là « đối tác chiến lược » và là một khách hàng lớn của ngành công nghiệp vũ khí Pháp.
Theo la Croix, đầu tháng 12 tới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới thăm Abu Dhabi, có thể nước này sẽ ký mua của Pháp 60 chiến đấu cơ Rafale. Ngoài ra tờ báo cũng cho biết là từ năm 2016, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn là nước đóng gớp tài chính cho Interpol đứng hàng thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ.
Nếu Al Raisi được bầu thì đúng là điều trớ trêu. Viên tướng cảnh sát Ả Rập Thống Nhất đang có nguy cơ bị bắt và khởi tố ở Pháp hay một số nước khác, sẽ đàng hoàng đến trụ sở chính của Interpol tại Lyon với tư cách lãnh đạo.
Miến Điện Quân nhân đào ngũ tăng
Liên quan đến khu vực châu Á, Le Figaro chú ý trở lại với tình hình ở Miến Điện. Từ sau khi làm đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, chính quyền quân sự đang bị áp lực từ bên ngoài đến trong nước. Le Figaro ghi nhận tại Miến Điện chính quyền quân sự đang phải đối mặt với thách thức mới vì quân nhân đào ngũ.
Theo tờ báo, từ khi đảo chính (02/2021), đã có hơn 2000 quân nhân gia nhập lực lượng đối lập có vũ trang. Ngày càng có nhiều binh lính, sĩ quan quân đội đào ngũ đứng về phía phong trào bất tuân dân sự. Thực ra thì con số 2000 quân nhân đào ngũ không nhiều so với con số 350.000 quân của quân đội Miến Điện, nhưng xu hướng này đang tăng đều từ đầu năm nay.
Ở Miến Điện, quân nhân đào ngũ là chuốc lấy rủi ro vào mình. Họ có thể bị bỏ tù, trừng phạt thể xác hay thậm chí những ai bị đuổi bắt có thể còn bị bắn bỏ.
Gần 10 tháng sau cuộc đảo chính, trong lúc Miến Điện lún sâu vào cuộc nội chiến, lôi kéo các binh sĩ đào ngũ là một trong những chủ trương mới của phong trào dân chủ. Chính phủ Đoàn Kết Quốc Gia (NUG) chống chính quyền quân sự đã công khai kêu gọi các quân nhân, cảnh sát đứng về phía nhân dân để chống lại tập đoàn quân sự. Chính phủ lưu vong này còn hứa tiếp tục trả phụ cấp cho họ trong tương lai.
Theo tờ báo, những tháng qua, phong trào dân chủ đã thành lập được các đơn vị du kích quân chống lại tập đoàn quân sự. Những quân nhân đào ngũ sẽ là nguồn đào tạo quân sự rất quý giá cho lực lượng kháng chiến vốn xuất thân từ dân thành thị, học sinh sinh viên, hầu như không có kiến thức về quân sự, vũ trang.
Chính quyền quân sự đã nhận thấy mức độ nguy hiểm của hiện tượng quân nhân đào ngũ gia tăng. Quân đội mới đây đã ra hàng loạt các quy định nhằm thắt chặt quản lý quân nhân của mình như cấm binh sĩ ra khỏi doanh trại hay cấm sử dụng điện thoại di động…
Đồng thuận hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận dầu lửa
Phần cuối mục điểm báo hôm nay là thông tin liên quan đến kinh tế. Giá dầu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh trong nhiều tuần qua đang đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhật báo Les Echos cho biết, tổng thống Mỹ Joe Biden đã có quyết định phản công các nước sản xuất dầu với hy vọng hạ nhiệt thị trường. Hôm 23/11, ông thông báo Mỹ sẽ đưa ra bán trên thị trường 50 triệu thùng dầu thô lây từ kho dự trữ chiến lược của nước Mỹ.
Biện pháp này còn đặc biệt ở chỗ, Mỹ còn phối hợp được với các nước lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh Quốc cũng chấp nhận vét kho dự trữ mỗi nước vài triệu thùng để tung ra thị trường nhằm làm giảm giá dầu, ít nhất là trong trước mắt. Trước đó Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước sản xuất dầu chính của thế giới trong nhóm APEC và Nga tăng lượng dầu bán ra trên thị trường, nhưng không có ai nghe theo.
Theo nhật báo kinh tế, thì các nước nhập khẩu dầu lớn mới chỉ dùng đến biện pháp đặc biệt trên có 3 lần từ khi họ lập kho dự trữ chiến lược của quốc gia sau cuộc khủng hoảng dầu lửa hồi năm 1973. Lần gần đây nhất là vào năm 2011, khi xảy ra cuộc nội chiến ở Libya, nhưng khi đó Trung Quốc không tham gia. Cuộc phản công lần này được cho là mang tính lịch sử.
Sợ bị quên lãng, TT Nga Putin không dễ để yên cho Mỹ chú tâm đối phó với Trung Quốc
25/11/2021 – Thùy Dương – Điều mà tổng thống Nga Vladimir Putin không thích là ông bị rơi vào quên lãng. Theo cách riêng của mình, trong những tuần gần đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi nhắc lại một kỷ niệm cho Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, vốn sợ mất địa vị này đến mức hiện giờ chỉ chú tâm vào đối thủ mới Trung Quốc.
Trong mục Địa chính trị, Thời luận, cây bút Sylvie Kauffmann của Le Monde nhắc lại hồi năm 2014 tổng thống Mỹ Barack Obama đã phạm sai lầm khi gọi Nga là « cường quốc khu vực », đồng nhiệm Vladimir Putin cảm thấy bị xúc phạm vì hành động « thiếu tôn trọng » này. Kể từ đó, Putin đã làm mọi việc để chứng minh với các nhà lãnh đạo Mỹ rằng đất nước ông, cho dù không còn rộng lớn như Liên Xô trước kia, vẫn có vai trò trên toàn thế giới.
Sự « tôn trọng » kể trên, trong suy nghĩ của ông chủ điện Kremlin, được thể hiện chủ yếu qua các cuộc gặp thượng đỉnh, như thời của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Trong hai thập niên cầm quyền, phương pháp của Vladimir Putin là nếu hội nghị thượng đỉnh chậm được tổ chức thì luôn có cách để thúc đẩy nó sớm diễn ra hơn. Theo phương pháp này, vào tháng 9/2015, trong bối cảnh bị Tây phương tẩy chay vì sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014, tổng thống Nga đã lần đầu tiên điều máy bay tiêm kích Sukhoï đến vùng trời Syria, làm tiền đề cho sự can thiệp nhằm hỗ trợ chế độ Assad. Ngày 28/09/2015, lần đầu tiên sau hai năm tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ Obama.
Putin luôn tìm ra cách …
Đến thời Joe Biden, ông Putin biết rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như từng diễn ra với Donald Trump. Quả thực, vào ngày 22/03, theo thông báo của Matxcơva, Nhà Trắng đã từ chối một đề nghị tổ chức thượng đỉnh trực tuyến. Đến đầu tháng 4, Kiev và tình báo phương Tây quan sát thấy Nga tập trung rất đông quân ở dọc biên giới với Ukraina. Câu hỏi về ý đồ của điện Kremlin đã được đặt ra.
Không lâu sau đó, câu trả lời đã có : vào ngày 13/04, Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Putin. Thượng đỉnh sau đó diễn ra vào 16/06, tại Genève, Thụy Sĩ. Trong thời gian đó, quân lính mà Nga điều thêm đến biên giới đã được rút hết. Về phía tổng thống Mỹ, tin rằng đôi bên đã hiểu đâu là các lằn ranh đỏ mà đối phương vạch ra, Joe Biden trở về Washington với cảm giác đã giải quyết xong vấn đề liên quan đến châu Âu để có thể tập trung vào chiến dịch rút lui khỏi Afghanistan, và sau đó có thể « toàn tâm toàn ý » vào mục tiêu Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà báo Sylvie Kauffmann, tính toán như vậy là quá lạc quan. Hai sự kiện không lường trước ở châu Âu đã khiến mọi việc không diễn ra như ý Washington. Thứ nhất, Paris bị tổn thương về thông báo thành lập liên minh AUKUS cho rằng bị đồng minh Mỹ phản bội. Thứ hai, đối với điện Kremlin, vẫn còn một chủ đề lớn chưa được giải quyết : Ukraina. Vì thế, giới ngoại giao Mỹ đã buộc phải quay trở lại châu Âu vào mùa thu. Các phái đoàn quan chức cao cấp của Mỹ đã phải đến Paris để khắc phục hậu quả liên quan tới liên minh AUKUS. Đến tháng 11, đại diện CIA Mỹ, một người am hiểu về Nga, đã đến Matxcơva, bởi vì Nga lặp lại kịch bản điều thêm quân đến biên giới với Ukraina.
Ai ám ảnh ai?
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hôm 22/11 lưu ý tại một diễn đàn của Quỹ Körber ở Berlin, rằng Nga và Mỹ đang chuẩn bị một cuộc gặp thượng đỉnh mới và nhận định « sẽ rất tốt nếu điều đó sớm diễn ra ». Joe Biden đã có cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11. Theo logic của điện Kremlin, ông Biden cũng sẽ phải có cuộc họp với tổng thống Nga Putin : Washington bị ám ảnh bởi Trung Quốc, ngược lại Matxcơva lại bị Mỹ ám ảnh.
Để nhắc nhở Washington, ngày 18/11 Vladimir Putin đã có một bài phát biểu tại bộ Ngoại Giao Nga, chỉ trích gay gắt phương Tây đã lơ là các « lằn ranh đỏ » về Ukraina và về sự mở rộng NATO sang phía đông. Theo ông Putin, Nga gặp rắc rối với « những đối tác không đáng tin cậy và dễ dàng từ bỏ các cam kết của họ ». Le Monde kết luận dù là trò chơi ngoại giao đi chăng nữa, tình hình ở trung tâm châu Âu đang biến động một cách nguy hiểm và không dễ để Washington thoát ra.
Châu Âu và 1.000 km hàng rào biên giới
Hồ sơ nổi bật trên báo Le Figaro hôm nay là cuộc khủng hoảng di dân ở cửa ngõ châu Âu. Cả trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài bên trong đều dành nói về đề tài này. Ở trang nhất, trên nền bức ảnh hàng rào thép gai và chốt biên phòng của Ba Lan là dòng tít « Châu Âu bị chia rẽ về việc bảo vệ biên giới » kèm theo đó là nhận định bất chấp sức ép từ nhiều nước thành viên để đối phó với dòng người nhập cư ồ ạt, Bruxelles vẫn từ chối cấp kinh phí xây tường và hàng rào cản đường di dân.
Trong bài xã luận có nhan đề « Nguyên tắc thực tế », Le Figaro nhấn mạnh sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của bức tường Berlin từng được cho là đánh dấu sự kết thúc của tất cả các tường lũy ở châu Âu, mở ra một thời kỳ « hòa bình bất tận » và « toàn cầu hóa hạnh phúc » nay đã khép lại. Lý tưởng đã tan vỡ trước những thực tế mới … Kể từ năm 1989 tới nay, cùng với khủng hoảng nhập cư, hơn 1.000 km rào chắn, dài gấp 6 lần bức tường Berlin, đã được dựng lên ở châu Âu.
Tuy nhiên, việc dựng các bức tường mới không còn là một vấn đề chính trị, không còn để phân chia châu Âu thành hai nửa đông – tây, mà là biểu tượng chia rẽ những người ủng hộ một châu Âu mở cửa và những người đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu phải hành động để đối phó với mối nguy hiểm về di dân.
Một số người coi đó là một « biểu tượng đáng ghét» về «một châu Âu đã biến thành pháo đài», về «sự trở lại của bức tường Berlin». Đối với một số người khác, đó là cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả hơn biên giới ngoại khối. Le Figaro ghi nhận cứ mỗi lần có một bức tường, hàng rào được dựng lên, là những sự căng thẳng, khó chịu lại bùng trở lại, đặc biệt từ các tổ chức phi chính phủ. Nhưng lần này, sức ép đối với Ủy ban Châu Âu đặc biệt gia tăng. Hiện giờ, có đến 14 nước, hơn nửa số thành viên Liên Âu, chính thức ủng hộ việc Bruxelles chi tiền xây tường biên giới.
Di dân: Biển Manche chưa bao giờ tang thương đến thế
Trong khi báo thiên hữu Le Figaro tập trung vào cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan – Belarus, báo thiên tả Libébration lại quan tâm đến bi kịch 31 di dân, trong đó có một phụ nữ đang mang thai và một em nhỏ, hôm qua thiệt mạng trên biển Manche khi từ Pháp vượt biển sang Anh. Trong số 34 người vượt biển, chỉ có 2 người được cứu sống nhưng đang trong tình trạng nguy kịch, người còn lại vẫn mất tích.
Libération gọi đây là « một thảm kịch vô song » và chạy tựa trang nhất « Biển Manche chưa bao giờ tang thương đến thế ». Vụ việc nghiêm trọng tới mức tổng thống Pháp Macron đã phải lên tiếng, hứa « Nước Pháp sẽ không để biển Manche biến thành một nghĩa trang ». Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Darmanin gọi thảm họa này là « một đám tang lớn cho cả nước Pháp và châu Âu » và nhấn mạnh thủ phạm là những tên tội phạm đã tổ chức đưa người di cư trái phép, nhưng phần nào cũng do Anh và Pháp thiếu hợp tác.
Sự thắt chặt kiểm soát an ninh ở Calais, Pháp và đầu đường hầm Eurotunnel phía Anh Quốc đã thúc đẩy di dân quốc tế từ Calais dùng xuồng nhỏ bơm hơi vượt biển Manche, với chi phí 2.000-4.000 euro/người. Hôm 10/10, chỉ trong một đêm, phía Anh đã cứu sống hoặc chặn bắt tổng cộng 1.115 người nhập cư qua ngả biển Manche.
Năm 2021, số di dân vượt biển Manche thành công và cập bờ biển Anh Quốc là 23.000 người, nhiều gấp 3 lần năm 2020. Libération dẫn số liệu của Hội đồng di dân Anh, cho biết 2/3 số này đến từ Iran, Irak, Soudan, Syria và Việt Nam. Đây là những nước bị bộ Nội Vụ Anh xếp vào danh sách các nước « có nguy cơ cao » về di dân.
Quân đội Pháp và cuộc đua công nghệ mới trong ngành vũ trang
Chủ đề của báo kinh tế Les Echos hôm nay rất dàn trải, từ các gương mặt lãnh đạo mới của Đức, Ankara dưới sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, sự bình đẳng nam-nữ trong chính giới ở Bắc Âu, các công ty trẻ về xe điện trên thị trường, hồi chuông báo động mới của FAO về tình trạng dễ bị tác động của hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm của thế giới …
Liên quan đến nước Pháp, trong mục Giải mã, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Bằng cách nào quân đội Pháp tìm lại được con đường sáng chế, phát minh ». Đi đầu trong lĩnh vực sáng chế, phát minh trong suốt một thời gian dài, lĩnh vực quốc phòng Pháp từng bị lung lay mạnh do sự bùng nổ kỹ thuật số. Nhưng dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng Quân lực Florence Parly, quân đội Pháp lại trở lại cuộc đua dẫn đầu, hướng nhiều hơn tới các công nghệ dân sự.
Mỗi tháng, Cơ quan Sáng chế Quốc phòng nhận được 30 – 50 dự án mới, chẳng hạn phát minh xe bọc thép tự động ngụy trang như tắc kè hoa nhờ màn hình pixel, vòi cứu hỏa phun rất ít nước nhờ tạo ra những tia nước mịn như sương nhưng với tốc độ cao, quy trình nuôi cấy da tự thân mới để chữa những ca bỏng nặng, vải thông minh có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu ô-xy của phi công đang bay.
Với sự gia tăng các nghiên cứu về laser, trí tuệ nhân tạo, giám sát bằng vệ tinh …, ngành quốc phòng Pháp muốn chứng tỏ họ đã quay trở lại cuộc đua sáng chế ở mức nào, sau khi bị giới dân sự, đặc biệt là giới kỹ thuật số « vượt mặt ». Các nguồn lực dành riêng cho sáng chế đã được tăng từ 730 triệu euro hồi năm 2019 lên thành 1 tỷ euro, theo đạo luật tài chính năm 2022, các phương pháp và quy trình hỗ trợ phát minh đã được cải cách phần nào để tăng tốc các nghiên cứu, sáng chế như trí tuệ nhân tạo, lượng tử, giám sát không gian, vũ khí năng lượng định hướng … và giúp binh lính phát triển các ý tưởng, sáng kiến.
Les Echos trích dẫn ông Emmanuel Chiva, giám đốc Cơ quan Sáng chế Quốc phòng của Pháp, theo đó một cuộc chạy đua công nghệ mới đã được phát động trong ngành vũ trang. Và nước Pháp cho đến nay vẫn không bị tụt lại phía sau.
Bắc Kinh: Zero Covid là chiến lược «không thể lay chuyển»
Hầu hết các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến làn sóng dịch Covid-19 ở châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Riêng Le Monde đưa độc giả đi một vòng quanh thế giới, đến các nước từng chủ trương Zero Covid, đặc biệt là Úc, New Zeland và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với nhận định «Phần lớn các quốc gia từng ủng hộ Zero Covid phải bỏ cuộc». Chính sách kiểm soát chặt chẽ đại dịch không còn phù hợp trước sự lây lan quá nhanh của virus corona biến chủng Delta. Về mặt y tế, Zero Covid hiệu quả nhưng kéo dài về kinh tế là không thể được. Hiện giờ trên thế giới chỉ còn Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid.
Riêng về Trung Quốc, thông tín viên Le Monde Frédéric Le Maitre, cho biết đối với Bắc Kinh, Zero Covid là chiến lược «không thể lay chuyển». Cho đến nay, Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ chiến lược này. Le Monde kết luận, đối với Bắc Kinh, đây vừa là thử thách về y tế, vừa là thách thức về chính trị. Tập Cận Bình đã từng tuyên bố Trung Quốc đã «chiến thắng» virus corona và đảng Cộng Sản ưu tiên bảo vệ «sự sống». Bắc Kinh cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác làn sóng Covid-19 ở châu Âu, coi đó là biểu hiện cho sự yếu kém của các nền dân chủ.
Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma
26/11/2021 – Thanh Phương – Vụ mất tích trong 18 ngày của ngôi sao quần vợt nữ Bành Súy và sự tái xuất hiện của cô theo sự dàn dựng của chính quyền làm nổi rõ một các hành xử quen thuộc của chế độ Cộng sản Trung Quốc: gạt bỏ những người “gây khó chịu” bằng cách làm họ biết mất. Đó là thực tế mà nhật báo Công Giáo La Croix nêu bật trong bài viết tựa đề “ Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma”.
Bành Súy còn sống nhưng không hề được tự do. Theo La Croix, ngày 2/11, khi tố cáo một lãnh đạo rất cao cấp của Đảng Cộng sản đã cưỡng hiếp cô, ngôi sao quần vợt Trung Quốc đã khởi động một tiến trình “khốc liệt”. Bản thân phụ nữ trẻ 35 tuổi này không ngờ mình lại trở thành tâm điểm của một vụ tai tiếng gây ầm ĩ toàn cầu, mà chính các cơ quan tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc cũng bị choáng ngợp bởi phản ứng phẫn nộ của quốc tế sau lời tố cáo can đảm này.
Tờ La Croix nhắc lại, làm biến mất những kẻ “ gây rối”: nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, chính khách hay quan chức cao cấp vẫn là cách hành xử quen thuộc trong chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi đảng này ra đời cách đây một thế kỷ. Đây là điều mà các tổ chức nhân quyền vẫn tố cáo. Các quốc gia khác thì bày tỏ phẫn nộ hoặc lên án lấy lệ. Nhưng chế độ Bắc Kinh vẫn bác bỏ những cáo buộc đó, qua những thông cáo chỉ trích “ những sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Vụ Bành Súy chỉ thêm vào một danh sách rất dài gồm hàng trăm người Trung Quốc, Tây Tạng, hay Duy Ngô Nhĩ, nổi tiếng hay vô danh, đã bị biến thành các “bóng ma” ở Trung Quốc.
La Croix trích lời Benedict Roger, sáng lập viên tổ chức nhân quyền Hongkong Watch: “ Chế độ Cộng sản Trung Quốc hoạt động giống như là một băng đảng chuyên bắt cóc, khủng bố và hăm dọa.” Ông nhắc lại trường hợp điển hình nhất, mà nay gần như bị quên lãng, đó là trường hợp của Ban Thiền Lạt Ma Gedhun Choekyi Nyima, năm nay 36 tuổi. Vào năm 6 tuổi, ông đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần đứng hàng thứ hai của Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng chỉ ba ngày sau, ông đã bị chế độ Bắc Kinh bắt cóc và giữ tại một nơi bí mật cho tới nay.
Theo giải thích của Phelim Kine, cố vấn châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, việc giam giữ một người tại một nơi bí mật, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bên ngoài đã được hợp pháp hóa trong hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Biển Manche, “vết thương không lành”
Về thảm kịch 27 người vượt biên bỏ mạng trên biển Manche, trong bài xã luận, tờ Le Monde nhắc lại rằng, từ hơn 20 năm qua, biển Manche vẫn là “ vết thương không lành” giữa lòng lục địa châu Âu.
Theo các hiệp hội, từ năm 1999 đến nay, đã có hơn 300 người di dân thiệt mạng ở đây. Nhiều di dân bị xe lửa cán chết hoặc chết ngạt trong các xe tải khi tìm cách vượt biên sang Anh qua đường hầm dưới biển Manche. Kể từ năm 2018, khi các ngõ đường đó bị chặn lại, họ phải vượt biển trên những chiếc tàu mỏng manh và đôi khi chết đuối, nạn nhân của những kẻ buôn người vô lương tâm, cũng như của thái độ vô trách nhiệm của Paris và Luân Đôn.
Theo Le Monde, sở dĩ ngày càng có chuyến vượt biên, bọn buôn người vẫn làm ăn khấm khá, đó là do hầu như không có một con đường di dân hợp pháp nào đến Anh Quốc. Tờ báo cho rằng vấn đề căn bản hiện nay không còn là vấn đề những kẻ tổ chức vượt biên, mà là vấn đề chia sẻ việc tiếp nhận những người xin tị nạn giữa Liên Hiệp Châu Âu, mà đặc biệt là Pháp, với Anh Quốc.
Chích ngừa Covid cho trẻ em: Pháp không vội
Cơ quan Dược phẩm châu Âu hôm qua đã bật đèn xanh cho việc chích ngừa Covid cho trẻ em ở châu Âu, với việc phê duyệt vac-xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, nhưng theo Le Figaro, chính phủ Pháp không tỏ vẻ vội vã trong vấn đề này.
Theo tờ báo này, trong cuộc họp báo hôm qua, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran đã có phản ứng ngay lập tức, cho biết ông sẽ tham khảo ý kiến của Hội đồng Tham vấn Đạo đức Quốc gia về những mối lợi cá nhân và tập thể của việc chích ngừa vac-xin này cho trẻ em, cũng như sẽ hỏi ý kiến của Cơ quan Y tế Cao cấp. Ông Véran còn nói: “ Trong mọi trường hợp, nếu được quyết định ở Pháp, việc tiêm chủng này sẽ không bắt đầu trước năm 2022.”
Tờ báo nhắc lại là hiện giờ, các dữ liệu duy nhất có được là từ cuộc thử nghiệm lâm sàng do hãng Pfizer thực hiện với 2.285 trẻ em ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Phần Lan và Ba Lan. Kết quả được đăng tải vào tháng 11 trên tờ New England Journal of Medicine cho thấy là nơi trẻ em, vac-xin Pfizer bảo vệ rất tốt chống lại biến thể Delta và có hiệu quả 90% ngăn ngừa các dạng bệnh có triệu chứng, giống như nơi người lớn. Các tác dụng phụ thường được quan sát ( đau ở chỗ chích, mệt, nhức đầu, sốt, nhức mỏi ) nói chung là nhẹ và sẽ hết vài ngày sau khi tiêm.
Le Figaro trích lời giáo sư Alain Fischer, chủ tịch Hội đồng Định hướng Chiến lược Tiêm chủng, cũng cho rằng tình hình dịch tễ hiện nay ở Pháp cho phép chúng ta đợi một thời gian. Tuy nhiên, giáo sư Fischer cho biết, nếu các thử nghiệm cho kết quả tốt, hội đồng của ông sẽ đề nghị chích ngừa Covid cho trẻ em ở Pháp ngay từ tháng Giêng năm tới.
Covid-19: Giao thông hàng không lại bị gián đoạn
Đợt dịch Covid thứ 5 đã cản trở đà phục hồi chậm của giao thông hàng không ở châu Âu và đe dọa tác động đến kỳ nghỉ Noel sắp tới. Đó là điều gây lo ngại cho nhật báo kinh tế Les Echos.
Cơn ác mộng phải chăng sẽ lại tái diễn đối với các hãng hàng không Pháp và châu Âu? Trong khi giao thông hàng không đang bắt đầu dần dần trở lại mức giống như trước khủng hoảng dịch tễ nhờ việc mở lại các biên giới, sự bùng phát mạnh trở lại của dịch Covid-19 tại châu Âu đang đe dọa kéo giao thông hàng không xuống trở lại.
Les Echos trích lời ông Michael O’Leary, chủ nhân hãng hàng không giá rẻ Ryanair: éCho tới cuối tuần trước, mọi việc diễn ra rất tốt, nhưng rồi lại bị xáo trộn với việc nước Áo phong tỏa trở lại và các biện pháp khác được thông báo nhằm đối phó với làn sóng thứ năm của dịch Covid-19”.
Riêng các hãng hàng không Pháp lại gặp thêm khó khăn do tình hình tại hai lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe và Martinique, nơi mà các vụ bạo loạn và cuộc tổng đình công đã khiến ngành du lịch bị ngưng trệ, trong khi đây là hai điểm đến quan trọng đối với nhiều hãng hàng không bay đường dài, như Air France, Air Caraibes,…
Theo Les Echos, đối với các hãng hàng không, rất có thể là đến mùa hè năm 2022, tình hình mới hy vọng trở lại bình thường.
Pháp – Ý: Quan hệ ít khi nào suôn sẻ
Về thời sự châu Âu, tờ Le Monde quan tâm đến quan hệ Pháp-Ý, nhân dịp hôm nay tổng thống Emmanuel Macron ký một hiệp ước song phương với thủ tướng Mario Draghi.
Tờ báo nhắc lại là giữa Pháp và Ý hầu như chưa bao giờ có chiến tranh, nhưng trong một thế kỷ rưỡi lịch sử, quan hệ giữa hai nước không hề suôn sẻ, cứ thỉnh thoảng những vấn đề gây bất hòa lại tái xuất hiện, nhất là vấn đề di dân.
Dưới chiêu bài chống nhập cư lậu, Matteo Salvini, một chính khách cực hữu lên làm bộ trưởng Nội Vụ, đã đạt mức uy tín rất cao, và xem tổng thống Macron là đối thủ “ưa thích” của ông. Phe “ 5 sao” cũng không kém gì, thể hiện qua việc phó thủ tướng Luigi Di Maio, vào ngày 05/02/2019, đến vùng Loiret để gặp nhiều đại diện của những người “Áo Vàng”. Vài ngày sau, đại sứ Pháp ở Roma được triệu về Paris để tham vấn.
Nhưng với cuộc khủng hoảng dịch tễ ập đến, lập trường của Pháp và Ý trong mọi lĩnh vực đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Sự hòa hợp giữa hai nước càng rõ nét với việc Mario Draghi, một nhân vật cũng ủng hộ châu Âu hợp nhất giống như tổng thống Macron, lên làm thủ tướng Ý. Họ thừa biết rằng, trên chính trường châu Âu, Paris và Roma có quá nhiều lợi ích chung để chia rẽ với nhau.
Thẩm kế viện châu Âu cũng gian lận
Nhận tiền phụ cấp nhà ở cho những địa chỉ giả, lạm dụng công tác phí, các chuyến công tác không ai kiểm chứng. Tờ Libération hôm nay có một bài phóng sự điều tra về những vụ gian lận tại Thẩm kế viện châu Âu, mà trong các “thủ phạm” có cả chủ tịch của cơ quan này.
Có ai đi kiểm tra một thanh tra? Trong Liên Hiệp Châu Âu, chẳng có ai cả, cho nên đã có gian lận ngay cả trong một cơ quan danh giá như Thẩm kế viện châu Âu, trụ sở tại Luxembourg, có nhiệm vụ bảo đảm cho ngân sách châu Âu được sử dụng đàng hoàng. Định chế châu Âu nào cũng rất “ngán” các báo cáo thường niên của cơ quan này.
Nhưng ngay cả chủ tịch của Thẩm kế viện châu Âu cũng không hề là mẫu mực về liêm khiết. Theo quy định, toàn bộ các thành viên của Thẩm kế viện châu Âu ( cũng như các công chức và nhân viên của cơ quan này ) bắt buộc phải thường trú tại Luxembourg hoặc sống ở biên giới nước này.
Theo điều tra của Libération, chủ tịch Thẩm kế viện Klaus-Heiner Lehne, đã “mướn” một căn hộ ở Luxembourg chung với 3 thành viên khác, cũng là người Đức, nhưng đó gần như là địa chỉ giả, vì hiếm khi nào ông ngủ trong căn hộ này, mà phần lớn thời gian ngài chủ tịch sống tại thành phố Dusseldorf, cách đó 220 km, nơi mà thậm chí ông vẫn là một đảng viên rất “hăng hái” của đảng CDU, trong khi theo quy định, các thành viên Thẩm kế viện châu Âu không được phép có bất cứ hoạt động chính trị nào, dù chính thức hay không.
Tựa lớn trên các trang nhất
Vac-xin. Và một và hai và ba… Đó là hàng tựa trên trang nhất của nhật báo Libération hôm nay, nói về việc chính phủ Pháp hôm qua vừa thông báo quyết định mở rộng việc chích liều thứ ba cho toàn bộ người lớn, trong nỗ lực nhằm kềm chế đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại. Nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến tình hình dịch tễ trên trang nhất, với hàng tựa “ Covid: mũi nhắc lại” và dành nhiều trang về đề tài này.
Trang nhất của các báo kia thì chú ý hơn đến cái chết của 27 người vượt biên trên biển Manche, đã gây sốc trong công luận hai nước Anh Pháp. Le Figaro cho biết “ Di dân: sau thảm kịch, cuộc truy lùng những kẻ buôn người gia tăng”. Nhật báo Công Giáo La Croix thì nhấn mạnh “ Calais: Bắt buộc phải đồng thuận”, ghi nhận là trong lúc 27 người vượt biên vừa bỏ mạng ngoài khơi vùng Calais, Pháp và Anh vẫn không giải tỏa được bế tắc trong hồ sơ di dân. Tờ Le Monde cũng quan tâm đến “ 27 người chết ở biển Manche, thảm kịch mới của khủng hoảng di dân”. Tờ báo cho biết là sau thảm kịch chưa từng có này, các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội yêu cầu mở ra những con đường di dân hợp pháp đến Anh Quốc.