Ðiểm Báo Pháp – 2/11/21
Pháp: Các bệnh viện công kiệt sứ
Sau kỳ nghỉ cuối tuần và ngày lễ Các Thánh, các báo Pháp Le Figaro, Libération, La Croix và Les Echos được phát hành trở lại, chủ yếu đề cập đến các vấn đề xã hội. «Các bệnh viện công kiệt sức» là tựa trang nhất báo Le Figaro. Số giường trong các bệnh viện giảm, số y tá không đủ phục vụ bệnh nhân. Cuộc khủng hoảng của các bệnh viện công vốn đã có từ trước, nhưng Covid-19 lại như «giọt nước làm tràn ly».
Không thể bào chữa được
Không chỉ dành tựa trang nhất cho khủng hoảng hệ thống bệnh viện công, Le Figaro còn dành cả bài xã luận và hồ sơ chính với 3 trang bài cho cuộc khủng hoảng bị xem là « sâu rộng, đã tồn tại từ lâu và mang tính hệ thống».
«Không thể bào chữa được» là tựa bài xã luận của Le Figaro. Đối với nhiều người dân Pháp, đại dịch Covid-19 đã hé lộ nhiều điều. Người Pháp từng nghĩ họ có một hệ thống chăm sóc y tế thuộc hàng tốt nhất thế giới, thế rồi Covid-19 đã giúp họ hiểu ra rằng hệ thống y tế Pháp không chỉ mong manh, yếu ớt, mà còn được quản lý, điều phối không mấy hợp lý. Vào lúc khủng hoảng dịch bệnh ở mức nghiêm trọng nhất thì các bệnh viện lại đứng trước bờ vực sụp đổ do thiếu giường bệnh và không đủ nhân viên, điều ngày càng khiến dân Pháp tức giận bởi chính phủ dành không ít tiền thuế của dân và các khoản đóng góp xã hội cho lĩnh vực dịch vụ công.
Khi cơn bão Covid đã lui, người ta nghĩ rằng trải nghiệm về virus corona đóng vai trò như một cú sốc điện giúp hệ thống y tế hồi phục trở lại và vận hành tốt. Chính tổng thống Macron cũng đã từng nhấn mạnh cần tự tái tạo để chuẩn bị cho thế giới hậu Covid. Thế nên, nhiều người thấy choáng váng khi Hội đồng Khoa học Pháp và các chuyên gia, nghiệp đoàn trong lĩnh vực y tế dự báo tình trạng các bệnh viện sẽ ngày càng yếu kém : số giường bệnh có thể sẽ giảm thêm 20% và bệnh viện sẽ thiếu hụt ít nhất 1/3 nhân viên chăm sóc y tế. Đã có rất nhiều nhân viên y tế xin thôi việc, vì nhiều lý do, trong đó có mức lương quá thấp.
Tiền đổ vào giếng không đáy
Le Figaro nhận định kế hoạch cải cách y tế « Ségur de la santé » khởi động hồi năm 2020, dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng Y Tế sẽ có ít hoặc không có tác dụng. 10 tỉ euro đã được chi thêm để tăng lương cho nhân viên bệnh viện, 19 tỉ euro để đầu tư nâng cấp bệnh viện. Tiền đầu tư vào các bệnh viện cứ như thể đổ vào « một cái giếng không đáy ». Chính thì thế, trong bài viết « Các hướng đi để tổ chức tốt hơn hệ thống y tế », Le Figaro nhấn mạnh tăng tài chính là không đủ, phải thay đổi mô hình quản lý, phương pháp tổ chức hệ thống bệnh viện công của Pháp.
Đối với tờ báo thiên hữu, việc bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran phát biểu « tình hình rất phức tạp » là thông thể bào chữa được.
Không thể loại trừ khả năng virus corona sẽ bùng phát trở lại ở Pháp. Hệ thống y tế từng đột ngột phải đối phó với đại dịch Covid-19, giờ đây chính phủ phải chuẩn bị sao cho virus corona không còn là điều bất ngờ nữa. Le Figaro kết luận những tháng tới sẽ mang tính quyết định đối với nhà chức trách Pháp.
Anh – Pháp và cuộc chiến về cá
Một đề tài khác được Le Figaro và nhiều báo Pháp quan tâm hôm nay là căng thẳng Pháp – Anh về giấy phép đánh bắt cá sau khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Chuyên mục quốc tế của Le Figaro có bài viết về « Mối bất hòa lớn giữa Pháp và Anh ». Ngôn từ đao to búa lớn thường ẩn giấu những rạn nứt. Đó là trường hợp của hai nhà lãnh đạo Emmanuel Macron và Boris Johnson. Tái khẳng định Anh – Pháp là những đồng minh tốt nhất trên thế giới, nguyên thủ Pháp – Anh có những cuộc trao đổi với vẻ bề ngoài lịch sự và mang tính trấn an chẳng hạn như trong lễ khai mạc hội nghị khí hậu thế giới COP26, nhưng đôi bên đang « ăn miếng trả miếng » trong « cuộc chiến về cá».
Les Echos nhận định « Paris và Luân Đôn đang bị chia rẽ về đánh bắt cá ». Paris sẵn sàng cấm ngư dân Anh cập cảng Pháp và đẩy mạnh kiểm soát hải quan đối với xe chở hàng của Anh nếu Luân Đôn không cấp thêm giấy phép đánh cá cho ngư dân Pháp theo thỏa thuận Brexit. Chính quyền Boris Johnson thì ra tối hậu thư cho Paris 48 tiếng đồng hồ để « lui bước », nếu không Luân Đôn sẽ tính đến các hành động pháp lý. Để hạ nhiệt căng thẳng, Liên Âu tổ chức các cuộc thảo luận cho đôi bên.
Cuộc đối thoại của những kẻ điếc
« Lời qua tiếng lại », không bên nào chịu nhường bên nào. La Croix gọi cuộc đối thoại Anh – Pháp về đánh bắt cá là « cuộc đối thoại của những kẻ điếc ». Tờ báo Công giáo nhận định lối thoát khỏi khủng hoảng phụ sẽ thuộc nhiều vào các đối tác châu Âu của nước Pháp. Cho rằng ngư dân Pháp được Liên Âu ủng hộ, tại Nghị Viện châu Âu, chủ tịch Ủy ban đánh bắt cá giải thích các nước Liên Hiệp Châu Âu ý thức được rằng không thể tỏ ra yếu thế so với Luân Đôn ngay khi Anh Quốc vừa mới rút khỏi Liên Hiệp nếu châu Âu muốn bảo vệ các thỏa thuận hậu Brexit mà Bruxelles đã đạt được với nước Anh.
Le Figaro cũng chờ xem Liên Âu sẽ ủng hộ Pháp đến đâu. Trước mắt, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Luân Đôn « không lao vào con đường đối đầu».
Buộc tội lẫn nhau
Le Figaro nhắc lại không chỉ có chuyện đánh bắt cá, xích mích Anh – Pháp thực ra cứ liên miên từ vụ này sang vụ khác. Hai quốc gia bên hai bờ eo biển Manche đều gặm nhấm nhiều nỗi cay đắng. Giữa Boris Johnson và Emmanuel Macron, mọi chuyện không êm ả. Trong suốt cuộc đàm phán Brexit, Pháp thường bị cáo buộc là thiếu thiện chí. Người ta từng nghĩ sau Brexit, mọi chuyện sẽ sẽ dịu đi. Nhưng không ! Không chỉ có hồ sơ đánh bắt cá đầu độc quan hệ đôi bên, Luân Đôn và Paris còn tranh cãi về nhiều chủ đề khác. Đầu tiên phải nói đến vấn đề di dân. Luân Đôn đổ lỗi là Paris không có hành động để ngăn di dân vượt eo biển Manche sang Anh và đe dọa không đóng tiền tăng cường việc giám sát biên giới.
Ngoài ra còn phải nói đến « cú đánh » Aukus – liên minh giữa Luân Đôn, Washington và Canberra đã khiến Pháp mất hợp đồng tàu ngầm đã ký với Úc. Emmanuel Macron không thể chấp nhận khi thấy Boris Johnson giương cao lá cờ « Global Britain ». Người Pháp không dễ quên chuyện « Bojo » có câu phát biểu không mấy dễ nghe : « Quý vị hãy bình tĩnh lại và buông tha cho tôi ! ». Về phần mình, người Anh vẫn chưa quên những lời ngờ vực của tổng thống Pháp khi nói về vac-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford, cột trụ của chiến dịch tiêm chủng của chính quyền Luân Đôn.
Anh tố cáo Emmanuel Macron làm mọi chuyện để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2022 và khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa để khống chế cánh hữu. Còn nhìn từ Pháp, Boris Johnson bị nghi ngờ muốn tiếp tục vô thời hạn cuộc chiến Brexit nhằm phục vụ lợi ích chính trị trong nước.
Thép và nhôm sưởi ấm quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Nhìn ra quốc tế, một chủ đề khác được nhiều báo Pháp quan tâm là « cuộc đình chiến thương mại » Mỹ – Âu. « Thép và nhôm sưởi ấm quan hệ xuyên Đại Tây Dương », « Châu Âu và Mỹ nối lại đối thoại về thương mại » lần lượt là tựa bài viết trên báo Kinh tế Les Echos và báo Công giáo La Croix.
Les Echos nhắc lại các biện pháp tăng thuế quan mà chính quyền Mỹ đánh vào nhôm và thép nhập khẩu từ Liên Âu từ hồi năm 2018 được Nhà Trắng thời Donald Trump đưa ra với cái cớ bảo vệ « an ninh quốc gia » đã « đầu độc quan hệ thương mại » giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Sau bốn năm « quan hệ nguội lạnh » giữa hai bờ Đại Tây Dươngvà « giai đoạn chấn thương » do liên minh AUKUS Mỹ – Anh – Úc, tổng thống Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã hoan nghênh « một kỷ nguyên mới » trong quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương với việc « đình chiến về thép và nhôm ».
Ủy viên châu Âu đặc trách thương mại, Valdis Dombrovskis, nhấn mạnh châu Âu đã thành công trong việc « nhấn nút khởi động lại » quan hệ với chính quyền Joe Biden. Hồi tháng 06, Mỹ và Bruxelles cũng đã giải quyết được mâu thuẫn liên quan đến việc tài trợ cho các tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing. Theo Elvire Fabry, chuyên gia thương mại quốc tế tại Viện Jacques Delors, tổng thống Mỹ Biden không hoàn toàn đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng rõ ràng là Nhà Trắng cũng muốn cải thiện quan hệ với Bruxelles.
Washington và Bruxelles bắt tay chống thép « bẩn » của Trung Quốc
Ngoài vấn đề về thuế quan, hai cường quốc thương mại Mỹ – Âu cũng cam kết phi cac-bon hóa các ngành công nghiệp thép và nhôm trong khuôn khổ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua việc thảo luận để tiến tới một thỏa thuận mới quy mô toàn cầu nhằm kìm chế lĩnh vực thương mại thép và nhôm vừa phát thải nhiều khí CO2 vừa đẩy ngành sản xuất của nhiều nước khác vào cảnh dư thừa.
La Croix nhấn mạnh đối tượng mà Âu – Mỹ muốn nhắm tới chính là Trung Quốc. Thỏa thuận dự kiến các quy định cụ thể để ngăn cản hoạt động xuất khẩu sang Mỹ sản phẩm thép « bẩn » mà Trung Quốc đã xuất sang châu Âu. Trung Quốc sản xuất tới 60% thép trên thép toàn cầu. Lượng thép Trung Quốc sản xuất trong vòng 1 tháng còn cao hơn cả sản lượng thép của Liên Âu và Mỹ trong một năm.
Cơ hội cải cách Giáo Hội Công Giáo Pháp
Một tháng sau khi báo cáo Sauvé về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công Giáo Pháp giai đoạn 1950-2020 được công bố và gây chấn động các giáo dân và công luận nói chung, Hội đồng giám mục Pháp họp toàn thể tại thánh địa Lộ Đức (Lourdes). Cuộc họp kéo dài một tuần, từ ngày 02 đến ngày 08/11/2021. Báo Công Giáo La Croix dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ nhiều trang bài cho sự kiện quan trọng này của Giáo Hội Pháp.
Giáo Hội Công Giáo Pháp đang đứng trước cơ hội cách tân cung cách quản lý, điều mà La Croix nhận định là đang rất cần. Tờ báo thừa nhận cuộc khủng hoảng của Giáo hội Công Giáo Pháp về nạn ấu dâm là có tính hệ thống và đã được nói nhiều lần kể từ khi báo cáo của Ủy Ban Ciase được công bố. Điều này có nghĩa là các giám mục không thể tự cho là mình họ sẽ giải quyết được vấn đề. Nói về một cuộc khủng hoảng hệ thống thì cũng có nghĩa là tất cả những sai lầm trong quá khứ không thể quy hết cho các chức sắc của Giáo Hội. Không thể cho là các thành phần khác không có trách nhiệm ; họ có thể đã có vai trò đồng lõa khi giữ im lặng hoặc thiếu đồng cảm với các nạn nhân. Vì thế, những thay đổi phải được xem xét và thực hiện trong cả cộng đồng Công Giáo, chứ không chỉ riêng ở các chức sắc.
Nhìn sang Libération, theo tờ báo này bầu không khí đầy ngờ vực ngày càng bộc lộ rõ. Các giáo dân và những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đều đang chờ đợi cuộc họp của Hội đồng giám mục Pháp. Libération nhận định lần này các giám mục không thể phạm sai lầm, nếu không sẽ nhấn chìm Giáo Hội Công Giáo Pháp vào một cuộc khủng hoảng lớn.
Thùy Dương