Ðiểm Báo Pháp – 15/11/21
Kết quả COP26: Thất vọng nhưng không tuyệt vọng
Báo chí Pháp ra hôm nay, Thứ Hai 15/11/2021 dĩ nhiên đã tập trung phân tích và bình luận về kết quả của Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP26, vừa kết thúc cuối tuần qua tại Glasgow (Scotland, Vương Quốc Anh). Nhìn chung, các báo đều tỏ nỗi thất vọng trước kết quả nửa vời của các cuộc đàm phán, nhưng đều bám víu vào nhiều lời hứa được công nhận là khá mạnh bạo của các quốc gia. Quảng cáo
Ngoài chủ đề khí hậu, làn sóng Covid-19 mới đang dâng lên tại Châu Âu buộc nhiều nước phải dựng lại các hàng rào che chắn cũng rất được quan tâm, cũng như quan hệ Mỹ-Trung với cuộc điện đàm được dự kiến hôm nay giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình
Đề tài COP26 đã được tất cả các tờ báo lớn đưa lên trang nhất, đặc biệt là được ba tờ Le Figaro, Les Echos và Libération đưa lên thành tít chính, kèm theo một loạt bài viết bên trong.
COP26: Những “bước tiến”
Không hẹn mà gặp, Le Figaro và Les Echos đã chạy gần như cùng một tựa: Le Figaro nói đến “Khí hậu bị hâm nóng: COP26 sẽ làm thay đổi điều gì”, trong lúc Les Echos chỉ loan báo ngắn gọn: “Hiệp Ước Glasgow sẽ thay đổi gì”.
Theo ghi nhận của Le Figaro, sau hai tuần đàm phán khó khăn, sau hai đêm thương thuyết kéo dài và trễ 24 tiếng đồng hồ so với dự kiến, rốt cuộc đại diện của khoảng 200 quốc gia đã đạt được thỏa thuận có thể được mệnh danh là “Hiệp Ước Khí Hậu Glasgow”.
Thế nhưng, đối với tờ báo thiên hữu Pháp, các cam kết mà các quốc gia đã đưa ra vẫn thấp hơn nhiều so với những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu ghi trong thỏa thuận Paris 2015, không đảm bảo được việc giới hạn đà tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C.
Điều tích cực, theo tờ báo, là các nước đã cam kết sẽ rà soát lại các nỗ lực giảm phát thải ngay trong năm tới 2022, và lần đầu tiên, văn bản của hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP đề cập đến sự cần thiết phải loại bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu từ than đá.
“Các thay đổi” mà Hiệp Ước Glasgow mang đến cũng được nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trên trang nhất; đặc biệt là sự kiện COP26 buộc các quốc gia thành viên phải duyệt lại các cam kết giảm phát thải của mình ngay vào năm 2022, cũng như việc cộng đồng quốc tế thông qua nguyên tắc giảm bớt việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Tờ báo cũng đi sâu vào phân tích ba điểm được cho là “bước tiến chính” của Hiệp Ước Glasgow: Giá carbone, vấn đề loại trừ khí methane và cách thức tài trợ cho các nước nghèo để bù đắp cho những cố gắng chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các tín hiệu tích cực nói trên, Les Echos dĩ nhiên không quên đả kích “liên minh” Ấn Độ-Trung Quốc đã thành công trong việc chống lại ý định loại bỏ hẳn than đá. Bên cạnh đó, tờ báo Pháp cũng nêu bật lời tố cáo của các nước nghèo về sự thiếu vắng của các biện pháp “bồi thường” cho việc phá hủy khí hậu mà các quốc gia giàu có đã gây ra.
Libération: Một hội nghị thất bại
Trái với hai đồng nghiệp Le Figaro và Les Echos, vốn còn nhìn thấy những điểm tích cực trong kết quả hội nghị khí hậu vừa kết thúc, nhật báo thiên tả Pháp Libération đã không ngần ngại xem COP26 là một thất bại.
Trang nhất của Libération chạy hàng tựa lớn rất gọn: “Khí Hâu: Flop 26”, nhại lại tên gọi chính thức của hội nghị Glasgow là COP26, nhưng thay từ COP bằng “Flop”, nghĩa là “rơi tõm xuống”, một từ lóng chỉ sự thất bại.
Tờ báo thiên tả Pháp giải thích: “Hiệp ước Glasgow” được ký kết vào cuối tuần này sau 2 tuần đàm phán, không áp đặt bất kỳ điều gì đối với các quốc gia và bằng lòng với các khuyến nghị, một kết quả không thể nào khiến chúng ta yên tâm về việc hạn chế đà tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C hoặc sự xuất hiện của tình đoàn kết giữa các quốc gia phương Bắc (giàu có) với các nước nghèo ở phương Nam.
Trong bài phân tích “Hiệp Ước Glasgow: Thất bại và khí hậu” (Pacte de Glasgow: Echec et Climat), với giọng điệu dí dỏm, Libération đã nêu bật một số câu hỏi quan trọng để đánh giá về thành công hay thất bại của COP26.
Về câu hỏi đầu tiên: “Liệu có thể đạt được mục tiêu giúp nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C hay không?”, tờ báo trả lời “Chắc là không”. Về câu hỏi thứ hai: “Rốt cuộc người ta có đang giải quyết các nguyên nhân của biến đổi khí hậu hay không?”, câu trả lời là “Không hẳn”. Còn về câu hỏi thứ ba: “Các nước giàu, vốn phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, rốt cuộc có thể hiện tình đoàn kết với các nước nghèo hay không?”, câu trả lời của Libération rất dứt khoát: “Hoàn toàn không”.
Điểm tích cực duy nhất là tờ báo ghi nhận là với COP26, người ta rốt cuộc đã có thể áp dụng Thỏa Thuận Khí Hậu Paris năm 2015”.
La Croix: Ba vấn đề quan trọng cho thập kỷ
Cũng dưới dạng hỏi-đáp, trong bài “Khí hậu: Ba câu hỏi cho một thập kỷ quan trọng”, nhật báo Công Giáo La Croix nêu bật sự kiện Hiệp Ước Glasgow đánh dấu một sự thay đổi trong việc xem xét tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Tuy nhiên,theo tờ báo, việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như việc tăng nguồn tài chính cần thiết, vẫn còn quá rụt rè nên khó có thể đối phó được với các thách thức.
Châu Âu ráo riết dựng rào ngăn một làn sóng Covid mới
Chủ đề Covid-19 đã được nhật báo Le Monde hết sức chú ý. Trong hàng tựa chính trang nhất, tờ báo nêu bật sự kiện: “Châu Âu đối mặt với dịch bệnh đang bùng phát trở lại”, đề cập đến ba trường hợp điển hình tại Áo, Hà Lan và Nga.
Theo Le Monde, để đối phó với làn sóng mới của dịch Covid đang tràn vào miền trung châu Âu, nước Áo đang chuẩn bị áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng chỉ đối với những người chưa được tiêm chủng. Tờ báo ghi nhận: “Cũng như ở Đức, sự phản kháng của người dân đối với vac-xin ở Áo rất mạnh và việc từ chối không chịu tiêm chủng đã trở thành chiêu bài tranh cử chính của phe cực hữu.
Còn tại Hà Lan, theo Le Monde, đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ tử vong, chính quyền nước này cũng đã tái áp dụng một phần các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập, cùng nhiều hạn chế khác. Đối với Le Monde, đây quả là một gáo nước lạnh dội lên đầu người dân.
Riêng tại Nga, thảm họa tử vong vì Covid-19 vẫn tiếp diễn dữ dội trong bối cảnh đông đảo người dân vẫn từ chối vac-xin do tâm lý nghi kỵ chính quyền một cách sâu đậm vốn đã bám rễ từ lâu trong xã hội Nga.
Le Monde nhắc lại là theo Trung tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Châu Âu, 10 nước Liên Âu đang ở trong tình trạng “rất đáng lo ngại” vì tình hình dịch bệnh Covid, nhưng trước mắt Pháp không nằm trong danh sách này, một phần vì nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng.
Trung Quốc: đối thoại với Tập Cận Bình
Thời sự châu Á cũng được nhiều tờ báo Pháp quan tâm, đi đầu là cuộc gặp trực tuyến dự trù diễn ra vào hôm nay, 15/11/2021 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bài xã luận mang tựa đề “Trung Quốc: Đối thoại với Tập Cận Bình”, Le Monde ghi nhận bối cảnh cuộc gặp: “Dù uy thế đã được củng cố thêm sau cuộc họp toàn thể gần đây của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng chủ tịch nước này dù sao cũng đã nhân dịp này gửi hai tín hiệu tích cực về phía Washington, ngỏ ý cho thấy rằng Bắc Kinh muốn tiếp tục đối thoại”.
Sự kiện đầu tiên xẩy ra vào đêm Thứ Tư 10 rạng sáng Thứ Năm 11/11 vừa qua với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc bất ngờ công bố một tuyên bố chung về cuộc chiến chống lại tình trạng khí hậu bị hâm nóng. Sự kiện thứ hai là tiết lộ trên báo chí Mỹ về cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Joe Biden và Tập Cận Bình.
Theo Le Monde, chủ tịch Trung Quốc, sau khi biết rằng việc thông qua nghị quyết khẳng định uy quyền tuyệt đối của ông là điều chắc chắn, đã quyết định gửi một thông điệp hòa dịu tới Washington ngay lập tức, vừa để trấn an Mỹ, vừa để trấn an một số lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đang lo lắng về căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.
Đối với Le Monde, trong cả hai trường hợp, hậu quả đối với phương Tây là như nhau: Bắc Kinh muốn tiếp tục đối thoại, và trong thực tế, Trung Quốc đã tung ra một tín hiệu hòa hoãn hơn về Đài Loan, vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay. Nghị quyết mà đảng Cộng Sản vừa thông qua không thấy nhắc đến tuyên bố cứng rắn của Tập Cận Bình theo đó “không nên để việc thống nhất đất nước lại cho các thế hệ tương lai”, mà chỉ đặt trọng tâm là hiện đại hóa đất nước và duy trì ổn định. Theo tờ báo Pháp, ai cũng thấy là nếu nổ ra cuộc chiến tranh để thống nhất Đài Loan, các mục tiêu này sẽ bị lâm nguy.
Le Monde cho rằng Trung Quốc hiện đã trở thành một quốc gia hùng mạnh không đi theo con đường dân chủ. Đó là thực tế, và người phương Tây không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia đối thoại với cường quốc lớn thứ hai thế giới, một quốc gia mà các thông cáo dao to búa lớn thường đi kèm với các thỏa hiệp thực dụng.
Biden và Tập Cận Bình: Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi?
Le Figaro cũng có bài phân tích về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến vào hôm nay, và nhận thấy rằng “Joe Biden và Tập Cận Bình muốn đưa quan hệ cạnh tranh song phương vào khuôn khổ”, tựa bài báo trên trang quốc tế.
Tờ báo Pháp ghi nhận là sau 10 tháng gờm nhau, với vỏn vẹn hai cuộc điện đàm, lãnh đạo cao cấp nhất của hai cường quốc hàng đầu trên thế giới sẽ gặp nhau qua cầu truyền hình, thể hiện thái độ sẵn sàng ngăn không cho căng thẳng leo thang ở vùng eo biển Đài Loan và hợp tác với nhau về thương mại hoặc khí hậu, mà không cần cúi mình trước đối phương.
Đối với Le Figaro, hội nghị thượng đỉnh này báo hiệu việc quan hệ căng thẳng giữa hai nước bước vào giai đoạn thứ hai, bơm thêm một một liều thuốc thực dụng chủ nghĩa vào tiến trình cạnh tranh về ý thức hệ, kinh tế, công nghệ và quân sự mà cả hai bên đều hoàn toàn thừa nhận.
Vấn đề, theo Le Figaro, là hy vọng đột phá sẽ không nhiều vì cả hai lãnh đạo đều bị những vấn đề đối nội rằng buộc. Về phía Mỹ chẳng hạn, còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, do đó vị tổng thống đảng Dân Chủ không thể tỏ ra dễ dãi đối với Trung Quốc để khỏi bị đảng Cộng Hòa công kích thêm.
Trọng Nghĩa