Ðiểm Báo Pháp – 2/6/21
Bắc Kinh đổ cả núi tiền để tuyên truyền đối ngoại
Le Figaro hôm nay 02/06/2021trong bài «Tuyên truyền của Trung Quốc tấn công thế giới» đã nhận định, Bắc Kinh đầu tư ồ ạt để áp đặt cách nhìn của mình lên phương Tây đang ngờ vực.
Chiến dịch « Bruxelles » hình thành trong tòa cao ốc của đài truyền hình Nhà nước CCTV. Tòa nhà bằng kính và thép hiện đại khánh thành năm 2008, biểu tượng cho sự đầu tư quy mô của chế độ để kiểm soát thông tin ở Hoa lục, nay vươn ra khỏi Vạn lý Trường thành, theo lệnh của Tập Cận Bình.
Chiến dịch tuyển mộ hàng loạt nhà báo giỏi ở phương Tây để ca ngợi Trung Quốc
Từ vài tháng qua, cơ quan này ra sức tuyển mộ các nhà báo giàu kinh nghiệm, để lập một đầu cầu tuyên truyền mới tại Bruxelles, ngay trái tim châu Âu. Một cơ sở hoành tráng của China Media Group (CMG) sẽ được mở ra, đây là lực lượng tấn công mới về thính thị, mang tên « Tiếng nói Trung Quốc », bổ sung cho lực lượng báo chí chính thức hùng hậu của Hoa lục đã có mặt tại các thủ đô Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Đó là chưa kể 8 chi nhánh khác ở Nairobi, Luân Đôn, Sao Paolo, Matxcơva…trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công của CMG, vốn đã tuyển dụng thêm 264 vị trí hồi tháng 12/2020, trong đó có 82 người chuyên trách « tuyên truyền quốc tế » – theo thông báo tuyển người. Các ứng viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cụ thể để phục vụ cho vinh quang của đại cường vừa phục hưng. Phải là «những nhà báo thật giỏi nghề, giao tiếp tốt, có thể tạo quan hệ với mọi giới ở phương Tây để ca ngợi Trung Quốc».
Thành lập năm 2018, CMG tập hợp các phương tiện tuyên truyền ra quốc tế, trong đó có kênh truyền hình CGTN vốn được mệnh danh là CNN Trung Quốc và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan tuyên truyền đảng Cộng Sản. Tập Cận Bình coi đây là ưu tiên hàng đầu nhằm khuynh loát dư luận thế giới, ra lệnh cho truyền thông nhà nước phải « yêu mến, bảo vệ và đứng hẳn về phía đảng».
Mười tỉ đô la mỗi năm cho tuyên truyền trên toàn thế giới
Mareike Ohlberg của German Marshall Fund nhận xét, tuyên truyền của Trung Quốc ra nước ngoài tăng mạnh kể từ 2019, để đáp trả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nhằm uốn nắn các tranh luận theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Theo giáo sư David Shambaugh thuộc George Washington University, có đến 10 tỉ đô la mỗi năm được dành cho việc tuyên truyền quốc tế, trên mọi mặt trận từ truyền thông, mạng xã hội cho đến quảng cáo.
Trong đỉnh cao đại dịch, báo chí Trung Quốc rầm rộ đưa các hình ảnh giao hàng khẩu trang, vac-xin. Tân Hoa Xã hiện có đến 230 văn phòng trên toàn thế giới, tăng 40% so với năm 2017, phát tin bằng 11 ngôn ngữ, nhưng không hề đưa những tin gây phiền hà, như việc nữ đạo diễn Triệu Đình (Chloé Zhao) đoạt Oscar.
Điều mỉa mai là Facebook hay Twitter, bị cấm tại Hoa lục, lại là công cụ quan trọng để phổ biến những « lời hay ý đẹp » của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông qua tài khoản của báo chí nhà nước, nhà ngoại giao, hay những người ngoại quốc « bạn bè » của Trung Quốc.
Để đối phó với cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh nhờ đến vài khuôn mặt phương Tây được « nâng cấp » thành « nhà báo » bênh vực. Chuyên gia Trác Lệ Phượng (Cho Li Fung), đại học Hồng Kông giải thích, người Trung Quốc tin rằng một khuôn mặt da trắng dễ thuyết phục công chúng phương Tây hơn. Mao Trạch Đông từng hậu đãi Edgar Snow, tác giả một cuốn sách ca ngợi ĐCSTQ.
Giọng điệu dân tộc chủ nghĩa và mác-xít của Bắc Kinh gây lo sợ
Tuy vậy theo Le Figaro, việc tăng cường quyền lực mềm là một quá trình lâu dài, và Trung Quốc vẫn bị coi là « cọp giấy ». Giữa tham vọng của hoàng đế đỏ và thực tế có một khoảng cách rất lớn, giọng điệu dân tộc chủ nghĩa và mácxít lêninnít gây lo sợ.
Hình ảnh Bắc Kinh lại càng tồi tệ hơn trong đại dịch, theo điều tra của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, công bố vào tháng 10/2020. Anh quốc vừa hủy giấy phép phát hình của CGTN vì kênh này « do ĐCSTQ kiểm soát ». Một nhà báo giấu tên thú nhận là các chương trình của họ không có nhiều khán thính giả, một tweet nếu được chia sẻ vài trăm lần đã là một con số quá lớn.
Kiểm duyệt đã tạo ra xơ cứng trong tranh luận và sáng tạo nội dung. Bắc Kinh mơ xuất khẩu các bộ phim nhiều tập và nghệ sĩ, nhưng không thể sánh được với K-pop và phim tình cảm của láng giềng Hàn Quốc. Một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh lo ngại, Trung Quốc và phương Tây ngày càng tách biệt, đặc biệt là khi một cuộc chiến tranh lạnh mới diễn ra tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà vũ lực vượt lên trên quyền lực mềm.
Đối địch với phương Tây, khuyến dụ các nước đang phát triển
Trong bài «Bắc Kinh muốn chinh phục hành tinh từ phương nam», Le Figaro cho rằng Trung Quốc cũng bắt đầu gặt hái được một số kết quả, chủ yếu nơi các chính quyền châu Phi.
«Cái thứ đáng khinh bỉ!», đó là từ ngữ được Hoàn cầu Thời báo dùng trong bài xã luận để nói đến Litva, do Vilnius dám tố cáo «diệt chủng» ở Tân Cương và rút khỏi nhóm «17+1». «Litva không có tư cách gì để chỉ trích Trung Quốc, và đó không phải là cách mà một nước nhỏ xử sự» – tờ báo công cụ của đảng muốn nhắc nhở quốc gia vùng Baltic quy luật mạnh được yếu thua.
Những công kích loại này cùng với các «chiến lang» trên Twitter nằm trong chiến thuật của Bắc Kinh đối địch với phương Tây – được cho là đang suy tàn. Chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện Montaigne nhận định «Bắc Kinh đối đầu với phương Tây và dụ dỗ phương Nam», nhằm bao vây Mỹ và châu Âu về lâu về dài.
Đóng vai đại ca với các nước nghèo
Tuyên truyền quốc tế của Trung Quốc nhắm vào các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ la-tinh, châu Á. Dựa vào tư cách nước đang phát triển, Bắc Kinh đóng vai « ông anh cả hào phóng » với ngoại giao khẩu trang, ngoại giao vac-xin. Từ quản lý Covid, nhân quyền đến hệ thống chính trị, truyền thông Trung Quốc đề ra một phản mô hình « kỹ trị & toàn trị ».
Không ít nước châu Phi đã trở thành đồng minh quan trọng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, tại các định chế quốc tế. Chẳng hạn về đàn áp Hồng Kông, tháng 7/2020 Bắc Kinh tập hợp được 53 nước ủng hộ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, dựa vào Congo-Brazzaville, Cam Bốt, Nicaragua, Bắc Triều Tiên khiến phương Tây thành thiểu số ; hoặc chống lại cáo buộc của Washington về « diệt chủng » Tân Cương.
Tuy vậy dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình và sự bành trướng trên Biển Đông cũng như Himalaya khiến « quyền lực mềm » không chinh phục nổi các láng giềng châu Á. Tại Philippines, người dân tẩy chay vac-xin Sinovac vì tàu Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu, và 75% dân Hàn Quốc có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Đảng Cộng Sản không cấm cản nổi tôn giáo
Còn tại Hoa lục trên khía cạnh tôn giáo, Le Monde cho biết dù bị chính quyền cộng sản ngăn trở, hôm 29/05 hàng ngàn người hành hương vẫn đổ về ngọn núi Thái Sơn (Taishan) ở tỉnh Sơn Đông để viếng Bích Hà Nguyên Quân (Bixia Yuanjun) tức Thái Sơn nương nương, một trong những vị thần Lão giáo.
Đạo này là một trong ba tôn giáo lớn của Trung Quốc, tồn tại được sau Cách mạng văn hóa nhưng số 250 đền thờ ở Thái Sơn nay chỉ còn phân nửa. Bên trong Đại Miếu, ngôi đền nổi tiếng nhất, những bát nhang bị khóa lại, một tấm bảng ghi: «Các hoạt động tôn giáo không được phép, cấm dâng lễ vật, đốt nhang », tuy nhiên người hành hương vẫn khệ nệ mang theo bánh trái.
Dù Lão giáo không được nghiên cứu ở trường đại học, nhưng trong một xã hội thiếu vắng niềm tin, bên cạnh Thiên Chúa giáo vốn có sự thu hút của phương Tây, nay một số người trẻ quay lại với tôn giáo này. Nhà Trung Quốc học Patrice Fava nhận định: «Người ta vẫn nghĩ Ấn Độ thiên về tôn giáo còn Trung Quốc về chính trị, nhưng đó là sai lầm. Có ai biết vào đầu thế kỷ 20 vẫn còn 60 ngôi đền trong Tử Cấm Thành, và tại Bắc Kinh có đến 3.000 đền thờ ? Cộng sản cố khống chế tất cả nhưng không làm được. Như nhà triết học Pháp Marcel Gauchet đã nói, Trung Quốc chưa thoát được vấn đề tín ngưỡng.»
Cho phép sinh con thứ ba vì nguy cơ giảm phân nửa dân số
Về mặt xã hội, Le Monde thấy rằng tuy từ ngày 31/05 chính quyền cho phép sinh con thứ ba, nhưng người Trung Quốc tỏ ra lạnh nhạt vì chi phí giáo dục, nhà ở quá cao.
Một cuộc thăm dò do Tân Hoa Xã thực hiện trong cùng ngày cho thấy chỉ có 1.600 người quan tâm, nhưng đến 28.000 người nói rằng họ hoàn toàn thờ ơ với tin này. Kết quả thăm dò liền nhanh chóng bị rút khỏi mạng xã hội. Trong khi quyết định do Bộ Chính trị được Tập Cận Bình chỉ đạo đưa ra là rất quan trọng. Hồi tháng Giêng 2014, đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) đã phải nộp phạt khoảng 1 triệu euro vì có đến ba con!
Chính sách một con từ năm 1980, theo chính quyền đã tránh được thêm 400 triệu đứa trẻ sinh ra. Không thể nào đếm xuể số phụ nữ bị buộc phá thai dù đã mang bầu đến tháng thứ bảy, hay số công chức bị sa thải vì có hai con. Đến tháng 10/2015, các gia đình được phép sinh hai con, nhưng số sinh vẫn ngày càng giảm. Không ít gia đình, hai vợ chồng đều là con một, phải nuôi cha mẹ chồng lẫn cha mẹ vợ cùng với một đứa con, nếu sinh thêm họ không thể kham nổi.
Theo một nghiên cứu của The Lancet công bố cuối năm ngoái, dân số Trung Quốc từ 1,412 tỉ người năm 2020, đến cuối thế kỷ chỉ còn có 700 triệu, giảm gần phân nửa. Bộ Chính trị hôm thứ Hai tuyên bố, giữ cho được vị trí nước đông dân nhất thế giới là vấn đề nguyên tắc để «duy trì ưu thế nguồn nhân lực».
Trung Quốc lão hóa và giải pháp nhập cư
Le Monde đặt vấn đề «Trung Quốc và thách thức nhập cư»: kết quả cuộc điều tra dân số công bố hôm 10/05 đã khẳng định Trung Quốc là một quốc gia bị lão hóa. Tin tốt lành cho hành tinh chẳng phải là điều các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh mong muốn. Vào năm 2100, Trung Quốc sẽ bị không chỉ Ấn Độ mà cả Nigeria qua mặt.
Người dân không muốn sinh thêm con, một trong những giải pháp có thể là tạo điều kiện cho nhập cư. Cả Trung Quốc chỉ có 845.697 người ngoại quốc, không bằng phân nửa so với Paris và vùng phụ cận. Và đây chỉ là những người sống tại Hoa lục hơn ba tháng, đại đa số sẽ ra đi.
Sẽ là lô-gic nếu Bắc Kinh tìm cách thu hút các láng giềng, nhất là số thanh niên có bằng cấp. Ấn Độ là kho nhân lực lớn, hiện có gần 18 triệu người Ấn sống ở nước ngoài, chủ yếu tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan và Hoa Kỳ, nhưng ở Trung Quốc chỉ có 15.000 (số liệu năm 2010). Trong tương lai, Ấn Độ có thể cung cấp nhân lực cho Trung Quốc, như Mêhicô đối với Hoa Kỳ.
Vấn đề ở chỗ Trung Quốc không phải là đất nước cởi mở đối với người nhập cư. Tập Cận Bình ý thức được điều này, nên Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Di dân Quốc tế năm 2016 và thành lập cơ quan nhập cư quốc gia năm 2018 – một điểm đáng chú ý vì lâu nay Bắc Kinh chỉ dùng từ «người ngoại quốc» chứ không phải «di dân».
Trong một Trung Quốc hết sức dân tộc chủ nghĩa, chủ đề này rất nhạy cảm. Với đại dịch Covid, người Trung Quốc ngờ vực ngoại kiều nhất là người Ấn. Như vậy Ấn Độ không thể trở thành một Mêhicô của Trung Quốc được. Còn lại giải pháp cuối cùng: khuyến khích Hoa kiều về nước. Muốn trở thành đại cường số một thế giới nhưng lại thu mình phía sau Vạn lý Trường thành, đó là một nghịch lý chưa từng thấy, «theo kiểu Trung Hoa».
Thụy My