Ðiểm Báo Pháp – 22/01/2023: Nghịch lý của phương Tây: Muốn Ukraina thắng nhưng sợ hậu quả việc Nga bại trận
21/01/2023 – Thụy My – Phương Tây loay hoay không biết làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh: muốn Kiev thắng nhưng lo ngại viễn cảnh Matxcơva thất bại! Tâm trạng này giải thích thái độ của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức. Ukraina cần phải được tiếp sức trong cuộc chiến đấu chính nghĩa nhằm giành được chiến thắng, càng sớm càng tốt.
L’Express tuần này tỏ ra lo lắng trước tình trạng lớp thanh thiếu niên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, L’Obs dành hồ sơ cho việc cải cách chế độ hưu tríLe Point tìm hiểu «Vì sao Iran chĩa mũi dùi vào nước Pháp», còn Courrier International đặt vấn đề «Trung Quốc quay lại, nhưng với cái giá nào?»
Trung Quốc trả giá nặng nề sau ba năm đóng cửa
Tờ Á Châu Chu San (Yazhou Zhoukan) ở Hồng Kông trong bài «Một nền kinh tế báo động đỏ » được Courrier International trích dịch, đã mô tả: Ngân sách địa phương trống rỗng, điều kiện sống của các gia đình và lợi tức của kỹ nghệ thụt lùi sau ba năm zero Covid. Tập Cận Bình trước đại hội đảng 20 đã răn đe: «Ai không dồn hết sức lực cho tái thúc đẩy kinh tế thì nên từ chức». Các tỉnh, thành phố lớn như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải từ lâu vẫn đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Nhưng nửa đầu năm 2022, tất cả 31 đơn vị hành chánh cấp tỉnh đều gặp khó khăn.
Một số tỉnh quan trọng ngay từ đầu tháng 12 đã khởi động đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là «bài thuốc» quen thuộc vẫn dùng, nhưng nhiều người nghi ngờ về tác động thúc đẩy nền kinh tế. Chẳng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/6 của Hoa Kỳ, nhưng mạng lưới xa lộ dài gấp đôi. Tương tự, Nhật Bản có GDP gấp 4 lần, nhưng mạng lưới đường xe lửa cao tốc chưa bằng 1/10 Trung Quốc. Các chính quyền địa phương ngập trong nợ nần.
Ngoài cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa là một trong những động cơ của nền kinh tế Trung Quốc. Những năm gần đây, đầu tư tư nhân giảm hẳn do mất niềm tin vào tương lai. Nhu cầu tiêu thụ giảm nên hàng tồn còn nhiều, ưu tiên sắp tới là đẩy số hàng này đi thay vì gia tăng sản xuất. Yếu tố đáng lo ngại nữa là lần đầu tiên dân số Hoa lục sụt giảm kể từ 60 năm qua. L’Express giải thích: giá sinh hoạt tăng, học hành tốn kém, phụ nữ sinh con muộn hơn… Lão hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cả địa chính trị: số thanh niên có thể đi lính giảm xuống và còn phải chăm sóc nhiều người già hơn.
Bắc Kinh vô trách nhiệm với sinh mạng người dân
Về mặt dịch tễ, L’Express lo ngại đợt «xuân vận» dịp Tết với hàng trăm triệu người về quê sẽ làm Covid lây lan mạnh hơn. Kịch bản lạc quan nhất mà Bắc Kinh chờ đợi là đến cuối tháng Hai sẽ đạt miễn dịch tập thể. Kỳ họp Quốc Hội sẽ diễn ra suông sẻ vào đầu tháng Ba, để chính thức hóa nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và bổ nhiệm các chức vụ trong tân chính phủ.
Nhưng con đường hậu Covid còn nhiều trắc trở. Một bác sĩ Trung Quốc dự báo: «Như tất cả các nước trên thế giới đã trải qua, sau đợt lây nhiễm đầu tiên sẽ đến đợt thứ hai rồi thứ ba, liên quan đến các biến thể». Khi đột ngột kết thúc «zero Covid» mà không hề chuẩn bị, Tập Cận Bình đã lao vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Một thái độ hết sức vô trách nhiệm.
Vì sao ông Tập bất ngờ quay ngoắt 180 độ như vậy ? Báo mạng Đoan Truyện Môi (Duanchuanmei) ở Singapore được Courrier International trích dịch cho rằng, trước đó đảng cộng sản Trung Quốc đã thấy là việc phong tỏa khắt khe không thể chận được virus lan tràn. Trung ương loay hoay tìm lối thoát, và mỉa mai thay, chính những cuộc biểu tình chống zero Covid đã cung cấp cho đảng một cái cớ. Các giáo sư Elizabeth Perry, Timothy Cheek (đại học Harvard), Joseph Fewsmith (Boston) đều nhận định, chẳng cần phải dùng chính quyền địa phương làm vật tế thần, Trung Nam Hải có thể đổ mọi tội lỗi lên đầu người biểu tình. «Tốt, các vị đã muốn thì chúng tôi dỡ bỏ, ráng mà chịu hậu quả!».
Bakhmut và Soledar: Quân tình nguyện Ukraina đối mặt với tù hình sự Nga
Liên quan đến Ukraina, Courrier International dịch bài viết của The Time «Tình nguyện quân đối mặt với tù hình sự Nga». Tại mặt trận đẫm máu nhất là Bakhmut, những người tình nguyện Ukraina phải chiến đấu với lính đánh thuê Wagner hung dữ và hàng ngàn tù nhân Nga. Phía bên kia là những kẻ sát nhân, trộm cắp, đã nhiều năm ở trong những nhà tù tệ hại của Nga, Wagner tuyển mộ 40.000 tù nhân, giao cho những khẩu kalachnikov. Tuy không được huấn luyện, những người này ra mặt trận với hy vọng nếu còn sống sót sau 6 tháng, được trả tự do như lời hứa. Nếu lùi bước, chạy trốn, các tù nhân này sẽ bị bắn hạ.
Về phía những chiến sĩ Ukraina cũng không hề có kinh nghiệm trận mạc. Phóng viên tờ báo đã gặp Roman, một người dân Kiev 45 tuổi, cách đây một năm làm việc trong một công ty xây dựng các cơ sở spa, Alex, 40 tuổi, biệt danh «Casino» vì từng làm ở phòng chơi bài trên một tàu du lịch… Nếu các đơn vị tinh nhuệ của Ukraina được trang bị những vũ khí tối tân như Himars, những chiến binh tình nguyện chỉ có những khẩu súng thông thường và một ít lựu đạn, họ ao ước những cặp kính hồng ngoại để thấy được quân địch ban đêm.
Ý thức rằng cuộc chiến còn dài, chính quyền Kiev giữ những đơn vị thiện chiến nhất xa khỏi Soledar và Bakhmut. Chiến trường ác liệt này đang do quân tình nguyện bảo vệ, trong đó có những chí nguyện quân quốc tế từ châu Âu, Canada, Mỹ, người Daghestan, Chechnya… chống Putin, và nhất là người dân Ukraina bình thường nay cầm súng chống giặc.
Xe tăng hạng nặng cho Kiev: Vẫn còn hy vọng
Về việc viện trợ quân sự cho Ukraina, mọi cái nhìn đều hướng về hội nghị Ramstein ở Đức. Tuy đều cam kết chuyển giao một lượng lớn vũ khí cho Kiev, các đồng minh vẫn không đạt được đồng thuận về xe tăng hạng nặng. Theo Le Monde cuối tuần, Đan Mạch từ hôm thứ Năm 19/01 đã gây ngạc nhiên với loan báo sẽ tặng toàn bộ 19 khẩu đại pháo Caesar cho Ukraina, kể cả những khẩu chưa được nhà sản xuất Nexter của Pháp giao, giúp tăng gấp đôi số Caesar hiện có trên trận địa. Thụy Điển quyết định chi viện đại bác Archer, tương tự như Caesar, và 50 xe bọc thép chiến đấu CV90, Phần Lan gởi pháo và đạn.
Anh hứa tặng 600 hỏa tiễn chống tăng Brimstone có tầm bắn 60 kilomet, Litva 2 trực thăng Mi-8, Latvia 2 trực thăng Mi-17, Estonia giải ngân thêm 110 triệu euro để mua đại bác, xe tải, giàn phóng rốc-kết. Hà Lan viện trợ một giàn Patriot. Hoa Kỳ loan báo gói quân viện mới 2,5 tỉ đô la, trong đó có 59 xe bọc thép nhẹ Bradley, 90 thiết vận xa Stryker. nhưng không có các xe tăng hạng nặng Abrams. Đức thì vẫn do dự không muốn gởi xe tăng Leopard 2, khiến nhiều đối tác châu Âu bực tức.
Trước đó, xã luận của L’Express kêu gọi «Để đẩy lùi quân Nga, Ukraina cần nhận được những chiến xa». Trước quyết tâm xâm lược của Kremlin, nếu Kiev có được số lượng lớn Leopard 2, xe tăng chiến đấu của Đức mà 13 nước châu Âu đang trang bị – trong đó Ba Lan và Phần Lan sẵn sàng gởi sang – sẽ được tăng sức mạnh đáng kể. Chuyên gia Marc Chassilan cho biết: «Kiểu chiến xa này được chế tạo để khắc chế những loại xe tăng chính của Liên Xô cũ, có thể nhìn xa, bắn xa hơn và nhanh hơn. Với hỏa lực trang bị, Leopard 2 sẽ giúp xuyên thủng phòng tuyến địch».
Cánh cửa vẫn chưa đóng lại. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hàm ý tình hình có thể thay đổi trong những tuần lễ tới, khi Kiev bắt đầu đợt phản công. Từ nay cho đến lúc đó, những gói viện trợ bổ sung được nhiều nước hứa sẽ lần lượt đến tay lực lượng Ukraina. Hà Lan hôm 20/1 loan báo tham gia «một nhóm nước, trong đó có Đức» nghiên cứu các khả năng chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev, kể cả việc huấn luyện. Đồng nhiệm Ba Lan của ông Lloyd, Mariusz Blaszczak nói rằng ông tin tưởng rốt cuộc đồng minh cũng sẽ giao Leopard 2 cho Ukraina.
Nghịch lý phương Tây: Muốn Ukraina thắng nhưng sợ hậu quả khi Nga bại trận
Trong bài xã luận «Làm thế nào kết thúc chiến tranh ở Ukraina», Le Point nhấn mạnh lợi ích của châu Âu là Nga phải bại trận. Tờ báo nhận định phương Tây vẫn không biết làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến: muốn Kiev thắng nhưng lo ngại viễn cảnh Matxcơva thất bại!
Thế lưỡng nan này giải thích thái độ chần chừ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay thủ tướng Đức Olaf Scholz, làm mờ đi tầm nhìn về một cuộc chiến sắp bước sang năm thứ hai, và về một dạng thức giải quyết hòa bình. Ông Macron và những lãnh đạo châu Âu có cùng quan điểm, né tránh bằng cách nói rằng, chỉ có người Ukraina mới quyết định được bao giờ và làm thế nào giải giới. Tờ báo cho rằng như vậy là rũ bỏ trách nhiệm, vì dù hết sức dũng cảm, không có phương Tây Kiev sẽ chẳng có vũ khí lẫn đạn dược để chiến đấu. Ukraina có quyền chủ quyền và để thực thi, cần phải giành được chiến thắng, càng sớm càng tốt.
Bị oanh tạc không thương tiếc, cơ sở hạ tầng của Ukraina đang trong tình trạng thảm hại. Hàng triệu người phải chạy khỏi đất nước, hoạt động Nhà nước gần như sụp đổ. Nguồn lợi kỹ nghệ từ Donbass mất hẳn, nông sản khó xuất khẩu. Nga thiệt hại ít hơn dù bị trừng phạt, có dân số đông đảo hơn nhờ đó có thể động viên ồ ạt, trong khi quân đội của Kiev khó thể bù đắp được số quân nhân tử trận. Vladimir Putin nghĩ rằng thời gian đứng về phía mình, và ông ta có lý. Cuộc xung đột càng kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây càng giảm đi, chẳng hạn tại Hoa Kỳ, các dân biểu Cộng Hòa chỉ trích quy mô viện trợ của Joe Biden.
Đối phó với một nước Nga «đã tự rời thế giới văn minh»
Quyết định giao xe bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp và tương đương của Đức, Mỹ là chiều hướng tốt, nhưng Ukraina cần khẩn cấp những chiến xa hạng nặng như Leclerc (Pháp), Leopard 2 (Đức). Các chiến đấu cơ cũng giúp cán cân nghiêng về phía những người vệ quốc. Không nên đẩy Vladimir Putin vào ngõ cụt, dẫn đến nguy cơ leo thang nguyên tử ? Kiev chưa hề yêu sách một lãnh thổ nào của Nga đã được quốc tế công nhận. Săng-ta nguyên tử nên được nhìn đúng bản chất của nó: một sự bắt bí.
Không chỉ Matxcơva, mà Ankara và Bắc Kinh có thể thấy rằng dùng vũ lực đánh chiếm sẽ mang lại lợi ích. Lý sự «bảo đảm an ninh» cho Nga,«không làm mất mặt» Kremlin là không tính đến thực tế đã được ông Volodymyr Zelensky mô tả: «Một bức màn sắt đã buông xuống, chia cách nước Nga với thế giới văn minh». Cho dù không tham chiến, mối quan hệ với Nga đã kết thúc, Kremlin và tay sai nay coi Paris là kẻ thù. Truyền hình nhà nước Nga công khai đe dọa xóa bỏ nước Pháp trên bản đồ thế giới!
Một khi nước Nga dân chủ chưa xuất hiện – còn cần rất nhiều thời gian – cần phải tự vệ trước chủ nghĩa đế quốc Nga, và không thể sáng tạo ra định chế nào tốt hơn là NATO. Giấc mơ của Macron về một «cơ cấu an ninh châu Âu» trong đó gồm cả Nga, hiện chỉ là hoang tưởng. Ngay trong Đệ nhị Thế chiến, ngày 09/02/1941, thủ tướng Anh Winston Churchill nài nỉ Hoa Kỳ: «Hãy cho chúng tôi công cụ, và chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ». Ngày nay Volodymyr Zelensky cũng chỉ xin châu Âu có vậy. Le Point kết luận, để mang lại hòa bình mà duy trì tiếng nói trên các vấn đề thế giới, đây chính là lúc mà châu Âu phải đáp lời.
«Ánh sáng cuối đường hầm» cho cuộc chiến Ukraina
Cũng liên quan đến Ukraina, bà Mona Juul, nguyên đại sứ Na Uy tại Liên Hiệp Quốc trên The Economist cho rằng hãy còn quá sớm cho hòa đàm giữa Nga và Ukraina, nhưng cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhiều năm về trước tại Jerusalem, tại bàn đàm phán với một bộ trưởng chính phủ Israel, bà cố gắng khuyến khích chấp nhận một thỏa thuận, theo đó người Palestine cũng cảm thấy Jerusalem cũng là thủ đô của họ. Vị bộ trưởng này trả lời, đó là thủ đô không thể chia cắt của Israel trong 3.000 năm qua và 3.000 năm tới. Mona Juul nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là bất khả thi. Nhưng sau một tiến trình phức tạp, rốt cuộc đã có được hiệp ước Oslo năm 1993.
Trong cuộc chiến tàn bạo của Nga đánh vào Ukraina, các bên không sẵn sàng đàm phán hay ngưng bắn. Kẻ xâm lược, Vladimir Putin, quyết tâm tiếp tục khủng bố, bất chấp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về phía Ukraina, Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch gồm 10 điểm. Trong cuộc trao đổi mới đây với The Economist, chánh văn phòng tổng thống nói rằng đàm phán là bước cuối cùng để đạt được hòa bình, chứ không phải là bước đầu tiên. Kiev rất rõ ràng trong mục đích và phải tự quyết định cách tốt nhất để chống xâm lăng. Na Uy đã giúp đỡ khá nhiều về quân sự, kinh tế, và cũng có thể hỗ trợ về chính trị, ngoại giao vì có khá nhiều kinh nghiệm làm trung gian thương thảo.
Bài học chính của Na Uy trong 30 năm qua là không bao giờ quá sớm để chuẩn bị cho một cuộc đối thoại. Bài học thứ hai: các kênh liên lạc phải được thiết lập càng sớm càng tốt. Những tiếp xúc theo với thời gian sẽ giúp có được khởi đầu thuận lợi, như ở Colombia. Không có cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào, nên trong giai đoạn này khó thể nói kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Ukraina. Nhưng bà Mona Jull nhớ lại ở Israel, vào một trong những lúc bế tắc nhất, bà hỏi một ngoại trưởng liệu có thể có ánh sáng ở cuối đường hầm không. Ông ấy nói có, nhưng vấn đề là chẳng có đường hầm! Cựu đại sứ cho rằng cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc cần gây áp lực lên Matxcơva để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa, giúp đỡ Ukraina kháng chiến, và tạo điều kiện khi họ cần đến một «đường hầm».
Putin bám ghế đến cùng
Về ông chủ điện Kremlin, nhà hoạt động kiêm nhà văn người Mỹ Joshua Rubenstein, tác giả cuốn «Những ngày cuối cùng của Stalin», khi trả lời L’Express nhấn mạnh: «Ngược với Stalin, chế độ Putin không có ý thức hệ». Ông cho việc so sánh Vladimir Putin với Stalin là không ổn. Tuy cũng duy trì tôn sùng lãnh tụ, nhưng Putin không viết sách, không đi xa hơn việc để ngực trần chụp ảnh đang cỡi ngựa. Nắm được quyền hành, làm giàu cá nhân mới quan trọng. Chính vì vậy mà ông ta khởi động chiến tranh với Ukraina. Putin không chịu được ý tưởng một Ukraina độc lập, dân chủ và thịnh vượng.
Nếu chế độ vẫn đứng vững sau cái chết của Stalin, đó là vì ý thức hệ cộng sản vượt quá tham vọng cá nhân, nói cách khác, chế độ xô-viết hiện hữu độc lập với Stalin. Đó không phải là trường hợp nước Nga của Vladimir Putin hiện nay. Putin có thể trông cậy vào sự trung thành của một nhóm người thân tín, nhưng vòng tròn khép kín này không dựa vào ý thức hệ mà là tiền và quyền. Sẽ là ảo tưởng khi tin rằng tất cả những cộng sự thân cận của Putin để ủng hộ cuộc chiến với Ukraina, không phải được tung ra do khác biệt ý thức hệ với đảng.
Stalin không chỉ định người kế vị, liệu Putin sẽ phạm cùng một sai lầm? Rubenstein không nghĩ rằng Putin có ý định lui vào bóng tối, để lại cho Medvedev hay một ai khác sống trong căn nhà tráng lệ của mình, hưởng thụ cuộc sống sang cả mà quyền lực mang lại. Ông ta cũng biết mình có quá nhiều kẻ thù. Có thể Volodymyr Zelensky có lý khi nói rằng Vladimir Putin muốn tại vị cho đến ngày cuối cùng, vì không có chọn lựa nào khác. Ông ta có thể đi lưu vong ở đâu? Trung Quốc hay Mar-a-Lago?
Ukraina: Xe tăng phương Tây chắc chắn sẽ đến
Cuộc đọ sức trên vấn đề hưu bổng tại Pháp đã đẩy tất cả các vấn đề thời sự khác xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, hồ sơ chiến tranh Ukraina cũng vẫn thu hút sự chú ý của các báo, đặc biệt là khả năng Phương Tây sẽ chi viện xe tăng hạng nặng cho Ukraina.
Trong bài “Viện trợ cho Ukraina: Phương Tây không còn chặn xe tăng nữa”, Libération ghi nhận là một tuần sau thông báo của Vương quốc Anh, các đồng minh của Kiev đang đẩy mạnh các đề xuất gửi vũ khí hạng nặng qua Ukraina. Tuy rất miễn cưỡng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, vào hôm nay các nước chi viện cho Kiev sẽ gặp nhau tại Đức để phối hợp kế hoạch cung cấp xe tăng và vũ khí nặng cho Ukraina.
Theo Libération, trong gần mười một tháng kể từ khi Nga xâm lược đất nước của mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không ngừng lặp lại ước mong, muốn NATO thiết lập vùng cấm bay trên Ukraina, và cung cấp cho mình vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe tăng hiện đại kiểu phương Tây. Lần đầu tiên, các đồng minh của Kiev dường như sẵn sàng thực hiện điều ước của ông.
Gặp nhau vào hôm nay tại căn cứ quân sự của NATO ở Ramstein, Đức, họ sẽ thảo luận về sự phối hợp và phương pháp gửi vũ khí hạng nặng. Và điều này bất chấp lời cảnh báo vào hôm qua từ Điện Kremlin về nguy cơ “leo thang” xung đột trong trường hợp “chuyển giao vũ khí tầm xa” cho Kiev.
Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu và NATO đã thận trọng không xem xét việc cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraina. Thế nhưng, việc Matxcơva gia tăng các cuộc tấn công vào dân thường – đặc biệt là cuộc tàn sát ở Dnipro vào ngày 14/01 – và viễn cảnh về một cuộc chiến tranh kéo dài, rốt cuộc đã thuyết phục phương Tây về việc phải giao vũ khí hạng nặng cho Ukraina.
Vì Ukraina, Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc?
Cũng liên quan đến vấn đề cuộc chiến tranh Ukraina, nhật báo Le Monde hôm nay đã nêu bật tình trạng lệ thuộc Trung Quốc của Nga một năm sau khi Matxcơva phát động cuộc xâm lược Ukraina.
Theo Le Monde, tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Trung Quốc, được phô trương là “không giới hạn” kể từ thông cáo báo chí ngày 4 tháng 2 năm 2022, thực ra không mấy hoàn hảo, và từ vai trò anh cả trước đây, Matxcơva đang rơi vào hoàn cảnh bị lệ thuộc, thậm chí là chư hầu của Bắc Kinh.
Khi Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, vào những năm 1950, nước Trung Quốc của Mao đã phải phục tùng người anh cả Liên Xô. Trong phe “Đỏ”, Trung Quốc phải chịu sự giám hộ của Liên Xô, với Stalin chiếm thế thượng phong. Ngày nay, tình hình đã đảo ngược. Sau một năm của cuộc chiến mà họ phát động chống lại Ukraina, Nga ngày càng thấy mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong mối quan hệ “hữu nghị vô bờ bến” mà Matxcơva và Bắc Kinh tuyên bố đã thiết lập, Tập Cận Bình là nhân tố chiếm ưu thế – mỗi ngày một nhiều hơn.
Theo Le Monde, trong cặp đôi Trung-Nga, kinh tế và dân số tạo nên ưu thế của Trung Quốc. Hai nước có chung 4.200 km đường biên giới. Với khoảng 18.000 tỷ đô la, Trung Quốc (1,4 tỷ dân) có GDP lớn gấp mười lần Nga (144 triệu dân). Các lệnh trừng phạt sau ngày 24 tháng 2 năm 2022 và việc Liên Hiệp Châu Âu quyết định tẩy chay các dầu khí của Nga đã làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc – một tình huống mà nhà khoa học chính trị người Nga Alexander Gabuev, thuộc Quỹ Carnegie, đã trình bày chi tiết trong một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs (tháng 8 năm 2022) với tựa đề “Chư hầu mới của Trung Quốc”.
Để bù đắp cho sự mất đi của các khách hàng châu Âu giàu có, Nga không có lựa chọn nào khác cho dầu khí của mình ngoài thị trường Trung Quốc (và Ấn Độ). Bắc Kinh là bạn bè của Matxcơva, nhưng lại là người bạn biết tính toán, mua dầu khí của nước bạn với giá bèo, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Để thanh toán, Trung Quốc áp đặt việc dùng nhân dân tệ. Về phần mình, người Nga mua nhiều hàng sản xuất tại Trung Quốc hơn: vào năm 2021, từ 15% đến 18% hàng nhập khẩu của Nga đến từ Trung Quốc; 29% vào năm 2022, chủ yếu là do chiến tranh.
Theo nhà nghiên cứu Gabuev, Bắc Kinh đang nắm trong tay những quân bài tốt nhất. Cuộc chiến đang tiến hành buộc Nga phải khuất phục trước Trung Quốc. Với việc nền tài chính công của Nga phụ thuộc vào mức độ bán hydrocarbon cho nước láng giềng lớn, Bắc Kinh có đòn bẩy mạnh mẽ đối với “người bạn” Nga của mình.
Hệ quả rõ nét về mặt chính trị-ngoại giao, Trung Quốc thúc đẩy Nga hạn chế bán vũ khí cho Ấn Độ hoặc Việt Nam, hai quốc gia bị cho là đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu Bắc Kinh-Washington.
Tóm lại, theo Le Monde, Nga đang mất quyền tự chủ chiến lược.