Điểm Báo Pháp 4/15/2014
Lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Lyi – Reuters
Miến Điện: 3 năm mở cửa, tương lai chính trị của Aung San Suu Kyi vẫn bấp bênh
Theo RFI – Anh Vũ – Thứ Ba 15 Tháng Tư 2014
Le Figaro dành hết một trang báo lớn cho bài phóng sự dài nhân sự kiện biểu tượng dân chủ Miến Điện bà Aung San Suu Kyi tới thăm Pháp.
Bài phóng sự lấy tựa đề khá hấp dẫn như của một tiểu thuyết «Quý bà, nhà sư và viên tướng». Tuy nhiên đó chính là ba nhân tố tiêu biểu cho bức tranh toàn cảnh chính trị xã hội Miến Điện trong tiến trình chuyển biến dân chủ.
Tờ báo ghi nhận, trong 3 năm mở cửa, Miến Điện đã đi được một chặng đường dài và có vẻ như đang là miền đất hứa mới ở châu Á đối với các nước phương Tây? Tuy nhiên đất nước vẫn bị ảnh hưởng bởi các vụ bạo lực tôn giáo và xung đột sắc tộc. Tương lai chính trị của nhà đối lập Aung San Suu Kyi vẫn còn bất trắc.
Tác giả bài viết ví Miến Điện như một dòng sông dài chảy ngược, tuy nhiên chặng đường của đất nước đi qua từ năm 2011 đến nay quả thực là ấn tượng. Tất cả bắt đầu từ việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 11 năm 2010, rồi đến việc cựu tướng quân Thein Sein được bầu làm tổng thống, lãnh đạo chính phủ chuyển từ tập đoàn quân sự sang dân sự và bắt tay vào một loạt cải cách sâu rộng.
Nhà phân tích chính trị Romain Caillaud của Vriens& Partner được Libération trích dẫn đã nhận xét «Trong vòng ba năm, đất nước này đã chuyển từ chế độ tập đoàn quân sự sang một thể chế gần như lập hiến. Đây là điều không thể tượng được trước đó không lâu. Phạm vi tiến bộ rất lớn, các quyền tự do công dân ở Miến Điện còn nhiều hơn cả Việt Nam và báo chí được tự do hơn cả ở Malaysia hay bằng với Singapore».
Ngay lập tức sau những tiến bộ như vậy, Miến Điện trở thành một đất nước có thể giao du được. Các nước phương Tây khám phá trở lại lợi ích chiến lược của đất nước năm lọt giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Miến Điện trở thành miền đất hứa về kinh tế trong vùng. Các trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ gần hết, uy tính chính trị của đất nước lên cao, năm 2014, Miến Điện nắm chức chủ tịch Asean.
Con đường dân chủ vẫn còn nhiều cản trở
Đó là về những thành quả bước đầu trong tiến trình dân chủ hoá đất nước. Tuy nhiên tác giả bài phóng sự nhận thấy một điều là từ vài tháng qua, sự hưng phấn của đất nước đã bắt đầu lắng xuống phần nào.
Làn sóng các nhà đầu tư đô xô đi tìm vàng ở Miến Điện đã vấp phải những trở ngại đầu tiên. Đó là lỗ hổng pháp lý rất lớn và hệ thống hạ tầng cơ sở thiếu thốn. Về mặt chính trị, mặc dù lùi lại sau hậu trường nhưng giới quân nhân vẫn nắm quyền chỉ huy. Trong lúc này, đất nước Miến Điện lại càng thêm suy yếu bởi đám cháy xung đột tôn giáo, giữa người Hồi giáo và người Phật giáo, dường như không thể dập tắt được bởi sự trỗi dậy ngày càng mạnh của những phần từ Phật giáo cực đoan.
Trong đó nổi lên một nhà sư Ashin Wirathu ở thành phố Mandalay, người rất có ảnh hưởng trong cộng đồng Phật giáo nhưng lại có đầu óc cực đoan đến mức ông bị gán cho cái biệt danh «Bin Laden Miến Điện». Nhà sư này, qua mạng xã hội, không ngừng tố cáo sự đe doạ của người Hồi giáo. Ông coi người Hồi giáo là «nhân tố gây rối loạn» đất nước. Ông chủ trương một thứ chủ nghĩa Aparthei mới ở Miến Điện, theo đó «nếu Miến Điện muốn được sống thanh bình thì người Phật giáo và Hồi giáo phải sống cách ly nhau».
Hồi năm 2003, chính quyền quân sự đã kết án nhà sư cực đoan này 25 năm tù vì tội kích động hận thù. Ông được trả tự do trong làn sóng ân xá tù chính trị hồi năm 2012. Giờ đây, nhà sư này cùng với các đồng môn của mình liên tiếp đưa ra những tuyên bố đầy kỳ thị người Hồi giáo. Có điều là những phát ngôn cự đoan lại rất có ảnh hưởng trong dân chúng và đó chính là mồi lửa để thổi nên đám cháy xung đột sắc tộc tôn giáo.
Tương lai chính trị của Aung San Suu Kyi vẫn còn nhiều bất ổn
Theo tác giả bài báo, những vụ bạo lực xung đột cộng đồng tôn giáo trở thành những cái ổ gà trên con đường trở thành tổng thống của bà Aung San Su Kyi, biểu tượng sống cho nền dân chủ của Miến Điện.
Chính vì thế mà người ta thấy nhà đối lập số 1 của Miến Điện tỏ ra dất kín đáo về chủ đề này. Hình ảnh của nhà dân chủ hàng đầu này gần đây cũng bị sứt mẻ ít nhiều bởi chủ trương chính trị thực tế. Hồi đầu năm nay, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi thấy bà Aung San Su Kyi ngồi sát cánh với các tướng lĩnh quân đội trong buổi lẽ diễu binh tại nay Pyi Daw. Ít hôm sau, trên đài BBC bà lại có phát biểu được cho là vụng về khi nói «tôi yêu quân đội».
Trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bắt đầu xuất hiện chỉ trích bà nhiều điều về phong cách lãnh đạo độc đoán. Tóm lại bà Aung San Suu Kyi, theo tác giả, là một nhà đối lập mẫu mực, nhưng không hẳn đã đủ trang bị để nắm quyền điều hành đất nước. Hơn thế nữa phe cánh quân đội vẫn còn rất mạnh chưa muốn rời bỏ hoàn toàn quyền lực khi chưa bảo đảm thể chế mới sẽ không lật lại hồ sơ của họ dưới thời độc tài quân sự.
Tương lai chính trị của bà Aung San Suu Kyi vẫn còn phụ thuộc vào Hiến pháp cụ thể là phụ thuộc vào giới quân nhân có thiện ý chấp thuận sửa đổi văn kiện đó hay không. Cho đến giờ, Hiến pháp Miến Điện vẫn cấm một ứng viên tổng thống có chồng và con cái có quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó bà Aung San Suu Kyi có chồng là người Anh đã mất năm 1999, các con bà vẫn mang quốc tịch Anh. Tác giả bài viết đặt câu hỏi : Nếu trong cuộc tuyển cử năm 2015 đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi, đây là điều rất có thể, điều gì sẽ xảy ra khi người đứng mũi chịu sào của đảng vẫn phải ở bên ngoài cánh cửa quyền lực.
Ukraina: Đe doạ chia cắt lại đến từ nước Nga
Nguy cơ chia cắt lãnh thổ Ukraina lại bùng lên dữ dội, hơn một tháng sau khi mất đứt bán đảo Crimée về tay Nga. Dư luận không khỏi thắc mắc điều gì sắp xảy ra với Ukraina trong những ngày tới đây?
Hầu hết trang nhất các tờ báo chính ra tại Pháp hôm nay đều đăng tải những bức hình những nhóm thân Nga được vũ trang ở nhiều vùng miền đông đang đòi ly khai ra khỏi Ukraina cùng với những bài viết mang nội dung cho thấy mối đe doạ của Nga với Ukraina đang định hình rõ nét. Những diễn biến ở miền đông khiến Le Monde lo ngại «Ukraina đang cận kề một cuộc nội chiến». Tờ báo ghi nhận thấy hành động chiếm đóng của các phần tử thân Nga tại miền đông Ukraina có thể khiến đất nước này tan vỡ vì chia cắt.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định: «Từ khi kết thức cuộc chiến tranh Nam Tư cũ trong thập niên 1990, chưa bao giờ châu Âu lại ở gần bên bờ vực một cuộc nội chiến như bây giờ. Đã bị mất trắng Crimée về tay Nga, Ukraina đang đứng trước đe doạ không kiểm soát được những vùng đất biên giới với Liên bang Nga».
Châm ngòi nổ xung đột là những nhóm ly khai trong nước nhưng ai cũng nhận ra bóng dáng của nước Nga trong từng diễn biến ở miền đông Ukraina những ngày qua. Trang nhất của Figaro chạy tựa «Tại Ukraina, những nhóm thân Nga tấn công và kêu gọi Matxcơva giúp đỡ».
Trong khi đó chính quyền Trung ương ở Kiev đang đối mặt với bài toán khó là làm sao thu hồi lại những vị trí bị lực lượng vũ trang thân Nga chiếm đóng trong những ngày qua. Tờ báo ghi nhận chính quyền Ukraina hiện nay tỏ ra bất lực trong việc giành lại kiểm soát các địa điểm do lực lượng thân Nga chiếm giữ, trong khi đó các nhóm thân Nga tiếm tục lại dấn thêm từng bước tiến tới ly khai nhiều vùng miền đông ra khỏi Ukraina.
Rối loạn miền đông Ukrain và bàn tay của Nga
Trang nhất của Libération chạy tựa lớn hàm ý ví Ukraina như một canh bạc ăn cả của Tổng thống Putin. Libération đặt câu hỏi lớn Ukraina: «Putin sẽ dừng lại ở đâu?»
Tác giả bài viết nhận định «Các cuộc tấn công do các nhóm vũ trang thân Nga trong nhiều thành phố ở miền đông Ukraina từ thứ Bảy (tuần qua) rõ ràng là có sự điều hành. Không ai không nghi ngờ về sự can dự của Matxcơva trong những sự kiện này. Diễn tiến này gợi lại kịch bản đã được làm ở Crimée, với những bước: Triển khai đội quân vũ trang trong trang phục không nhận dạng được, tuyên bố thành lập «nước Cộng hoà độc lập», kêu gọi sự giúp đỡ của «mẫu quốc».
Tờ báo khẳng định: «Đây là mức độ khủng hoảng nghiêm trọng mới, mà Washington và các nước châu Âu cảnh cáo Kremli.
Libération tỏ bất bình trước những phản ứng dè chừng của phương Tây đặc biệt là của Liên hiệp châu Âu.
Xã luận tờ báo viết: «Châu Âu để mặc một đất nước rất gần, chỉ cách Bruxelles có 4 giờ bay, bị chia cắt bởi sức mạnh của vũ khí. Sau Gruzia, sau Crimée, quân đội và các lực lượng đặc nhiệm Nga, được nguỵ trang tồi thành những « thành phần đối lập nói tiếng Nga», đã xâm phạm biên giới của một quốc gia có chủ quyền . Bất chấp luật pháp quốc tế, họ đưa quân của mình vào dưới cái cơ bảo vệ những người Nga thiểu số chẳng bị ai đe doạ… Các lãnh đạo châu Âu vẫn chỉ giương cao đe doạ những biện pháp trừng phạt không có hiệu quả. Nói một cách khác, Libération nhận xét, Putin có thể tiếp tục hành động không sợ gì trước những tuyên bố rỗng không của bà Merkel, ông Hollande hay Cameron. Ukraina bị băm nát là một tin dữ với châu Âu, nhưng cũng là đối với tất cả các nước, từ giờ trở đi phải phó mặc số phận cho một «kẻ săn mồi láng giềng» mà kẻ đó biết rất rõ cộng đồng các quốc gia sẽ để mặc cho nó hành động».
Phương Tây làm được gì?
Vẫn là Libération, tờ báo khẳng định «nếu Matxcơva tiếp tục leo thang căng thẳng, các nước phương Tây có thể quyết định những biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự để gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga vốn đang bị kiệt quệ vì thất thoát vốn từ đầu cuộc khủng hoảng này. Vậy nhưng, sự lệ thuộc của nhiều nước châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga là một thực tế, lấy thí dụ như 40% nhu cầu khí đốt của Đức được nhập từ Nga. 28 thành viên của EU phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc này. Nga cần phương Tây để hiện đại hoá nền kinh tế hơn là các nước phương Tây cần Nga».
Cùng chung nhận định trên, nhà nghiên cứu Chính trị tại Paris, bà Anne de Tinguy trả lời câu hỏi của Libération: «Làm sao ngăn chặn được Nga?» cho rằng để có thể răn đe được Nga, đó là Liên hiệp châu Âu phải cho Nga thấy họ sẽ tìm cách định hướng lại việc nhập khẩu khí đốt, để Nga không còn có thể dùng lá bài khí đốt để bắt chẹt trong quan hệ đối tác.
Vẫn còn có thể hạn chế hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên
Trang dành cho Khoa học của Le Figaro cho biết tập báo cáo của nhóm công tác quốc tế Giec vừa được công bố hôm qua tại Berlin nhấn mạnh đến các biện pháp kỹ thuật có thể nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng thêm.
Tờ báo đặt câu hỏi: Làm sao có thể giảm bớt phát thải khi gây hiệu ứng nhà kính, một yếu tố chủ chốt gây biến đổi khí hậu? Chắc chắn là không nếu chúng ta tiếp tục các chính sách như ngày nay.
Tập thứ ba cũng là tập cuối cùng trong báo cáo lần thứ năm của Giec đã đưa ra con số cụ thể: «Trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2010, các phát thải khi gây hiệu ứng nhà kính đã tăng nhanh hơn nhiều so với 3 thập kỷ trước đó». Nguyên nhân là vì sức ép buộc phải quay lại sử dụng than đá.
Tuy nhiên kết luận của các nhà khoa học Liên hiệp quốc khẳng định: Thế giới vẫn còn khả năng duy trì mức tăng nhiệt độ thêm 2° C so với thời kỳ tiền coogn nghiệp, nhưng với điều kiện phải đảo ngược xu hướng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo một kịch bản có thể đến năm 2050 phải giảm từ 40% đến 70% lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính của năm 2010 và đến cuối thế kỷ phải loại trừ toàn bộ khí phát thải nói trên.
Những con số đơn giản nhưng làm được việc đó không hề đơn giản chút nào.