Ðiểm Báo Pháp – 25/3/22
Chiến tranh Ukraina: Phương Tây tự đặt cho mình lằn ranh đỏ
Đã qua một tháng đất nước Ukraina kháng cự với cuộc chiến tranh xâm lược mỗi ngày thêm khốc liệt của Nga. Phương Tây tiếp tục huy động tối đa những gì có thể với hy vọng gây áp lực để tổng thống Vladimir Putin dừng cuộc chiến. Những hệ lụy của trừng phạt Nga đã lan sang phía ra đòn. Đó là những chủ đề nổi bật được các báo Pháp ra hôm nay tập trung khai thác.
Các tờ báo chính đều tập trung vào liên tiếp 2 cuộc họp thượng đỉnh bất thường của NATO và nhóm G7 diễn ra ngày hôm qua, 24/03 và nối tiếp hôm sau bằng cuộc họp Hội đồng toàn Châu Âu. Đúng một một tháng sau khi tổng thống Nga Putin tuyên bố tấn công Ukraina, lãnh đạo các nước Liên minh NATO họp phiên bất thường tại Bruxelles hôm thứ Năm (24/03), một lần nữa nhằm cố gắng tìm phương án đáp trả mối đe đe dọa sống còn ở cửa ngõ nhà mình.
Phương Tây «ngăn chặn chiến tranh bằng chuẩn bị chiến tranh»
Sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden được nhật báo Le Monde nhìn nhận như là một điểm nhấn của các cuộc họp ở Bruxelles ngày hôm qua. Với bài viết có tựa đề «Sự trở lại hùng hậu của Mỹ tại châu Âu» Le Monde ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây, Washington kín đáo rút bớt lực lượng của mình ra khỏi lục địa châu Âu để triển khai ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự bành trướng gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Nhưng trước những leo thang căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva mà đỉnh điểm là cuộc xâm lược Ukraina của Nga, từ tháng Giêng đến tháng 3 năm nay, Mỹ đã điều động trở lại châu Âu 20 nghìn quân, tức tăng 25%. Như vậy sự hiện diên quân sự của Mỹ ở châu Âu giờ đã đạt mức cao nhất từ 15 năm qua. Số quân Mỹ đóng trên đất châu Âu đã đạt ngưỡng biểu tượng 100 nghìn quân.
Theo Le Monde, dù gì thì cuộc họp thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương là dịp để biểu thị sự đoàn kết trong quan hệ giữa NATO và các nước Liên Âu và cũng để nhắc lại rằng một cuộc xung đột giữa NATO và Nga phải tuyệt đối tránh mặc dù mối lo ngại Nga sử dụng vũ khí hóa học hay hạt nhân đang dần hiển hiện.
Tham chiến, lằn ranh đỏ của NATO
Nỗ lực huy động của NATO là rất lớn nhưng trước một Vladimir Putin khó lường và sẵn sàng đi xa không giới hạn, Liên minh phương Tây lại phải tự vạch cho mình lằn ranh đỏ: Bằng mọi cách không trở thành một bên tham chiến với Nga.
Le Figaro có bài: «Ukraina: Ngăn chặn chiến tranh mà không tham chiến, phương trình hiểm hóc của NATO». Theo bài báo, trong lúc mà Ukraina đang kháng cự với cuộc xâm lược với tất cả quyết tâm của mình, các đồng minh cố gắng tạo sự ủng hộ chính phủ của tổng thống Volodymyr Zélensky. Hỗ trợ nhưng làm sao «không để vượt qua làn ranh đỏ» là tham chiến, như tổng thống Pháp đã nhấn mạnh. Ông Emmanuel Macron giải thích trong cuộc họp báo hôm qua sau phiên họp: «NATO đã chọn ủng hộ Ukraina để chấm dứt chiến tranh mà không tham chiến». Đơn giản vì NATO muốn tránh một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 nổ ra.
Theo Le Figaro, đến lúc này các kênh thảo luận với Nga có ít hy vọng để đạt được một giải pháp thương lượng với Ukraina. Cuộc chiến giờ dường như đang có xu hướng sa lầy và có thể kéo dài thậm chí nhiều tháng. Với NATO, các nguy cơ cũng gia tăng đó là các nước lân cận mất ổn định, bị liên lụy gián tiếp với cuộc khủng hoảng. Người ta sợ rằng vô tình các đồng minh của phương tây có những hành động sai lầm trên thực địa tạo cớ cho Nga có thể mở tấn công. Các nước đồng minh đều nhất trí tin rằng Vladimir Putin sẽ sẵn sàng đẩy cuộc chiến tranh của ông ta đi rất xa.
Sau khi các nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ trong Liên minh đã nghiên cứu mọi khả năng lựa chọn và trước lời cầu cứu phương Tây hỗ trợ quân sự «không hạn chế» của tổng thống Zelensky, NATO cuối cùng đã đi đến kết luận là các đồng minh tiếp tục cung cấp cho Ukraina các trang thiết bị quân sự nhưng không có chiến đấu cơ hay xe tăng. Bên cạnh đó NATO cũng sẽ duy trì hỗ trợ trong các lĩnh vực như an ninh mạng, bảo vệ trước đe dọa trong trường hợp có sử dụng vũ khí hóa học, vi trùng và hạt nhân.
Nhằm ngăn chặn Vladimir Putin leo thang, NATO tăng cường tiềm lực phòng thủ ở sườn đông của mình. Lần đầu tiên NATO triển khai một lực lượng phản ứng với 40 nghìn quân, bên cạnh số quân Mỹ đóng ở Châu Âu cũng đa lên đến 100 nghìn lính. Bốn quân đoàn chiến thuật sẽ được triển khai ở Hungary, Slovakia, Bulgari, Rumani cũng với ba nước vùng Baltic và Ba Lan. Liên minh cũng gia tăng sự hiện diện trên biển và các nhiệm vụ giám sát bầu trời. NATO cũng hứa hậu thuẫn những nước lân cận như Gruzia và Bosnia. Đó là tất cả những gì mà NATO có thể làm cho đến lúc này để đối phó với cuộc phiêu lưu của Nga ở Ukraina cũng như ở châu Âu.
Sau một tháng từ phòng ngự Ukraina bắt đầu sang phản công
Trở lại với thực địa chiến trường Ukraina sau một tháng kháng cự với các cuộc tấn công với cường độ ngày càng dữ dội.
Nhật báo Libération chạy tựa chính trang nhất: «Sau một tháng chiến tranh, Ukraina phản công». Tờ báo ghi nhận «Ukraina giành lại đất». Một tháng sau khi cuộc chiến tranh khởi phát, quân đội Nga đã đánh giá thấp lực lượng của đối thủ và lòng dân Ukraina, giờ đây dường như bị chôn chân tại chỗ, chống lại cuộc phản công của quân đội Ukraina. Ở một số nơi lực lượng Ukraina thậm chí còn đẩy lùi quân Nga giành lại đất.
Libération nhận thấy, phải hứng chịu những đau thương và sự tàn phá chưa từng thấy, quân đội và nhân dân Ukraina, cách đây vài tuần lễ vẫn bị đánh giá sẽ nhanh chóng bại trận chỉ có thể tổ chức chiến tranh du kích chống lại sự chiếm đóng của Nga. Thế nhưng người Ukraina đã kháng cự anh hùng. Một số điểm ở cửa ngõ vào thủ đô Kiev, quân Nga đã bị đẩy lui ra xa. Tại thành phố Mariupol ở phía đông nam, dù phải dùng đến các loại vũ khí hạng nặng hiện đại nhất phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng thành phố, nhưng quân Nga vẫn chưa thể kiểm soát được dù Mariupul giờ chỉ là đống tro tàn đổ nát vì bom đạn. Hay như hình ảnh chiến hạm Nga trong cảng Berdiansk do quân Nga kiểm soát, bị tên lửa Ukraina tấn công bốc cháy. «Đó là một trong vố số hình ảnh biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraina vẫn còn và mãi mãi. Vượt quá mọi mong đợi», nhật báo Libération nhận định.
Trong một bài viết khác, Libération đề cập đến: “Tổn thất nào cho Matxcơva?». Tờ báo cho biết theo nhiều nguồn tin khác nhau thì số lượng thiệt hại nhân mạng ở phía Nga khoảng từ 3000 đến 5000 nghìn quân. Một bảng tổng kết tổn thất nặng nề sẽ làm lộ rõ những điểm yếu chiến lực quân sự của Nga.
Theo Libération, sau đúng một tháng của cuộc chiến tranh Ukraina, khó có thể nắm được mức độ thiệt hại về phía quân đội Nga. Hiện mới chỉ có duy nhất con số thương vong được Kremlin chính thức công bố hôm 02/03 là 498 quân nhân thiệt mạng. Từ đó đến nay con số này chưa hề được cập nhật. Trong khi đó phía Ukraina, hôm 23/3 đưa con số 15 nghìn lính Nga tử trận. Phía Mỹ thì nói đến con số hơn 7000 quân Nga bị chết trong 3 tuần giao tranh ở Ukraina.
Về độ chính xác của các con số tổn thất nhân mạng của phía Nga, các chuyên gia quân sự được Liberation trích dẫn phân tích trong bài báo đều cho rằng khó có thể thống kê chính xác lúc này nhưng rõ ràng là quân đội Nga đã tổn thất không nhỏ và đặc biệt nó cho thấy quân đội Nga được đánh giá hùng hậu thứ 2 thế giới nhưng cũng không thiếu điểm yếu, đã vấp phải những khó khăn không lường trước được trong một chiến dịch quân sự có quy mô lớn như ở Ukraina.
Libération ghi nhận: từ một cuộc xung đột «chớp nhoáng» như mong muốn của Kremlin, chiến dịch của Nga đã chuyển hướng sang «một cuộc chiến tranh có cường độ cao» đòi hỏi các bên đẩy cao tối đa sức mạnh. Theo nhà sử học Pierre Razoux, những tổn thất nhân mạng «tương đương với Ukraina» chính là hậu quả của kiểu chiến tranh như vậy. Cái giá phải trả cho bên tấn công cũng như bên phòng thủ là cực kỳ đắt.
Trừng phạt: Các công ty phương Tây dính đòn trước
Chuyển qua với những hệ lụy vòng ngoài cuộc chiến tranh, trên mặt trận kinh tế. Vũ khí duy nhất của phương Tây hiện giờ là trừng phạt, gây áp lực tối đa để Vladimir Putin có thể ngừng cuộc chiến.
Hậu quả của các trừng phạt chưa thấy với Nga, nhưng với các công ty của phương Tây bắt đầu đã cảm nhận thấy, cụ thể là một số công ty Pháp đang làm ăn ở Nga.
Trang nhất của Le Figaro chạy tựa lớn: «Các Công ty Pháp trong cái bẫy nước Nga», nhân sự kiện nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Pháp Renault và một số công ty khác của Pháp đã buộc phải ngừng hoạt động tại Nga. Tờ báo cho thấy, mặc dù chính phủ để ngỏ cho các công ty lựa chọn đi hay ở lại Nga, nhưng vì lo lắng cho uy tín của mình, ngày càng có nhiều công ty Pháp chọn đường rời khỏi Nga. Tình hình đang trở nên phức tạp cho các doanh nghiệp Pháp đã cắm chân làm ăn ổn định ở Nga. Nhiều lãnh đạo các công ty Pháp khẳng định với Le Figaro cuộc chiến tranh ở Ukraina đã làm nhiều lĩnh vực sản xuất trở nên suy yếu, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp cũng bị thiệt hại lớn vì giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng vọt.
Với riêng hãng Renault, nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét qua tựa trên trang bìa: «Renault: Cơn ác mộng Nga», bởi vì Nga là thị trường lớn thứ 2 chỉ sau chính quốc của hãng xe Pháp này. Trong một khía cạnh khác liên quan đến hệ quả của trừng phạt Nga, trong bài xã luận mang tiêu đề « Phạt Putin hay phạt dân Nga ? », tờ báo nhận định, « đóng cửa đột ngột các nhà máy, các cửa hàng là đẩy hàng nghìn người (Nga) vào thất nghiệp, các gia đình vào sự khốn khổ. Làm cho người dân bị mất nguồn lương thực thực phẩm sẽ tạo ra sự hỗn loạn ».
Bài xã luận của Le Figaro đặt ra một loạt câu hỏi : Chúng ta đang trừng phạt Vladimir Putin hay người dân Nga ? Làm như vậy chúng ta sẽ khiến người dân Nga phẫn nộ chống lại nhà độc tài của Kremlin hay chống lại sự bất công của phương Tây ? Các công ty của chúng ta phải bán phần tài sản mà đã phải mất nhiều công sức tạo dựng ở Nga, chẳng phải điều đó là chỉ có lợi cho những ông chủ người Nga thân cận với Putin hay sao ? Có đủ cách để gây áp lực kinh tế đối với Putin, mà vũ khí mạnh nhất cắt nguồn mua dầu khí của Nga. Nhưng quyết định này phụ thuộc vào riêng từng quốc gia mà thôi, Le Figaro kết luận.
Anh Vũ