Ðiểm Báo Pháp – 21/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 21/6/21

Chính quyền mới của Iran: Dỡ bỏ cấm vận Mỹ vẫn là ưu tiên

Bầu cử là chủ đề chính trên tất cả các nhật báo Pháp số ra ngày 21/06/2021, từ Pháp đến Armenia, từ Iran đến Ethiopia. Vòng 1 bầu cử cấp tỉnh và vùng tại Pháp ngày 20/06 nổi bật với tỉ lệ cử tri vắng mặt kỉ lục. Trong khi đó, chính trị gia siêu bao thủ Ebrahim Raissi trở thành tổng thống tân cử Iran được các nhật báo Pháp phân tích từ nhân cách đến đường lối đối ngoại.

Với 61,95% số phiếu bầu, ông Ebrahim Raissi đã đánh dấu chấm hết cho giai đoạn xen kẽ « bảo thủ »« cải cách » của nước Cộng Hoà Hồi Giáo. Để trả lời câu hỏi : « Đâu là chính sách đối ngoại đối với tổng thống Iran Ebramhim Raissi ? », nhật báo Công Giáo La Croix cho rằng sẽ không có thay đổi sâu sắc vì chính quyền của tổng thống tân cử sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối được lãnh tụ tối cao Ali Khamenei vạch ra : Dỡ bỏ trừng phạt Mỹ là một ưu tiên để cải thiện tình hình đất nước.

Chiến thắng của tổng thống tân cử theo khuynh hướng bảo thủ thậm chí có thể thúc đẩy việc đúc kết các cuộc đàm phán đang diễn ra để cứu vãn thỏa thuận Vienna về hạt nhân Iran. Trong những tuần tới, trước khi chính quyền mới hoạt động, các bên tiếp tục đàm phán với nhóm của tổng thống mãn nhiệm Hassan Rohani, sau đó tân chính quyền Ebrahim Raissi sẽ thực thi thỏa thuận được đúc kết khi được lãnh tụ tối cao Ali Khamenei chấp thuận.

Đối mặt với tình hình kinh tế nguy kịch của Iran, « dỡ bỏ, hoặc chí ít là giảm bớt các biện pháp trừng phạt của Mỹ dường như là một thách thức quan trọng đối với tất cả các nhà lãnh đạo Iran, dù có thuộc khuynh hướng chính trị nào », theo phân tích của cựu đại sứ Michel Duclos, hiện là cố vấn đặc biệt tại Viện Montaigne (Paris).

Một điểm khác có thể khiến các nước phương Tây giữ khoảng cách với tổng thống tân cử Iran là quá khứ của ông. Năm 1988, ông đã tham gia vào ủy ban kết án tử hình gần 5.000 tù nhân chính trị trong tư cách là trợ lý chưởng lý của tòa án cách mạng Teheran. Gần đây, ông cũng liên quan đến việc trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2009 và 2019 và bị liệt vào danh sách những nhà lãnh đạo Iran bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sajjad Safaei, thuộc Viện Max-Planck của Đức, cho rằng « coi Raissi là một người cuồng tín thì bỏ qua mất yếu tố quan trọng nhất trong đặc tính chính trị của ông : đó là người theo chủ nghĩa cơ hội », có nghĩa là ông muốn có được quyền lực hơn là tuân thủ hệ tư tưởng một cách cuồng tín.

Tuy nhiên, dù có đạt được một thỏa thuận ở Vienna trong thời gian tới, tân chính quyền Teheran cũng sẽ không đặt cược vào việc xích lại gần với các nước châu Âu, như chính phủ tiền nhiệm, mà sẽ theo đuổi « chính sách hướng Đông » qua việc phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc và Nga.

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raissi trả lời họp báo tại Teheran, Iran, ngày 21/06/2021.
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raissi trả lời họp báo tại Teheran, Iran, ngày 21/06/2021. AP – Vahid Salemi

Nỗi lo xã hội dân sự và những ngày tối tăm dưới thời tổng thống Raissi

Iran có một tổng thống bảo thủ cũng đánh dấu đường lối cứng rắn về nhân quyền và chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia Hồi Giáo này. Ngoài chiến lược vận động tranh cử tập trung vào cải thiện đời sống của người dân, « Ebrahim Raissi, một gương mặt cứng rắn mới của Iran », theo tiêu đề bài báo trên Le Monde, sẽ còn « gây nhiều hệ quả nghiêm trọng » cho giới đấu tranh chính trị Iran và xã hội dân sự Iran sẽ sống trong những ngày tăm tối dưới thời tổng thống Raissi.

Một nhà đấu tranh ẩn danh tại Teheran, nhận định với báo Le Monde rằng « ông Raissi thể hiện cho tư tưởng chuyên quyền. Ông thể hiện cho việc đóng cửa các tờ báo và xử lý nghiêm khắc những nhà ly khai và đấu tranh chính trị ».

Việc ông Raissi đắc cử tổng thống Iran không phải là điều bất ngờ, theo nhận định của báo Le Figaro. Trong khi nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Raissi trở thành tổng thống sau hình thức vờ bầu cử ». Hiện chỉ mới có những nhà lãnh đạo thân cận với chính quyền Teheran gửi lời chúc mừng tổng thống tân cử Raissi, như tổng thống Nga Putin, tổng thống Syria Al Assad, chủ tịch Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Khalifa Ben Zayed Al Nahyan và phong trào Hamas đang cầm quyền ở dải Gaza và được Teheran ủng hộ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại, được một nhà ngoại giao giải thích với Le Figaro, là « ít nhất chính phủ mới sẽ làm những gì họ nói. Trong khi dưới thời tổng thống Hassan Rohani, ngoại trưởng Javad Zarif có thể nói những gì ông ấy muốn, nhưng những phát biểu đó chỉ liên quan đến ông vì chúng ít khi, thậm chí là không được lãnh tụ tối cao và các quan chức bảo thủ lắng nghe. Còn giờ thì về một hồ sơ nào đó, chí ít là những ảo tưởng đã kết thúc ».

Cử tri Pháp dửng dưng với bầu cử cấp tỉnh và vùng

Chủ đề chính trên trang nhất và những hồ sơ chính của các nhật báo lớn vẫn là vòng 1 cuộc bầu cử cấp tỉnh và vùng tại Pháp. Nhật báo Le Monde, ra từ hôm trước, cho rằng khó có thể dự đoán kết quả. Điều này được Les Echos tóm lược : « Bầu cử cấp vùng, một cú tát cho Marine Le Pen, đảng Les Républicains – Những Người Cộng Hòa và cánh tả chống cự được », « Một thất bại đối với Emmanuel Macron ».

Trang nhất của nhật báo cánh hữu Le Figaro là hình ảnh ba chủ tịch vùng thuộc đảng Những Người Cộng Hòa thu được số phiếu cao, hai bên là ảnh của bà Le Pen và tổng thống Macron với hàng tựa : « Tỉ lệ vắng mặt cao, đảng (cực hữu) RN – Tập Hợp Quốc Gia sụt giảm, cánh hữu ngẩng cao đầu » còn « đảng (cầm quyền) La République en Marche – Cộng Hòa Tiến Bước ở mức thấp nhất ».

Trái với mọi dự báo, đảng Những Người Cộng Hòa, với trung bình gần 30% phiếu ủng hộ, đã vượt qua đảng Tập Hợp Quốc Gia và thanh thản bước vào vòng hai. Trong khi đó, « đa số của tổng thống hứng thất bại nặng nề » và sẽ chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong vòng 2 của cuộc bầu cử vào Chủ Nhật 27/06. Hiện giờ, phe đa số cầm quyền vẫn chưa cho biết là rút lui hay tiếp tục ở vòng hai.

Tỉ lệ cử tri vắng mặt kỉ lục là điểm chung được tất cả các báo đề cập : 2/3 cử tri Pháp đã không đi bỏ phiếu. Theo Libération, đây là hiện tượng « chưa từng có đối với các cuộc bầu cử ở Pháp ». Xã luận của Le Figaro tìm ra lời giải thích cho hiện tượng này : « Sự ly khai dân chủ ». Ngoài nỗi sợ Covid-19, nguyên nhân sâu xa, theo cả nhật báo cánh hữu và nhật báo Công giáo La Croix là « sự tức giận » của cử tri có từ 30 năm nay về tình trạng thất nghiệp, nhập cư không kiểm soát và mất an ninh.

Hai gương mặt được các cuộc thăm dò cho rằng sẽ đứng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 đều bị thất bại trong vòng 1 cuộc bầu cử cấp tỉnh và vùng hôm 20/06 : Đảng cực hữu của bà Marine Le Pen đã bị mất điểm so với năm 2015 ; đảng của tổng thống Pháp cũng bị loại khỏi ba vùng. Theo xã luận của La Croix, thách thức bắt đầu hình thành cho bên nào biết thuyết phục hơn 30 triệu cử tri vắng mặt.

Công nghiệp dược phẩm: 5 bài học từ cuộc khủng hoảng Covid-19

Cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 với những tác động và tiến bộ khoa học đạt được tiếp tục được La Croix đề cập dưới khía cạnh tổng hợp 5 bài học.

« Một cuộc cách mạng trị liệu » là một trong những tin tốt từ đại dịch, đặc biệt với công nghệ ARN thông tin được Moderna và BioNTech phát triển thành công. Giáo sư Pierre-Yves Geoffard, trường Kinh Tế Paris, nhận định : « Chúng ta mới chỉ ở buổi bình minh của một cuộc cách mạng khoa học ». Thực vậy, các cuộc nghiên cứu được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ vượt qua được giai đoạn đầu thử nghiệm, thế nhưng, hàng tỉ đô la, euro đầu tư cho các phòng thí nghiệm đã cho phép nhanh chóng đạt kết quả.

Bài học thứ hai là « sự thừa nhận các công ty công nghệ sinh học ». Những nhà vô địch mới hiện giờ là những công ty công nghệ sinh học trẻ, thường xuất phát từ giới hàn lâm. Trường hợp điển hình là Moderna và BioNTech, vô danh trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì hiện giờ nổi tiếng khắp thế giới.

Các tập đoàn dược phẩm lớn thường giao việc nghiên cứu cho các công ty công nghệ sinh học, sau đó có thể mua lại với giá rất cao. Xu hướng này được ông Jean-François Brochard, chủ tập đoàn Roche của Pháp, khẳng định : « Chúng tôi cần tốc độ của các công ty công nghệ sinh học, còn họ cần khả năng của chúng tôi ». Những đại tập đoàn dược phẩm, dù sáng tạo ít, nhưng lại có khả năng công nghiệp cao, nhờ hệ thống nhà máy hoặc mạng lưới các nhà thầu phụ, nên trở thành nhân tố không thể thiếu cho việc sản xuất đại trà.

Bài học thứ ba được rút ra từ đại dịch là « sự tăng tốc các thủ tục ». Thông thường phải cần đến 10 năm để ra được một loại vac-xin từ quá trình nghiên cứu đến bán ra thị trường. Thế nhưng, vac-xin ngừa Covid-19 chỉ cần 10 tháng. Đây là kỉ lục chưa từng có nhờ vào việc « tiến trình cấp phép được tăng tốc ». Thay vì làm từng bước, quá trình nộp hồ sơ đến các cơ quan y tế được tiến hành cùng lúc với quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Bài học thứ tư, chủ yếu liên quan đến Pháp, là « sự thất bại của Pháp ». Trong khi các công ty của Đức như BioNTech và CureVac được chính phủ hỗ trợ thì công ty Valneva của Pháp đã không tìm được nguồn tài chính để phát triển vac-xin ứng viên. Nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế cũng còn rất ít, vì đây là « lĩnh vực bị các nhà đầu tư đánh giá là quá rủi ro », theo Franck Mouthon, chủ tịch hội France Biotech.

Bài học thứ năm là « có thêm sự hợp tác giữa các nhà công nghiệp ». Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy khả năng huy động của lĩnh vực sản xuất vac-xin và cũng chứng minh rằng các tập đoàn đối thủ có thể hợp tác với nhau. Ví dụ Sanofi sẽ sản xuất vac-xin của BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson vào mùa hè này. Novartis cũng sẽ làm tương tự với vac-xin của BioNTech.

Bitcoin: Đồng tiền ảo gây chia rẽ

Nhật báo Le Monde trở lại đồng tiền ảo Bitcoin sau vụ tập đoàn Mỹ Colonial Pipeline, bị tin tặc đòi 4,4 triệu đô la tiền chuộc, đã trả 79 đồng bitcoin chỉ nhờ một cú nhấp chuột cho tin tặc để đổi lấy phần mềm giải mã dữ liệu.

« Bitcoin : Đồng tiền ảo gây chia rẽ » vì đối với một số người, tiền ảo được coi là tự do, bảo vệ họ trước những sai phạm tài chính của chính phủ, bảo đảm quyền sở hữu của họ và khó bị ăn cắp. Dù giá trị của bitcoin lên xuống thất thường nhưng vẫn còn hơn tiền của Salvador hay của Venezuela mất giá ngoài sức tưởng tượng. Tiền ảo hoàn thành được sứ mệnh ban đầu của các nhà sáng lập : đó là giải phóng cá nhân khỏi Nhà nước, cho phép giao dịch mà không cần phải thông qua đô la hay euro…

Tuy nhiên, vấn đề là số tiền giao dịch phạm pháp đã đạt đến tương đương 10 tỉ đô la vào năm 2020. Một trong những chiến lược hiệu quả để chống tình trạng tội phạm là chặn mọi quy đổi bitcoin sang tiền tệ thông thường. Trung Quốc đã cấm các ngân hàng thực hiện giao dịch với các đơn vị tiền ảo. Mỹ chưa làm đến mức như vậy, nhưng chính quyền của tổng thống Biden muốn công dân khai báo mọi giao dịch trên 10.000 đô la.

Thế nhưng, theo Le Monde, về lâu dài, cần hình thành được một hệ thống kinh tế bằng tiền ảo nơi có thể phát triển một nền kinh tế độc lập mà mọi tài sản đều có thể mua bán được.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210621-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-iran-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-c%E1%BA%A5m-v%E1%BA%ADn-m%E1%BB%B9-v%E1%BA%ABn-l%C3%A0-%C6%B0u-ti%C3%AAn