Ðiểm Báo Pháp – 24/3/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 24/3/21

Trung Quốc xấc xược, quần hùng phương Tây liên thủ

24/03/2021 – Thứ ngôn ngữ cực đoan của Bắc Kinh không che giấu được sự lo âu của một đảng độc tài luôn bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, và nỗi sợ bị vây hãm. Tập hoàng đế bám chặt vào « Trung Hoa mộng », tìm cách tấn công phương Tây trước khi Trung Quốc bị lão hóa dân số, tăng trưởng chậm lại và ngập trong nợ nần. Với nguy cơ làm dấy lên những điểm nóng, từ Đài Loan đến Himalaya và Biển Đông.

Ảnh minh họa chụp ngày 20/09/2018 tại Hòa Điền (Hotan) ở Tân Cương : Một phụ nữ chở con đi học ngang qua một pa-nô tuyên truyền với ảnh « bác » Tập tươi cười bên cạnh người dân Duy Ngô Nhĩ.
Ảnh minh họa chụp ngày 20/09/2018 tại Hòa Điền (Hotan) ở Tân Cương : Một phụ nữ chở con đi học ngang qua một pa-nô tuyên truyền với ảnh « bác » Tập tươi cười bên cạnh người dân Duy Ngô Nhĩ. AP – Andy Wong

Pháp tiến hành tiêm chủng hàng loạt, sự chia rẽ của các đảng trước kỳ bầu cử tổng thống lần tới, Covid đã làm đảo lộn kỹ nghệ dược phẩm, nạn kỳ thị người châu Á, là những đề tài trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Ở trang trong, tất cả các báo đều bình luận về quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Le Monde tóm tắt « Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa », Les Echos nhận xét « Quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc xuống cấp trầm trọng », còn đối với La Croix « Trung Quốc quyết định ăn miếng trả miếng với phương Tây ». Libération mô tả « Duy Ngô Nhĩ : Nghệ thuật chiến tranh giữa Trung Quốc và châu Âu».

Châu Âu trừng phạt Trung Quốc lần đầu kể từ 30 năm

Le Monde ghi nhận, đây là lần đầu tiên 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) phải ra tay với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Hôm thứ Hai 22/03 tại Bruxelles, một loạt biện pháp trừng phạt 7 nước đã được đưa ra, đặc biệt là với Trung Quốc, có phối hợp một phần với Hoa Kỳ, Canada và Anh.

Bốn quan chức Tân Cương bị nhắm đến Chu Hải Luân (Zhu Hailun), nguyên phó bí thư, hai người đương chức là Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), Vương Quân Chính (Wang Junzheng) và Trần Minh Quốc (Chen Minggu, giám đốc công an khu tự trị Tân Cương, và một định chế là Sở Công an Tân Cương. Tờ báo lưu ý là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc không có trong danh sách, trong khi đây chính là nhân vật thực hiện chủ trương đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc trả đũa nặng hơn, bằng cách trừng phạt đến mười nhân vật và bốn tổ chức châu Âu, tất cả đều liên quan đến Tân Cương. Trong đó có năm nghị sĩ châu Âu (Reinhard Bütikofer, Michael Gahler, Raphaël Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk, Miriam Lexmann). Bên cạnh đó là dân biểu Doviele Sakaliene (Litva), Sjoerd Sjoersma (Hà Lan), Samuel Cogolati (Bỉ, đã đưa ra dự luật về diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ) và giảng viên đại học Đức Adrian Zenz, tác giả công trình nghiên cứu tiết lộ các trại cải tạo. Kèm theo đó là lời đe dọa « sẽ có những phản ứng khác».

Theo Libération, không phải động thái của EU làm Trung Quốc lo âu, vì việc cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản chỉ liên quan đến các quan chức địa phương, trong khi chính sách là do Bắc Kinh quyết định. Nhưng điều quan trọng là lần đầu tiên từ hơn 30 năm qua, EU mới có biện pháp cứng rắn như thế ; và ngay lập tức lại được Anh, Mỹ, Canada ủng hộ.

Lo sợ phương Tây liên kết, Bắc Kinh tìm cách chia rẽ

Bản thân sự liên kết trên đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy phương Tây ngày càng lo ngại trước sự hiếu chiến của chế độ Tập Cận Bình. Mỹ xích lại gần các đồng minh, tạo mặt trận chung khiến Bắc Kinh lo lắng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, do một sự trùng hợp đang có mặt tại Bruxelles, nhắc lại từ «diệt chủng» và «tội ác chống nhân loại» của người tiền nhiệm Cộng Hòa Mike Pompeo, về việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Tờ báo cánh tả cho rằng Bắc Kinh đã chọn lựa mắt xích yếu nhất trong mặt trận phương Tây là EU để tấn công một cách thô bạo. Cho dù ngày càng bớt ngây thơ trước Trung Quốc kể từ 2017, lợi ích quốc gia của các nước thành viên không giống nhau, cũng như tầm nhìn địa chính trị. Đức, Ý coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, trong khi Pháp, cũng như Mỹ, nhạy cảm trước vấn đề an ninh khu vực và thế giới mà Trung Quốc, đại cường dân tộc chủ nghĩa đặt ra.

Libération nhắc nhở, đừng quên có 12 nước EU còn thuộc nhóm 17+1 do Bắc Kinh lập ra năm 2012 gồm các nước Trung Âu và Đông Âu, với mồi nhử đầu tư để làm yếu đi Tây Âu. Trung Quốc tìm được đồng minh nơi nước Nga của Vladimir Putin, là bậc thầy trong việc chia rẽ. Một sự trùng hợp khác : ngoại trưởng Nga Lavrov trong hai ngày đầu tuần đã gặp Vương Nghị tại Bắc Kinh, cả hai tuyên bố phương Tây «không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác».

Les Echos nêu tuyên bố của Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc sau cuộc khẩu chiến Mỹ-Trung dữ dội ở Alaska, cho rằng EU, Anh, Canada, Mỹ «chỉ chiếm có 11% dân số thế giới, không thể đại diện cho dư luận quốc tế».

Lư Sa Dã, đại sứ gây sóng gió ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc  

Le Figaro điểm mặt chỉ tên «Lư Sa Dã, đại sứ đã gây sóng gió ngoại giao giữa Paris và Bắc Kinh».Tờ báo viết, do tru tréo quá nhiều, những «chiến binh sói» Trung Quốc rốt cuộc đã khiến Paris tức giận, đụng chạm đến sự nhạy cảm của ngành ngoại giao Pháp. Những lời thóa mạ, có thể nói là chửi rủa của đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Pháp – khuôn mặt tiêu biểu cho thế hệ ngoại giao mới của Trung Quốc đặc biệt hung hăng – tất nhiên là dẫn đến việc bộ Ngoại Giao Pháp phải triệu tập.

«Tiểu tốt», «lưu manh vặt», «linh cẩu điên», «gây rối về ý thức hệ», đó là những từ ngữ mà ông đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye) dùng để tấn công Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu Pháp rất được tôn trọng thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), một trong những chuyên gia thông thạo nhất về Trung Quốc.

Hôm thứ Hai 22/03, ông Lư lấy cớ không thu xếp được lịch làm việc để không đến theo lời mời. Đại sứ quán Trung Quốc «nổ» trên Twitter: «Ngày mai ông ấy sẽ đến để có những động thái với phía Pháp về việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt, và các vấn đề liên quan đến Đài Loan». Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune không giấu được sự tức giận: «Cả Pháp lẫn châu Âu không phải là tấm thảm chùi chân. Khi là đại sứ và bị triệu tập thì phải đến».

Les Echos lưu ý, trong khi Lư Sa Dã «câu giờ», thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi EU loan báo trừng phạt, đại sứ EU ở Bắc Kinh, Nicolas Chapuis lại bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu mời vào lúc nửa đêm để phản đối ! Tại châu Âu, ngoài Pháp, các đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Đức, Hà Lan cũng đã bị triệu tập.

Tiếng tru của «chiến binh sói» đã vượt lằn ranh đỏ

Điều hiếm khi xảy ra là bộ Ngoại Giao Pháp vốn tế nhị nhưng trong thông cáo đã công khai tố cáo Lư Sa Dã đã « vượt qua lằn ranh đỏ ». Sáng thứ Ba, khi ông Lư đến, ông Bertrand Lortholary, giám đốc phụ trách châu Á đã cảnh báo rằng cung cách, giọng điệu của ông ta « hoàn toàn không thể chấp nhận được, đã vượt quá tất cả những giới hạn của một đại sứ ». Những lời nhục mạ « đặt ra một vấn đề căn cơ, cho thấy phương pháp đe dọa ». Cuộc đối thoại kéo dài 20 phút, và khi đại sứ Trung Quốc toan nêu ra vấn đề Đài Loan, ông ta được yêu cầu lấy một cái hẹn khác.

Antoine Bondaz hoan nghênh động thái chấn chỉnh các « chiến lang » Trung Quốc của ngành ngoại giao Pháp, cho rằng ông đại sứ có thể chỉ trích nhưng không có quyền ra lệnh cho các nghị sĩ Pháp nên đến Đài Loan hay không. Việc chuyên gia bị tấn công cá nhân chứ không phải vì các nghiên cứu của mình, đã tạo ra hình ảnh xấu xí của Trung Quốc tại Pháp.

Lâu nay Pháp và nhiều nước châu Âu vẫn đặt vấn đề nhân quyền xuống hàng thứ yếu, ưu tiên cho quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng nay không thể tiếp tục trước sự thức tỉnh của dư luận chống lại nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Ông Bondaz nhấn mạnh: «Chúng ta ngỡ rằng không nói công khai về nhân quyền tại Trung Quốc thì sẽ được nhượng bộ về kinh tế. Đó là sai lầm».

Đội ngũ «chiến lang» làm hại cho thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc?

Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận, Bắc Kinh tránh trừng phạt các nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh tồi tệ hiện nay, thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc mà Bắc Kinh đã thúc giục ký kết vào cuối năm ngoái, liệu sẽ được các nghị sĩ châu Âu thông qua ?

Hôm qua, một hội nghị về chủ đề này tại Nghị Viện Châu Âu đã bị hủy bỏ, và các nghị sĩ liên tục có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc. Giới doanh nhân vẫn le lói hy vọng, nhưng dường như khó thể thuyết phục được các nghị sĩ – vừa thấy nhiều đồng nghiệp của mình bị cấm nhập cảnh vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Trả lời phỏng vấn Libération, ông Raphael Glucksmann, một trong năm nghị sĩ bị Bắc Kinh cho vào danh sách đen lưu ý đây là lần đầu tiên các đại biểu châu Âu bị một nước ngoài trừng phạt. Cộng thêm các sự kiện khác, rõ ràng các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay tin rằng đại dịch Covid – xuất phát từ Trung Quốc – đã chứng tỏ sự ưu việt của chế độ, và lịch sử đứng về phía họ.

Nghị sĩ Glucksmann nhấn mạnh, không thể để cho Bắc Kinh làm mưa làm gió tùy thích. Châu Âu luôn là thị trường hàng đầu và cũng hàng đầu về thương mại quốc tế, cần phải biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị. Le Figaro cũng nhận xét, từ Paris đến Alaska, Trung Quốc cộng sản xua đội quân « chiến lang » sủa inh ỏi để lấn át các đối tác thương mại lớn nhất, với giọng điệu đại đế, như suốt một thời gian dài trong lịch sử đã từng hiếp đáp các láng giềng nhỏ yếu.

Bóng dáng Tập Cận Bình và «giấc mơ Trung Hoa»

Phía sau thái độ xấc xược của đại sứ Lư Sa Dã, là bóng dáng của Tập Cận Bình, cổ vũ cho chủ trương dân tộc chủ nghĩa chống phương Tây, với bàn tay sắt như thời Mao. Cuộc đấu khẩu giữa Dương Khiết Trì với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mở ra kỷ nguyên đối đầu trong thế kỷ 21, xóa sạch cú bắt tay lịch sử giữa Nixon và Mao năm 1972.

Sự chủ ý tấn công này nhằm mục đích kết liễu trật tự thế giới sau đại chiến dựa trên các giá trị phương Tây. Sau kinh tế, công nghệ và quân sự, nay Trung Quốc dấn vào mặt trận ý thức hệ. Từ vài tháng qua, đảng ra lệnh cho các học giả, truyền thông và nhà ngoại giao tiến công trên mọi phía, từ Twitter cho đến Liên Hiệp Quốc, trong những tổ chức quốc tế bị Bắc Kinh lũng đoạn.

Theo phân tích các nhà chiến lược đỏ thì đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ xuống dốc của phương Tây. Thay vì chinh phục thế giới, đại cường kinh tế số 1 tương lai muốn phá hoại từ bên trong hệ thống quốc tế mang tính nhân văn, thò chiếc vòi bạch tuộc từ châu Phi đến châu Mỹ la-tinh để hòng bao vây phương Tây.

Nhưng theo Le Figaro, thứ ngôn ngữ cực đoan của Bắc Kinh không che giấu được sự lo âu của một đảng độc tài luôn bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, và nỗi sợ bị vây hãm. Tập hoàng đế bám chặt vào « Trung Hoa mộng », tìm cách tấn công phương Tây trước khi Trung Quốc bị lão hóa dân số, tăng trưởng chậm lại và ngập trong nợ nần. Với nguy cơ làm dấy lên những điểm nóng của một cuộc chiến tranh lạnh mới, từ Đài Loan đến Himalaya và Biển Đông.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210324-trung-qu%E1%BB%91c-x%E1%BA%A5c-x%C6%B0%E1%BB%A3c-qu%E1%BA%A7n-h%C3%B9ng-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-li%C3%AAn-th%E1%BB%A7