Ðiểm Báo Pháp – 14/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 14/6/21

Nga: «Lằn ranh đỏ» của chính quyền Putin và cuộc tấn công nhắm vào truyền thông độc lập

Báo Le Monde phát hành từ chiều thứ Bảy đề cập đến nhiều chủ đề dàn trải : sự tự chủ yếu ớt mong manh của châu Âu trước tổng thống Mỹ Biden, Algéri muốn khôi phục vai trò siêu cường khu vực, giải quần vợt Roland-Garros, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Liban, những nguy cơ đè nặng lên nền dân chủ Ba Lan … Nhưng một trong những bài viết đáng chú ý nhất là về gọng kìm của chính quyền Nga đang siết lại quanh các phương tiện truyền thông độc lập.

Sau khi tấn công vào các kênh truyền hình, nhật báo lớn, giờ đây chính quyền Nga tăng cường nhắm vào các phương tiện truyền thông độc lập. Mới đây nhất, vào ngày 12/06, trang tin kinh tế VTimes đã phải đóng cửa sau khi bị nhà chức trách hồi tháng 05 xếp vào danh sách « các tác nhân nước ngoài » chiểu theo một đạo luật có từ năm 2018.

Mặc dù có quy mô nhỏ, mới thành lập, nhưng VTimes đã nhanh chóng nổi lên như một « tinh hoa Nga » nhờ tính nghiêm túc, nhất là trong việc xử lý thông tin về các công nghệ mới và chuyển đổi năng lượng. Alexander Gubsky, một trong những nhà sáng lập trang tin VTimes, cho thông tín viên báo Le Monde, Benoit Vitkine, biết là một khi đã bị xếp vào danh sách đó, các cơ quan sẽ bị tất cả mọi người nhìn nhận là « kẻ thù của nhân dân » như dưới thời Staline. Điều đáng lo ngại, theo tổng biên tập trang VTimes, là không có gì bảo đảm là các nhà báo của VTimes sẽ không bị khởi tố tội hình sự trong tương lai.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Alexander Gubsky gặp chuyện như vậy. Vào năm 1998, nhà báo này là một trong những người sáng lập ra Vedomosti, nhật báo kinh tế duy nhất của Nga thời bấy giờ và nhận được sự ủng hộ của cả Financial Times và Wall Street Journal. Nhưng tất cả đã sụp đổ vào năm 2020 khi tờ báo kinh tế, vốn nổi tiếng là hoạt động độc lập, bị hai doanh nhân thân cận với chính quyền Vladimir Putin mua lại. Tờ báo thay tổng biên tập, các bài báo bị kiểm duyệt, những bài báo chính trị nhạy cảm biến mất …

Nhà báo Alexander Gubsky nhấn mạnh với Le Monde là chuyện đó mang tính chính trị 100%. Điện Kremlin không hẳn muốn trực tiếp kiểm soát từng phương tiện truyền thông mà phủ tổng thống Nga không chấp nhận được suy nghĩ là một số phương tiện truyền thông đã thoát khỏi tầm kiểm soát của họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 05/04/2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 05/04/2021. © Alexei Druzhinin/AP/SIPA

Điện Kremlin: Không theo, có nghĩa là chống

Chuyện xảy ra với trang tin VTimes hay nhật báo kinh tế Vedomosti không phải là chuyện mới mà chỉ tiếp nối những gì đã xảy ra với các báo kinh tế khác như RBK hay Kommersant. Chuyện xảy ra với VTimes cũng không phải trường hợp cá biệt. Le Monde liệt kê hàng loạt phương tiện truyền thông Nga bị chính quyền gây áp lực, xử phạt, bắt đóng cửa : Trang tin độc lập Meduza, trang Newsru.com, đài Radio Free Europe – Radio Liberty.

Nhà báo Alexander Gubsky khẳng định những phương tiện truyền thông bị nhà chức trách tấn công không phải là truyền thông « đối lập » mà là « báo chí độc lập ». Vấn đề nằm ở chỗ Kremlin chỉ phân biệt 2 chuyện : « hoặc là theo, hoặc là chống ».

Trước đây các phương tiện truyền thông độc lập quy mô vừa và nhỏ ở Nga không bị nhắm tới như vậy. Nhưng ngược lại, sự chú ý của chính quyền nhắm vào truyền thông cũng không phải quá mới. Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên 2000-2004 của Vladimir Putin đã đánh dấu bằng việc kiểm soát, thậm chí là rất thô bạo : nhiều kênh truyền hình đã bị quốc hữu hóa hoặc rơi vào tay những nhân vật thân hữu với ông Putin, chẳng hạn đài TNV rơi vào tay tập đoàn Gazprom thân cận với tổng thống Nga hồi năm 2001. Từ đó đến nay, truyền hình trở thành phương tiện truyền thông của chế độ Putin.

Tiếp theo đó, đến giữa những năm 2010, chính quyền bắt đầu kiểm soát các tờ báo lớn, việc đưa tin bài về một số đề tài chính trị và các thương vụ bị đưa vào « khuôn phép », chẳng hạn các thương vụ của tập đoàn dầu lửa Nga Rosneft.

Gọng kìm đang siết chặt

Tờ báo Novaia Gazeta là một ngoại lệ, vẫn được hoạt động độc lập, nhưng đã có 5 nhà báo bị sát hại trong vòng 20 năm. Một số đài radio vẫn còn được hoạt động độc lập ở một mức độ nhất định, nhưng theo thông tín viên Le Monde, gọng kìm cũng đang siết lại. Một nhà báo cho biết chủ sở hữu đài đã nhận được những cú điện thoại đe dọa khi radio này phát tin về các vụ biểu tình mới nhất của phe đối lập.

Nhà phân tích Kiril Rogov, thuộc cơ quan tư vấn Mission libérale, nhận định là ở Nga vẫn có nhiều phóng sự chất lượng và những bài điều tra nghiêm túc. Tại Nga không có gì có thể giấu được lâu. Nhưng vấn đề là khả năng tiếp cận đối với độc giả. Các bài viết kiểu đó hầu như chỉ có thể lan truyền trên các mạng xã hội.

Lằn ranh đỏ mới

Nếu như trước đây, chính quyền thường dùng tiền chi phối, mua lại các báo đài, thì giờ đây họ chuyển sang dùng các loại vũ khí mới : pháp luật. Tần suất các vụ khởi tố nhắm vào cá nhân nhà báo ngày càng tăng, chẳng hạn nhà báo Roman Anin của trang mạng điều tra IStories bị khởi kiện vì viết bài về du thuyền của vợ ông chủ tập đoàn Rosneft … Theo bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2021 của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp, Nga đứng thứ 150 (trong tổng số khoảng 180 nước).  

Nhà báo Serguei Smirnov, tổng biên tập trang Mediazona, chuyên quan sát, dõi theo công tác của tư pháp và các lực lượng an ninh, nhận định chính nỗi sợ phong trào biểu tình trên đường phố đã khiến chính quyền Nga tăng cường các hành động tấn công nhắm vào truyền thông độc lập. Đó là lằn ranh đỏ mới của điện Kremlin : tất cả những gì có thể củng cố bầu không khí phản kháng đều phải bị đánh bại, bất kể đó là một phương tiện truyền thông, một blogger, nhà đối lập hay diễn viên …

NATO tìm một bước khởi đầu mới với TT Mỹ Biden

Nhìn sang báo Le Figaro, cùng với thượng đỉnh G7, thượng đỉnh NATO cũng là đề tài được tờ báo đặc biệt quan tâm. Trên trang nhất, Le Figaro chạy tựa « NATO tìm cách tự tái tạo để đối phó với các mối đe dọa trên thế giới ». Hôm nay tại Bruxelles, Bỉ, diễn ra thượng đỉnh NATO đầu tiên kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Thượng đỉnh lần NATO lần này là dịp nguyên thủ Mỹ thể hiện tình đoàn kết, nhưng theo Le Figaro nguyên thủ Mỹ cũng chờ đợi các đồng minh châu Âu tích cực đối phó với Trung Quốc. Thế nhưng, không phải tất cả các nước châu Âu đều muốn biến NATO thành công cụ đối phó với các tham vọng của Trung Quốc.

Trong bài viết « NATO tìm một bước khởi đầu mới với Biden », Le Figaro nhận định tổng thống Mỹ có ý định « sửa chữa » các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước khi có cuộc gặp quan trọng « sống còn » với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tổng thống Mỹ cũng muốn các đồng minh đóng góp nhiều hơn về tài chính, bởi hiện nay còn nhiều nước chưa dành đủ 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Chắc chắn tại thượng đỉnh lãnh đạo các nước thành viên NATO cũng sẽ bàn đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mà thông báo đột ngột của ông Biden đã ít nhiều làm các đối tác mất thăng bằng.

Thế nhưng, đương nhiên, theo Le Figaro, vượt xa các hồ sơ khác, Trung Quốc vẫn là mối ưu tiên lớn của tổng thống Mỹ. Chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong những ngày qua cũng nói nhiều đến « cường quốc quân sự » Trung Quốc. Trả lời báo Đức Die Welt, ông nhấn mạnh : « Nga và Trung Quốc hợp tác ngày càng nhiều trong thời gian qua, cả về chính trị và quân sự. Đó là một khía cạnh mới và một thách thức nghiêm trọng cho NATO ». Bắc Kinh và Matxcơva đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, thực hiện các chuyến bay xa với chiến đấu cơ và nhiều chiến dịch hải quân, cũng như trao đổi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng các hệ thống quân sự và kiểm soát mạng internet.

Trung Quốc – bài toán khó của NATO?

Tuy nhiên, vấn đề là trong khi Washington cho rằng sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc là mối đe dọa cho Mỹ thì các nước thành viên NATO ở châu Âu không coi việc Trung Quốc trở thành siêu cường là vấn đề chừng nào Trung Quốc chưa vượt ra khỏi khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế. Vấn đề số một đối với châu Âu vẫn là Nga, nước không ngừng có các hành động khiêu khích, chẳng hạn bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny, tăng cường triển khai quân ở biên giới với Ukraina, hay ủng hộ chính quyền Belarus.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các nước Đông và Trung Âu đương nhiên muốn NATO tập trung các phương tiện chống lại Nga. Không có gì là ngạc nhiên khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tuần trước khẳng định Trung Quốc không nằm ở khu vực Đại Tây Dương nên không phải là mấu chốt vấn đề. Nguyên thủ Pháp cũng nhắc nhở rằng NATO được thành lập để làm đối trọng với tổ chức Hiệp ước Vacxava. Le Figaro kết luận chắc chắc Đức và Ý cũng có thái độ thận trọng tương tự.

Chính vì sự bất đồng của Mỹ và các đồng minh NATO châu Âu về viêc tập trung đối phó với Trung Quốc, trong bài xã luận đề tựa « Một châu lục quá xa », Le Figaro nhận định Trung Quốc, với sức mạnh trỗi dậy mà Mỹ nhìn nhận là « một đối thủ mang tính hệ thống », đã trở thành một « bài toán hóc búa » cho NATO.

G7 siết chặt hàng ngũ đối phó với Trung Quốc

Theo dòng thời sự, một trong các hồ sơ được báo chí Pháp tập trung khai thác hôm nay vẫn là về thượng đỉnh G7. Le Figaro, trong bài viết « Màn đáp trả của phương Tây nhắm vào Những con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc, nhấn mạnh G7 phải thông qua kinh tế để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. 

Được khởi động vào năm 2013, các dự án phát triển hạ tầng cơ sở ở khoảng 100 quốc gia, từ châu Á đến châu Âu và châu Phi đã được Bắc Kinh cấp 3.700 tỉ đô la. Lo ngại về tình trạng ngày càng nhiều nước lệ thuộc vào Trung Quốc, như trường hợp Montenegro mới đây, Washington quyết định phản công. Kế hoạch B3W, « Build Back Better World » – Xây dựng lại thế giới tươi đẹp hơn, dựa trên sáng kiến của tổng thống Biden, là nhằm hướng hỗ trợ các nước nghèo bị đại dịch Covid-19 tàn phá, nhất là ở châu Mỹ La-tinh, châu Phi và Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, công nghệ số, chống bất bình đẳng và chống biến đối khí hậu. Phương thức và tổng số tiền đầu tư chưa được tiết lộ, nhưng theo Le Figaro, từ nay đến năm 2035, dự án này cần có 40.000 tỉ đô la.

Nhìn sang La Croix, trong bài viết « G7 siết chặt hàng ngũ đối phó với Trung Quốc », tờ báo Công giáo nhận định bất chấp vẫn còn một số căng thẳng giữa các nước châu Âu liên quan đến Brexit, nhưng nhìn chung các thành viên G7 đã cho thấy có sự đoàn kết trở lại và đưa ra nhiều sáng kiến chứng tỏ các nền dân chủ lớn trên thế giới vẫn luôn dẫn dắt thế giới trước đối thủ Trung Quốc.

G7 không phải một câu lạc bộ thù địch Trung Quốc

La Croix điểm qua hàng loạt cam kết đóng góp của G7, từ vac-xin cho chương trình Covax, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học, trợ giúp châu Phi và đương nhiên là kế hoạch quy mô toàn cầu « Xây dựng lại thế giới tươi đẹp hơn ». Thông qua kế hoạch này, tổng thống Mỹ Biden cho thấy ông có khả năng tập hợp các nền dân chủ để « dựng nên một bức trường thành chống đối thủ Trung Quốc ».

Cho dù các nước châu Âu, nhất là Đức và Ý thì tỏ ra ngập ngừng hơn các đối tác khác, nhưng dẫu sao thì lãnh đạo các nước G7 cũng đã đứng về một phía trong thông cáo chung, thể theo đề nghị của Mỹ, để chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, đề nghị Tổ Chức Y Tế Thế Giới tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua khẳng định G7 không phải « một câu lạc bộ thù nghịch với Trung Quốc », G7 « sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về khí hậu, thương mại và phát triển » nhưng Bắc Kinh là một « đối thủ kinh tế và một sức mạnh mà chúng tôi có những bất đồng sâu sắc về nhân quyền » và G7 có ý nguyện hợp tác để « bảo vệ các giá trị » của nhóm trong bối cảnh « mô hình dân chủ tự do và cởi mở » đang « gặp nguy hiểm » và thượng đỉnh lần này cho thấy G7 vẫn có khả năng bảo vệ mô hình dân chủ của họ.

Lằn ranh rõ rệt với gã khổng lồ châu Á

Vẫn liên quan đến thượng định G7, báo kinh tế Les Echos khẳng định, lần đầu tiên tính từ thượng đỉnh Biarritz 2019, lãnh đạo các nước G7 nỗ lực để vạch ra « một lằn ranh rõ rệt » với gã khổng lồ châu Á, mà tổng thống Pháp gọi là « một địch thủ mang tính hệ thống, một đối tác về các vấn đề toàn cầu và một thế lực cạnh tranh » của nhóm G7. 

Châu Âu vẫn muốn giữ « một sự độc lập nhất định » với Washington ngay cả khi các bên có « sự đồng thuận ngày càng tăng » về vấn đề Trung Quốc. La Croix lưu ý châu Âu phải hết sức cẩn thận bởi nhìn vào những phản ứng của Trung Quốc trong những ngày qua, có thể có nhiều khả năng căng thẳng giữa Tây phương với Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục, thậm chí sẽ bùng nổ. 

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210614-nga-l%E1%BA%B1n-ranh-%C4%91%E1%BB%8F-c%E1%BB%A7a-putin-v%C3%A0-truy%E1%BB%81n-th%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp