Ðiểm Báo Pháp – 20/12/21
Biến thể Omicron: Lo âu bao trùm châu Âu giữa mùa Giáng sinh
Thông tin chính của các báo Pháp ra ngày hôm nay 20/12/2021 là cả châu Âu cũng như nước Pháp đang nháo nhác lo sợ trước mối đe dọa của Covid-19 cùng biến thể Omicron, khi chỉ còn ít ngày nữa đến lễ Giáng sinh và đón Năm Mới. Không có không khí háo hức đón chờ Noel và mừng Năm Mới, cuộc chiến chống dịch chiếm hầu hết trang nhất các báo.
Le Figaro chạy tựa chính trang nhất «Châu Âu cố ngăn cơn sóng Omicron» và «Châu Âu đang đứng trước đe dọa phong tỏa trở lại». Để đối phó với đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, các nước châu Âu đang phải hành động khẩn trương với những biện pháp ngày càng khắc nghiệt hơn. Tờ báo cho hay, Đức đã tái lập lại chế độ cách ly với du khách đến từ các vùng nguy hiểm, song song với việc đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa chiến dịch tiêm chủng. Một số nước khác đã khẩn trương áp dụng các biện pháp hạn chế, từ giới nghiêm cho đến đóng cửa các tụ điểm công cộng, như ở Ailen hay Đan Mạch.
Quyết định mạnh mẽ của chính phủ Hà Lan hôm thứ Bảy vừa rồi áp đặt lệnh phong tỏa trở lại đất nước cho đến ngày 14 tháng Giêng như là một gáo nước lạnh đối với người dân trong nước, nhưng cũng là một cảnh báo đối với các nước châu Âu về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron. Hà Lan là nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu áp dụng biệt pháp triệt để này, nhưng dường như đất nước này không còn sự lựa chọn nào khác, đành chấp nhận hy sinh kỳ lễ hội quan trọng nhất của năm để bảo vệ sức khỏe dân chúng.
Le Figaro cho biết, quyết định của chính phủ Hà Lan được đưa ra khi đất nước này đang qua đỉnh làn sóng biến thể Delta và mới chỉ ghi nhận được khoảng 100 ca nhiễm Omicron. Nhưng cơ quan y tế Hà Lan cho rằng biến biến thể mới này có thể sẽ chiếm đa số các ca nhiễm từ nay đến cuối năm và Hà Lan sẽ không có đủ năng lực để chống đỡ với tình huống như vậy.
Trong khi đó tại nước Anh, hai ngày cuối tuần qua vẫn ghi nhận số ca nhiễm thường nhật trên 90 nghìn. Omicron đã thế chỗ Delta thành biến thể chủ yếu ở nước này, chiếm 83% các ca nhiễm. Các nhà khoa học ở bên kia bờ biển Manche liên tiếp đưa ra những con số báo động đầy lo sợ : Từ nay đến cuối năm nước Anh có thể sẽ có thêm từ 600 nghìn đến 2 triệu ca nhiễm. Mỗi ngày các bệnh viện của nước Anh sẽ có thể phải nhận thêm mới ngày từ 3.000 đến 10 nghìn bệnh nhân và số tử vong thường nhật cũng sẽ có thể lên đến hàng nghìn người.
Pháp: Chỉ còn vũ khí vac-xin
Pháp dù là nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhưng không phải là không bị đe dọa bởi làn sóng ngầm Omicron, trong lúc vẫn chưa qua đỉnh đợt dịch thứ 5.
Các báo đều ghi nhận không khí «lo lắng đang lên cao tại Pháp trước Noel». Theo La Croix, tại Pháp, mới chỉ có 310 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện. Tuy nhiên con số này được cho là thấp hơn với thực tế, nếu cứ nhìn vào đà lây nhiễm nhanh của biến thể này. Đến giờ các bệnh viện ở Pháp đã bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng, thiếu giường bệnh, thiếu nhân viên. Hội Đồng Khoa Học đã kêu gọi chính phủ thiết lập các biện pháp hạn chế có hiệu quả nhân dịp lễ đón Năm Mới, trong đó không loại trừ cả lệnh giới nghiêm.
Chính phủ Pháp giờ chỉ còn đặt cược vào vũ khí vac-xin để cố gắng không phải trở lại những biện pháp khắt khe, làm hỏng kỳ lễ hội cuối năm của người dân. Pháp tăng tốc chiến dịch tiêm chủng liều thứ 3, đồng thời với việc mở rộng đối tượng tiêm chủng đến trẻ em và gia tăng áp lực với những người không muốn tiêm chủng, để hướng tới chủ trương bắt buộc tiêm chủng với toàn dân.
Trung Quốc đường đến Trung Đông đang mở
Chuyển qua các chủ đề địa chính trị. Trung Quốc vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các báo Pháp. Mục Ý kiến & Tranh luận của nhật báo Les Echos có bài: «Trung Đông: Người Trung Quốc đang tới!» của Dominique Moïsi, nhà nghiên cứu địa chính trị, một cây bút thời luận của Les Echos. Bài báo cho thấy, khi mà Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông, thì Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ như thế nào.
Tác giả đặt câu hỏi: Sau khi đã là «lãnh địa đi săn» của Hoa Kỳ, Trung Đông liệu có thể sẽ trở thành trường đấu chủ yếu giữa châu Âu và Trung Quốc? Khi Mỹ đã tỏ mệt mỏi với chiến lược Trung Đông, thì những nước khác lại đổ xô đến để lấp chỗ trống mà Mỹ để lại trong vùng. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga, từ châu Âu đến Trung Quốc, mỗi bên đều có những tham vọng, chiến lược riêng của mình.
Theo tác giả Dominique Moïsi, điểm mới ở đây là Trung Quốc đang nhìn thấy vùng Trung Đông, không chỉ là nơi có nguồn dầu mỏ họ đang rất khát mà còn là một khu vực không thể thiếu cho các mục tiêu địa chính trị toàn cầu của họ. Giữa lục địa Á và Âu, «Con đường tơ lụa » của Bắc Kinh chỉ có thể đi qua Trung Đông. Nhưng làm thế nào để thay chân Mỹ mà không phải rơi vào một cuộc «chiến tranh bất tận » ở Trung Đông như Hoa Kỳ đã phải gánh chịu?
Ngược lại với các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, Trung Quốc có những ưu thế là có túi tiền đầy và không có những hiềm khích lịch sử với Trung Đông. Trung Quốc không có quá khứ thực dân hay đế quốc với các quốc gia Trung Đông, cũng không hề có thái độ bài Do Thái hay vấn đề gì với Hồi giáo.
Tác giả bài viết nhận định: «Một nước Mỹ mệt mỏi, một châu Âu lưỡng lự, một Thổ Nhĩ Kỳ và một nước Nga có thể có những ưu tiên khác (Ankara là chuyện nội bộ còn Matxcova là chuyện Đông Âu), dường như con đường đang hé mở cho Bắc Kinh» đến Trung Đông. Nhiều nước như Ả Rập Xê Út hay Israel có vẻ như đang chờ đợi người Trung Quốc đến, tuy không vội vàng. «Trung Quốc đang trở thành nhân tố mới và là tấm gương phản chiếu của một vùng đất đang đầy biến chuyển này», tác giả kết luận.
Người Pakistan bắt đầu chán Trung Quốc
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, trang quốc tế báo Le Figaro có bài cho thấy sự phẫn nộ chống Trung Quốc đang nổi lên ở Pakistan. Bài báo cho biết hôm 10/12 vừa qua, tại thành phố cảng Gwadar, chỉ có 47 nghìn dân ở phía tây nam Pakistan, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi liên quan đến sinh kế của mình. Điểm đáng chú ý, theo Le Figaro, là đằng sau những đòi hỏi đó của người dân là nỗi chán chường với Trung Quốc. Gawdar là nơi mà từ 20 năm qua Bắc Kinh đã đổ không biết bao nhiêu tiền để đầu tư xây dựng cảng lớn với tham vọng cạnh tranh với các cảng ở Dubai hay Singapore. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đã đổ hàng tỷ đô la xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, khu công nghiệp. Thế nhưng, những hoạt động phục vụ lợi ích cho người Trung Quốc là chính đó cũng gạt sang bên lề cuộc sống của hàng chục nghìn dân chài địa phương, bị mất đất, mất ngư trường kiếm sống. Đến giờ họ không hề được hưởng lợi gì từ các công trình của Trung Quốc, mà trái lại cuộc sống ngày càng tồi tệ.
Người biểu tình tỏ phẫn nộ với chính quyền Islamabad cũng như với cả Bắc Kinh. Theo các nhân chứng tại chỗ, nhiều người dân coi người Trung Quốc như những kẻ thực dân. Tâm lý chống người Trung Quốc tăng dần theo thời gian. Đã có nhiều kỹ sư, các cơ sở của người Trung Quốc bị tấn công trong những năm qua.
Đây là một thách thức lớn cho Trung Quốc, vì Pakistan là một mắt xích quan trọng trong chiến lược «Một vành đai một con đường» do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Gwadar là điểm mấu chốt trong dự án vành đai kinh tế Trung Quốc – Pakistan, có giá trị đầu tư 60 tỷ đô la. Đến giờ các dự án này ngày càng vấp phải nhiều vấn đề nan giải. Một không khí chán Trung Quốc đang xuất hiện trong chính quyền, còn tâm lý chống Trung Quốc trong người dân cũng ngày nhiều hơn, theo ghi nhận của tờ báo.
Còn gì sau 30 năm Liên Xô sụp đổ
Nhật báo Le Monde số ra hôm nay có thêm phụ trang đặc biệt về «Liên Xô 30 năm sau ngày sụp đổ». Cách đây 30 năm, ngày 25/12/1991, ông Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Xô (1990-1991) từ chức. Đây cũng được coi là ngày khai tử chính thức Liên Xô, cùng lúc với sự tái sinh của 15 nước Cộng hòa độc lập, từng bị gộp lại thành một liên bang Cộng Sản từ năm 1922. Suốt ba thập niên qua, không gian Xô Viết cũ vẫn là khu vực đầy biến động, tranh chấp.
Le Monde có dành cho sự kiện này nhiều bài viết cố gắng phác họa lên khung cảnh thời hậu Xô Viết: Từ sự tan vỡ của Liên Xô đến sự can thiệp của nước Nga. Nhiều nước rơi vào các tranh chấp lãnh thổ triền miên, do tấm bản đồ được vẽ lại từ dưới thời Staline. Các cuộc xung đột hậu Xô Viết đã nổ ra và vẫn lại bùng lên khi có điều kiện. Những vùng đất nhỏ bé manh nha ly khai đòi độc lập bị nước Nga đè bẹp trong các cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Các nước cộng hòa tách ra từ Liên Xô, như Ukraina, Gruzia, hay Belarus, giờ trở thành miếng mồi tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa nước Nga của ông Vladimir Putin và phương Tây. Không ít người đã nghĩ sau khi Liên Xô sụp đổ là chiến tranh lạnh kết thúc, thế nhưng 30 năm sau bầu không khí đó đang vảng vất trở lại. Lần này là giữa các nước phương Tây và nước Nga, dù ở đó hệ tư tưởng Cộng Sản không còn ngự trị nữa.
Anh Vũ