Ðiểm Báo Pháp – 17/9/21
Pháp: Chiến lược Thái Bình Dương lâm nguy sau “cú đâm sau lưng” của Úc?
Cơn chấn động từ vụ Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp và phản ứng giận dữ của Paris nhắm vào Washington, bị cho là đã ép Canberra, dĩ nhiên đã được báo chí Pháp ra ngày 17/09/2021 đưa tin và bình luận rộng rãi. Các báo đều nhấn mạnh đến căng thẳng ngoại giao Pháp-Mỹ và nhất là nguy cơ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, vốn dựa rất nhiều trên Úc, bị sụp đổ. Bên cạnh đó, phản ứng gay gắt của Trung Quốc về liên minh Anh-Mỹ-Úc AUKUS cũng được chú ý.
Không hẹn mà gặp, các nhật báo lớn tại Pháp đều đưa lên trang nhất sự kiện liên minh Úc-Anh-Mỹ cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vừa được chính thức loan báo và những diễn biến xung quanh vụ này. Cả 4 tờ Le Monde, Le Figaro, Libération và Les Echos đều dành tít lớn nhất cho chủ đề này, còn riêng La Croix, dù chọn làm tựa lớn sự kiện văn hóa Khải Hoàn Môn Paris được phủ kín bằng lớp vải bạc, nhưng cũng giới thiệu ngay trang nhất hồ sơ về vụ hợp đồng tàu ngầm, kèm theo bài xã luận với lời lẽ khá chua chát.
Le Monde: “Khủng hoảng công khai giữa Pháp và Mỹ”
Hai tờ Le Monde và Le Figaro hầu như chạy cùng một tít: Le Monde nêu bật: “Tàu ngầm: Khủng hoảng công khai giữa Paris và Washington” trong lúc Le Figaro nói cụ thể hơn một chút: “Khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Hoa Kỳ”.
Le Monde trước hết nhắc lại bối cảnh vụ việc: Hoa Kỳ, Úc và Vương Quốc Anh ngày 16/09/2021 đã tuyên bố thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược và hạt nhân chưa từng có trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Liên minh mang tên AUKUS – kết hợp các chữ đầu trong tên gọi của ba nước – Australia (Úc), UK hay United Kingdom (Anh) và US hay United States (Mỹ) – theo tờ báo, sẽ mang lại cho nước Úc một bước nhảy vọt về công nghệ và quân sự, với mục tiêu chống lại tốt hơn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chính vì vậy mà Canberra đã từ bỏ việc mua 12 tàu ngầm do Pháp sản xuất, một “hợp đồng thế kỷ” được ký kết năm 2016, dự trù trải dài trong 50 năm. Quyết định đơn phương này của Úc dĩ nhiên đã khiến Pháp nổi cơn thịnh nộ. Le Monde trích lại lời của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, tố cáo một “cú đâm sau lưng”, và tuyên bố của bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly, lên án lập trường “thiếu nhất quán” của đồng minh Mỹ.
Đối với tờ báo Pháp, việc mất đi một hợp đồng trị giá 35 tỷ euro này, trong đó riêng Pháp được hưởng 8 tỷ, là một vố rất đau cho ngành công nghiệp đóng tàu và vũ khí của Pháp.
Le Figaro: Mỹ tranh thủ Úc trong chiến lược chống Trung Quốc
Le Figaro cũng nhắc lại phản ứng gay gắt của Pháp cho rằng việc Úc hủy bỏ hợp đồng khổng lồ mua tàu ngầm của Pháp dưới áp lực của Mỹ, là một đòn “đánh lén” không xứng đáng trong quan hệ giữa đồng minh.
Theo tờ báo, chính ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đánh giá là khi buộc Úc phải hủy một hợp đồng tàu ngầm đã ký với Pháp, Mỹ đã đâm vào sau lưng Pháp. Đối với tờ báo, vụ này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng chẳng khác gì vụ Irak năm 2003 và vụ Syria năm 2013. Le Figaro nhắc lại tuyên bố giận dữ của ngoại trưởng Le Drian: “Quyết định đơn phương, thô bạo, không thể đoán trước này (của chính quyền Biden) rất giống với những gì ông Trump đã làm”.
Điểm lý thú là tờ báo Pháp cũng đặt mình vào vị trí của Mỹ, nhận định rằng khi đồng ý chia sẻ công nghệ động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhạy cảm với Úc, ông Joe Biden như đang nỗ lực tranh thủ một đối tác quan trọng trong chiến lược của ông nhằm kiềm chế Trung Quốc, thúc đẩy Canberra dấn thân mạnh mẽ hơn về mặt Hải Quân trong bối cảnh căng thẳng tăng cao quanh Đài Loan. Khi nâng cấp quan hệ với Úc, ông Biden cũng khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trấn an các đồng minh đang phải đối đầu với Bắc Kinh.
Theo Le Figaro, đây quả là một thách thức cho các chiến lược gia Trung Quốc, những người đang đặt cược vào đà tàn lụi không thể tránh khỏi của cường quốc hàng đầu thế giới.
Có điều là khi đẩy mạnh quan hệ với Anh và Úc, Mỹ lại giáng thêm một đòn mới vào các đối tác châu Âu, sau quyết định triệt thoái khỏi Afghanistan mà không hề hội ý trước. Thực tế này, theo tờ báo Pháp, chắc hẳn là sẽ khơi lại cuộc tranh luận về “sự tự chủ chiến lược” cần thiết của châu Âu và những điểm yếu kém của NATO.
Một nguồn tin ngoại giao đã nhận định như sau về việc Úc hủy hợp đồng với Pháp: “Đây không chỉ là việc chấm dứt một hợp đồng, mà là một vấn đề chiến lược đối với châu Âu”.
Les Echos: Cả Paris lẫn Bắc Kinh đều phẫn nộ
Tương tự như các đồng nghiệp, nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa lớn trang nhất cho căng thẳng ngoại giao Pháp Mỹ nẩy sinh từ vụ Canberra hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm đã ký với Paris do sức ép của Washington. Tờ báo tuy nhiên đã phân tích “Mặt dưới của cuộc khủng hoảng”, như được nêu lên trong tựa lớn trang nhất.
Đối với Les Echos, rõ ràng là việc hợp đồng tàu ngầm bị hủy bỏ đã mở ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Pháp và Mỹ, vừa là một quả búa tạ giáng xuống đầu Naval Group, tập đoàn đóng tàu của Pháp, vừa là một cái tát vào mặt ngành ngoại giao Pháp
Theo ghi nhận của tờ báo, đây quả là một đòn “trời giáng” làm tập đoàn Pháp phải “chết đứng”, vì chỉ mới đầu tuần, phía Úc vẫn còn đàm phán về các mốc cuối cùng của hợp đồng thiết kế.
Nếu Paris tức giận vì hợp đồng bị hủy, thì theo Les Echos, liên minh quân sự AUKUS cũng khiến Bắc Kinh nổi trận lôi đình. Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc ba lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc nuôi dưỡng “tâm lý chiến tranh lạnh” và sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích địa chính trị.
Tờ báo Pháp đặc biệt chủ ý đến quan hệ Anh Pháp sau vụ này, vì lẽ trong tư cách là thành viên liên minh AUKUS, Luân Đôn đã mặc nhiên góp phần vào cú “đánh lén” Paris, và điều đó đặt ra câu hỏi về về tương lai của Hiệp Ước Lancaster House, vốn đã gắn bó hợp tác quân sự giữa Pháp và Anh kể từ năm 2010, ngay cả khi thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định công cuộc hợp tác này là “vững như đá”.
Về phần Châu Âu nói chung, việc ba nước Anh-Mỹ-Úc liên kết với nhau có thể là một tấm gương khuyến khích Châu Âu xây dựng các liên minh của riêng mình với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Libération: Liên minh ở Thái Bình Dương không yên bình
Riêng Libération thì nhận định một cách mỉa mai về sóng gió bùng lên sau một liên minh tại khu vực Thái Bình Dương. Tựa lớn trang nhất tờ báo đánh giá: “Liên minh Hoa Kỳ-Anh Quốc-Úc: Không thái bình lắm”.
Đối với Libération, việc Canberra hủy bỏ “hợp đồng thế kỷ” với Pháp để chạy theo tàu ngầm Mỹ đã tạo ra phản ứng giận dữ trong ngành ngoại giao Pháp, đang thấy rằng chiến lược của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bị suy yếu.
Trong bài xã luận mang tựa rất sốc “Cái tát”, tờ báo thiên tả Pháp không ngần ngại cho rằng việc Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp không đơn thuần mang ý nghĩa thương mại, mà còn là dấu hiệu cho thấy toàn bộ chiến lược của Pháp ở vùng Thái Bình Dương đang bị sụp đổ.
Chiến lược này được tổng thống Emmanuel Macron kiên nhẫn xây dựng và hoàn thiện từ khi bước vào Điện Elysée. Vào năm 2018, tổng thống Pháp đã đứng trên một chiến hạm tại căn cứ quân sự Úc Garden Island ở Sydney và hứa hẹn “một kỷ nguyên mới của sự can dự của Pháp vào vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương”. Đó là chuyến công du thứ hai của một nguyên thủ Pháp tới Úc trong vòng chưa đầy 4 năm, một hoạt động ngoại giao năng nổ mà ông Macron giải thích là do Pháp muốn “bảo vệ thế cân bằng trong khu vực”.
Vào tháng 6 vừa qua, khi nói chuyện với thủ tướng Úc nguyên thủ quốc gia Pháp đã nhắc lại rằng mối quan hệ đối tác với Canberra là “trọng tâm của chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Thế mà ngay sau đó, người đối thoại của ông Macron đã quay sang phía Washington, tận dụng lợi thế của G7 để ký kết với Biden và Johnson một liên minh mới.
Mạng lưới Pháp dày công xây dựng bị tổn hại?
Về phần mình, trong bài “Khủng hoảng ngoại giao giữa Washington và Paris về tàu ngầm Úc”, nhật báo Le Monde cũng ghi nhận rằng tuyên bố về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc là “một nhát dao lớn chém vào mạng lưới mà ngành ngoại giao Pháp đã cực nhọc thêu dệt trong những năm gần đây ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo Le Monde, để tránh bị kẹt trong gọng kềm của cuộc đấu Mỹ-Trung, Paris đã thúc đẩy quan hệ công nghiệp-quân sự với Canberra, xem đó là một trong những trụ cột đầu tiên của chiến lược mới trong khu vực. Vào tháng 4 vừa qua, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian rất vui khi lần đầu tiên có thể thực hiện một cuộc đối thoại ba bên, ở cấp bộ trưởng, giữa Pháp, Ấn Độ và Úc, ngoài quan hệ đối tác chiến lược truyền thống.
Cách đây hai tuần, trong một tuyên bố chung, hai bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Pháp và Úc còn “nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm trong tương lai”. Thế nhưng, theo Le Monde: “Hôm thứ Tư 15/09 vừa qua, mọi hứa hẹn đã biến thành mây khói”.
Trung Quốc: Đối tượng bị liên minh AUKUS nhắm tới
Theo Le Monde, cả thông cáo báo chí của AUKUS và ba nhà lãnh đạo họp với nhau qua cầu truyền hình đều không trích dẫn Trung Quốc. Nhưng nước này hiển nhiên xuất hiện ở hậu cảnh, đằng sau mỗi câu nói.
Một ví dụ được Le Monde nêu bật là với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Úc sẽ có những phương tiện chưa từng có để tuần tra Biển Đông. Các tàu ngầm này có khả năng lặn sâu dưới nước trong thời gian dài, tránh bị phát hiện.
Riêng về thời điểm đưa ra thông báo về việc thành lập AUKUS, hai tuần sau khi kết thúc việc rút quân khỏi Afghanistan, điều đó cho phép Washington xác nhận ưu tiên địa chính trị của họ: Chống lại thế lực đang bành trướng của Bắc Kinh. Vào ngày 24/09, tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ lần đầu tiên chào đón ba đồng lãnh đạo của Bộ Tứ: Thủ tướng Úc và hai đồng cấp Ấn Độ và Nhật Bản, Narendra Modi và Yoshihide Suga. Bộ Tứ là một trong những định dạng liên minh linh hoạt và nhạy bén mà Hoa Kỳ muốn ưu tiên hơn, để đối phó với Trung Quốc.
Với thông báo này, chính quyền Biden cũng gửi thông điệp về cam kết chính trị và quân sự đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan đã khuấy động nhiều thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Các quan chức Mỹ thường bị chất vấn về sự chân thành và quyết tâm ủng hộ Đài Loan và Ukraina. Trong phiên điều trần tại Hạ Viện Mỹ hôm 13/09, khi được hỏi về vấn đề này, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: “Chúng tôi đang tuân thủ các cam kết của mình với hai quốc gia này”. Tuy nhiên, nhìn từ Paris, giá trị của các cam kết về nguyên tắc của Mỹ dường như đột nhiên bị mất giá.
Trọng Nghĩa