Ðiểm Báo Pháp – 16/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 16/11/21

Thượng đỉnh Mỹ – Trung và chiếc «la bàn chiến lược» của Liên Hiệp Châu Âu

Cuộc đối thoại qua vidéo hội nghị giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc diễn ra trong đêm thứ Hai, 15/11/2021 theo giờ ở Washington, tức sáng sớm ở Bắc Kinh hôm nay, nên các báo Pháp chưa kịp loan tin. Tuy nhiên, nhật báo Le Monde, ấn bản cho hôm nay, ra chiều tối hôm trước, trong bài viết có tựa đề «Hoa Kỳ và Trung Quốc: Từ đối đầu cho đến “cạnh tranh khốc liệt”» nhận thấy Washington có sự thay đổi trong lời lẽ đối với Bắc Kinh.

Le Monde nhắc lại cuộc gặp này với lãnh đạo Trung Quốc, diễn ra sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ ngày 09/09 và đã được các cố vấn tổ chuẩn bị trước đó trong nhiều tuần lễ. Cuộc đối thoại giữa hai bên dự trù là kéo dài nhiều giờ, nhằm đặt ra một cách rõ ràng những nền tảng cơ bản cho quan hệ song phương, để không có những «lời qua tiếng lại» quá đáng.

Kể từ sau vụ « to tiếng » nhau trong cuộc họp giữa chính quyền Biden và đại diện Trung Quốc ở Anchorage (Alaska) hồi tháng Ba năm nay, Washington không còn gọi Bắc Kinh là « đối thủ có hệ thống » nữa, thay vào đó là « cạnh tranh khốc liệt ». Thuật ngữ này được cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan lần đầu tiên nhắc đến trong một bài phát biểu trước Lowy Institut ở Sydney (Úc) hôm 11/11, khi nói về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.

«Thay vào đó, chúng tôi chọn tiến lên trong khuôn khổ mà tổng thống Biden gọi là cạnh tranh khốc liệt. Ở đó, chúng tôi sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế và công nghệ. Ở đó, chúng tôi sẽ kiên định bảo vệ các giá trị của mình. Và ở đó, chúng tôi cũng phải nhìn nhận rằng trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ là một tác nhân trong hệ thống quốc tế

Theo nhận định của Le Monde, sự chuyển đổi về ngôn từ này cho thấy có một ý muốn xác định với Trung Quốc những tiêu chí cho cuộc cạnh tranh, nhằm tránh sự hiểu lầm hay leo thang căng thẳng tiềm tàng. Việc ông Tập Cận Bình thâu tóm mọi quyền hành trong tay, việc ông từ chối công du nước ngoài trong giai đoạn dịch bệnh đang làm gia tăng rủi ro hiểu lầm lẫn nhau. Trong chiều ngược lại, Mỹ thiếu điểm cung cấp thông tin bảo đảm để hiểu được nội tình Trung Quốc, một hệ thống chính trị dày đặc, không rõ ràng.

Còn phía Bắc Kinh thì sao ? Chính quyền Trung Quốc dường như đang hạ thấp tầm cỡ cuộc nói chuyện, cho đấy chỉ là một « cuộc gặp » chứ chưa phải là « cuộc họp thượng đỉnh », trong khi theo quan điểm của tờ báo, đây thực sự là « thượng đỉnh trực tuyến » như ông Tập Cận Bình đã dành cho thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 05/7/2021.

Nếu như Bắc Kinh tỏ ra không mấy gì lạc quan cho kết quả cuộc họp, đó là vì về mặt chính thức, giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá rằng quả bóng giờ ở trên sân Hoa Kỳ. Từ nhiều tháng nay Bắc Kinh không ngừng lên án «tư tưởng chiến tranh lạnh » của Mỹ. Tờ China Daily, ngay trước cuộc họp nói rằng cuộc họp trực tuyến lần này cho thấy Washington biết rõ là « điều đó chẳng đi đến đâu».

Nếu như trong cuộc họp trù bị với đồng nhiệm Mỹ, ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố «đôi bên có lẽ nên làm việc theo cùng một hướng», thì thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng hôm thứ Bảy 14/11 lại nhấn mạnh đến vấn đề Đài Loan.

Vương Nghị «long trọng» nhắc lại «lập trường» của Trung Quốc và nói rõ rằng Hoa Kỳ nên «thực hiện» chính sách «một nước Trung Hoa duy nhất» và «chấm dứt gởi những tín hiệu sai đến các thế lực đòi độc lập của Đài Loan».

Liên Hiệp Châu Âu sắp có «la bàn chiến lược»?

Đây chính là tên một dự án an ninh và phòng thủ châu Âu, được ông Josep Borrell – lãnh đạo ngành ngoại châu Âu trình bày tại cuộc họp các ngoại trưởng khối 27 nước thành viên hôm thứ Hai 15/11, trong bối cảnh đồng minh lớn Hoa Kỳ dồn hết mọi sự chú ý vào cuộc đọ sức với Trung Quốc, Nga cùng với Belarus gia tăng các hành động quấy nhiễu Liên Hiệp Châu Âu ở sườn phía đông.

Trong tình cảnh này, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp cho rằng châu Âu cần phải có một định hướng chung, một năng lực tự chủ triển khai nhanh để có thể tự mình ứng phó với những mối đe dọa trực tiếp. Chiến lược này được ông Borrell tóm gọn với báo Le Monde như sau: «Dấn thân ra bên ngoài, đoàn kết ở bên trong, bảo vệ người dân châu Âu».

Theo ông Borrell, đã đến lúc Liên Hiệp phải chuyển sang chiến lược « hard power », bởi vì « châu Âu đang lâm nguy », và đang đối mặt với nhiều mối đe dọa : Từ cuộc khủng hoảng di dân giữa Belarus với các nước Ba Lan, Litva và Latvia, những quốc gia biên giới phía đông của Liên Hiệp Châu Âu, căng thẳng với Nga về việc cung cấp khí đốt.

Rồi còn có nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga với Ukraina, cạnh tranh Nga – Pháp ở Mali, tình hình căng thẳng ở vùng Balkan phía Tây. Đó là còn chưa kể đến Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nước một cách, cũng đang tìm cách kích hoạt những chiếc đòn bẩy của mình tại Châu Âu.

Liên Hiệp Châu Âu còn phải đối mặt với một môi trường địa chính trị thế giới nhiều biến động, vào lúc Hoa Kỳ dồn hết mọi sự quan tâm vào cuộc đọ sức với Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu hẳn chưa quên hai bài học kinh nghiệm đau đớn gần đây nhất : Việc Hoa Kỳ tổ chức rút quân khỏi Afghanistan mà không tham vấn các đồng minh của NATO và Hiệp ước chiến lược AUKUS, tập hợp ba nước Anh, Úc và Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, gây thiệt hại cho nước Pháp. Và trong viễn cảnh đen tối xa hơn là nguy cơ Donald Trump hay một người thân cận nào đó của ông trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.

Vẫn theo ông Borrell, vụ việc AUKUS là một « thời khắc », một cơ hội mà Ủy Ban Châu Âu muốn nắm lấy. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau cuộc gặp với nguyên thủ Pháp đã nhìn nhận « tầm quan trọng của một nền quốc phòng chung châu Âu mạnh mẽ hơn ». Bởi vì, cho đến lúc này, Mỹ vẫn cho rằng vấn đề quốc phòng xuyên Đại Tây Dương chỉ gói ghém trong khuôn khổ NATO, chứ không phải là Liên Hiệp Châu Âu.

Do đó, theo người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp, sắp tới đây, EU và Mỹ sẽ phải mở các cuộc đàm phán về những dự án quốc phòng chung, để không còn khả năng Hoa Kỳ ngăn chặn việc phát triển ngành công nghiệp châu Âu bằng cách cản trở xuất khẩu linh kiện.

Một dự án đầy tham vọng. NATO sẽ nghĩ gì ? Nhất là vị tổng thư ký Jens Stoltenberg sẽ có phản ứng ra sao ? Nước Pháp – quốc gia vận động chính cho dự án quốc phòng chung châu Âu tỏ ra hoài nghi hơn bao giờ hết khi nhìn vào sức ì của các thủ tục trong lòng khối EU. Làm thế nào thuyết phục được các nước thành viên khi mà giữa các nước thành viên, ở Bắc, Nam, Đông và Tây của EU lại không có cùng một cách diễn giải về các mối đe dọa ?

Belarus sắp hứng thêm đòn phạt thứ năm

Liên quan đến cuộc khủng hoảng di dân, báo chí Pháp hôm nay đồng loạt cho biết Liên Hiệp Châu Âu sắp ra loạt trừng phạt thứ năm nhắm vào Belarus. Cụ thể, đó là những đòn phạt gì ?

Đúng vậy, « Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các đòn phạt nhắm vào Minsk », như thông báo của Le Figaro. Trong tầm ngắm là những vật và các thực thể Belarus cũng như là các thực thể nước ngoài đồng lõa đưa di dân sang Belarus như các hãng lữ hành, hãng hàng không hay sân bay, thậm chí cả các hãng bảo trì, tu dưỡng máy bay… Danh sách dài ít nhất 30 tên sẽ được công bố trong những ngày sắp tới. Một biện pháp trừng phạt chưa từng có của EU.

Cho đến lúc này, các biện pháp trừng phạt của EU đã nhằm vào 166 nhân vật và 15 thực thể Belarus, trong đó có ông Alexandre Loukachenko, con trai ông và cũng là cố vấn an ninh quốc gia, Viktor Loukachenko, cũng như là nhiều nhân vật chủ chốt khác của chế độ, các thành viên của hệ thống tư pháp và các tác nhân kinh tế.

La Croix trong một bài giải mã, nhắc lại những biện pháp hạn chế đầu tiên nhắm vào các nhân vật Belarus bắt đầu từ tháng 9/2004. Tháng 8/2020, EU mới đưa ra những biện pháp trừng phạt thật sự (phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU), do những cuộc trấn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống. Đến tháng 5/2021, EU gia tăng trừng phạt sau vụ cưỡng ép hạ cánh một chuyến bay Ryanair xuống Minsk để bắt nhà đối lập chính trị Roman Protasevich và vợ sắp cưới của anh, Sofia Sapega.

Trong cuộc khủng hoảng di dân lần này, EU tố cáo chính quyền Belarus cố tình lôi kéo di dân bằng cách cấp visa du lịch qua trung gian của hãng lữ hành nhà nước Belarus là Tsentrkurort. Hãng hàng không quốc gia Belavia tăng số chuyến nối các tuyến giữa Trung Đông và Minsk. Trong vụ việc này còn có sự đồng lõa của nhiều hãng hàng không khác, đưa di dân đi từ Istanbul, Beyrouth, Damas, Teheran, Cairo, Dubai, Doha đến Minsk.

Do vậy, theo Les Echos, chuỗi trừng phạt thứ năm này còn là một lời cảnh cáo của khối 27 nước dành cho những nước nào đang « mơ nghĩ » đến việc dùng dòng di dân như là một công cụ chính trị để gây bất ổn biên giới EU, như Maroc chẳng hạn sau vụ mở cửa cho di dân ùa sang Ceuta hồi tháng 5/2021, sau việc Madrid đón nhận lãnh đạo phong trào đối lập Front Polisario.

Cuối cùng, Le Figaro cho biết thêm là, một số nước thành viên nghi ngờ rằng đòn tấn công này của Belarus, được Nga che chở, còn nhằm mục tiêu đánh lạc hướng những gì đang diễn ra hiện nay ở biên giới Ukraina : Cả một đạo quân hùng hậu ấn tượng đã được Nga điều đến nơi này. Paris và Luân Đôn hôm qua kêu gọi Matxcơva nên «kềm chế».

Covid lại «đánh» châu Âu, mỗi nơi một kiểu

Viirus corona lại lây lan mạnh lên trên toàn châu Âu, với những hệ quả không giống nhau giữa các nước. Hiện tại, nước Pháp và một số nước Nam Âu, vùng Địa Trung Hải tạm thời không bị tác động nặng. «Vì sao dịch bệnh lại bùng phát ở châu Âu?»

Đây chính là thắc mắc trên trang nhất Le Figaro. Tờ báo cũng tự hỏi : Liệu đây cũng là một tín hiệu báo động ? Bởi vì theo quan sát, dịch Covid-19 lan mạnh trở lại chủ yếu ở các nước Trung, Đông và Bắc Âu. Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Châu Âu nhận thấy tình hình dịch bệnh lần này là «đáng lo», thậm chí là «rất đáng lo», do đặc tính «lây lan nhanh và số ca nhiễm mới là lớn».

Giới chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân để giải thích. Thứ nhất, tại các nước Đông – Trung Âu, tỷ lệ được tiêm đầy đủ là rất thấp chỉ ở mức 20-30% dân số. Cách biệt về tỷ lệ tiêm ngừa giữa Đông Âu với các nước Nam – Tây Âu có khi lên đến 10 điểm. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự giữa Đông và Tây Đức, cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng khác nhau giữa hai nửa đất nước.

Thứ hai là do khí hậu. Thời tiết ở châu Âu đang đổi mùa, chuẩn bị bước vào mùa đông, điều này đang tạo thuận lợi cho việc «duy trì hạt bụi lơ lửng trong không khí có thể mang mầm virus». Và như vậy Covid đi theo làn gió lạnh thổi từ đông sang tây và đến tận nước Pháp.

Lý giải thứ ba là do mức độ nghiêm khắc của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khi quan sát chỉ số nghiêm khắc (stringency index), được thiết lập dựa trên 9 chỉ dẫn (đóng cửa trường học, nơi làm việc, hạn chế đi lại…), và bảng xếp hạng các nước dựa trên bậc thang từ 0-100, giáo sư Pierre Parneix nhận thấy, trong giai đoạn trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11/2021, chỉ số nghiêm khắc chẳng hạn tại Pháp và Ý cao hơn tại Đức, Ba Lan, và nhiều nước Đông – Bắc Âu khác. Những nước kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn dường như ít bị tác động hơn lần này.

Cuối cùng, Le Figaro cho rằng, việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội cũng góp phần ngăn chặn đà lây lan của virus corona. Một nghiên cứu của Ifof hồi tháng 10/2021 cho thấy mức độ tuân thủ quy định về việc rửa tay là rất thấp tại các nước Bắc Âu (Đức, Anh). Ông Alix Roumagnac, giám đốc Predict Service lưu ý, trong những tuần sắp tới «việc phủ vac-xin, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang hơn bao giờ hết là những biện pháp thiết yếu để hạn chế tác động của khí hậu đối với việc truyền bệnh».

Minh Anh

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211116-thuong-dinh-my-trung-quoc-la-ban-chien-luoc-lhca