Ðiểm Báo Pháp – 16/2/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 16/2/22

Nga thông báo rút bớt quân khỏi biên giới chung với Ukraina

Việc Nga giảm bớt quân trong khu vực biên giới Ukraina là đề tài được các nhật báo Pháp quan tâm nhất ngày hôm nay. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đều chạy tựa trên trang nhất về việc Nga đang gửi những tín hiệu xuống thang trong cuộc khủng hoảng về Ukraina kéo dài từ nhiều tháng qua.

Báo Le Monde nhận định rằng việc binh sĩ Nga trở về căn cứ được coi là dấu hiệu giảm leo thang khi Matxcơva và các nước phương Tây đang gia tăng các cuộc đàm phán ngoại giao để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng về Ukraina. Hôm 14/02, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra những dấu hiệu đầu tiên về việc hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây khi tuyên bố rằng các cuộc diễn tập khác, được tổ chức cùng thời điểm ở Belarus, “cũng đang đi đến hồi kết”. Hôm qua 15/02, các nhà chức trách ở Kiev hoan nghênh các thông báo trên, nói rằng Ukraina và phương Tây đã ngăn chặn thành công “leo thang” căng thẳng với Nga.

Sau thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Nga, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg bày tỏ “sự lạc quan thận trọng”, và đang mong đợi một “dấu hiệu giảm leo thang cụ thể”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng có đồng quan điểm khi ông phát biểu trước Quốc Hội : “Cam kết rút quân là tốt, nhưng chúng tôi chờ đợi những hành động cụ thể”, trong khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden nhất trí về sự cần thiết của việc xác minh tính chính xác của việc rút quân nói trên mà điện Elysée coi là tín hiệu đáng mừng đầu tiên nhưng mong manh.

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération tỏ ra thận trọng hơn khi nhận định rằng dường như Nga phải đạt được một điều gì đó mới đi đến một quyết định như vậy. Xin nhắc lại là yêu cầu chính của Nga là khối NATO sẽ không được mở rộng thêm về phía đông bằng cách kết nạp Gruzia và Ukraina và dường như tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã phần nào đạt được mục đích của mình khi thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã phải thừa nhận rằng : “Việc NATO mở rộng về phía đông không phải là hồ sơ mà chúng tôi có thể giải quyết trong nhiệm kỳ của mình. Tất nhiên, tôi không biết tổng thống Putin dự định tại vị bao nhiêu lâu. Tôi nghĩ rằng ông sẽ còn tại vị một thời gian dài, nhưng không phải là vĩnh cửu.”

Nhân chủ đề tổng thống Putin đã đạt được gì sau mấy tháng qua, báo Le Monde có bài phỏng vấn cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Fiona Hill. Bà nhận định rằng tổng thống Putin đã thành công trong việc áp đặt những vấn đề mà ông quan tâm và phương Tây, Mỹ phải “nói chuyện” với ông trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ và các cuộc đối thoại quốc tế. Ông đã giành được sự ủng hộ của Trung Quốc, theo nghĩa là ông không phải lo lắng về biên giới giữa hai nước, khi lẽ ra, đó là một mối lo ngại đối với nguyên thủ Nga. Ông ta cũng trói Belarus đúng như ý muốn. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bị lệ thuộc vào Vladimir Putin đến mức đồng ý cho các cuộc tập trận lớn của Nga diễn ra trên đất nước mình, thậm chí có thể biến Belarus thành căn cứ quân sự của Nga.

Phải nhấn mạnh rằng tổng thống Putin là một người rất cơ hội. Một trong những mục đích chính của ông là đưa càng nhiều lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ trở lại Nga càng tốt. Hãy nhìn Transnistria. Có vẻ như Moldova đã cố gắng duy trì sự cân bằng của mình với xu hướng thân phương Tây hơn kể từ cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng Nga vẫn ít nhiều kiểm soát quốc gia ly khai này. Sức ép càng đè lên Ukraina bao nhiêu, thì Moldova càng cảm thấy lo lắng bấy nhiêu.

Đối với Hoa Kỳ, dường như tổng thống Putin đang có cài nhìn “thương hại” về Washington. Theo quan điểm của ông, Hoa Kỳ đang ở trong hoàn cảnh của Nga vào cuối những năm 1990, một “thời kỳ khó khăn”. Tổng thống Nga tin rằng Hoa Kỳ đang gặp khó khăn về chính trị, giống như Nga vào thập niên 1990, với rất nhiều cuộc đấu đá nội bộ, kinh tế suy sụp. Do hậu quả của đại dịch Covid, nhiều quốc gia, trong đó có Nga, đã phải hứng chịu hậu quả của Covid. Nhưng tình hình đặc biệt bấp bênh đối với nền kinh tế Mỹ do lạm phát. Hoa Kỳ nợ nần chồng chất. Mặt khác, Nga đã phá sản vào những năm 1990 nhưng hiện đang có nguồn dự trữ vàng và tiền tệ rất lớn. Cuối cùng, Putin nhìn vào cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, gợi nhớ đến sự kiện xảy ra trước khi Liên Xô sụp đổ, chưa kể đến những vấn đề nội bộ mà chính quyền Biden đang phải đối mặt, sau những năm hỗn loạn thời cựu tổng thống Trump. Tổng thống Putin nhận định đây là một quốc gia bị suy yếu từ trong ra ngoài.

Châu Âu có bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga? 

Về chủ đề này nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết “Châu Âu tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga” nói về việc mặc dù Matxcơva tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraina đã phần nào làm xoa dịu căng thẳng. Nhưng các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Liên Hiệp châu Âu vẫn chưa được giải quyết. Trong khi khí đốt chiếm hơn 20% tổng năng lượng của châu Âu, Nga vẫn chủ yếu là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu và hơn một phần tư lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp giữa Nga và Ukraina, vào các năm 2006, 2009 và 2014 đã khiến Bruxelles, Berlin, Roma hay Paris hiểu được sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào khí đốt của Matxcơva. Cho đến năm 2022, sự phụ thuộc nói trên vẫn chưa thuyên giảm.

Chừng nào căng thẳng còn leo thang giữa điện Kremlin và phương Tây, tổng thống Putin vẫn có thể quyết định hạn chế việc cung cấp khí đốt của mình. Do vậy, phó thủ tướng Đức Robert Habeck nhận định vào tuần trước rằng “Tình hình địa chính trị buộc chúng tôi phải tìm ra các nguồn nhập khẩu khác và đa dạng hóa nguồn cung”.

Hạ Viện Nga Duma muốn công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraina 

Cũng vẫn liên quan đến Nga, báo Les Echos có bài viết về việc Hạ viện Nga Duma kêu gọi tổng thống Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraina, Donetsk và Lugansk.

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã ngay lập tức cảnh báo rằng, việc công nhận này rõ ràng sẽ vi phạm các thỏa thuận Minsk, được ký kết trong khuôn khổ công thức Normandie với sự tham gia của Pháp-Đức.

Tình hình Covid-19 ở Pháp 

Mặc dù đa số báo đặt khủng hoảng Ukraina lên trọng điểm, thì trang nhất nhật báo công giáo La Croix chạy tựa “Sống chung với Covid”. Mặc dù làn sóng thứ 5 đã bắt đầu suy giảm và số những ca lây nhiễm đang giảm hàng ngày, nhưng Covid-19 vẫn là một “vấn đề” mà các nhân viên chăm sóc y tế phải đối mặt hàng ngày và dường như mọi người sẽ phải sống chung với đại dịch vô thời hạn.

Kể từ mùa hè năm ngoái, tình hình dịch bệnh đã cho phép bệnh viện Auxerre đóng cửa đơn vị Covid và đưa một số bệnh nhân này vào khoa hô hấp. Một căn bệnh đặc biệt đã trở thành một căn bệnh bình thường, theo nhận định của các bac sỹ làm việc tại đây. Mặc dù Covid-19 không còn là căn bệnh nguy hiểm như lúc đại dịch mới bùng phát cách đây 2 năm, nhưng thời kỳ hậu Covid đối với các chuyên viên y tế dường như cũng khó khăn chẳng kém.

Vẫn về tình hình Covid-19, Le Monde có bài viết có nên tiếp tục áp dụng giấy phép tiêm chủng hay không? Bắt đầu từ hôm qua 15/02, giấy phép tiêm chủng sẽ bị vô hiệu hóa đối với những người chưa tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi cuối cùng cách đây quá 4 tháng. Nhưng phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal cách đây mấy hôm thông báo rằng giấy phép tiêm chủng có thể được xóa bỏ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 khiến cho dư luận đặt câu hỏi về vai trò thực sự của giấy phép tiêm chủng. Đối với nhiều chuyên gia, điều này thực sự khó hiểu.

Le Figaro thì có bài viết nói về những người dân đã mệt mỏi vì chủng ngừa, rằng họ từ chối không tiêm liều nhắc lại. Đa số những người không chịu tiêm liều nhắc lại vốn rất lạc quan về việc đại dịch sẽ chấm dứt nếu họ tiêm vac-xin, nhưng từ lúc biến thể Omicron xuất hiện khiến cho tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt ngay cả giữa những người đã tiêm khiến cho dân chúng hoài nghi về tác dụng thực sự của việc tiêm chủng. Cùng với việc trong 1 tháng rưỡi giấy phép tiêm chủng có thể sẽ không còn được áp dụng nữa, những người này quyết định sẽ chờ đến thời điểm đó.

Phan Minh

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220216-nga-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-r%C3%BAt-b%E1%BB%9Bt-qu%C3%A2n-kh%E1%BB%8Fi-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-chung-v%E1%BB%9Bi-ukraina