Ðiểm Báo Pháp – 22/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 22/1/22

Matxcơva và Bắc Kinh, đồng minh tình thế

Trong những năm gần đây, Matxcơva và Bắc Kinh đã xích lại gần nhau, bảo vệ các lợi ích chung của hai nước ở vùng Trung Á trong cuộc đối đầu với phương Tây. Đó là ghi nhận của tuần báo L’Express khi nêu lên trường hợp Kazakhstan.

Bỗng dưng hạt nhân trở thành năng lượng xanh”, đó là tựa trên trang nhất của tờ Courrier International tuần này, nói về việc Liên Hiệp Châu Âu đề nghị dán nhãn “ năng lượng bền vững”
cho hạt nhân và khí đốt. Đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu gây lo ngại cho
báo chí nước ngoài, qua một số bài được Courrier International trích
dịch. 

Tờ L’Express, trên bức vẽ gương mặt tổng thống Nga Vladimir Putin màu đỏ thẫm với đôi mắt rực lửa, đưa hàng tựa “ Ukraina, các nước Baltic, Kazakhstan, Mali. Putin sẽ đi đến đâu”. Theo tuần báo này, thất bại của các cuộc đàm phán Mỹ-Nga đang đặt ra câu hỏi: Chủ nhân điện Kremlin có sẽ tấn công Ukraina?

Còn
bức chân dung trên trang nhất của tờ L’Obs chính là Jean-Michel
Blanquer, đương kim bộ trưởng Giáo Dục Pháp, kèm theo hàng tựa “ Đánh mất ảo tưởng”.
Ông Blanquer hiện đang bị chỉ trích rất nặng nề vì những quy định phòng
chống dịch Covid-19 trong trường học mà ông đưa ra đã gây rất nhiều khó
khăn cho phụ huynh và giáo viên ở Pháp. 

Trang nhất của tuần báo Le Point được dành cho cuốn sách mới của sử gia Emmanuel Todd :” Họ đã làm đến đâu rồi?”,
nói cách khác:  Phụ nữ đang xây dựng lại châu Âu như thế nào. Tờ báo
nêu ví dụ của Pháp: chưa bao giờ phụ nữ lại nằm trong số các ứng cử viên
tổng thống hàng đầu như hiện nay và có đến gần 40% ý định bỏ phiếu là
dành cho các nữ ứng cử viên. 

Matxcơva và Bắc Kinh, đồng minh tình thế

Trong
những năm gần đây, Matxcơva và Bắc Kinh đã xích lại gần nhau, bảo vệ
các lợi ích chung của hai nước ở vùng Trung Á trong cuộc đối đầu với
phương Tây. Đó là ghi nhận của tuần báo L’Express khi nêu lên trường hợp
Kazakhstan.

Tờ báo nhắc lại, được cựu tổng thống Noursoultan
Nazarbaiev chọn làm người kế nhiệm, tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart
Tokaiev là hiện thân của sự cân bằng trong chính sách ngoại giao mà cựu
lãnh đạo nước này mong muốn. Nói rành cả ba ngôn ngữ, tiếng Kazakhstan,
tiếng Nga và tiếng Hoa, Tokaiev đã từng theo học ở Matxcơva và Bắc Kinh,
từng làm việc trong sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh trong những năm 1980. Kể
từ nay, ông sẽ khó mà cưỡng lại được Putin, bởi vì tổng thống Nga vẫn
cho rằng, giống như Ukraina, trong lịch sử, Kazakhstan chưa bao giờ có
một bản sắc dân tộc thật sự.

Theo L’Express, trong vụ này, Trung
Quốc cũng không bị thua thiệt, thậm chí đã ủng hộ việc Nga can thiệp vào
Kazakhstan. Ưu tiên của Nga và Trung Quốc là vùng Trung Á vẫn sống
dưới các chế độ ổn định, độc đoán và thế quyền, theo nhận định của
Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu của Trung tâm Carnegie ở Matxcơva. Mục
tiêu chính là nhằm tránh cho phong trào dân chủ lan đến nước họ, đe dọa
thể chế độc đoán của họ, đồng thời chống Hồi Giáo cực đoan và tạo điều
kiện thuận lợi cho quan hệ thương mại.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ,
Trung Quốc vẫn cố tránh đụng trực diện với Nga tại nơi mà Matxcơva xem
là vùng ảnh hưởng của họ. Nói cách khác, hai cường quốc này coi như chia
nhau đảm nhận các vai trò. Matxcơva thì lo về an ninh, cho nên tổng
thống Kazakhstan Tokaiev đã cầu cứu nước Nga khi thấy quyền lực của ông
bị đe dọa. Còn Bắc Kinh thì tập trung vào các quan hệ kinh tế. Trọng
lượng của Trung Quốc không ngừng tăng, nhất là thông qua các dự án Con
đường tơ lụa mới. Kazakhstan là nguồn cung cấp dầu khí quan trọng và
cũng là cửa ngỏ trên bộ để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.

Nhưng
theo L’Express, về phần mình, Putin rất dè chừng cường quốc Cộng sản
châu Á, có nền kinh tế mạnh hơn và có dân số đông hơn nhiều. Do bị các
biện pháp trừng phạt của châu Âu, nước Nga càng phụ thuộc vào Trung
Quốc. Như ghi nhận của nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, Matxcơva và Bắc
Kinh, đặc biệt là tại vùng Trung Á, tranh giành ảnh hưởng chính trị với
nhau, nhưng hiện giờ hai cường quốc Nga-Trung vẫn kềm chế được các căng
thẳng song phương.

Pháp chinh phục ( lại ) vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương 

Tờ
Le Point tuần này dành một phần đặc biệt để nói về việc nước Pháp đang
chinh phục, hay đúng hơn là tái chinh phục, vùng Ấn Độ – Thái Bình
Dương, bởi vì, như nhận định của cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd,” Pháp trên thực tế là một cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương

Theo
Le Point, bộ Ngoại Giao Pháp và những người thân cận của tổng thống
Emmanuel Macron đều nhìn nhận rằng trọng tâm của thế giới hiện nay chính
là các vùng biển chung quanh Trung Quốc. Chính tại nơi đây mà cuộc đối
đầu Mỹ-Trung diễn ra gay gắt nhất và cuộc đối đầu này sẽ ảnh hưởng đến
các quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới. Nếu muốn tiếp tục đóng một vai
trò quan trọng trên trường quốc tế, nước Pháp không thể cho phép mình
đứng nhìn từ xa hiện trường xung đột mới này, như cảnh báo của
Christophe Penot cựu đại sứ Pháp ở Úc và nay là đại sứ đặc trách Ấn Độ –
Thái Bình Dương. 

Tờ Le Point lưu ý, cho dù về mặt diện tích, dân
số và sức mạnh kinh tế, Pháp không thể sánh với hai cường quốc Trung
Quốc và Hoa Kỳ, nhưng có một lĩnh vực mà Pháp thuộc loại nhất nhì thế
giới, đó là Pháp vùng lãnh hải rộng lớn. 

Pháp có trong tay một
trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh Hoa Kỳ và
Úc, với tổng cộng 11,7 triệu km vuông. Với các tỉnh hải ngoại ‘
Réunion, Mayotte ), các lãnh thổ hải ngoại ( Nouvelle – Calédonie,
Polynésie, Wallis et Futuna ), nằm ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, có
dân số tổng cộng 1,6 triệu người, Pháp là một trong những tác nhân quan
trọng trong khu vực. 

Tờ Le Point nhắc lại, như để thể hiện quyết
tâm can dự hoàn toàn vào vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, vào năm 2020,
Pháp đã trở thành “đối tác phát triển” của ASEAN, rồi cũng
trong cùng năm đó gia nhập Hiệp hội các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương.
Pháp cũng hiện có 7.000 binh sĩ đóng tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và
mỗi năm tiến hành ít nhất hai chiến dịch tuần ra ở vùng biển Trung
Quốc.

Giọng điệu của Paris đối với Bắc Kinh cũng đã trở nên cứng rắn hơn. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một “đối thủ mang tính hệ thống” theo ngôn từ chính thức của Liên Hiệp Châu Âu, được thông qua theo sáng kiến của Pháp. 

Nhưng còn vấn đề chính yếu phải giải quyết, theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz: “ Châu Âu và Pháp có đủ phương tiện để thực hiện chiến lược đầy tham vọng của mình?”

Những khẩu trang “thân thiện với môi trường”

Nếu
như khẩu trang giúp bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm Covid-19, chúng lại
là một nguồn ô nhiễm nguy hiểm. Nhiều công ty đang thử nghiệm chế tạo
các khẩu trang từ những chất liệu ít nguy hại hơn cho hành tinh chúng
ta. Đó là nội dung một bài viết trên tờ báo Mỹ Bloomberg Businessweek
được tờ Courrier International trích dịch. 

Tờ báo cho biết, kể từ
khi có đại dịch Covid-19, sản xuất khẩu trang trên thế giới đã bùng nổ,
với sản lượng tăng vọt lên đến 129 tỷ đơn vị/tháng, so với 8 tỷ của
toàn bộ năm 2019. Các khẩu trang dùng một lần mà chúng ta đang mang chủ
yếu được chế tạo bằng các sợi nhựa mà sẽ mất hàng mấy thế kỷ mới tự phân
hủy và như vậy là một mối đe dọa đối với các sinh vật trong các ao hồ,
các con sông và các đại dương.

Theo thẩm định của tổ chức bảo vệ
môi trường biển OceanAsia, trong năm 2020 1,6 tỷ khẩu trang rất có
thể đã trôi vào các đại dương và chỉ có khoảng 3% số khẩu trang được sản
xuất trong cùng năm đó là được vứt vào sọt rác. Trong thiên nhiên,
nhanh hơn các túi nhựa, các khẩu trang khi phân rã tạo thành các hạt vi
nhựa không thể nào thu hồi được. Như vậy, các khẩu trang gây ô nhiễm
nặng hơn cả các túi nhựa. 

Theo Bloomberg Businessweek, để giải
quyết vấn đề này, hàng chục nhà sản xuất trên thế giới đang nghiên cứu
chế tạo những khẩu trang tự phân hủy sinh học, với các chất liệu nguồn
gốc thực vật như tinh bột bắp, đường mía, khoai mì….

Tờ báo cũng
nêu tên công ty ShoeX ở Việt Nam, một công ty sản xuất giày chuyển sang
làm khẩu trang, hiện đang bán loại khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế
giới, với lớp bên ngoài bằng sợi cà phê và một màng lọc được chế từ các
hạt cà phê và các hạt bạc siêu nhỏ.   

Theo lời ông François
Dalibard, giám đốc điều hành của tập đoàn Lemoine, công ty Pháp đã sản
xuất 500 triệu khẩu trang trong năm 2021, các khẩu trang tự phân hủy
sinh học sẽ là một thị trường rất quan trọng, do nhu cầu rất lớn từ các
chính phủ nay đã hiểu mức độ ô nhiễm trầm trọng của các khẩu trang loại
thường.

Môi trường: “Lá phổi” của Sài Gòn bị đe dọa

Cũng
về môi trường, tờ Courrier International trích dịch một bài báo đăng
trên tạp chí Mekong Review của Úc nói về “ Rừng đước, lá phổi của Thành
phố Hồ Chí Minh”. 

Được xếp là khu bảo tồn sinh quyển, rừng đước
Cần Giờ bảo vệ Sài Gòn trước hiện tượng mực nước biển dâng cao, giống
như một tấm khiên che chắn cho thành phố 9 triệu dân này khi có các cơn
bão từ Biển Đông ập vào. Rừng này cũng giống như một quả thận lọc nước
thải từ các khu công nghiệp của Sài Gòn và các vùng phụ cận. 

Mỗi
năm, Sài Gòn lại sụt lún thêm do hiện tượng mực nước biển dâng cao, cho
nên rừng đước Cần Giờ lại càng mang tính chất sống còn hơn bao giờ hết. 

Nhưng
Mekong Review cho biết một dự án trị giá 9 tỷ đôla của tập đoàn
Vingroup được chính phủ phê duyệt đang gây lo ngại cho các nhà khoa học
và các nhà bảo vệ môi trường, đó là dự án xây một khu nhà ở và khu du
lịch trên 2.870 hectare của khu bảo tồn sinh quyển. Hàng chục hiệp hội,
các nhà bảo vệ môi trường và các nhà khoa học đã ký một kiến nghị gởi
chính phủ để cảnh báo về thảm họa sinh thái do dự án này gây ra. Nhưng
chính quyền thành phố lại ủng hộ dự án, với lý do là nó sẽ góp phần vào
sự phát triển của địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân. 

Tương lai của con người là …. heo

Cuộc
giải phẫu ghép tim heo vào người tại Baltimore, Hoa Kỳ, là một bước
nhảy vọt về ghép cơ quan nội tạng. Tờ Le Point tuần này dẫn độc giả đến
đằng sau hậu trường của kỳ công y khoa này. 

Le Point đưa chúng ta
đến một trại nuôi heo cách thành phố Munich của Đức khoảng 20 phút đi
xe hơi. Khách đến thăm phải được tẩy trùng tay chân kỹ lưỡng, phải tắm
rửa sạch sẽ, được cho mặc quần áo lót dùng một lần, và mặc quần áo sạch,
khoác thêm một bộ đồ bảo hộ, rồi mới được đưa đi thăm heo, vì ở trại
chăn nuôi này, 20% số heo là được dùng để lấy nội tạng cấy ghép cho một
loài khác.

Những con heo này được biến đổi gien giống như con heo
đã được lấy tim để ghép cho bệnh nhân David Bennet ở Mỹ ngày 07/01/2022.
Bennet được nổi tiếng vì là người đầu tiên được ghép tim heo được biến
đổi gien. Bị suy tim giai đoạn chót, lại không được xếp vào diện được
nhận tim hiến tặng, và mọi phương pháp điều trị khác thì đều không có
hiệu quả, Bennet đã không còn thiết sống nữa, theo lời của bác sĩ giải
phẫu Barley Griffith. Bác sĩ Griffith kể: “Trước khi được giải phẫu,
ông ấy nói là cho dù ông có chết thì có thể là chúng ta sẽ có thể học
được điều gì đó giúp cứu sống các bệnh nhân khác”.
 

Nhưng cuối cùng Bennet đã sống sót và ca mổ ghép tim heo cho người đã thành công, một cuộc cách mạng về cấy ghép nội tạng, sẽ làm thay đổi cuộc sống của những bệnh nhân đang chờ ghép nội tạng.

Tuy nhiên, theo Le Point, con đường đi đến việc phổ cập hóa cấp ghép nội tạng heo cho người còn rất dài, vì vẫn còn rất nhiều ẩn số.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220122-matxc%C6%A1va-v%C3%A0-b%E1%BA%AFc-kinh-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-t%C3%ACnh-th%E1%BA%BF