Ðiểm Báo Pháp – 19/6/22
‘‘Vũ khí lúa mì Nga” hay ‘‘4 đại tập đoàn’’: Ai là thủ phạm chính gây đói?
18/06/2022 – Trọng Thành – Tuần báo Pháp giữa tháng 6/2022 không hẹn mà gặp. Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng “vũ khí lúa mì“. L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ “bội chi ngân sách công” không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa. Chủ đề chính của L’Obs là ma túy. Le Point tập trung vào nguy cơ “tan vỡ” của xã hội Mỹ với hàng loạt mối đe dọa nan giải.
«Vũ khí lúa mì’’ là tựa đề của tuần san quốc tế Courrier International, trên nền hình ảnh một cánh đồng lúa mì đang đến độ thu hoạch. Án ngữ cánh đồng lúa trĩu hạt là một xe tăng khổng lồ dường như sẵn sàng trong tư thế nhả đạn. Phụ tựa của Courrier International: “Thế giới không thiếu ngũ cốc, nhưng tuyên truyền của (tổng thống Nga) Vladimir Putin gây lo ngại và khiến giá cả gia tăng. Nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất“.
Thổi bùng nạn đầu cơ: “Nghệ thuật“ gây lo sợ của Nga
Courrier International giới thiệu một bài viết trên báo “Mail and Guardian” (Nam Phi) mô tả thảm cảnh tại Nam Phi, tại Kenya, tại Tchad… Trên toàn châu Phi, “giá cả nhu yếu phẩm hàng ngày tăng vọt, thực phẩm thường dùng trở thành hàng xa xỉ’”. Tình hình tương tự tại Trung Đông, Ai Cập và ở Liban, nơi phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu lương thực từ Nga và Ukraina.
Vì đâu nên nỗi? Courrier International dành phần chính của số báo cho chủ đề này. “Chiến tranh Ukraina không phải là nguyên nhân giải thích mọi thứ, và ngược lại, trái với một số định kiến, thế giới không trong tình trạng cạn kiệt lúa mì“. Báo Mỹ Washington Post nhấn mạnh: Nguyên nhân chủ yếu là lúa mì đã được chính quyền Putin dùng như một loại “vũ khí tâm lý“. Tổng thống Nga, “bậc thầy của nghệ thuật tuyên truyền“, đe dọa giảm xuất khẩu lúa mì Nga, ngăn chặn xuất khẩu lúa mì Ukraina. Hệ quả là, các thị trường hoảng sợ, khiến hoạt động đầu cơ, tích trữ bùng phát. Tóm lại, nguyên nhân khiến nạn đói bùng phát chủ yếu không phải là do thiếu lương thực, mà là do chính sách gây lo sợ của chính quyền Nga.
Thực phẩm: Sự “mong manh” của một hệ thống độc quyền
Tuy nhiên, Courrier International cũng nhấn mạnh rằng, ngay trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, “bản thân hệ thống thực phẩm toàn cầu” đã hoàn toàn bất ổn. Theo một phân tích của George Monbiot trên báo Anh The Guardian, hệ thống thực phẩm toàn cầu “có nguy cơ sụp đổ“, tương tự như điều đã xảy ra với cuộc khủng hoảng của hệ thống tài chính thế giới năm 2008. Lý do chính khiến hệ thống thực phẩm toàn cầu trở nên “mong manh” là tính chất thống nhất cao độ của các tiêu chí sản xuất và tiêu thụ ở quy mô.
Về mặt địa phương, hàng hóa thực phẩm có xu hướng đa dạng hơn trước nhiều, nhưng ngược lại, trên phạm vi toàn cầu, tình hình là ngược lại. “4 tập đoàn lớn trong lĩnh vực này kiểm soát 90% lượng hàng hóa thực phẩm toàn cầu. Bốn thực phẩm, lúa mì, gạo, ngô và đậu nành chiếm đến gần 60% lượng calori có được do trồng trọt“. Bốn đại tập đoàn là Archer Daniels Midland Co, Bunge Ltd, Cargill Inc và Louis Dreyfus (thường được gọi tắt là nhóm Bộ Tứ ABCD).
Điều này có nghĩa là an ninh lương thực thế giới phụ thuộc nhiều vào các đại tập đoàn. Một hệ thống thống nhất cao độ như vậy dễ tổn thương hơn do các tác động như chiến tranh, hay biến động môi trường gây tổn hại cho một số trung tâm nông nghiệp của mô hình kinh tế hiện nay (chưa kể đến các tác động tiêu cực về môi trường, và khí hậu của loại hình kinh tế nông nghiệp này).
“An ninh lương thực“: 6 giải pháp triệt để
Theo nhà báo The Guardian, để bảo đảm an ninh về lương thực, giải pháp căn bản trong lĩnh vực này phải là “đa dạng hóa cách sản xuất, về mặt địa lý, về cây trồng, về kỹ thuật canh tác“, để thoát khỏi sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia. Sáu giải pháp được The Guardian nêu bật.
Đó là ngừng sử dụng thực phẩm làm nguồn “xăng sinh học” (ước tính 10% lương thực được dùng cho mục tiêu này), “đa dạng hóa cây trồng” (cho phép giảm mạnh nhập khẩu thực phẩm, tự chủ lương thực tại chỗ), giảm mạnh lãng phí (có đến hơn một phần ba thực phẩm bị lãng phí, do không có phương tiện bảo quản, hay bị vứt bỏ), giảm ăn thịt (theo PNAS, cùng một diện tích sản xuất, số lượng đạm thực vật gấp 20 lần đạm động vật), lập một tổ chức của Liên Hiệp Quốc chuyên coi sóc an ninh lương thực, và tác động của sản xuất thực phẩm đến môi trường.
Đánh thuế đối với một số mặt hàng thực phẩm gây tổn hại cho y tế và môi trường là một đề xuất quan trọng khác. Thực phẩm đầy chất béo, chất đường… “gây béo phì” cần đánh thuế. Việc điều chuyển “những dòng trợ giá khổng lồ được rót vào nền nông nghiệp của các nước giàu” cũng góp phần giúp giảm được nền nông nghiệp độc canh.
Tóm lại, để giảm nguy cơ nạn đói, không thể chỉ quá nhấn mạnh đến vai trò của nước Nga, mà quên lãng những hậu quả nhiều mặt của hệ thống thực phẩm toàn cầu, vốn cũng đang khủng hoảng hiện nay. Các biện pháp có nhiều. Điều quan trọng là cần nhìn thẳng vào sự thật.
“Đồng tiền ma thuật“: 40 năm ngủ yên trong ảo ảnh
Báo động về tình trạng “bội chi ngân sách công“, có thể nói “gần như đe dọa sự tồn vong” của nước Pháp, và không chỉ riêng với nước Pháp, là chủ đề chính của tuần báo L’Express. L’Express vạch ra một sự thật tàn nhẫn. Đó là “đã 40 năm hoặc gần như vậy, chúng ta ngủ yên trong ảo ảnh về đồng tiền ma thuật, khiến chúng ta bình yên thụ hưởng các tiện nghi nhiều hơn khả năng làm ra của chúng ta, khiến nợ nần thêm chồng chất“. Chính quyền một mặt liên tục cảnh báo về tình trạng bội chi ngân sách, và kêu gọi cắt giảm, mặt khác nợ công không ngừng gia tăng, với tổng số 1.160 tỉ euro (chỉ trong vòng ba nhiệm kỳ tổng thống gần đây), tương đương gần 100.000 euro/người lao động.
L’Express chua chát nhận xét: “Chúng ta đã phát hiện trở lại là nợ có cái giá và có những giới hạn của nó, sau nhiều năm bị tỉ giá cho vay bằng âm ru ngủ. Sự thật là phũ phàng“. Tuần báo Pháp cay đắng đưa hình ảnh lãnh đạo liên minh cánh tả Jean-Luc Melenchon cùng cộng sự vẫn đang tiếp tục ru ngủ công chúng trong bản nhạc “đồng tiền ma thuật” trên con tàu Titanic. Tuy nhiên, ông Melenchon cũng chỉ là một thủ lĩnh cuối mùa. Theo L’Express, giờ đây “ngày hội đã kết thúc“, không còn nhiều thời gian để tránh được đại thảm họa. Chính quyền các nước cần nắm bắt cơ hội lịch sử hiện nay, đối diện với các thách thức, “tiến hành các cải cách cấu trúc“.
“Vay đã, trả tính sau“: Liều ma túy êm dịu chết người
Trong một bài viết khác, L’Express so sánh việc nước Pháp nợ công chồng chất, và tình hình không biết sẽ kéo dài đến khi nào, với tình trạng của người “nghiện thuốc phiện dạng nhẹ“. Thứ gây nghiện đó là tâm lý : “vay đã, trả được đến đâu tính sau“. Bài viết có nhan đề “Chiếc bẫy của quan điểm «phải làm dù với bất cứ giá nào» ’’ so sánh việc nước Pháp nợ công chồng chất, và tình hình không biết sẽ kéo dài đến khi nào, với tình trạng của người “nghiện thuốc phiện dạng nhẹ“.
“Biết là có vấn đề, biết là phụ thuộc, biết là có những hậu quả nghiêm trọng“, nhưng dường như không có cách nào để thoát được ra. Bài viết của L’Express dẫn lại một câu nói bộc phát, trở nên nổi tiếng sau đó của François Fillon. Vào năm 2007, với cương vị thủ tướng Pháp, chính trị gia Fillon nói: “Tôi đứng đầu một Nhà nước phá sản về mặt tài chính. Tôi đứng đầu một quốc gia, mà từ 15 năm nay thâm hụt ngân sách kinh niên. Tôi đứng đầu một Nhà nước chưa bao giờ thông qua một ngân sách cân bằng thu chi từ 25 năm nay. Tình trạng này không còn có thể kéo dài mãi“.
15 năm sau, nước Pháp vẫn chưa phá sản. Còn cựu thủ tướng Fillon biến mất khỏi vũ đài chính trị. Tình trạng nợ công chồng chất tái diễn hết năm này qua năm khác, được coi như một vũ khí chủ yếu để giúp nước Pháp (và không chỉ nước Pháp) vượt qua hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ khủng hoảng tài chính 2008, đến khủng hoảng khu vực đồng euro 2012, rồi dịch bệnh Covid và giờ đây là chiến tranh tại Ukraina. Việc vay thêm hàng tỉ, hàng chục tỉ đô la ngày càng trở nên chuyện bình thường, dường như không còn giới hạn nào. Người ta ngày càng tin rằng “vay thì cứ vay, nhưng rất có thể nợ không bao giờ hoàn được“. Đây là điều mà l’Express gọi là một thứ “ma túy êm dịu“.
Ma túy Cocaine tại Pháp: Vén màn bí ẩn
Ma túy cũng là chủ đề chính của L’Obs, nhưng đây là một loại ma túy khác: Cocaine, loại chất gây nghiện đứng thứ hai về số lượng tiêu thụ tại Pháp. Điều mà tuần báo L’Obs bất bình là bất chấp tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe của việc tiêu thụ Cocaine gia tăng hiện nay, tệ nạn này “gần như vắng mặt trong các thảo luận trong xã hội“. Chính quyền nhìn chung đã gần như làm thinh trước nạn ma túy nói chung, cho dù đây là nguyên nhân của 30% người chết sớm (dưới 65 tuổi) tại Pháp.
Nhân vật chính của L’Obs trong số báo này là nghệ sĩ rock nổi tiếng Frédéric Beigbeider. Anh nhận tham gia vào số báo này không phải để giới thiệu tác phẩm mới, mà là để chia sẻ với công chúng, làm thế nào anh đã chia tay được với Cocaine.
Ngược lại với Heroine hay Crack (ma túy đá), theo L’Obs, Cocaine có một hình ảnh được đánh giá là “tích cực” với không ít người, được coi là sang trọng hơn Cần sa (Cannabis). Hiện tại, thị trường Pháp “tràn ngập” các sản phẩm Cocaine đến từ các đường dây buôn lậu từ Nam Mỹ. Giá rẻ khiến Cocaine nằm trong tầm tay của đông đảo người dân, đặc biệt được ưa thích sử dụng trong các dịp hội hè. L’Obs cũng nhấn mạnh, mục tiêu của tuần báo không phải là bôi xấu loại ma túy này, hay đả kích người tiêu thụ, mà là “vén bức màn bao phủ về hiện thực rất ít được nói đến này“.
Những điều khiến nước Mỹ có thể tan vỡ
Le Point tuần này tập trung vào chủ đề những nguy cơ đe dọa sự tan vỡ của nước Mỹ. Tuần báo nêu bật một số nguyên nhân: Sự trở lại của Donald Trump, nạn dùng súng phổ biến, những mặt tiêu cực của phong trào “woke” (“woke” hay phong trào “thức tỉnh“, chống bất công xã hội và bất bình đẳng chủng tộc), sự suy yếu của các nhóm xã hội ôn hòa, nguy cơ suy thoái kinh tế…
Hồ sơ chính của Le Point dẫn lời một giáo viên đầy vẻ bi quan: “Không còn ai nghe ai cả, không còn ai chấp nhận thỏa hiệp, tôi không biết làm thế nào mà chúng ta có thể vượt qua được tình trạng này“. Hồ sơ mở đầu với hình ảnh các thành phần cực hữu Proud Boys, phá vỡ một tấm kính để lọt vào Tòa nhà Quốc Hội Mỹ, được chiếu trên màn ảnh khổng lồ. Trên đây là hình ảnh được truyền hình tại phiên họp điều trần đầu tiên về vụ tấn công nhà Quốc Hội Mỹ, ngày 06/01/2021, của những người ủng hộ cuồng nhiệt cựu tổng thống Trump, tin tưởng có thể phủ nhận kết quả bầu cử, với việc chiếm lĩnh nhà Quốc Hội.
Một năm rưỡi sau, vụ tấn công gây mất lòng tin nghiêm trọng vào hệ thống pháp quyền tại Mỹ – mới bắt đầu được đưa ra công chúng. Theo Le Point, kể từ tháng 11/2021, chính quyền Biden đã không thông qua được bất cứ luật nào tại Quốc Hội. Le Point cũng ghi nhận xu hướng dân Mỹ tìm đến ở bang nào có luật pháp phù hợp với mình. Nạn nổ súng gây chết người dường như cũng là điều ngày càng phổ biến, theo ghi nhận của nhiều cư dân.
Courrier International có bài về tình trạng kẻ giết người hàng loạt tại Mỹ có tuổi đời ngày càng thấp hơn. Sáu trong số 9 vụ xả súng gây chết nhiều người tại Mỹ từ năm 2018 có thủ phạm nhỏ hơn 21 tuổi. Đây là điều khiến chính quyền và giới chuyên gia lo ngại.
“Nước Pháp nổi giận, nhưng thiếu lực lượng dẫn đường“
Cuộc tranh cử Quốc Hội Pháp bước vào giai đoạn chót cũng là chủ đề quan tâm của hầu hết các báo. “Nước Pháp nổi giận, nhưng thiếu lực lượng dẫn đường” là tựa đề chính của hồ sơ về bầu cử Quốc Hội Pháp trên Courrier Internationale.
Tuần báo dẫn lại nhật báo Ý Il Giornale, đăng tải đúng ngày diễn ra vòng một bầu cử Quốc Hội Pháp, tỏ ra tin tưởng là tổng thống Macron sẽ có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội, tuy nhiên số ghế giành được sẽ chỉ từ 270 đến 305, một con số được coi là thấp hơn nhiều so với đa số áp đảo của Quốc Hội trước. Điều mà báo Ý nhấn mạnh là tỉ lệ vắng mặt vượt 50% cho thấy bất bình xã hội là sâu sắc. Bất bình và giận dữ. Biểu tình và bãi công, mùa hè năm nay hứa hẹn sẽ căng thẳng.
Sinh thái: André Gortz, nhà tư tưởng Pháp đi trước thời đại
Về sinh thái, L’Obs tuần này giới thiệu với công chúng nhân vật lịch sử, triết gia André Gortz (1923–2007), cũng là phóng viên của Le Nouvel Observateur (tiền thân của l’Obs). L’Obs dành một số đặc biệt – ngoài số báo ra hàng tuần – cho trào lưu tư tưởng chính trị – sinh thái Pháp mà André Gortz là một gương mặt chủ chốt. Theo L’Obs, triết gia André Gortz là một nhà tư tưởng có đóng góp quan trọng cho ý thức sinh thái.
Chống lại việc phổ cập xe hơi cá nhân ra toàn xã hội là chủ đề một bài viết của triết gia André Gortz, được đăng tải trong số báo này. Bài viết phơi bày tính chất nguy hiểm của giải pháp phổ biến này. Tuần báo Pháp dẫn lại một câu nói của triết gia André Gortz, “Không có phương tiện đi lại nào và cách đi ở ẩn nhanh chóng nào sẽ có thể bù đắp lại được nỗi bất hạnh phải sống trong một thành phố không thể sống nổi“. Nửa thế kỷ sau nhận định của André Gortz, các xã hội công nghiệp hiện nay đang bị đẩy vào chân tường. L’Obs coi tư tưởng của André Gortz như một cách tiếp cận đi trước thời đại.
Nhân dịp trở lại với tư tưởng của André Gortz, L’Obs nêu bật hai tiếp cận đối lập về sinh thái. Lập trường sinh thái thái mang tính “quản trị“, đại diện là đảng cầm quyền mãn nhiệm, và lập trường sinh thái mang tính “cắt đứt“, với đại diện là Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội mới (NUPES). Các câu hỏi mà l’Obs đặt ra là: “Phải chăng hai lập trường này là không thể dung hòa? Việc cứu nguy hành tinh phải chăng chỉ có thể thông qua một cuộc cách mạng chính trị hay chỉ cần thông qua những thay đổi mang tính kỹ thuật? Liệu có cần phải đánh bại chủ nghĩa tư bản, nguồn gốc của sự ô nhiễm ghê gớm hay ta có thể «làm xanh» hệ thống từ bên trong?’’….