Ðiểm Báo Pháp – 14/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 14/7/21

Covid-19: Pháp đau đầu với việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế

Ảnh minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi phát biểu truyền hình về tình hình dịch bệnh Covid-19 tối ngày 12/07/2021.
Ảnh minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi phát biểu truyền hình về tình hình dịch bệnh Covid-19 tối ngày 12/07/2021. AFP – LUDOVIC MARIN

Hôm nay, 14/07/2021, ngày quốc khánh Pháp, hầu hết các nhật báo cũng nghỉ lễ. Một vài tờ báo chính như Le Monde, Le Figaro hay Libération vẫn ra báo thì đều tập trung xoay quanh chủ trương mới phòng chống dịch Covid-19 vừa được tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đầu tuần này, đặc biệt trên vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế.

Tựa lớn trang nhất của Le Figaro: «Những câu hỏi và tranh luận xung quanh chứng nhận y tế». Sau diễn văn của tổng thống Macron hôm 12/07, viện Odoxa đã làm một thăm dò dư luận cho Le Figaro, theo đó 61% người dân Pháp ủng hộ biện pháp mở rộng phạm vi sử dụng giấy chứng nhận y tế của chính phủ, nhưng cách áp dụng trên thực tế mới đang là vấn đề đau đầu cho cả chính quyền lẫn đối tượng thực hiện.

Từ ngày hôm qua 13/07, chính phủ đã cố gắng chi tiết hóa cách thức thực hiện chủ trương của tổng thống, nhưng dư luận đã thấy không ít bất cập. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh việc áp dụng chứng nhận y tế.

Thực tế, chứng nhận y tế đã có hiệu lực đối với những người đi du lịch hay tham dự vào các sự kiện tập trung trên 1.000 người, nhưng theo thông báo của tổng thống thì từ ngày 21/07 này, phạm vi áp dụng được mở rộng ra nhiều địa điểm như các quán cà phê, quán ăn, các trung tâm thương mại và cả các bệnh viện, viện dưỡng lão, hưu trí, các cơ sở y tế xã hội, người sử dụng máy bay và tàu đường dài.

Le Figaro nhận thấy với quy định này hoạt động của một số tụ điểm sẽ bị ảnh hưởng nhiều trong khi mà các ngành như giao thông vận tải, quán hàng, trung tâm thương mại đều đang lúng túng chưa biết sẽ áp dụng hình thái kiểm tra chứng nhận y tế ra sao với các khách hàng.  Bị bất ngờ, nhiều cơ sở đã lên tiếng đề nghị cho lùi lại các biện pháp để có thời gian chuẩn bị.Publicité

Tiêm chủng cũng nảy sinh vấn đề

Một điểm mà các báo có thể đều nhận thấy là biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế chính là cách tạo áp lực để mọi người buộc phải tiêm chủng ngừa Covid, trong khi mà chính phủ không thể áp đặt tiêm vac-xin cho mọi đối tượng.

Hiệu quả đã thấy ngay là trong vòng chưa đầy hai ngày gần 2 triệu người đã đổ xô đăng ký tiêm chủng. Nhật báo Libération nhận thấy ngay cả trong việc tiêm chủng, ở đây cũng nảy sinh những vấn đề, động chạm đến nhiều tình huống phức tạp. Ngay cả quy định bắt buộc tiêm chủng với một số đối tượng như nhân viên y tế, nhà hàng cũng khó có thể được thông qua ở cấp độ Hội Đồng Bảo Hiến để có thể luật hóa quy định. 

Libération đặt ra một loạt câu hỏi: Làm sao có thể đi du lịch xa hay lên máy bay với một trẻ em 12 tuổi chưa thể tiêm đủ 2 liều vac-xin ?  Chủ quán ăn lấy quyền gì để kiểm tra nhân thân và chứng nhận y tế của khách hàng ?  Với khách Mỹ đến du lịch Pháp, kiểm tra giấy thông hành y tế của họ ra sao ?  Nói chung rất nhiều vấn đề đang chờ có câu trả lời của chính phủ và cần phải có sự linh hoạt trong áp dụng thực hiện chủ trương.

Trong khi đó Le Monde quan tâm nhiều đến quyết định « tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế gây phản ứng », nhất là khi những người không tuân thủ có thể bị đình chỉ công việc hoặc sa thải.

Le Monde cho biết số lượng nhân viên y tế và làm việc trong các viện dưỡng lão chưa tiêm chủng không phải là nhiều, chỉ còn khoảng 1,5 triệu người. Từ nay đến hạn 15/9 có thể tiêm chủng hết cho số đối tượng trên nhưng vấn đề là áp đặt bắt buộc đối với họ tạo ra một tâm lý không tốt trong ngành y.

Vấn đề còn lại vẫn là để xem biện pháp bắt buộc này sẽ được triển khai thực hiện ra sao?  Người ta không tin là người ta có thể sa thải nhân viên y tế vì không tiêm chủng khi mà đây là nguồn lực chủ chốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và nguồn lực này cũng đang trong tình trạng thiếu thốn.

Một khía cạnh khác mà báo chí Pháp đều có đồng quan điểm đó là đằng sau diễn văn trên truyền hình chủ yếu tập trung vào các chủ trương mạnh mẽ chống dịch Covid-19 của tổng thống Emmanuel Macron là một chiến dịch tranh cử tổng thống đang được chuẩn bị. Le Figaro có bài: «Nguyên thủ quốc gia chứng tỏ quyền lực, chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống ‘dưới thời Covid’». Còn nhật báo Libération thì khẳng định với hàng tựa: «Tại Elysée, sau chiến dịch tiêm chủng là chiến dịch tranh cử tổng thống».

Pháp: Google bị phạt nửa tỷ euro vì không tôn trọng luật

Chuyển qua trang kinh tế, nhật báo Le Figarro có bài về việc cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp phạt Google 500 triệu euro. Đây là một trừng phạt mới quy mô lớn mà người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực internet phải hứng chịu ở Pháp. Tháng trước cơ quan chống độc quyền của Pháp cũng đã ra lệnh phạt Google 220 triệu euro vì lạm dụng ưu thế trong lĩnh vực quảng cáo bằng công nghệ số. Lần này Google bị phạt vì đã không tôn trọng luật, từ chối thảo luận với các cơ quan báo chí về khai thác sử dụng các nội dung thông tin của họ trên mạng. Các hãng phát hành tin tức APIG, SEPM và AFP của Pháp cáo buộc Google đã không thực hiện các cuộc đàm phán một cách thiện chí với họ để thống nhất khoản phí chi trả cho việc hiển thị nội dung tin tức trực tuyến trên các công cụ của Google. Tuy nhiên không có gì ngăn cản Google kháng nghị lại quyết định trừng phạt của cơ quan Pháp.

Vẫn liên quan đến chủ đề kinh tế, nhật báo Libération có bài nhấn sự kiện hôm nay, 14/07/2021,  bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen sẽ phải thông báo đến năm 2035 chấm dứt bán các loại xe hơi dùng động cơ chạy bằng xăng dầu tại Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất xe hơi chuyển sang làm xe chạy điện mạnh hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử cho ngành công nghiệp xe hơi nhưng lại đặt ra không ít thách thức về vấn đề công ăn việc làm khi mà thời gian chuyển tiếp quá ngắn. Quyết định của Ủy Ban Châu Âu sẽ đặt các hãng xe của châu lục trước một cuộc chạy đua với thời gian cùng nhiều rủi ro về kinh tế xã hội liên quan đến hơn 13 triệu lao động ở Châu Âu. Theo bài báo, sản xuất xe động cơ điện sẽ làm giảm 60% nhân lực so với chế tạo động cơ diesel và 40% so với chế tạo động cơ chạy xăng. Điều quan trọng là các hãng xe cần phải có tiền để đầu tư để chuyển đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất. Tờ báo cho hay, đầu tuần này lãnh đạo các hãng xe hơi Pháp đã gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mục tiêu đầu tiên của họ là đòi chính phủ trợ giúp tiền. Các nhà chế tạo xe hơi Pháp cần ít nhất 17 tỷ euro đầu tư trong 5 năm để chuyển hướng sang sản xuất xe chạy điện.

Olympic Tokyo 2020, chính phủ Nhật không có sư lựa chọn khác

Chỉ còn hơn một tuần nữa, ngày 23/07, Nhật Bản sẽ đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Thế Vận Hội Tokyo 2020 sau khi đã phải lùi lại một năm vì dịch. Một thế vận hội diễn ra không khán giả, trong tình trạng khẩn cấp y tế, một kỷ thế vận hội đại đa số người dân không muốn có.

Nhật báo Le Monde có bài viết về kỳ Thế Vận Hội không được người dân Nhật chào đón. Bài báo ghi nhận thực tế là tại Nhật Bản, chính phủ của thủ tướng Yoshihide Suga đang bị mắc kẹt giữa một bên là quyết tâm bằng mọi giá duy trì sự kiện Olympic Tokyo, bất chấp mọi cảnh báo của các chuyên gia về những rủi ro y tế và bên kia là sự phản đối của đại đa số người dân Nhật.

Nhưng vấn đề hủy hay hoãn lại sự kiện thể thao này đều không thể được đối với chính phủ Nhật. Thứ nhất, theo bài báo, chỉ có Ủy Ban Olympic Quốc tế (CIO) có thể quyết định hoãn hay hủy Thế Vận Hội, trong trường hợp có chiến tranh hay lo ngại thực sự có đe dọa an toàn của những người tham dự sự kiện. Nếu nước chủ nhà quyết định đơn phương hủy Thế vận hội thì phải chịu toàn bộ phí tổn tổ chức sự kiện. Trong trường hợp Olympic Tokyo, các chi phí đầu tư chính thức là 12,6 tỷ euro, trong đó có 2,7 tỷ đầu tư của các nhà tài trợ. Nếu sự kiện bị hủy thì các bên liên quan sẽ bị thiệt hại còn nhiều hơn số tiền đã đầu tư.

Chính phủ nhật đã duy trì Thế Vận Hội cho dù việc đón hàng chục nghìn người gồm các vận động viên, thành viên đoàn, quan khách và nhà báo cùng lúc như vậy có thẩy tạo ra một làn sóng lây nhiễm Covid mới.

Theo bài báo, ngoài nhưng ràng buộc về tài chính, những kỷ niệm buồn trong quá khứ khiến cho chính phủ Nhật không muốn đặt vấn đề hủy sự kiện. Đó là Tokyo năm 1940 đã phải hủy bỏ kỷ Thế Vận Hội, khi đó là vì lý do chiến tranh.  Làn này để hoãn Thế Vận Hội, cần phải có quyết tâm chính trị, điều mà thủ tướng Suga không có được. » Bị mắc kẹt trong các cam kết hợp đồng với CIO, với các nhà tài trợ và các kênh truyền hình, chính phủ trói tay và phải từ bỏ một phần chủ quyền ». Chính phủ của thủ tướng Suga đang trong ngõ cụt, chỉ còn có thể hy vọng sự kiện sẽ diễn ra mà không gây thiệt hại quá nhiều.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210714-covid-19-ph%C3%A1p-%C4%91au-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%9Bi-vi%E1%BB%87c-m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-ph%E1%BA%A1m-vi-%C3%A1p-d%E1%BB%A5ng-ch%E1%BB%A9ng-nh%E1%BA%ADn-y-t%E1%BA%BF