Ðiểm Báo Pháp – 21/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 21/10/21

Total “che giấu” chuyện Biến đổi khí hậu, Nhà nước Pháp bị chỉ trích đích danh

Một trụ sở của tập đoàn dầu khí Pháp Total
Một trụ sở của tập đoàn dầu khí Pháp Total © CHRISTOPHE ARCHAMBAULT/AFP

Nước Pháp thiếu chính sách chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của một xã hội « trường thọ » trong những thập niên tới. Điều này phải gấp rút bổ khuyết ngay trong đợt tranh cử tổng thống 2022 là thông điệp chính của Libération hôm nay. La Croix giới thiệu về chiến dịch của Cơ quan Y Sinh quốc gia thúc đẩy việc cho tặng tinh trùng, do nhu cầu tăng vọt sau khi Pháp có luật về thụ thai nhân tạo.

Đa số các báo hôm nay nói đến bất đồng lớn giữa Ba Lan và đông đảo các nước châu Âu liên quan đến hệ thống luật pháp của khối 27 nước, bất đồng có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ Liên Âu. Vấn đề lớn thứ hai là trách nhiệm lịch sử của tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đối với vấn đề khí hậu. Total bị cáo buộc đã tìm mọi cách để phủ nhận tác động của năng lượng hóa thạch, khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng, trong một thời gian dài, bất chấp đã được giới khoa học cảnh báo từ cách nay 50 năm.

Le Monde chạy tựa trang nhất: «Khí hậu hâm nóng: Total và Elf đã chọn thái độ phủ nhận trong nhiều thập niên». Cũng trang nhất Libération giới thiệu hồ sơ: «Khí hậu: Total hay ‘‘việc reo rắc nghi ngờ’’». La Croix có bài «TotalEnergies phải đối diện với các hành động trong quá khứ».

Tại sao các báo đồng loạt nói đến trách nhiệm lịch sử trong vấn đề khí hậu của Total, tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước Pháp ? La Croix giới thiệu cuộc điều tra sử học chưa từng có, với kết quả được công bố ngày 20/10 trên tạp chí Global Environmental Change. Dựa trên việc khảo sát các lưu trữ của tập đoàn, kết luận mà ba giảng viên đại học (trong đó có hai nhà nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và một nhà sử học – Đại học Mỹ Stanford) rút ra là Total đã giảm nhẹ, thậm chí phủ nhận tác động của các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí khiến khí hậu bị hâm nóng. Điều tra cũng dựa trên các phỏng vấn với nhiều cựu giới chức của tập đoàn.

Total tài trợ cho các thế lực phủ nhận Biến đổi khí hậu

Năm 1971, tập san nội bộ của doanh nghiệp đã công bố một bài viết về các hậu quả của khí thải CO2 do năng lượng hóa thạch, khiến Trái đất nóng lên, băng ở các cực tan chảy. Bài viết dựa trên các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện trong thập niên 1960. Tuy nhiên, sau bài viết cảnh báo mạnh mẽ về những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với khí hậu của Trái đất, Total đã hoàn toàn im lặng. Trong hai thập niên (từ 1971 đến 1988), vấn đề biến đổi khí hậu đã không một lần được Total và Elf nhắc đến (Elf và Total hợp nhất vào năm 2000).

Điều nguy hiểm hơn nữa là các tập đoàn Pháp đã tài trợ cho các thế lực phản bác các kết luận khoa học về biến đổi khí hậu. Chỉ mãi đến giữa những năm 2000, Total mới thay đổi quan điểm, thừa nhận biến đổi khí hậu, nhưng chủ yếu chỉ là «trên giấy tờ». Tổng cộng trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2014 (tức từ khi Total thay đổi quan điểm, thừa nhận biến đối khí hậu), trong số 190 tỉ đô la đầu tư vào khai thác năng lượng, chỉ có 3 tỉ là cho năng lượng tái tạo. Theo La Croix, cũng cần ghi nhận là từ 2015, Total đã chuyển hướng giảm năng lượng hóa thạch. Vào năm 2030, dầu mỏ sẽ chỉ còn chiếm khoảng 35% hoạt động của hãng.

Total phản bác

Về phần mình, bài «Khí hậu: Total bị cáo buộc đã phủ nhận», Le Figaro cho biết phản ứng của hãng. Thông báo của Total lên án việc tập đoàn bị trách cứ về «một chuyện đã xảy ra hơn 50 năm về trước, mà không nhấn mạnh đủ đến các nỗ lực, thay đổi, tiến bộ, các đầu tư đã được thực hiện từ đó đến nay».

Le Monde dành một hồ sơ lớn cho chủ đề «Total đã chọn cách làm ngơ trước tác động của các hoạt động của công ty đến khí hậu như thế nào?».

Điều tra về Total công bố ngay trước thềm Thượng đỉnh Glasgow

Ngược lại với lập trường của Total, trên Le Monde, nữ sử gia chuyên về khí hậu CNRS Pháp, Amy Dahan, nhấn mạnh đến tính chất cần thiết của các khảo sát như với Total, để làm rõ « trách nhiệm của các tập đoàn dầu khí ». Nhắc lại trách nhiệm lịch sử không phải là để bới lại chuyện cũ, mà cùng với trách nhiệm lịch sử này là các đòi hỏi của công luận là « các tác nhân lớn của nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu này » phải có các cam kết thực sự vì khí hậu trong hiện tại. Đây là lý do vì sao điều tra này đã được công bố chỉ mươi hôm trước Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26, tổ chức tại Glasgow, Anh Quốc. Le Monde nhấn mạnh là nếu như Total đã đầu tư cho các năng lượng tái tạo, các loại năng lượng này mới chỉ chiếm có 0,2% tổng năng lượng do hãng sản xuất, và dự kiến sẽ chỉ tăng lên tối đa là 1,6% vào năm 2025, theo một tính toán của tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance.

Total: Quốc Hội Pháp cần điều tra về «trách nhiệm của Nhà nước»

Về chủ đề này, Libération có bài : « Những sự kiện mà Total bị lên án đặt ra vấn đề trách nhiệm của Nhà nước ». Theo cựu bộ trưởng Môi Trường Pháp, bà Delphine Bartho, nhiều đời chính phủ Pháp đã ủng hộ « các thủ đoạn của Total ». Cựu bộ trưởng Môi Trường Pháp yêu cầu lập một ủy ban điều tra của Quốc Hội. Cựu bộ trưởng Môi Trường thời tổng thống Hollande (trong hai năm 2012-2013) cho biết các áp lực ghê gớm của tập đoàn dầu khí khi bà tại chức. Theo bà Delphine Bartho, Total « nằm ở trung tâm trong chính sách đối ngoại của nước Pháp ». Tập đoàn này « có ảnh hưởng lớn tại điện Elysée, phủ thủ tướng, bộ Tài Chính và bộ Ngoại Giao ».

Theo cựu bộ trưởng Môi Trường, các thông tin từ kết quả điều tra của ba nhà nghiên cứu Pháp – Mỹ, có thể có các hệ quả về pháp lý, đặc biệt là một số vụ kiện của các tổ chức phi chính phủ nhắm vào Total đang diễn ra. Cựu bộ trưởng Môi Trường Pháp nhấn mạnh là, bất chấp việc các thủ đoạn của Total nói riêng và các tập đoàn dầu khí nói chung bị phơi bày ra ánh sáng, các tập đoàn này vẫn sẽ tiếp tục khai thác năng lượng hóa thạch trên quy mô lớn, dưới vỏ bọc các phát biểu vì khí hậu (greenwashing), để đối phó với công luận.

Năng lượng tăng giá: Chính phủ Pháp cần tỉnh táo chọn đúng biện pháp

Ngoài kết quả điều tra về các thủ đoạn của Total chống lại kết luận khoa học về biến đổi khí hậu, Le Monde dành một phần đáng kể số báo hôm nay cho chủ đề năng lượng. « Giá cả năng lượng và khí hậu : Thời điểm lựa chọn » là hồ sơ chính của Le Monde. Bối cảnh đã được biết rõ là giá cả năng lượng gia tăng mạnh, khiến đông đảo người dân bất bình và chính quyền lo ngại trong lúc chỉ còn nửa năm nữa là đến bầu cử tổng thống. Theo Le Monde, chính phủ Pháp hiện đang thiên về hướng ưu tiên cho việc giảm thuế (để giảm giá năng lượng) thay vì cấp tiền trợ cấp cho một số đối tượng ưu tiên. Bài xã luận của Le Monde, với tựa đề « Chuyển đổi năng lượng : cần chấm dứt các biện pháp mang tính tình thế », nhấn mạnh đến việc chính phủ đang có phần nghiêng về phía các biện pháp mang tính chất « ngắn hạn », « vá víu » để đối phó với tình hình khẩn cấp.

Theo Le Monde, việc chính phủ quyết định giảm thuế để hy vọng giữ giá năng lượng không tăng mạnh, từ đó khiến « sức mua » của người dân không bị ảnh hưởng, là một quyết định nhiều rủi ro. Trước hết, việc giảm thuế sẽ khiến Nhà nước mất đi khoảng 5 tỉ euro, trong lúc không có gì bảo đảm là nỗ lực này có tác động tích cực đến người dân. Việc giảm thuế cũng sẽ làm mất đi một nguồn lực cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, gửi đi « một tín hiệu xấu », khi để cho các năng lượng hóa thạch trở nên rẻ đi, và giảm đi tính cấp bách của tiến trình từ bỏ năng lượng hóa thạch.

Tóm lại, theo Le Monde, chính quyền và các đảng phái đối lập cần chuẩn bị tinh thần cho các thay đổi lớn, với việc các «cú sốc về năng lượng sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Năng lượng sẽ ngày càng đắt hơn» và mỗi người cần phải nỗ lực hơn tùy theo khả năng, và điều quan trọng là các nỗ lực đòi hỏi ở người dân không được bất công. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ chế về thuế khóa và chính sách xã hội phải được điều chỉnh lại, căn cứ trên các thách thức về khí hậu.

«Vụ Ba Lan»: Ám ảnh rạn nứt Đông – Tây trong nội bộ Liên Âu

Xung khắc Ba Lan với Liên Âu là chủ đề chính của Le Figaro hôm nay. Nhật báo Pháp chạy tựa lớn trang nhất : « Tranh chấp với Ba Lan đào sâu chia rẽ trong nội bộ của Liên Âu ». Hôm nay, Hội Đồng Châu Âu có cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, lập trường đặt luật pháp trong nước lên trên luật của khối 27 nước của Vacsava đặt Liên Âu trước một « thách thức sống còn ». Theo Le Figaro, thách thức này nguy hiểm không kém « các làn sóng di dân, nợ Hy Lạp hay Brexit » trước đây.

Le Figaro có bài xã luận nhan đề « Rạn nứt Đông – Tây ».Rạn nứt Đông – Tây cụ thể là giữa các nước thuộc khối tây Âu trước đây với nhiều nước khối cộng sản cũ. Theo Le Figaro, việc trừng phạt Ba Lan về tài chính sẽ không mang lại kết quả. Để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, các quốc gia thành viên Liên Âu phải có cuộc thảo luận trên bình diện triết học và chính trị.

Ủy Ban Châu Âu cân nhắc thận trọng

Trong một bài viết khác («Các nước Liên Âu đối mặt với thách thức từ Ba Lan»), Le Figaro nhấn mạnh đến việc cho dù khẳng định cương quyết bảo vệ đến cùng thể chế Nhà nước pháp quyền tại châu Âu, Pháp và Đức tỏ ra thận trọng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt về tài cihsnh với Ba Lan. Ý và Tây Ban Nha cũng im lặng. Theo một nguồn tin châu Âu, được Le Figaro dẫn lại, thì Ủy Ban Châu Âu sẽ rất thận trọng trong các biện pháp trừng phạt Ba Lan, bởi Ủy Ban «không được phép sai lầm» «áp lực đúng, đúng thời điểm và bằng biện pháp thích hợp». Chiều hôm qua, những người thân cận với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu kêu gọi «đối thoại» và «tôn trọng lẫn nhau» trong các thảo luận.

Le Figaro một lần nữa nhấn mạnh là ám ảnh rạn rứt giữa hai nhóm nước «Tây» và «Đông» châu Âu là điều mà một số lãnh đạo châu Âu lo ngại. Nhóm « Đông » cụ thể bao gồm trước hết bốn nước trong nhóm Visegrad, ngoài Ba Lan, còn có Hungary, CH Séc và Slovakia.

EU có tiếp nối được «tinh thần đoàn kết», đã thử thách qua đại dịch?

Khủng hoảng liên quan đến Ba Lan chỉ là một trong các vấn đề lớn thách thức châu Âu. Nhật báo kinh tế Les Echos có « bài phân tích của ban biên tập », với nhan đề « Liên Âu có tiếp tục được sức bật tập thể hiện nay hay không ? ». Theo Les Echos, thượng đỉnh của khối 27 nước khai mạc hôm nay là thượng đỉnh đầu tiên, kể từ khởi đầu đại dịch Covid cách nay 18 tháng. Đại dịch vừa qua cho thấy một Liên Âu đoàn kết. Toàn khối đã ra đuợc một chính sách chung cho phép tất cả các nước, dù là nước nhỏ, có được đủ vac-xin. Năm ngoái, khối 27 nước cũng thông qua được kế hoạch chấn hưng hậu Covid với khối lượng đầu tư lớn cho việc chuyển sang nền kinh tế Xanh.

Điều mà Les Echos lo ngại là : Liệu khối 27 nước có tiếp tục được sức bật này hay không, trong bối cảnh tình hình bắt đầu bình ổn trở lại ? Les Echos nhấn mạnh đến các lực cản, « những làn gió ngược ». Ngoài vấn đề Ba Lan, là hàng loạt thách thức khác. Khả năng khối 27 nước đạt được đồng thuận sẽ rất khó, trong bối cảnh, nhiều nước đang khủng hoảng về chính phủ, nước Đức tìm kiếm lập chính phủ liên minh, Pháp chuẩn bị bầu cử tổng thống.

Liên Âu cần đáp trả «Những con đường Tơ lụa Trung Quốc» 

Cũng Les Echos có hồ sơ : « Làm thế nào Liên Âu chuẩn bị đáp trả thách thức của Những con đường Tơ lụa Trung Quốc ? ». Bất chấp việc các nước Liên Âu đầu tư rất lớn cho viện trợ phát triển trên thế giới, vượt hẳn Trung Quốc, trong những năm qua (từ 2013 đến 2018, các nước Liên Âu tài trợ tổng cộng cho các nước đang phát triển khoảng 420 tỉ euro, trong lúc Bắc Kinh chỉ trợ giúp 34 tỉ trên tổng số 460 tỉ euro tín dụng), nhưng theo Les Echos, Liên Âu thiếu một chiến lược cho phép đối phó hiệu quả với chiến lược kết nối giao thông, kết nối viễn thông mà Trung Quốc đang tiến hành. Dự án Global Gateway, mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo mới đây rất có thể không đủ tầm cỡ. Theo Les Echos, trong những tuần tới, các ê-kíp của Ủy Ban Châu Âu sẽ công bố nhiều kế hoạch hành động cụ thể trong lĩnh vực này.  

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Jonathan Holslag, Bỉ, tác giả cuốn sách « Cái bẫy của Con đường Tơ lụa », Liên Âu không thể đáp trả « cuộc chiến tranh kinh tế từ phía Trung Quốc » với « các phương tiện kỹ trị » như hiện nay. Liên Âu cần một chiến lược « địa chính trị» toàn cầu như điều mà chuyên gia về châu Á François Godement, Viện Montaigne, nhấn mạnh.

«Chết vì Đài Loan?»

Về quan hệ châu Âu – Trung Quốc, Le Monde có bài « Đài Loan, một nơi xa xôi », nhắc lại rằng cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc giờ đây đã tập trung tại điểm nóng Đài Loan. Không còn có thể nhắm mắt trước nguy cơ xung đột bùng phát tại eo biển Đài Loan. Nhà phân tích Sylvie Kauffman của Le Monde dự báo : một xung đột tại Đài Loan có thể làm thay đổi mọi thứ, «xác lập lại trật tự thế giới» (theo diễn đạt của chuyên gia Mathieu Duchatel). Châu Âu không thể đứng ngoài. «Chết vì Đài Loan hay không?» là câu hỏi mà tác giả đặt ra ngay đầu bài viết. Câu hỏi thoạt nghe có vẻ hết sức phi lý.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211021-bien-doan-khi-hau-total-co-tinh-lam-ngo-trong-nhieu-thap-nien