Ðiểm Báo Pháp – 21/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 21/9/21

Pháp cần tìm kiếm ”các đồng minh mới” tại Ấn Độ – Thái Bình Dương

Quốc Hội Đức chuẩn bị bầu thủ tướng mới thay bà Merkel, giới tài chính châu Âu lo ngại khủng hoảng tại tập đoàn địa ốc số một Trung Quốc Evergrande hay tranh cử vòng một chọn ứng viên tổng thống trong đảng Xanh Pháp là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, ”khủng hoảng tầu ngầm Úc” khiến quan hệ Pháp – Mỹ căng thẳng tiếp tục là chủ đề của hầu hết các báo, gần một tuần sau vụ Canberra bất ngờ hủy bản hợp đồng khổng lồ đã ký với Paris.

Trang nhất La Croix chạy tựa «Ấn Độ – Thái Bình Dương : những đồng minh nào cho nước Pháp?». Bị Hoa Kỳ và Úc «phản bội», nước Pháp trước hết tìm cách tập hợp các đồng minh châu Âu. Để bảo vệ các lợi ích của mình tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, Paris không có cách nào khác hơn là phải «đa dạng hóa» các liên minh, là ghi nhận của La Croix. Câu hỏi mà La Croix đặt ra là: Liệu nước Pháp có thể «biến cuộc khủng hoảng thành vấn đề của châu Âu hay không?».

Hiện diện quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp từ tài liệu "Pháp và an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương" 2019, bộ Quốc Phòng Pháp.
Hiện diện quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp từ tài liệu “Pháp và an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương” 2019, bộ Quốc Phòng Pháp. RFI / Tiếng Việt

Cho đến tối hôm qua, sự im lặng kỳ lạ của nhiều thành viên Liên Âu dường như cho thấy « phần lớn các nước có một cách tiếp cận khác » về quan hệ giữa Pháp với Mỹ và Úc. Sau vụ Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, vụ khủng hoảng tầu ngầm « một lần nữa cho thấy cách hành xử đơn phương của chính quyền Biden ». Tuy nhiên, khủng hoảng này không khiến đông đảo các nước châu Âu đặt ra vấn đề phải xem xét lại bảo đảm an ninh của Mỹ đối với châu Âu, cho dù bảo đảm này trên thực tế đã suy giảm.  

Đối với nước Pháp, khủng hoảng không dừng lại ở vụ hợp đồng tàu ngầm bị hủy bỏ đơn phương. Điều nước Pháp cần phải làm, theo quan sát của La Croix, là chỉ ra « « sự không nhất quán » trong chính sách của Hoa Kỳ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong thời gian Pháp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu nửa đầu năm 2022, tổng thống Emmanuel Macron cũng sẽ phải đảm nhiệm một sứ mạng khó khăn là tạo một động lực mới trong cộng đồng 27 quốc gia thành viên, nhằm hướng đến xây dựng « một nền quốc phòng châu Âu », « sự tự trị về chiến lược ». Sứ mạng này khó khăn, vì cách hiểu của nước Pháp về sự tự trị về chiến lược này không giống với Đức, và nhiều nước châu Âu khác.

«Tìm kiếm tự trị chiến lược»: Sứ mạng khó khăn

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Annegret Kramp-Karrenbauer (« AKK »), Berlin và nhiều nước khác thiên về việc tăng cường « khả năng hành động » ở quy mô châu Âu. Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc tại Paris của Viện tư vấn German Marshall Fund of the United States, ghi nhận quan điểm của Pháp về « tự trị chiến lược » thiên về chỗ đối lập với chính sách của Mỹ. Vấn đề này chắc chắn cần được bàn thảo kỹ lưỡng trong nội bộ các thành viên Liên Âu.

Một câu hỏi quan trọng mà La Croix đặt ra là Pháp có khả năng tìm được các phương tiện để hành động đối mặt với Mỹ hay không ? Theo La Croix, Paris sẽ phải thúc đẩy một « khái niệm chiến lược mới » liên quan đến NATO, tại thượng đỉnh của khối ở Madrid vào năm tới, hai năm sau khi tổng thống Macron đưa ra nhận định NATO đang « tình trạng chết não ». Pháp muốn NATO có lợi hơn cho Liên Âu, trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung gia tăng, và chức năng của khối NATO đang trong quá trình được xác định lại.

Mỹ: Vừa khẳng định vị thế lãnh đạo, vừa tiếp tục xác định vai trò của EU

La Croix lưu ý Hoa Kỳ cũng đang trong tiến trình xác định rõ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, với tầm nhắm Trung Quốc, trong đó mong muốn của Mỹ về vai trò của Liên Âu can dự nhiều hơn tại khu vực này hay không cũng chưa được xác định rõ. Chuyên gia François Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Fondation pour la recherche stratégique, nhấn mạnh đến việc phân vai, phân nhiệm giữa Washington và Bruxelles đang trong quá trình xem xét lại. Chuyên gia Dominique David, cố vấn của chủ tịch Viện IFRI (Institut français des relations internationales), tổng biên tập tạp chí Politique étrangère, giải thích: Vụ «khủng hoảng tầu ngầm Úc» là một dấu hiệu phản ánh một thực tế là Mỹ đã «tái khẳng định vai trò lãnh đạo» tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trước đó, chính quyền Biden «đã thành công» trong việc áp đặt được quan điểm trong bản thông cáo chung của khối NATO, hồi tháng 6/2021, theo đó Trung Quốc đang đặt ra «các thách thức hệ thống».

Nước Pháp có thể có được một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà không cần Hoa Kỳ hay không ? Đây là một câu hỏi đáng chú ý khác mà La Croix đặt ra. Theo chuyên gia Antoine Bondaz, Fondation pour la recherche stratégique (FRS), Paris không thể theo đuổi một chiến lược tại khu vực này mà không có Hoa Kỳ, cũng như Úc. Nhưng mặt khác, Pháp cũng không phải là đồng minh hàng đầu của nhiều nước trong khu vực như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, do các quốc gia nói trên phải đương đầu trực tiếp với đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà nước Pháp có thể làm là tăng cường quan hệ với một số quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia, vốn không nằm trong tuyến đầu của thế đối kháng với Trung Quốc.

Bất đồng trung tâm: Mục tiêu của NATO

Căng thẳng Mỹ – Pháp tại Liên Hiệp Quốc cũng là một chủ đề chính của Le Monde. Sau khi Paris triệu hồi đại sứ, việc nối lại quan hệ giữa Paris và Washington tỏ ra không dễ dàng. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, ngoại trưởng Pháp đã dùng những lời lẽ hết sức cứng rắn để lên án thái độ của nước Mỹ, khi so sánh tổng thống Joe Biden như Donald Trump, chỉ có điều không có những dòng Tweet ngang ngược. Trên Đài France 2, ngoại trưởng Pháp dành cho chính quyền Mỹ những lời lẽ thậm tệ: « dối trá », « lừa đảo », « mất niềm tin », « khinh thường » …, « mọi sự hoàn toàn không ổn trong quan hệ song phương ». Theo một nhà ngoại giao, cuộc khủng hoảng « hứa hẹn sẽ sâu sắc và kéo dài », cho dù phía Pháp biết được rằng chính quyền Mỹ hiểu được nỗi giận dữ của Paris.

Tương tự như La Croix, Le Monde nhấn mạnh là bất đồng giữa Pháp và Đức với Mỹ về khả năng khối NATO tham gia vào chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương là một trong những đầu mối của vấn đề. Washington và Luân Đôn muốn NATO can dự nhiều hơn theo hướng này, nhưng Paris và Berlin phản đối. Cũng Le Monde cho biết, cho đến nay, chính quyền Úc hoàn toàn không tỏ ra hối hận về cuộc khủng hoảng này, bất chấp việc Pháp giận dữ.

Về khủng hoảng Pháp với Mỹ – Úc và Anh, nhật báo Les Echos chú ý đến việc ba quốc gia thuộc liên minh AUKUS vừa thành lập có xu hướng tìm cách hòa dịu với Pháp và bài « Thỏa thuận thương mại Liên Âu – Úc bị đặt thành vấn đề ». Le Figaro có nhiều bài viết : « Vụ khủng hoảng tầu ngầm với Mỹ, sự thờ ơ đáng ngại của Liên Âu » và « Vụ chấm dứt hợp đồng thế kỷ tầu ngầm có nguy cơ làm sụt giảm vị thế chiến lược của nước Pháp » (của cựu nghị sĩ châu Âu Danjean Arnaud).

Các mạng lưới toàn cầu của Bắc Kinh: Báo cáo của Inserm

Các mạng lưới ảnh hưởng đang mở rộng khắp thế giới của Trung Quốc, theo một nghiên cứu công phu của Viện chiến lược quân sự Pháp IRSEM, là một hồ sơ đáng chú ý trên La Croix. Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà trải rộng khắp thế giới là điều mà cuộc điều tra 600 trang công bố hôm  20/09 cho thấy. Theo bản báo cáo của IRSEM, kết quả của hai năm điều tra, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường số một thế giới, áp đặt mô hình của Trung Quốc lên toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Cuộc điều tra mang lại một cái nhìn toàn cảnh khá đầy đủ về các loại hình hoạt động của Trung Quốc, nhằm gia tăng ảnh hưởng, từ ngoại giao công khai cho đến « các hoạt động ngầm » nhằm thao túng công luận toàn cầu, như đội quân tuyên truyền trên các mạng xã hội, với sự tham gia của khoảng 2 triệu người Trung Quốc, được trả lương để làm việc này.  Tất cả các hoạt động đó đều do đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ huy, chỉ đạo. Các quốc gia và vùng lãnh thổ chính nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh là Canada, Thụy Điển, Úc, nhiều nước châu Phi và đặc biệt mà Đài Loan. Báo cáo kết luận, cho dù các hoạt động này của Trung Quốc mang lại « một số thành quả về mặt chiến thuật », nhưng nhìn chung chế độ Tập Cận Bình « thất bại về mặt chiến lược » với một hình ảnh không được lòng dân chúng ở khắp nơi trên thế giới.

Di sản Merkel

Di sản Merkel là hồ sơ chính của Libération hôm nay. Ngày Chủ nhật tới Quốc Hội Đức sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng mới, thay thế bà Merkel, cầm quyền liên tục 16 năm. Xã luận Libération với tựa đề « Tuổi thọ dài lâu » nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của nền chính trị Đức, với các lãnh đạo cầm quyền dài lâu, điều gần như không tồn tại trong thế giới các quốc gia dân chủ. Trước thủ tướng Merkel là Helmuz Kohl, lãnh đạo nước Đức cũng 16 năm, và Konrad Adnauer, 14 năm. Libération nhận định, với ngôn ngữ ít nhiều hài hước, « nói đến nước Đức không thể không nói đến Merkel, tương tự như dãy núi Wetterstein », hay mạng giao thông « Autobahn » (hệ thống xa lộ liên bang). Thành công của thời kỳ nắm quyền của Merkel là nước Đức chưa bao giờ giàu như vậy, không có quốc gia công nghiệp nào duy trì được tăng trưởng cao như Đức. Nhưng nước Đức của Merkel cũng chưa đầy những nhược điểm, như chậm trễ tiến hành các thay đổi, phản ứng với các khủng hoảng sau khi đã bùng phát, hay hậu thuẫn cho các doanh nghiệp ô nhiễm. Theo Libération, nước Đức đứng trước nhiều giới hạn như : khí hậu, kỹ thuật số, giao thông công cộng, hay chuyển đổi năng lượng.

Libération khép lại bài xã luận như một lời chúc : nếu thành công trong việc vượt qua được những điểm tụt hậu của Đức mà thủ tướng mãn nhiệm Merkel để lại, vị thủ tướng kế nhiệm rất có thể vượt qua thời gian nằm quyền kỉ lục 16 năm của bà.

«Merkel đã để lại một nước Đức nào?» là hồ sơ chính của Le Monde. Cũng trong số báo này, Libération có bài « Chính sách khí hậu thiếu tham vọng của Merkel».

Putin tiếp tục kiểm soát Duma nhờ gian lận và triệt hạ đối lập

Về thời sự quốc tế, cuộc bầu cử Hạ Viện Nga cũng được nhiều báo Pháp chú ý. La Croix có bài « Tại Nga, chiến thắng của chính quyền trong cuộc bầu cử Quốc Hội nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ ». Với gần một nửa số phiếu bầu, sau cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật, đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin tiếp tục kiểm soát Viện Duma ( Hạ Viện).

Theo các thăm dò dư luận, đảng của Putin chỉ còn được sự ủng hộ của khoảng 30% cử tri Nga. Để giành thắng lợi, chính quyền buộc phải tiến hành hàng loạt hành động gian lận phiếu bầu, cũng như bịt miệng đối lập. « Hạ Viện Nga dưới sự kiểm soát của Kremlin » là nhận định của Le Figaro. Le Monde chú ý đến việc đảng Cộng sản, đảng về thứ hai trong cuộc bầu cử vừa qua, hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của chính quyền Putin.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210921-phap-can-tim-kiem-cac-dong-minh-moi-o-an-do-tbd