Ðiểm Báo Pháp – 16/4/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 16/4/21

Mỹ – Trung: Đã đến lúc thay đổi chiến lược về Đài Loan?

16/04/2021 – Chuyện hy hữu: Le Monde số ra ngày 16/04/2021 có đến 8 bài báo để nói về châu Á. Xã luận của tờ báo dành cho Afghanistan, nhưng Đài Loan chiếm những trang đầu của nhật báo khi trở thành «tâm điểm trong căng thẳng Mỹ-Trung» và kịch bản nào nếu như hòn đảo này bị đánh chiếm?

Hai thông tín viên của Le Monde, Frédéric Lemaître và Gilles Paris, một từ Bắc Kinh và một tại Washington, điểm lại những sự kiện trong những tháng gần đây cho thấy chính quyền Biden càng lúc càng quan tâm đến Đài Loan.

Hơn 40 năm trước, Joe Biden khi đó là một thượng nghị sĩ trẻ tuổi, từng bỏ phiếu ủng hộ Taiwan Relations Act, một bộ luật cho phép Washington và Đài Bắc thiết lập quan hệ « không chính thức ». Văn bản được cho ra đời để làm đối trọng với hai sự kiện khác : Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và Washington công nhận « nguyên tắc một nước Trung Hoa ». Cũng chính đạo luật về quan hệ với Đài Loan này đã cho phép Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Bắc để tự vệ, nhưng không hẳn quy định rõ về trách nhiệm của Mỹ can thiệp quân sự trong trường hợp Đài Loan bị lấn chiếm.

Phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ, cựu thứ trưởng ngoại giao, Richard Armitage, trong chuyến công du Đài Loan, ngày 15/04/2021.
Phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ, cựu thứ trưởng ngoại giao, Richard Armitage, trong chuyến công du Đài Loan, ngày 15/04/2021. AFP – ANN WANG

Ngoài ra, điều luật còn ngăn cản Đài Bắc tuyên bố độc lập với Hoa Lục đồng thời tránh kịch bản Bắc Kinh thôn tính Đài Loan. Đó là điều hai đồng tác giả của báo Le Monde gọi là « một sự mập mờ về chiến lược ».

Mỹ cần một thái độ «rõ ràng» về Đài Loan

Hơn bốn thập niên đã trôi qua, Taiwan Relations Act có còn tính thời sự nữa hay không ? Tháng 3/2021, đô đốc Philip Davidson, chỉ huy trưởng lực lượng Ấn Độ -Thái Bình Dương khẳng định « Đài Loan rõ ràng là một trong những tham vọng Trung Quốc » đang nhắm tới và có thể là « sáu năm tới » nguy cơ đó sẽ xảy ra. 

Trên chính trường Mỹ, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi xem xét lại chính sách của Washington với Đài Loan. Le Monde trích lời chủ tịch cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations, Richard Haas cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ cần thay thế thái độ «mập mờ» bằng một «chiến lược rõ ràng», quy định rõ là «Mỹ sẽ can thiệp trước mọi hành động của Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan bằng vũ lực».

Thế còn lập trường của Đài Loan và Trung Quốc thì sao? Tổng thống Thái Anh Văn từng quả quyết: «Đôi bờ của eo biển Đài Loan có bổn phận tìm ra một phương tiện để cùng chung sống trong lâu dài (…) cùng có trách nhiệm ngăn chận hiềm khích và bất đồng hằn sâu thêm».

Về phía Trung Quốc, Le Monde nhắc lại Bắc Kinh đưa ra những lời lẽ hung hăng nhưng theo quan điểm của ba chuyên gia về Trung Quốc hàng đầu của Mỹ, «ưu tiên của Trung Quốc hiện tại và trong tương lai gần, là tránh để Đài Loan tuyên bố độc lập chứ không phải là để thống nhất», vùng lãnh thổ này.

Sách «2034» không hoàn toàn là chuyện giả tưởng

Dù vậy bài viết thứ hai cũng trên Le Monde không lạc quan bằng, khi giới thiệu cuốn sách về chiến lược quân sự của Trung Quốc để thâu tóm toàn bộ Biển Đông. «Xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực là một cột mốc quan trọng».  2034 là tựa đề một cuốn sách mang tính chính trị và khoa học giả tưởng, vừa được hai cựu quân nhân Mỹ cho xuất bản hồi tháng 3/2021(NXB Penguin Press, 305 trang và chưa dịch sang tiếng Pháp).

Hai đồng tác giả là Elliot Ackerman và đô đốc James Stavridis, một người từng phục vụ trong Nhà Trắng và người kia từng lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại châu Âu. Cuốn sách kết thúc bằng cảnh «một quả bom nguyên tử dội xuống Thượng Hải», và Ấn Độ đứng ra làm trung gian cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc ký hòa ước.

Đó là chuyện giả tưởng. Nhưng bên cạnh cuốn sách của hai nhà quân sự Mỹ này, một kịch bản thứ ba tai hại không kém đã được nhà nghiên cứu Ian Easton, giám đốc nhóm chuyên gia mang tên Project 2049 Institute nêu lên với báo le Monde: đó là kịch bản «trong các đợt bầu cử 2024 hay 2028 cử tri Đài Loan bỏ phiếu cho ứng viên thân Bắc Kinh, Đài Loan sẽ bị khuynh đảo và sụp đổ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nỗ lực để xé Đài Loan ra thành từng mảnh nhỏ từ ở bên trong».

Pháp củng cố quyền lợi tại Ấn Độ -Thái Bình Dương

Cũng tham vọng làm bá chủ của Trung Quốc đã đưa chân ngoại trưởng Pháp đến Ấn Độ : lấy cớ dự đối thoại ngoại giao khu vực Raisina Dialogue dưới sự chủ tọa của New Delhi, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian công du Ấn Độ với chủ đích « củng cố sư hiện diện của Pháp, bảo vệ quyền lợi của Pháp trước lòng tham của Trung Quốc tại Ấn Độ- Thái Bình Dương

Trước hết là quyền lợi kinh tế : Paris kỳ vọng bán thêm chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ. Hơi thất vọng là New Delhi viện cớ đại dịch Covid-19 để hủy buổi làm việc được dự trù giữa ngoại trưởng Pháp với thủ tướng Narendra Modi vào phút chót.

Không chắc Paris toại nguyện với hồ sơ bán chiến đấu cơ Rafale cho New Delhi hay với dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Ấn Độ. Ngược lại theo tờ báo, đôi bên có khả năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ không gian.

Le Monde còn 5 bài báo khác cũng về châu Á, chung quanh những đề tài «Trước quyết tâm của Mỹ đương đầu với Trung Quốc, Đức sẽ phải có những chọn lựa thực sự», «Đức đánh cược vào Đông Nam Á, để thay thế Trung Quốc».

Chủ đề thứ ba là một bài phóng sự về bộ mặt tiêu điều của Mae Sot. Đây là một thành phố sát biên giới Miến Điện và Thái Lan : nguyên nhân do Covid-19 mà ra. Bài báo thứ tư trên Le Monde trở lại với vụ Montenegro « vòi tiền » Liên Hiệp Châu Âu để thanh toán nợ cho Trung Quốc và bài viết sau cùng về châu Á trong số báo hôm nay của Le Monde dành phân tích về quyết định « thực tế nhưng đầy rủi ro » của Mỹ khi rút quân khỏi Afghanistan.

Bị Nga đe dọa, Ukraina cầu cứu châu Âu

Phần trang quốc tế của báo Le Figaro tập trung vào chiến sự rình rập tại biên giới giữa Nga và Ukraina, nhân dịp chiều nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Volodymyr Zelensky tại điện Elysée. Bên cạnh bài phỏng vấn tổng thống Ukraina dành cho tờ báo, đáng chú ý hơn cả là bài phân tích vì sao trước đây Matxcơva « có thể chấp nhận » được ông Zelensky nhưng giờ đây người hùng của Kiev đang trở thành « kẻ thù không đội trời chung » trong mắt chính quyền Nga.

Le Figaro giải thích ngắn gọn : tháng 4/2019 Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống, Kremlin không mấy hài lòng nhưng liền sau đó là giai đoạn « tan băng » giữa Kiev và Matxcơva. Nhưng thời kỳ đó đã qua.

Từ đầu năm đến nay xung đột bùng lên trở lại tại Donbass, miền đông Ukraina. Điện Kremlin tăng quân sát biên giới giữa Nga và Ukraina và cả trên bán đảo Crimée đã bị Matxcơva thôn tính.

Căn nguyên nguồn cội do tổng thống Zelensky khai thác tinh thần bài Nga để đánh lạc hướng công luận về những thất bại của chính mình : GDP của Ukraina giờ đây chỉ bằng 80 % so với hồi 2014. Điểm tín nhiệm của nguyên thủ Ukraina « rơi tự do ». Là người của sân khấu, Volodymyr Zelensky nhậy bén nhận ra rằng chĩa mũi dùi vào Nga giúp ông đảo ngược thế cờ.

Tháng 2/2021, Kiev ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào cánh tay nối dài của Matxcơva tại Ukraina là lãnh đạo đảng đối lập Viktor Medvedtchouk. Ba đài truyền hình Ukraina thân Nga bị đóng cửa. Về quân sự, Zelensky tăng quân và triển khai vũ khí hạng nặng đến vùng Donbass trong tay phe đòi ly khai. Kiev nhắc lại mục tiêu đòi gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Với Matxcơva, Zelensky đã đi quá đà, “thực sự vượt qua lằn ranh đỏ».

Covid-19 từ tai họa này đến thảm cảnh khác

Trong phần trang quốc tế hay những bài báo dành cho thời sự của nước Pháp, Covid-19 tiếp tục chiếm nhiều trang. Les Echos nói đến «tấn bi kịch» của Brazil khi chính phủ «không ban hành các pháp phong tỏa và chỉ có rất ít vac-xin» để ngăn chận đà lây lan: «Thảm họa đang cận kề».

Báo La Croix thì đặt câu hỏi Pháp «có đạt mục tiêu về chính sách tiêm chủng» cho 20 triệu rồi 30 triệu dân từ nay đến giữa tháng 6/2021 ? Câu hỏi này không phải vô cớ vào lúc mà hai trong số 4 loại vac-xin đang «đặt ra nhiều vấn đề»: AstraZeneca (đã được sử dụng) và Janssen (chưa chính thức được dùng để tiêm chủng cho đại chúng) bị nghi ngờ gây chứng đông máu khiến công luận hoang mang. Libération nêu lên một câu hỏi khác: «Được chích ngừa rồi liệu ta vẫn có thể bị nhiễm virus corona và lây sang những người khác hay không?».

Vào lúc Pháp vượt ngưỡng 100.000 người chết vì Covid-19, báo Le Figaro điểm lại xem vùng nào bị nặng nhất : theo các thống kê, 70 % những ca tử vong chết tại bệnh viện ; 45,8 % nạn nhân thuộc độ tuổi ngoài 80.

Về mặt địa lý Ile de France, tức Paris và các vùng phụ cận phải trả giá đắt hơn cả với gần 18.000 người chết. Nhưng tính theo tỷ lệ dân số thì Ile de France chỉ đứng hạng 3, sau vùng Grand Est và Bourgogne Franche Comté ở miền đông nước Pháp. Tại vùng Grand Est chẳng hạn cứ trên 100.000 dân có 166 người thiệt mạng vì virus corona.

«Tảng đá» vững chắc của Vương quốc Anh

Trong vài giờ nữa Anh Quốc tổ chức trọng thể lễ an táng hoàng thân Philip, phu quân của nữ hoàng Elizabeth II, tạp chí cuối tuần của tờ Le Figaro dành nhiều trang để nhìn lại một cuộc hôn nhân 73 năm rất « tâm đầu ý hợp » của một cặp vợ chồng « gần » như biết bao nhiêu cặp vợ chồng khác trên thế giới.

Có khác chăng là với Philip, Elizabeth ngoài vai trò là vợ, là mẹ, bà còn là nguyên thủ trị vì trên cả một vương quốc rộng lớn và Philip là « thần dân trung thành nhất của bà ». Trước giờ chia tay, hai trong số rất nhiều những hình ảnh tờ báo này giữ lại từ quận công Edimbourg: thứ nhất, ông là người đã cho phép ống kính camera truyền hình vào hoàng cung và khuyến khích người vợ vốn khá nhút nhát đến gần với công chúng. Điểm thứ nhì là hoàng thân Philip đã luôn có cái nhìn bao dung với cô con dâu cả là cố công nương Diana, vợ đầu của thái tử Charles và cho đến tận bây giờ ông luôn giữ một bức hình của nàng dâu trưởng trên bàn làm việc.

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210416-my-trung-quoc-dai-loan-chien-luoc

Bắc Kinh đẩy châu Âu về phía Biden

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo chung tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2021.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo chung tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2021. AP – Virginia Mayo

Dịch Covid-19 và công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris – Notre-Dame de Paris tròn hai năm bị hỏa hoạn là hai chủ đề chính trên tất cả các nhật báo lớn của Pháp ra ngày 15/04/2021. Quan hệ Mỹ-Trung là chủ đề thời sự châu Á được báo Le Monde và Les Echos cùng quan tâm, nhưng ở hai khía cạnh khác nhau.

“Bắc Kinh đẩy châu Âu về phía Biden” là tiêu đề bài viết của nhà báo Sylvie Khauffmann trên Le Monde. Lần lượt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ngoại trưởng Vương Nghị đề nghị châu Âu “phán xét một cách độc lập và thực thi quyền tự chủ chiến lược theo đúng nghĩa”. Những phát biểu này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo Liên Hiệp Châu Âu ngả theo hướng mà Bắc Kinh không hề mong muốn.

Trong suốt 4 năm căng thẳng dưới thời chính quyền Donald Trump, Bắc Kinh tìm mọi cách để châu Âu giữ khoảng cách với Hoa Kỳ. Và nhờ vào chính sách thực dụng của nhà tỉ phú, Bắc Kinh suýt đạt được mục tiêu. Hơn một thập niên gây ảnh hưởng với châu Âu, bị choáng ngợp trước đà tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc, Bắc Kinh lần lượt thâu tóm được nhiều công trình hạ tầng huyết mạch ở châu Âu để mở rộng dự án Một vành đai Một con đường. Châu Âu “ngây thơ” chỉ thấy lợi ích kinh tế che mờ ý đồ địa chính trị của Bắc Kinh và chỉ “tỉnh ngộ” vào năm 2019. Từ đó, Bruxelles xây dựng quan hệ với Bắc Kinh trên cơ sở ba khái niệm về Trung Quốc: Đó là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh và một địch thủ mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, đối sách mới cũng không ngăn cản được Ý ký nghị định thư thỏa thuận tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới. Năm 2020, gió thực sự đổi chiều với đại dịch Covid-19, các hồ sơ dân chủ ở Hồng Kông, nhân quyền ở Tân Cương… Bắc Kinh tìm được hậu thuẫn từ thủ tướng Đức Merkel, người đốc thúc Bruxelles kí thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc vào phút chót, ngày 30/12/2020, trước khi Đức hết nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Liên Âu. Trung Quốc đã nghĩ rằng có thể gây chia rẽ liên minh xuyên Đại Tây Dương trong khi Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Căng thẳng dậy sóng từ đầu năm 2021. Liên Hiệp Châu Âu ban hành nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều quan chức Trung Quốc tại Tân Cương. Bắc Kinh trả đũa. Sự hung hăng của kiểu ngoại giao “chiến binh sói” Trung Quốc lại gây phản ứng ngược. Thỏa thuận đầu tư Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc, đang chờ được Nghị Viện Châu Âu thông qua, bị tổn hại. Một số nước Liên Âu tham gia nhóm 17+1 thông báo rút lui (Litva, sắp tới là Estonia). Bồ Đào Nha ngừng ý định cho Trung Quốc thuê cảng. Tân thủ tướng Ý Mario Draghi chặn thỏa thuận bán một nhà máy bán dẫn cho Trung Quốc. Montenegro phải van nài Bruxelles giúp trả khối nợ của Trung Quốc, đang bóp nghẹt quốc gia nhỏ bé này.Publicité

Một thách thức khác, nghiêm trọng hơn, mà Bắc Kinh phải đối mặt, đó là chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ngả theo sách lược “kiềng ba chân” của Liên Hiệp Châu Âu áp dụng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken từng phát biểu Hoa Kỳ sẽ là “đối thủ cạnh tranh khi đó là quy luật, hợp tác khi có thể, và là địch thủ khi cần thiết”.

Khí hậu: Ưu tiên hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc

Liệu khí hậu có giúp hâm nóng được quan hệ Mỹ-Trung đang mở mức nguội lạnh nhất ? Câu hỏi được nhật báo kinh tế Les Echos nêu trong bài viết : “Hoa Kỳ đi tìm quan hệ đối tác với Trung Quốc về vấn đề khí hậu”, một trong những chủ đề hợp tác hiếm hoi giữa hai nước.

Ông John Kerry, đặc sứ về khí hậu, là quan chức đầu tiên của chính quyền Joe Biden đến Trung Quốc, họp với người đồng cấp Tạ Chấn Hoa (Xie Zhen Hua) ở Thượng Hải ngày 15/04, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, gồm 40 nhà lãnh đạo thế giới, do tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức ngày 22 và 23/04, cũng như cho hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow (Scotland) vào tháng 11. Ông John Kerry từng phát biểu trên đài CNN : “Chúng ta không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu này, nếu Trung Quốc không ngồi vào bàn đàm phán”.

Biến đổi khí hậu là mối ưu tiên hiếm hoi của hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết về Trung Quốc sẽ trung hòa carbon vào năm 2060. Nhưng liệu hai nước gây ô nhiễm nhất thế giới có tìm được tiếng nói chung về điểm này không ? Chắc chắn là “con đường sẽ còn dài để Trung Quốc và Hoa Kỳ có được hợp tác cụ thể về những thách thức khí hậu”, theo đánh giá của giáo sư quan hệ quốc tế  Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), Đại học Nhân dân Trung Quốc, ở Bắc Kinh.

Thực vậy, Bắc Kinh luôn từ chối tách biệt thách thức khí hậu với những chủ đề gây căng thẳng, mà trái lại phải “liên kết chặt chẽ (vấn đề này)  với toàn bộ mối quan hệ song phương”. Trung Quốc không chấp nhận hợp tác riêng về khí hậu trong khi bị cáo buộc “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong khi đó, theo quan điểm của giới chuyên gia phương Tây, cụ thể là của hai nhà nghiên cứu Andrew Erickson và Gabriel Collins nêu trong tạp chí Foreign Affairs, “giới lãnh đạo Trung Quốc biết tầm quan trọng của nước họ trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và họ sẽ tìm cách sử dụng lợi thế này để thúc đẩy những lợi ích của Trung Quốc trong những lĩnh vực khác”. Vì thế, chỉ có “áp lực, chứ không phải quan hệ đối tác”, mới thúc đẩy được những tiến bộ từ phía Trung Quốc về mặt biến đổi khí hậu.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: Thất trận?

Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng đã “đến lúc” chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các đồng minh NATO để rút quân khỏi Afghanistan và dành toàn tâm toàn lực vào hai mối đe dọa chính : Nga và Trung Quốc.

Nhật báo Công Giáo La Croix nhắc lại trong bài viết “Hoa Kỳ tổ chức rút quân khỏi Afghanistan” rằng thời hạn được đưa ra là ngày 11/09/2021, muộn hơn năm tháng (ấn định là trước ngày 01/05) so với thỏa thuận đầu tiên ký ngày 29/02/2020 với lực lượng Taliban. Khoảng 9.590 quân nhân từ 36 nước thành viên NATO và các nước đối tác đang được triển khai ở Afghanistan, trong đó Mỹ có 2.500, Đức 1.300, Ý 895 và Anh 750.

Đánh giá về quyết định của Mỹ, bài xã luận của Le Figaro cho rằng tổng thống Joe Biden cuối cùng cũng chọn chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng định hình rõ nét hơn. Thế nhưng, Hoa Kỳ rút mà không đặt điều kiện gì, trong khi Taliban không giữ những cam kết với tổng thống Trump là cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaida và đàm phán chia sẻ quyền lực với chính quyền được bầu lên. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cảnh báo nguy cơ Afghanistan trở lại với những vi phạm nhân quyền, thậm chí là trở về “thời đồ đá”, với nguy cơ một cuộc chiến mới tại Afghanistan.  

Quyết định rút quân khỏi quốc gia Nam Á này còn là thất bại của cả NATO, trong đó có Pháp từng triển khai đến 4.000 quân trước khi rút hết vào năm 2013. Theo bài xã luận của Le Figaro, có lẽ các nước phương Tây nên loại bỏ, trong một thời gian, giấc mơ ngây thơ xuất khẩu dân chủ.

Covid-19: Chấn thương lâu dài tại Pháp, thảm kịch tại Brazil

Theo số liệu thống kê chính thức, Pháp vượt ngưỡng 100.000 người chết vì Covid-19 vào ngày 15/04/2021. Nhưng dữ liệu của viện Inserm, được nhật báo Le Monde trích dẫn, “ngưỡng này đã bị vượt qua từ cách đây nhiều tuần”.

Số người chết vì Covid-19 đã bị Cơ quan Y tế công của Pháp đánh giá thấp, do không tính đến nhiều trường hợp có thể nhiễm Covid-19, như chết tại nhà, những ca tử vong là những người được điều trị lâu dài có sức khỏe yếu trong các bệnh viện hoặc những trường hợp tử vong ở bộ phận cấp cứu…

100.000 người chết vì Covid-19 là con số gây chấn động mạnh. Theo Les Echos, “Pháp nằm trong số 20 nước bị dịch tác động nặng nhất trên thế giới”, một “thành tích” mà điện Elysée chẳng mặn mà. Con số 100.000 đầy tính biểu tượng khiến chính phủ lúng túng vào lúc đang tìm mọi cách cho thấy ánh sáng cuối đường hầm, theo bài viết “Macron tìm cách vượt qua thảm kịch Covid-19 với 100.000 người chết”, trong đó có chiến lược tiêm chủng.

Tuy nhiên, không chỉ Pháp, mà toàn thế giới cũng phập phồng ngóng tia hy vọng vac-xin. “Mục tiêu tiêm chủng của Pháp đang bị thách thức”, theo nhật báo Le Figaro. Việc triển khai vac-xin Jansen của Johnson & Johnson bị lùi lại vì hiệu ứng phụ gây đông máu. Tuy nhiên, theo Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu đã thỏa thuận được với Pfizer/BioNTech tăng số liều vac-xin giao trong quý II thêm 50 triệu liều (tổng số là 250 triệu liều được giao từ tháng 04-06/2021) và điều này có thể giúp khối tiếp tục hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối mùa hè.

La Croix chú ý đến việc “săn lùng những liều vac-xin lãng phí ở châu Âu”. Do bảo quản hay bất kỳ lý do khách quan nào đó, rất nhiều liều vac-xin đã bị bỏ phí, dù trong mức chấp nhận được theo tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Để tránh những lãng phí đáng tiếc này, rất nhiều sáng kiến đã được hình thành, như hai ứng dụng Covidliste và Vite ma dose tại Pháp để tìm những người tình nguyện tiêm chủng những liều chót cuối ngày. 

Brazil và thảm kịch Covid-19 : Lỗi tại ai ? Với trung bình hơn 3.000 người chết mỗi ngày và cách xử lý vô trách nhiệm của tổng thống Jair Bolsonaro, Brazil mất kiểm soát dịch Covid-19, trong khi biến thể P1 lan rộng. Theo nhật báo Libération, chừng nào dịch chưa được kiểm soát ở Brazil, cả thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng dịch tễ.

Hai năm trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris

Tròn hai năm, đúng ngày 15/04/2019, nhà thờ Đức Bà Paris ngùn ngụt cháy trước những ánh mắt kinh hoàng và xót xa. Hai năm trùng tu, công trường vẫn ngổn ngang nhưng người dân vẫn đặt niềm tin nhà thờ sẽ mở cửa trở lại vào năm 2024.

Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris hiện trên trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix với hàng tựa : “Hai năm sau, nhiệt tâm vẫn nguyên vẹn”. Libération chơi chữ khi nói về việc trùng tu Notre-Dame de Paris, với tựa trang nhất : “Nhà Thờ Đức Bà : Hai năm làm việc ở một công trường vĩ đại (cũng có nghĩa là công trường thần thánh), một công trình tái thiết kết hợp công nghệ hiện đại với tay nghề của thợ thủ công. Kiến trúc sư công trình tin chắc như đinh đóng cột là ngọn tháp mới sẽ lại vươn trên bầu trời Paris vào mùa thu 2024,  vài tháng trước Thế Vận Hội ở thủ đô của Pháp.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210415-bac-kinh-day-chau-au-ve-phia-biden