Ðiểm Báo Pháp – 15/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 15/10/21

Nước Pháp vẫn bàng hoàng một năm sau vụ sát hại thầy Samuel Paty

Trang nhất báo Pháp (ngày 15/10/2021) : một năm sau ngày thầy Samuel Paty bị sát hại.
Trang nhất báo Pháp (ngày 15/10/2021) : một năm sau ngày thầy Samuel Paty bị sát hại. © Fotomontagem RFI/Adriana de Freitas

Thời sự trong nước là chủ đề chính của nhiều nhật báo hôm nay, 15/10/2021, với hội nghị toàn quốc về luật pháp khai mạc thứ Hai tới, chuyến đi của tổng thống đến Marseille – một tháng sau kế hoạch chấn hưng thành phố lớn thứ hai nước Pháp, hay hệ thống « cửa hàng gần nhà » lên ngôi tại Pháp nhờ đại dịch Covid…. Về thời sự quốc tế, Le Monde đặc biệt chú ý đến việc Đài Loan trở thành tâm điểm của thế giới trong bối cảnh căng thẳng về « chíp bán dẫn ». Quảng cáo

Chủ đề thời sự trong nước nổi bật được nhiều báo đề cập hôm nay là ngành giáo dục với sứ mạng truyền bá các giá trị của chế độ Cộng Hòa Pháp, một năm sau thảm kịch một giáo viên môn sử – địa bị khủng bố Hồi Giáo cực đoan chặt đầu. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất « Samuel Paty : Nước Pháp vẫn còn trong cơn sốc », với ghi nhận : « An ninh, thể chế thế tục, tự do ngôn luận : một năm sau vụ người giáo viên bị một kẻ khủng bố Hồi Giáo cực đoan chặt đầu ngay trên đường phố tiếp tục gây lo sợ ». Dòng tựa trên nền bức ảnh ông Samuel Paty giảng bài với gam màu đen tang tóc.

Tránh nhắc «Hồi Giáo cực đoan» là rơi vào bẫy của kẻ thù

Le Figaro có bài xã luận « Một năm sau… ». Cách nay một năm, nước Pháp «khóc thương trong nỗi xót xa căm giận » về cái chết của thầy Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố chặt đầu ngay trước cửa trường học, vì đã đưa hình biếm họa nhà tiên tri Mahomed của đạo Hồi vào bài giảng, và khẳng định: «Không bao giờ được để cho điều này tái diễn!». Nhưng xã luận của Le Figaro lưu ý: «tưởng niệm không đủ mà chúng ta cần phải hành động, phải thay đổi cách nghĩ. cần phải có biện pháp trừng trị những kẻ “nhổ nước bọt” vào lịch sử Pháp, và vào luật pháp của đất nước này». 

Le Figaro đặt câu hỏi: «một năm sau, bài học nào được rút ra từ vụ thảm sát của Samuel Paty?». Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc nhiều giáo viên hiện nay vẫn ôm nỗi sợ hãi và im lặng, hơn là bảo vệ quyền tự do ngôn luận.Le Figaro đặc biệt chỉ trích chính quyền, vừa ban hành một văn bản yêu cầu tôn trọng các nguyên tắc của chế độ Cộng Hòa nhưng «đã cố tình tránh né từ ‘‘Hồi Giáo cực đoan’’!». Theo tờ báo, « chừng nào chúng ta còn lắp bắp với những điều luật rụt rè như vậy, thì chúng ta sẽ còn bị rơi vào bẫy của kẻ thù».

«Vũ khí tuyệt vời nhất»

Một năm sau ngày người giáo viên sử – địa bị khủng bố hạ sát cũng là chủ đề chính của Libéraition. Cũng một màu đen tang tóc, riêng có dòng tựa với tên của người giáo viên là màu đỏ : « Samuel Paty. Tiếp tục ». Libération cho biết ngay trên trang nhất : các trường học trên toàn quốc dành một phút tưởng niệm và thời gian cho các trao đổi trước ngày tưởng niệm chính thức vào ngày mai.

Vì sao là « Tiếp tục » ? Bởi các giáo viên nước Pháp, giống như người quá cố trước đây, hiện « đang tiếp tục đối diện với các vấn đề của việc giảng dạy về thể chế thế tục trong lớp học ».

Libération có bài xã luận nhan đề « Vũ khí tuyệt vời nhất ». Đối với Libération, phương tiện chống cuồng tín khủng bố trước hết không phải bằng súng đạn hay nhà tù, mà chính là giáo dục. Giống như Le Figaro, xã luận Libération cũng ghi nhận không khí đau buồn, thê lương ngự trị một năm sau ngày xảy ra vụ giết người man rợ. Nỗi đau buồn khiến những người trong cuộc khó có thể « suy nghĩ được một cách bình tĩnh », bởi việc một người giáo viên phải chết chỉ vì hoạt động dạy học của mình đã « khiến chúng ta ngã gục », bởi việc một người giáo viên bị chặt đầu, vì giới thiệu những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri đạo Hồi Mahomet trong lớp, « khiến chúng ta ớn lạnh ». Những lời kể về Samuel Paty của các đồng nghiệp (trong bài báo cùng số) « khiến trái tim chúng ta tan nát ».

Bất chấp thảm kịch đó, từ một năm nay, các đồng nghiệp của Samuel Paty tại trường Conflans, đã cố gắng để đứng dậy, cho dù nhiều lần thất bại, nhưng họ vẫn tiếp tục cố gắng, tiếp tục sứ mạng của mình. Libération lưu ý là chính các đồng nghiệp của người quá cố đã chuyển tới các phóng viên của tờ báo « một thông điệp căn bản », đó là « các học sinh đã giúp cho họ hồi phục ».

Nhật báo thiên tả nhấn mạnh : những kẻ khủng bố « đã tìm cách cắt đứt mối liên hệ mật thiết giữa người thầy giáo với học sinh ». « Mối liên hệ » cho phép người giáo viên giúp học sinh nâng bổng tâm hồn, và đến lượt mình học sinh « tiếp sức » cho thầy giáo, để người thầy giáo « tiếp tục » sứ mạng dẫn dắt khát vọng hướng thượng ở học trò. Đó chính là « vũ khí tuyệt vời nhất chống lại chính sách ngu dân Hồi Giáo cực đoan của kẻ khủng bố ở Conflans và những người xúi giục ».

Đào tạo «Các Giá trị của nền Cộng Hòa»

Để tiếp tục sứ mạng giảng dạy về thể chế thế tục của nước Pháp trong bối cảnh áp lực khủng bố, các giáo viên cần đến sự hỗ trợ. Cũng trong số báo này, Libération có bài giới thiệu về một buổi đào tạo hệ thống luật pháp thế tục của nước Pháp (Laïcité) dành cho giáo viên tại sở Giáo Dục vùng Aix-Marseille. Tham gia buổi đào tạo 2 giờ được tổ chức hôm nay, dĩ nhiên là có các giáo viên sử – địa, nhưng cũng có cả các giáo viên môn tiếng Anh, toán, hay thể thao, tất cả đều tham gia tình nguyện. Giảng viên là một cựu hiệu trưởng, bà Marine Guyedan, 41 tuổi.

Tất cả các sở Giáo Dục tại Pháp, kể từ năm 2017, đều thành lập các ê-kíp đào tạo về « Các Giá trị của nền Cộng Hòa ». Tại sở Giáo Dục vùng Aix-Marseille, từ bốn năm nay, bà Marine Guyedan trợ giúp các nhân viên nhà trường, học sinh cũng như cha mẹ học sinh « là nhân chứng, nạn nhân hay tác giả » của những hành động xâm phạm đến « Thể chế thế tục » (Laïcité).

Những vấn đề rất cụ thể được đặt ra như : Hành động như thế nào khi một học sinh mang cuốn kinh Cựu Ước vào lớp ? Xử lý như thế nào về các chế độ ăn uống kiêng khem theo tôn giáo tại căng-tin nhà trường ?… Chuyên gia về Thể chế thế tục tại sở Giáo Dục có trách nhiệm giải đáp các câu hỏi, đưa ra những lời khuyên. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp không phân biệt tôn giáo, người giáo viên giữ quan điểm « trung lập » về tôn giáo, là một số nguyên tắc căn bản.

Thể chế thế tục là một trong các nền móng của chế độ Cộng Hòa Pháp. Giảng dạy về Thể chế thế tục gói gọn trong tiết học hai giờ là một thách thức lớn. Đầu năm 2018, chính quyền Pháp thành lập Hội đồng các Cố vấn về Thể chế thế tục. Hội đồng ấn hành một cẩm nang về Thể chế thế tục để hỗ trợ giáo viên trong lĩnh vực này.

Cũng về các nỗ lực nói trên, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết « Tại nhà trường, các phản ứng cứng rắn hơn chống lại các xâm phạm Thể chế thế tục », ghi nhận những thay đổi đáng kể, kể từ vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty. Theo giám đốc sở Giáo Dục vùng Amiens, Raphael Muller, « thảm kịch này đã dẫn đến một ý thức thực sự ». Kể từ đó, trong vòng nhiều tháng, đã liên tục có các báo động về những hành động xâm phạm Thể chể thế tục. Nhìn chung, giáo viên không còn bỏ qua các vụ việc này như trước đây. Ê-kíp « Các Giá trị của nền Cộng Hòa » thường có mặt tại các trường học nơi xảy ra sự cố, để hỗ trợ giải quyết vấn đề, cung cấp các thông tin, tri thức cần thiết.

Đài Loan và cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn toàn cầu

Hồ sơ lớn trang nhất của Le Monde là ngành sản xuất vật liệu bán dẫn Đài Loan nằm ở tâm điểm thời sự quốc tế, trong bối cảnh khan hiếm chíp điện tử toàn cầu. Bài « TSMC, lược sử về toàn cầu hóa… và những giới hạn của nó » của Le Monde nhận xét : ngành sản xuất xe hơi, lĩnh vực công nghiệp hàng đầu của kinh tế thế giới « rơi vào khủng hoảng ». Hàng loạt hãng xe hơi lớn phải giảm mạnh số lượng xe sản xuất. Nguyên do không phải là « đại dịch hay sóng thần », mà là do một « mẩu kính nhỏ 1 centimet vuông, chứa hàng triệu đường nét mảnh nhỏ, mảnh hơn 10 triệu lần một sợi tóc người ».Những mẩu « kính siêu nhỏ » mà chúng ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, trong nhà bếp, trong điện thoại, đồng hồ hay xe hơi. Chính vi mạch này lại đang « nắm giữ (vận mạng) một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu ». Các chíp điện tử đời mới nhất gần như đều do công ty TSMC sản xuất. Ngay cả đến với tập đoàn Mỹ Apple, tất cả bộ vi xử lý của điện thoại iphone đều được sản xuất bởi TSMC. Doanh nghiệp này đã cho xây dựng nguyên một nhà máy « chỉ dành để cung ứng sản phẩm cho Apple »

Về Trung Quốc, khủng hoảng Mỹ – Trung đã khiến Washington « cấm TSMC bán chíp điện tử cho Trung quốc ». Le Monde nhấn rằng nếu không có bộ vi xử lý được thiết kế từ Mỹ, và sản xuất ở Đài Loan, « cả (hai tập đoàn Trung Quốc) Alibaba và Huawei sẽ không bao giờ trở thành những ông lớn trong ngành điện tử ». Trung Quốc dù có sản xuất 36 % các sản phẩm điện tử toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cung cấp được 7,6 % chất bán dẫn, chất cần thiết để sản xuất « bộ vi xử lý ».

Theo Le Monde, trong lúc này Mỹ « hoan hỉ » mong Trung Quốc « tiếp tục tụt hậu 10 đến 15 năm so với các nước lớn khác trong ngành sản xuất chất bán dẫn ». Lượng chíp điện tử mà Trung Quốc nhập khẩu trị giá lên tới 370 tỷ đô la mỗi năm, « giá trị còn lớn hơn cả chi phí nhập khẩu dầu khí của nước này » (trên thực tế, bất chấp các khẩu chiến dữ dội hai bên bờ Thái Bình Dương, Le Monde cũng lưu ý,Mỹ – Trung vẫn duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án hợp tác phát triển về công nghệ).

Về phía Bắc Kinh, « tiền không phải là vấn đề », Le Monde nhấn mạnh vấn đề nằm ở « nhân lực ». Le Monde đưa ra con số « 300.000 kỹ sư » mà Trung Quốc đang thiếu để phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. Con số này « khó có thể giải quyết được ở một đất nước dân số đang trên đà suy giảm, nhất là khi những người trẻ có năng lực lại  bị thu hút bởi hai hãng Xiaomi và Tencent hơn SMIC (công ty Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn) ». 

Trong bài « Bắc Kinh muốn giảm phụ thuộc vào chíp điện tử nước ngoài bằng mọi giá », Le Monde đặt ra câu hỏi : Liệu Trung Quốc có sẵn sàng xâm lược Đài Loan để chiếm lấy TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn và bộ vi xử lý (CPU) mạnh nhất thế giới ? Câu trả lời là điều này khó có thể xảy ra, « vì không ai có thể nói trước được hậu quả, tổn thất của xung đột vũ trang với Đài Loan ».

Covid và thay đổi lớn trong thói quen mua sắm

Tại Pháp, đại dịch Covid làm gia tăng đà suy yếu của các siêu thị ở vùng ngoại vi các đô thị, khiến các cơ sở bán hàng gần nhà nở rộ là hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Theo Les Echos, Covid-19 đã làm thay đổi các thói quen mua và bán hàng. Đông đảo người tiêu dùng trở lại với các cửa hàng ở trung tâm thành phố. Các dịch vụ cung cấp hàng nhanh phát triển mạnh. Cùng lúc đó là việc nhiều cửa hàng thuốc lá kiêm luôn địa điểm cung cấp thực phẩm.

Về đại dịch Covid, Le Monde có bài phỏng vấn bác sĩ Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học về Covid của chính phủ Pháp, đưa ra một dự báo lạc quan là Covid có thể trở thành bệnh thông thường trong tương lai, như dịch cúm mùa.

Triển lãm 200 năm quan hệ Pháp – Hy Lạp

Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu cuộc triển lãm đặc biệt tại bảo tàng Louvre, vừa khai trương về 200 năm quan hệ lịch sử Pháp – Hy Lạp, trở về với cội nguồn của sự ra đời của phong trào những người yêu mến văn minh Hy Lạp cổ đại tại châu Âu. Phong trào có sự tham gia của những đại thụ như văn hào Victor Hugo, thi sĩ Anh Byron, hay họa sĩ Pháp Delacroix. Triển lãm mang tên « Paris – Athens, sự ra đời của Hy Lạp hiện đại 1675 – 1919 » sẽ kéo dài đến đầu tháng 2 năm tới.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211015-nuoc-phap-van-bang-hoang-mot-nam-sau-vu-giet-thay-paty

Pháp ra sức đẩy lùi nguy cơ vùng ảnh hưởng ở châu Phi bị Nga lấn chiếm

Ảnh minh họa : Binh sĩ Mali tuần tra cùng binh sĩ Pháp tham gia chiến dịch Bakhane, tại một ngôi làng Mali, tháng 12/2019.
Ảnh minh họa : Binh sĩ Mali tuần tra cùng binh sĩ Pháp tham gia chiến dịch Bakhane, tại một ngôi làng Mali, tháng 12/2019. RFI/Coralie Pierret

Các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay, 14/10/2021 hầu như đều dành tựa lớn trang nhất cho các chủ đề liên quan đến các vấn đề nội bộ Pháp, với Le Monde và La Croix chú ý đến địa hạt xã hôi, trong lúc Libération quan tâm đến thể thao và Les Echos đến kinh tế. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro đã đặc biệt xoáy mạnh trên khía cạnh ngoại giao với một chủ đề nóng bỏng về việc Nga không còn che giấu ý đồ can thiệp vào vùng ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi. 

Dưới hàng tựa lớn trang nhất: “Putin tung lính đánh thuê (Nga) vào châu Phi như thế nào”, Le Figaro đã đề cập đến vấn đề đang khiến nước Pháp hết sức quan ngại. Theo tờ báo thiên hữu Pháp: “Sau Libya, Sudan hay Trung Phi, đạo quân tư nhân của Nhóm Wagner (một công ty quân sự Nga) bắt đầu nhắm tới Mali. Nước Pháp, vốn đã chiến đấu tại đấy từ năm 2013 để chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo thông qua chiến dịch Barkhane, đang cố ngăn chặn hành vi can thiệp của Matxcơva”.  

Trong hồ sơ lớn dành cho chủ đề này, Le Figaro trước hết phân tích ý đồ của tổng thống Nga hiện nay trong bài “Vladimir Putin thúc đẩy các con tốt của mình trên bàn cờ châu Phi”, nêu bật sự kiện Matxcơva dựa vào lực lượng lính đánh thuê của Nhóm Wagner để bảo vệ các lợi ích của Nga ở Syria, Libya và Cộng Hòa Trung Phi, cũng như ở những nơi khác. 

Theo Le Figaro, mục tiêu mà Matxcơva đang nhắm tới là Mali, và ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, ngày 26/09 vừa qua, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã không hề che giấu việc chính quyền Bamako đã tiếp cận các “công ty quân sự tư nhân” của Nga để huấn luyện quân đội và tăng cường an ninh, đang bị các phần tử thánh chiến đe dọa hàng ngày.  

Dĩ nhiên là ngoại trưởng Lavrov đã khẳng định rằng chính phủ Nga không liên quan gì đến các công ty tư nhân đó và không nêu tên Nhóm Wagner. Thế nhưng đối với Le Figaro, lời khẳng định đó không đánh lừa được ai, và điểm đáng chú ý là lần đầu tiên ngoại trưởng Nga đã thừa nhận rõ ràng vai trò của lực lượng bán quân sự do Ilya Prigogine, một nhà tài phiệt thân cận với Vladimir Putin thành lập. 

Theo ghi nhận của tờ báo Pháp, đây là một đạo quân gọi là “nằm trong bóng tối”, nhưng ngày càng có hành động lộ liễu, một lực lượng được Matxcơva sử dụng để bảo vệ lợi ích của Nga ở nhiều nơi mà không bị chính thức mang tiếng can thiệp, và nhất là tránh được tai tiếng khi lực lượng này có những hành vi tàn ác. 

Le Figaro nhắc lại rằng vào năm 2018, khi Nhóm Wagner đặt chân vào Trung Phi, dưới vỏ bọc là lính cận vệ cho nguyên thủ quốc gia này và bảo vệ ngành khai thác khoáng sản, 3 nhà báo Nga đang điều tra nhóm này đã bị sát hại. Matxcơva khẳng định thủ phạm là những kẻ cướp, nhưng mọi nghi ngờ đều dồn vào những người lính đánh thuê của Nhóm Wagner. 

Trong một bài viết khác mang tựa đề “Tại Mali, trò chơi đáng ngờ của tập đoàn quân sự cầm quyền với lực lượng lính đánh thuê của Nhóm Wagner”, nhật báo thiên hữu Pháp đã phân tích chiều hướng xích lại gần nhau hiện nay giữa chính phủ Mali hiện nay, lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chánh quân sự vào tháng 8/2020 với Matxcơva. 

Theo Le Figaro, bang giao giữa Mali và Nga không phải là mới, nhưng việc hai bên ký kết một thỏa thuận quốc phòng vào năm 2019 đã đẩy mạnh quan hệ song phương. Việc chính quyền nước này lọt vào tay một tập đoàn quân sự, lại càng thúc đẩy xu hướng xích lại gần nhau giữa Bamako và Matxcơva, nhất là khi người được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Choguel Maiga, là một nhân vật từng học tập và sống trong mười năm tại Liên Xô trước đây. 

Việc xích lại gần nhau giữa Nga và Mali lại diễn ra vào lúc tâm lý bài Pháp ngày càng dâng cao tại quốc gia châu Phi này, và quyết định của Paris, giảm thiểu hẳn quy mô chiến dịch Barkhane, nhằm giúp các nước trong vùng, trong đó có Mali, đối phó với các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo cực đoan. 

Theo Le Figaro, các động thái của Nga tại châu Phi nói chung, và đặc biệt tại Mali gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động tại Paris. Trong bài “Pháp muốn làm mọi cách để ngăn chặn liên minh với Wagner (của chính quyền Mali)”, tờ báo Pháp nhận định là Nga và lực lượng lính đánh thuê của họ đe dọa toàn bộ khu vực ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi.  

Le Figaro ghi nhận: Bị cho là “không tương thích” với quan hệ đối tác với Pháp, dự án liên minh giữa chính phủ Mali và công ty Nga Wagner đã huy động mọi sức lực của ngành ngoại giao Pháp trong mấy vài tuần nay. 

Trước hết, Paris cố gắng gây áp lực lên chính quyền Nga. Christophe Bigot, quan chức đặc trách Châu Phi của bộ Ngoại Giao Pháp đã đến Matxcơva vào tháng trước. Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron, cũng ghé thủ đô Nga trong tuần này. Các liên hệ cũng được thiết lập với các cơ quan tình báo Nga, đặc biệt là tình báo quân đội (GRU). Pháp đang yêu cầu Nga từ bỏ hoặc ít nhất là làm chậm lại dự án liên minh của họ với chính phủ chuyển tiếp Mali, thành lập sau đảo chính. 

Cho đến nay Pháp đã không thực sự thành công. Tại Matxcơva, các kênh chính thức khẳng định họ không ảnh hưởng gì trên Nhóm Wagner. Còn các kênh không chính thức thì xác định rằng họ chuẩn bị triển khai lính đánh thuê để lấp đầy khoảng trống bắt nguồn từ việc Paris cắt giảm lực lượng quân đội Pháp trong chiến dịch Barkhane mà tổng thống Macron quyết định vào mùa hè vừa qua. 

Paris cũng gây sức ép trên Mali, trong sự hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu và với các quốc gia trong khu vực, đang lo ngại phong trào thánh chiến lan rộng khắp khu vực và Mali sụp đổ. 

Thế nhưng tập đoàn quân sự Mali đã từ chối bãi bỏ kế hoạch hợp tác với Nhóm Wagner. Quan hệ giữa Paris và Bamako đang ở mức thấp nhất. Thủ tướng Choguel Kokalla Maïga gần đây đã cáo buộc Pháp “mang con bỏ chợ” khi quyết định tái triển khai lực lượng Barkhane, đi kèm với việc cắt giảm quân số của Pháp tại Mali. Theo chính quyền Mali, động thái của Pháp sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh nguy hiểm cho đất nước họ, trong khi mà trong thực tế, theo Le Figaro, chính tình trạng điều hành tệ hại và nạn tham nhũng trong guồng máy nhà nước Mali gián tiếp là nguồn gốc của những thất bại. 

Đối với tờ báo Pháp, nếu lính đánh thuê Nga chính thức can thiệp vào Mali, hiệp ước giữa Mali và Pháp có thể bị phá vỡ, với hậu quả không hay cho hệ thống bố trí quân sự của Pháp, đặc biệt là đối với lực lượng Takuba có sự tham gia của châu Âu, bởi vì các nước ở Trung và Đông Âu, vốn rất nhạy cảm với mối đe dọa từ Nga, sẽ từ chối tham gia.  

Chuyên gia Jean Sylvestre Mongrenier viết trong một bài báo cho trang mạng Desk Russie : “Việc Bamako quay sang Nga có thể dẫn đến việc tái tập trung chiến dịch Barkhane vào Niger – nơi Hoa Kỳ đặt một tổng hành dinh lớn – và làm suy yếu cam kết của Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên”. Việc Wagner đến Mali cũng có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt. 

Nhận xét của Le Figaro rất chua chát : Nga đã đánh đuổi Pháp khỏi Cộng Hòa Trung Phi. Ngày nay thì đe dọa tất cả các khu vực ảnh hưởng của Pháp  ở châu Phi. Vào lúc Nga, và cả Trung Quốc, củng cố quyền lực của họ trên lục địa châu Phi, Paris nhận thấy ảnh hưởng của mình đang giảm dần ở đó. Đó cũng là một trong những hệ quả của sự thất bại của các Mùa Xuân Ả Rập. Mười năm sau, làn sóng Nga đang tràn qua để chiếm đóng khu vực này, và lại càng được khích lệ sau các thất bại và bước lùi của Hoa Kỳ, nhất là cuộc rút lui khỏi Afghanistan. 

Về châu Á, Les Echos có một bài viết lý thú về một phiên tòa xét xử lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un mở ra tại Nhật Bản vào hôm nay. 

Dưới hàng tựa bí hiểm “Bắc Triều Tiên: Nhà độc tài Kim Jong Un bị xét xử vì bán quá nhiều ‘thiên đường’ “, tờ báo Pháp cho biết là vào hôm nay, 14/10, lãnh đạo Bình Nhưỡng triệu mời ra trước một tòa án ở Tokyo để trả lời về các cáo buộc bắt cóc cấp nhà nước và giam giữ bất hợp pháp. Ông Kim Jong Un dĩ nhiên không đến dự phiên tòa. 

Từ năm 1959 đến năm 1984, hơn 90.000 người Triều Tiên nhập cư tại Nhật Bản đã bị Bắc Triều Tiên dụ dỗ hồi hương để sống tại thiên đường xã hội chủ nghĩa ở đó. Trong số này chỉ có 200 người đã trở lại được Nhật Bản. 

Les Echos cho biết chi tiết: Nhà độc tài 37 tuổi, cháu nội của Kim Nhật Thành, con trai của Kim Jong Il, được triệu tập đến phòng số 103 của Tòa Án Tokyo lúc 10 giờ sáng nay. Một tài liệu chính thức đã được đăng gần cổng phía nam của tòa án lớn và  cũng được chuyển đến chính quyền Bình Nhưỡng. Theo luật sư của bên nguyên đơn bao gồm 5 nạn nhân từng bị bắt cóc, họ đã đệ đơn vào tháng 8 năm 2018 chính thức kiện Nhà Nước Bắc Triều Tiên về tội bắt cóc cấp nhà nước và giam giữ bất hợp pháp.  

Tổng cộng 93.340 người đã thực hiện chuyến đi một chiều “tuyệt vời” này giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Tất cả đều tin chắc là họ đi vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những người Triều Tiên này hầu hết sinh ra ở Nhật Bản trong các gia đình đã được chính quyền Nhật Bản chuyển từ bán đảo đến quần đảo, từ năm 1910 đến năm 1945, do việc Nhật Bản cần lao động và người thay thế trong các nhà máy và hầm mỏ cho người Nhật, đã phải tòng quân đi chiến đấu khắp châu Á. 

Trong đơn kiện, 5 nạn nhân yêu cầu Bắc Triều Tiên bồi thường thiệt hại cho mỗi người 100 triệu yên (780.000 euro). Nhưng vấn đề tiền bạc không quan trọng và Kim Jong Un sẽ không cử bất kỳ quan chức nào đến trả lời các câu hỏi của thẩm phán. 

Kanae Doi, chủ tịch tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tại Nhật Bản, khẳng định: “Điều quan trọng là cuối cùng họ sẽ có thể kể câu chuyện của mình và được lắng nghe ở một đất nước Nhật Bản vốn từ trước đến nay chưa bao giờ chú ý đến họ”. Ngoài ra, theo luật sư của bên nguyên đơn, phiên tòa “cũng sẽ gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản để buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm, đặc biệt là về số phận của những người Nhật đã theo chồng hoặc vợ người Triều Tiên của họ trong chương trình hồi hương này”. 

Như nói ở trên, trang nhất các tờ báo lớn chủ yếu được dành cho thởi sự Pháp, đặc biệt là lãnh vực xã hội với Le Monde chú ý đến kỷ niệm 1 năm ngày nhà giáo Pháp Samuel Paty bị một phần tử Hồi Giáo cực đoan sát hại ở ngoại ô Paris và La Croix nêu bật phản ứng của giáo dân trước bản báo cáo về tệ nạn ấu dâm trong Giáo Hội Công Giáo Pháp. 

Ngay trang nhất, Le Monde chạy hàng tựa lớn “Samuel Paty: Một chấn thương lâu dài” và ghi nhận là một năm sau vụ một phần tử thánh chiến trẻ tuổi sát hại nhà giáo Pháp Samuel Paty trước khí bị cảnh sát bắn chết, cuộc điều tra tư pháp phức tạp vẫn tiếp tục. 

Le Monde nhắc lại rằng người giáo viên sử địa đã bị sát hại dã man sau khi cho học sinh của mình xem một bức tranh biếm họa về Muhammad vài ngày trước đó. Tổng cộng đã có 16 người bị truy tố vì các mức độ đồng lõa khác nhau trong vụ này. 

Trong hồ sơ chính bên trong, Le Monde ghi nhận là một năm sau vụ việc, thị xã Conflans-Sainte-Honorine, vẫn đang bị sốc và vẫn tìm cách thích hợp để tưởng niệm giáo viên bị sát hại.  

Trong đội ngũ giáo viên, nỗi xúc động vẫn còn đậm nét, trong lúc trong cộng đồng của những người thuộc ngành giáo dục, vấn đề giảng dạy thế nào về chủ nghĩa thế tục đã nổi lên thành chủ đề tranh luận, với những đánh giá đối chọi nhau về giá trị này. 

Cũng liên quan đến tôn giáo, trang nhất nhật báo Công Giáo Pháp La Croix hôm nay chạy tựa lớn: “Báo cáo Sauvé: Các giáo dân động viên nhau (để phản ứng)”.  

Theo La Croix, sau khi báo cáo của Ủy Ban Độc Lập về Lạm Dụng Tình Dục trong Giáo Hội Công Giáo Pháp (Ciase) được công bố hôm 05/10, những lời kêu gọi cải tổ Giáo Hội ngày càng gia tăng. Từ vấn đề lãnh đạo và điều hành cho đến vị trí của phụ nữ hay sự tham gia của giới thế tục, chủ đề tranh luận rất đa dạng. Tuy nhiên, theo La Croix, vấn đề hiện nay là các diễn đàn để mọi người tranh luận vẫn còn rất hiếm. 

Cũng tập trung vào chủ đề Pháp, Libération đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính hôm nay cho phản ứng của giới thể thao trước chỉ tiêu rất cao mà tổng thống Pháp Macron đặt ra cho các vận động viên nhân Thế Vận Hội Paris 2024.

Tựa lớn trang nhất của Libération đã chơi chữ trên ý nghĩa của từ “argent” vừa là tiền, vừa là bạc: “Các vận động viên phản ứng với Macron: Để có vàng, cần phải có tiền.  

Đối với tờ báo, sau khi tổng thống đánh giá là thành tích đoàn Pháp tại Thế vận hội Tokyo quá yếu và đề ra những tham vọng rất cao cho các vận động viên quốc gia tại Thế vận hội 2024 ở Paris, giới thể thao Pháp đã đồng loạt phản đối tình trạng thiếu kinh phí dành cho ngành thể thao đẳng cấp cao trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Theo nhiều vận động viên, chính quyền Pháp đã không hề chi tiêu đúng mực để phát triển ngành thể thao đẳng cấp cao. 

Sau cùng, như thông lệ, nhật báo Les Echos đã dành tít lớn trang nhất cho một vấn đề kinh tế: Tình trạng giá nhiên liệu tăng cao tại Pháp. 

Tựa lớn của nhật báo Kinh tế Pháp nêu bật: “Giá xăng dầu: Chính quyền tìm cách chống đỡ”. Theo Les Echos, trước tình trạng giá nhiên liệu gia tăng, chính phủ đang xem xét nhiều phương án nhằm giảm cú sốc. Đây là một vấn đề cho Nhà Nước Pháp vì chính quyền thu thuế rất cao trên giá nhiên liệu, và một quyết định giảm 5 centime trên thuế xăng chẳng hạn sẽ kéo theo 2,5 tỷ đô la thất thu tiền thuế đối với chính phủ.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211014-ph%C3%A1p-ra-s%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BA%A9y-l%C3%B9i-nguy-c%C6%A1-v%C3%B9ng-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-phi-b%E1%BB%8B-nga-l%E1%BA%A5n-chi%E1%BA%BFm