Ðiểm Báo Pháp – 19/11/21
Âm mưu gài bẫy lính đánh thuê của Nga: Tình báo Ukraina, phù thủy non tay
19/11/2021 – «Kiev đã gài bẫy lính thuê Nga như thế nào : một chiến dịch táo bạo của ngành tình báo Ukraina» trước khi chính quyền của tổng thống Zelensky bị phản đòn và bị cáo buộc là một nhà phù thủy non tay. Trên đây là bài viết trên Le Figaro với nội dung gay cấn như truyện trinh thám.
Truyền thông Ukraina gọi hồ sơ này là vụ «Wagnergate», lấy tên gọi từ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga: «một nước cờ đầy mạo hiểm» mà bất ngờ Belarus nhập cuộc, phá hỏng âm mưu của Kiev. Mạng lưới điều tra Bellingcat nhắc lại vụ tai tiếng «Wagnergate» bị lộ ra ánh sáng ngày 29/07/2020 khi 33 lính đánh thuê của Nga bị bắt tại tại một khách sạn ở thủ đô Minsk-Belarus.
Ai cũng biết «đội quân trong bóng tối» của Vladimir Putin tiếp tay với phe nổi dậy ở miền đông Ukraina trong suốt giai đoan 2014-2020. Chính vì muốn thu thập được bằng chứng về «tội ác chiến tranh» của những «tay trung gian» này và trách nhiệm của Matxcơva trong xung đột tại Donbasss, sát biên giới với Nga, cuối năm 2019 bộ Quốc Phòng Ukraina đã bật đèn xanh cho nhân viên mở một chiến dịch «tuyển mộ» lính đánh thuê của Wagner. Các «ứng viên» đua nhau ghi tên, khai báo đầy đủ lý lịch, thành tích và nhất là những «chiến công» trên lãnh thổ Ukraina. Le Figaro thuật lại điều tra của nhóm Bellingcat : quá chủ quan trước những bằng chứng về trách nhiệm của Nga trong xung đột ở sườn đông, tình báo Ukraina «tham lam» muốn câu được thêm những con cá mập khác. Tháng 5/2020, tình báo Ukraina bầy kế «bắt» 33 trong số 180 lính đánh thuê của Nga. Theo kế hoạch, những người này từ Nga sang Belarus ngày 25/07/2020, để rồi họ sẽ lấy máy bay từ thủ đô Minsk lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ. Kiev dự tính trước sẽ chặn chiếc máy bay với 33 hành khách đặc biệt này và bắt giữ họ.
Kế hoạch không thành
Belarus chuẩn bị bầu cử lại tổng thống ngày 09/08/2020. Alexander Loukachenko không lo mất ghế tổng thống, nhưng bất ngờ trước làn sóng phản kháng của phe đối lập và nghi ngờ có bàn tay của Nga trong vụ này.
Chính quyền Minsk tăng cường lực lượng an ninh và nhờ vậy phát hiện nhóm 33 lính đánh thuê của Nga trên lãnh thổ Belarus. Nhóm này bị bắt ngay tại Minsk ngày 29/07/2020 và sau đó được trả về Matxcơva. Tại Kiev, câu hỏi lớn đặt ra là tại sao phải đợi đến 4 ngày từ khi toán hành khách 33 người nói trên đặt chân lên lãnh thổ Belarus cho đến khi trên nguyên tắc họ đáp máy bay rời khỏi Minsk ? Ai đã báo động cho Minsk và Matxcơva về âm mưu của Kiev gài bẫy lính đánh thuê Nga?
Báo Le Figaro kết luận: Trước mắt Bellingcat và điều tra của Quốc Hội Ukraina đều không thể đưa ra những bằng chứng để trả lời các câu hỏi này. Chỉ biết rằng, vụ việc cho thấy Kiev «dường như đã phạm phải một số sai lầm» và điều đó cho thấy tình báo Ukraina là những nhà phù thủy non tay. Trong khi đó, truyền thông Matxcơva xem thất bại ê chề này của Ukraina là «một trong những chiến dịch đặc biệt thành công nhất, phức tạp nhất trong lịch sử tình báo Nga trong giai đoạn hậu Xô Viết».
Liên Âu yếu thế với Nga
Cũng về liên quan đến Nga, Belarus và Liên Âu, Le Monde tiếp tục nói về cảnh « địa ngục trần gian » của những người nhập cư Trung Đông, dở sống, dở chết tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Kèm theo đó là hàng loạt những tiếng nói, đặc biệt là từ Pháp, kêu gọi điện Kremlin can thiệp, răn bảo chính quyền Loukachenko ngừng mang sinh mạng của người nhập cư ra mặc cả với Liên Hiệp Châu Âu.
Cây bút bình luận Alain Frachon của tờ báo ghi nhận: cứ mỗi lần gặp khó khăn, một số người lại có phản xạ cầu cứu Vladimir Putin như thể ông này có phép lạ giải quyết được tất cả. Châu Âu tin tưởng rằng đối thoại với Vladimir Putin cho phép giải quyết khủng hoảng từ ở Ukraina đến Syria và gần đây nhất là trên vấn đề với Belarus, nhưng theo nhà báo Frachon, đó là một quan điểm đã lỗi thời.
Câu hỏi đặt ra là Putin có muốn «nói chuyện» với Liên Hiệp Châu Âu hay không? Matxcơva quan niệm như thế nào về «đàm phán», «nhượng bộ»?
Trong trường hợp của Pháp, tổng thống Macron từng trải thảm đỏ tiếp Vladimir Putin tại cung điện Versailles (tháng 5/2017) khi mới vừa nhậm chức, ông đã thân chinh đến Saint Petersbourg dự diễn đàn kinh tế năm 2018 để bắc nhịp cầu với Nga. Tiếp theo đó là những cử chỉ thân mật với cá nhân tổng thống Putin. Đổi lại Paris nhận được những gì ? Nga không một bước nhượng bộ trên hồ sơ Ukraina, về Syria mà còn tăng hỏa lực, bắt rễ vào châu Phi chống phá nước Pháp, phá hoại nỗ lực của châu Âu trong vùng Balkan và giờ đây là dùng Belarus mở thêm một mặt trận mới tấn công Liên Âu.
Làm thế nào giải thích cho thái độ bất hợp tác đó của nước Nga ? Alain Frachon trả lời : đơn giản là tổng thống Putin « không quan tâm ». Ưu tiên của ông là đưa nước Nga trở lại vị trí một siêu cường và để thực hiện được mục tiêu đó Matxcơva cần có một đối thủ nếu không muốn nói là kẻ thù mà kẻ thủ đó chính là phương Tây. Trên hồ sơ vũ khí hạt nhân tầm trung, Nga đồng ý đối thoại với Mỹ nhưng không màng đến châu Âu. Ưu tiên của Matxcơva là làm suy yếu Liên Âu để chia rẽ Bruxelles với Washington. Trong những điều kiện đó, châu Âu khó mà « đối thoại với Nga (…) khi mà Matxcơva quan niệm không việc gì phải nhân nhượng ».
Sai lầm khi nói tới «Chiến tranh lạnh» giữa Mỹ-Trung Quốc
Từ một sai lầm này đến một sai lầm khác, thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaître có một bài nhận định khá thú vị : Tập Cận Bình không phải là Mao và công luận đã lạm dụng từ ngữ khi cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc « chiến tranh lạnh » thời đại mới.
Về điểm thứ nhất, nhà báo này đưa ra những khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc : Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng, chủ trương đấu tranh giai cấp, xem tư bản là kẻ thù. Cố lãnh tụ Trung Quốc không ngần ngại huy động quần chúng chống lại tầng lớp tinh hoa, để duy trì quyền lực.
Tập Cận Bình không mảy may đi theo con đường cũ. Đương kim lãnh đạo Trung Quốc cũng khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để cai trị đất nước nhưng họ Tập ghét cay ghét đắng những rối loạn trong xã hội. Ông cũng không quay lưng lại với tầng lớp nhân sĩ trí thức. Tập Cận Bình ước mơ người dân Trung Quốc là những nhà khoa học, là những kỹ sư… và xem « sự thịnh vượng chung » là kim chỉ nam trong chính sách phát triển để mỗi công dân « đều có cơ hội làm giàu ».
Cũng khác với những năm tháng Mao, người dân Trung Quốc giờ đây được tự do hơn nhiều : họ được tự do kết hôn, tự do ra nước ngoài và được quyền làm việc hay định cư ở bất cứ nơi nào, kể cả ở ngoại quốc. Đó là một khác biệt rất lớn so với thời kỳ « chiến tranh lạnh » giữa Liên Xô với Hoa Kỳ xưa kia. Đó là lý do thứ nhì giải thích vì sao gọi cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện tại là chiến tranh lạnh phiên bản mới là một sai lầm, theo tác giả bài báo. Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô và cũng không có một bức màn sắt nào ngăn cách Trung Quốc với thế giới. Sự đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày nay không chỉ thu hẹp về ý thức hệ hay quân sự mà đó là một sự đối đầu trên nhiều mặt từ địa chính trị, đến kỹ thuật, kinh tế, văn hóa …
Dù vậy, theo Frédéric Lemaître, cả Trung Quốc lẫn phương Tây cùng đem bóng ma quá khứ « chiến tranh lạnh » ra hù dọa thiên hạ, với những dụng ý khác nhau. Bắc Kinh thì muốn làm sống lại cảm tình của cánh tả tại các nước phương Tây và kể cả một số thành phần cánh hữu của châu Âu để bài « đế quốc Mỹ ». Còn các nền dân chủ phương Tây thì chĩa mũi dùi vào Trung Quốc để đánh lạc hướng công luận trước những khó khăn của chính mình.
Sống mãi với virus corona
Mệt mỏi vì phải chung sống quá lâu với Covid-19 là hồ sơ lớn trên báo La Croix. Còn Le Figaro ghi nhận « chưa ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz đã bị virus corona hành hạ » : thủ tướng Đức tương lai bị chỉ trích thụ động vào lúc đất nước phải đối mặt với đợt dịch mới. Mỗi ngày có thêm khoảng 50 ngàn ca nhiễm. « Virus corona xâu xé chính trường Đức », tựa của nhật báo kinh tế Les Echos.
Trong phần trang xã hội, Libération có bài viết mang kêu gọi « Tất cả cùng nhau hô to câu hỏi Bành Súy cô ở đâu ? » Tờ báo muốn nói đến hoàn cảnh của nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy đã mất tích sau lời cáo buộc cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ cưỡng bức tình dục, ép cô trở thành người tình. Tờ báo kể lại câu chuyện của nữ vận động viên trẻ và người tình già đầy thế lực trong guồng máy đảng Cộng Sản Trung Quốc trước khi kết luận rằng hai tháng trước Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, đây là cơ hội để đòi Trung Quốc trả lời câu hỏi tay vợt « Bành Súy đang ở đâu ? ».
Về thời sự Pháp, Le Monde dành hồ sơ lớn cho việc Pháp khởi động lại ngành năng lượng hạt nhân, một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi trước bầu cử tổng thống vào tháng 4/2022. Cũng để chuẩn bị cho cuộc tuyển cử này, cánh hữu đảng Những Người Cộng Hòa có dấu hiều « hồi sinh » – chủ đề lớn trên báo Le Figaro thiên hữu. Tờ báo kinh tế Les Echos thực sự phấn khởi với tin tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus tận dụng cơ hội Boeing gặp khó khăn để « gặt hái hợp đồng » tại hội chợ hàng không Dubai.
Thanh Hà
Phương Tây lo sợ nước Nga động binh ở Ukraina
18/11/2021 – Châu Âu căng thẳng với những đe dọa, tranh chấp địa chính trị, mà tâm điểm là nước Nga, châu Âu căng thẳng trước làn sóng dịch Covid mới đang nổi lên trở lại ở khắp nơi trên lục địa. Đó là những chủ đề thời sự nổi bật được nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay đề cập.
Le Monde chạy tựa lớn «Covid: Châu Âu lại trở thành tâm dịch», đồng thời tờ báo trở lại với vụ «bắn tên lửa Nga làm dấy lên căng thẳng trong không gian». Nhật báo Le Figaro, bên cạnh lo lắng về kinh tế, với «lạm phát trở lại đang phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế» toàn cầu, là mối lo nguy cơ chiến sự nổ ra ở Ukraina khi Nga tập trung quân về biên giới với Ukraina. Trong khi đó, tựa chính trang nhất của Libération và Les Echos đều dành cho làn sóng dịch mới đang bùng phát ở châu Âu.
Những ngày gần đây nước Nga được dư luận báo chí châu Âu nhắc đến nhiều trong các sự kiện lớn. Trang quốc tế nhật báo Le Figaro ghi nhận: «Ukraina lo sợ một cuộc tấn công của Nga ở vùng Donbass». Nguyên do là vì, từ cuối tháng 10, Nga đã dồn một lực lượng khoảng 100 nghìn quân áp sát biên giới với Ukraina. Việc di chuyển quân này khiến Mỹ và các nước châu Âu lo ngại Nga có thể hỗ trợ lực lượng nổi dậy ly khai ở miền Đông Ukraina. Đó là vùng đất mà từ năm 2014 đến giờ, lực lượng ly khai và quân chính phủ vẫn giành giật nhau từng ngày. Từ khi quân đội Nga tập trung gần biên giới phía đông Ukraina, chiến sự giữa quân đội của Kiev và lực lượng ly khai lại nổ ra thường xuyên hơn.
Le Figaro lưu ý, từ mùa xuân năm nay, Nga đã cho tập trung quân sát biên giới với Ukraina, rồi sau đó đã cho rút bớt quân, nhưng vẫn để lại thiết bị vũ khí. Một quan chức cao cấp của Ukraina được tờ báo dẫn lời khẳng định: «Về mặt kỹ thuật, quân Nga sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mới từ hồi tháng 3. Họ chỉ cần đưa quân trở lại và tổ chức tấn công».
Những chuyển động quân sự lớn và bất thường của Nga từ cuối tháng 10 đang khiến không chỉ Ukraina mà Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây không khỏi lo ngại tái diễn kịch bản thôn tính Crimée.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khẳng định: «Chúng tôi sợ rằng Nga phạm phải sai lầm nghiêm trọng là định lặp lại những gì họ đã làm năm 2014». Cùng mối lo đó, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh cáo sẽ chống lại mọi hành động xâm lược mới ở biên giới Ukraina. Các nước trụ cột của EU như Đức và Pháp cũng đồng thanh tỏ lo ngại.
Trong khi đó tại Ukraina, giới chính trị có những diễn giải khác nhau về hành động của Nga. Một số người cho rằng đó là chỉ để gây áp lực với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, để buộc ông phải có chính sách mềm dẻo hơn với Matxcơva và cũng là gây áp lực với tổng thống Mỹ Joe Biden để Washingon giữ khoảng cách với Kiev.
Một câu hỏi Le Figaro đặt ra: Giữa lúc Nga đang tập trung vào cuộc chiến năng lượng, khí đốt và khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan – Belarus, liệu Kremlin có thể cho phép mình mở một mặt trận mới trong vùng?
Tờ báo trích dẫn phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Alexandra Goujon: «Mục đích của Nga là làm cho Ukraina sợ bằng đe dọa thường xuyên trong vùng. Mục tiêu của ông Vladimir Putin là sáp nhập Crimée và gây mất ổn định Ukraina thì đã đạt được. Từ giờ, ý đồ của ông là duy trì Ukraina trong trạng thái bất ổn thường trực».
Tuy nhiên, tờ báo lưu ý là không thể nói trước được gì, như giới quan sát đã nhắc lại, hồi năm 2013, không có ai nghĩ rằng Nga lại sáp nhập Crimée.
Không gian: Tên lửa Nga gây lo ngại
Chuyển qua sự kiện khác liên quan đến Nga cũng đang gây ồn ào dư luận quốc tế những ngày qua. Nhật báo Le Monde trở lại với vụ Nga bắn tên lửa phá hủy vệ tinh hôm 15/11 khiến cả thế giới lo lắng vì «viễn ảnh về một cuộc chiến tranh không gian lại được khơi dậy», tựa của tờ báo.
Le Monde nhận thấy, sau vụ Nga bắn tên lửa phá hủy những vệ tinh cũ không hoạt động của mình, nhiều thắc mắc đang đặt ra về động cơ thực sự của Nga trong việc này. Tại sao Nga lại dùng tên lửa nhiều rủi ro như vậy khi mà 2 phi hành gia của họ cũng đang có mặt trên Trạm Không gian Quốc tế ISS ? Liệu đó có phải là hành động chỉ để biểu dương sức mạnh trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Nga và phương Tây?
Có một điều mà Le Monde ghi nhận: ngay sau hôm chính quyền Nga xác nhận và ca ngợi thành công của vụ bắn tên lửa này, một loạt các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đồng thanh phản ứng lên án tính chất nguy hiểm của việc làm trên.
Nhưng theo Le Monde, vụ bắn phá vệ tinh bằng tên lửa của Nga là tín hiệu cho thấy không gian đang trở thành một môi trường có thể gây xung đột như những nơi khác trên trái đất, mà chủ yếu diễn ra giữa các cường quốc.
Điều lo ngại ở đây là những chuẩn mực hay hiệp ước quốc tế trong không gian không rõ ràng, còn gây tranh cãi từ năm 1967. Việc dùng tên lửa phá vệ tinh cũ thì Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã nhiều lần thử làm. Thách thức hiện nay là xác định đó có phải là hành động quân sự hóa không gian, hay là hành động thù địch.
Vấn đề này đã gây tranh luận về nhiều khía cạnh kỹ thuật, pháp lý, chính trị, nhưng có điều là đến giờ, không tồn tại chính thức khái niệm «lãnh thổ» trong không gian. Theo Le Monde, đã có nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này tại Liên Hiệp Quốc, trong cuộc họp thượng đỉnh mới đây tại Bruxelles, NATO đã xác định «các cuộc tấn công hướng tới không gian, từ không gian hay trong không gian» là «thách thức có thực» đối với an ninh của Liên minh. Vẫn lại là những câu chữ chung chung, không rõ ràng.
Châu Âu: Làn sóng dịch Covid-19 từ đông sang Tây
Châu Âu đang bước vào một mùa đông với mối lo dịch Covid 19 bùng lên mạnh ở khắp nơi, lục địa này một lần nữa đang trở thành tâm dịch.
Tất cả các báo đều nói đến một «làn sóng dịch mới» đang nổi lên. Les Echos chạy tựa chính «Covid: Làn sóng mới». Trang nhất của Libération đăng hình một biểu đồ đỏ rực đi lên theo chiều thẳng đứng với hàng tựa lớn «Covid ở châu Âu: Đối mặt với sóng». Trang sự kiện của Libération dành toàn bộ cho chủ để dịch Covid ghi nhận: «Covid ở châu Âu: phía đông mất kiểm soát, phía Tây mất niềm tin».
Bài phóng sự của Libération cho thấy từ Bulgari, Cộng Hòa Séc, Áo rồi qua Đức, một làn sóng dịch thứ 5 đang nổi lên với mức độ lây lan đáng lo ngại. Tờ báo ghi nhận, «không có gì ngạc nhiên, những nước bị dịch nặng nhất trong đợt dịch thứ 5 là những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc những nước tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng lại buông lỏng hay từ bỏ các hạn chế phòng dịch».
Hậu quả là các ca nhiễm mới tăng vọt. Các nước như Cộng Hòa Séc hay Slovakia liên tiếp những ngày qua lập kỷ lục ca nhiễm hàng ngày với trên dưới 20 nghìn. Các nước Ba Lan, Hungary có số ca nhiễm trở lại mức như hồi mùa xuân năm nay. Số người bệnh nhập viện cũng tăng nhanh chóng. Khu vực Trung Âu trở lại là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Làn sóng dịch mới bùng lên dữ dội ở Đông Âu giờ đang nhanh chóng lan sang phần Tây Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Áo rồi Hà Lan, Bỉ. Ở những nước này tỷ lệ tiêm chủng dường như mới đủ để bảo vệ hệ thống y tế không bị quá tải, chứ không thể đủ để ngăn đà lây lan của dịch. Một loạt nước bắt đầu giật mình vì đã buông lỏng các biện pháp phòng chống dịch, bắt đầu phải lục lại những công cụ cũ: Làm việc từ xa, chứng nhận y tế, hay phong tỏa từng phần, và nhất là tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Châu Âu một lần nữa trở thành «tâm đại dịch». Liberation cho biết, trong tuần đầu tháng 11, châu Âu có số ca nhiễm mới tăng 60% và số ca tử vong cũng tăng 55%. Duy nhất chỉ còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp dường như vẫn kháng cự được khá tốt. Nhưng được bao lâu nữa? Tờ báo hoài nghi đặt câu hỏi.
Châu Âu tấn công nạn phá rừng trên toàn cầu
Sau hội nghị khí hậu toàn cầu COP 26 vừa diễn ra tại Glasgow, Scotland, Liên Hiệp Châu Âu đã bắt tay ngay vào việc bằng hành động cụ thể. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin: «Liên Hiệp Châu Âu muốn loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng». Theo tờ báo, hôm 17/11, Ủy Ban Châu Âu đã giới thiệu một cơ chế để đóng cửa thị trường EU đối với sản phẩm có nguồn gốc liên quan đến nạn phá rừng. Các quy định mới sẽ được áp dụng đối với một loạt sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, ca cao, cà phê và dầu cọ, thịt bò và gỗ rừng, cũng như các sản phẩm phụ khác.
Theo Les Echos, trong khoảng từ 1990 đến 2020, Trái đất đã mất đi 180 triệu ha rừng, một diện tích rộng gấp 3 nước Pháp. Châu Âu và Trung Quốc là 2 nơi nhập khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng. Dự án của Châu Âu có tham vọng là trong bốn năm nữa, thị trường của châu lục sẽ sạch bóng các sản phẩm có liên quan đến phá rừng.
Dự án của Ủy Ban Châu Âu được nhiều nước ủng hộ, nhưng sẽ còn phải đưa ra thảo luận tại Hội Đồng Châu Âu trước khi trình Nghị Viện Châu Âu thông qua. Nếu được áp dụng, cơ chế này của Châu Âu sẽ có tác động đến nhiều hiệp định thương mại mà châu Âu đã ký với các khu vực, trong đó có nhiều nơi mà hoạt động phá rừng làm nông nghiệp vẫn không kiểm soát được.
Anh Vũ