Ðiểm Báo Pháp – 14/11/21
Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Mỹ – Trung ở Biển Đông: Cuộc đấu của thế kỷ 21
Một chủ đề chính của tuần báo L’Obs là Trung Quốc. Trong bài viết «Biển Đông: Chiến tranh dưới đáy biển» trên chuyên mục Giải mã, L’Obs nhận định: Tại Biển Đông, kẻ thù mới số 1 của Mỹ là tàu ngầm Trung Quốc.
Hôm 02/10/2021, «USS Connecticut», một trong những tàu ngầm Mỹ lớn nhất, với 110 thành viên thủy thủ đoàn đã «va chạm» mạnh vào «một vật thể lạ» khiến tàu bị hỏng và 11 thủy thủ bị thương. Theo nhiều chuyên gia, cú va chạm có thể là do «robot» hay «tàu ngầm tự hành» của Hải quân Trung Quốc «vô tình hay cố ý» gây ra. Nhưng Hải quân Mỹ đã bác bỏ thông tin là «USS Connecticut» bị tàu ngầm Trung Quốc đâm. Liệu có phải là để tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh?
Dù gì đi chăng nữa, theo L’Obs, vụ va chạm nói trên cũng tiết lộ khía cạnh «ít được biết đến nhất, bí ẩn nhất và mang tính địa chính trị nhất hiện nay», mà theo nhận định của Bruce Jones, Cơ quan tư vấn Mỹ Brookings Institution, trên Wall Street Journal: «Trận đấu của thế kỷ XXI là trận đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra dưới đáy sâu Thái Bình Dương».
Để thắng trận dưới đáy biển sâu, từ vài năm nay, Bắc Kinh và Trung Quốc đã lao vào «một cuộc đua điên cuồng về vũ trang tàu ngầm» và đã trang bị được đội tàu ngầm khá lớn. Hai đối thủ Mỹ – Trung cũng chi những khoản tiền khổng lồ cho nghiên cứu để phát triển các loại vũ khí có thể định vị và phá hủy tầu ngầm của đối phương, kể cả ở rất sâu dưới đáy biển.
Cuộc chiến chống tàu ngầm: Từ đáy biển đến không trung
L’Obs cho biết thêm là cuộc chiến chống tàu ngầm đã lan lên tận không trung. Ở vùng trời Ấn Độ – Thái Bình Dương và đặc biệt là Biển Đông, Mỹ đã triển khai nhiều vệ tinh có khả năng dùng tia hồng ngoại để phát hiện tàu ngầm. Hải quân Mỹ cũng sở hữu 5 phi đội máy bay giám sát tàu ngầm đặt tại căn cứ ở Nhật Bản và 4 phi cơ Poseidon mà nhiệm vụ là theo dõi tàu ngầm Trung Quốc, đo từ trường mà những con tàu này tạo ra khi di chuyển.
Trong « cuộc đấu tranh sinh tồn về công nghệ », hồi năm 2017 Trung Quốc đã triển khai « vạn lý trường thành dưới đáy biển ». Theo nhật báo South China Morning Post của Hồng Kông, đây là một hệ thống cảm biến được đặt dưới đáy biển Đông, có khả năng theo dõi các tàu ngầm « theo thời gian thực, có độ nét cao và trong không gian ba chiều ». Thông tin thu thập được sẽ được gửi theo đường cáp quang đến một trung tâm chỉ huy đặt tại Thượng Hải. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng khẳng định đã thiết kế được một máy bay tự hành trang bị tia laser có khả năng phát hiện một tàu ngầm ở độ sâu 160m.
Trận chiến tàu ngầm xoay quanh Đài Loan
Đối với L’Obs, trận đấu này chủ yếu liên quan đến Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh muốn thôn tính và đương nhiên là Washington không chấp nhận vì nhiều lý do : Đài Bắc là biểu tượng của nền dân chủ, từ chối để chế độ độc tài sáp nhập. Đài Loan là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chíp bán dẫn cần thiết cho mọi thiết bị điện tử.
Nhưng quan trọng nhất là, nếu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan, thì Trung Quốc sẽ kiểm soát được việc lưu thông hàng hải ở toàn bộ Thái Bình Dương và có thể đặt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ vị trí gần lãnh thổ Mỹ hơn. Và đây là kịch bản không thể tưởng tượng đối với Washington. Đài Loan, Nhật Bản và Philippines có những eo biển đủ sâu để tàu ngầm của các nước phương Tây có thể từ Thái Bình Dương vào Biển Đông mà không bị phát hiện, cũng như cho phép tàu ngầm Trung Quốc kín đáo từ Biển Đông ra Thái Bình Dương.
Matthew Kroenig, giáo sư về chiến lược, thuộc đại học Georgetown nhấn mạnh, để chặn được một cuộc tấn công của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan, Mỹ phải có khả năng phá hủy toàn bộ tàu của Trung Quốc chỉ trong vòng 72 giờ. Theo chuyên gia này, đó cũng là lý do Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, bởi như vậy Hải quân Úc mới có thể đến được Biển Đông sau 1 ngày và tham gia hiệu quả vào việc bảo vệ Đài Loan, đồng thời có khả năng phá hủy nhiều tàu quân sự của Trung Quốc trên lộ trình đến Biển Đông.
Vai trò tối cao: Răn đe hạt nhân
Trong trận đấu của thế kỷ XXI, các tàu ngầm còn có một vai trò khác mang tính quyết định : răn đe hạt nhân. Một cường quốc sẽ là bất khả xâm phạm nếu có khả năng «tấn công thứ hai» về nguyên tử, tức là ngay cả sau khi bị tấn công hạt nhân quy mô lớn, họ vẫn có phương tiện tấn công hạt nhân đáp trả. Nếu Trung Quốc có khả năng này, họ có thể xâm lược Đài Loan bất cứ khi nào Bắc Kinh thấy phù hợp mà không lo bị Washington đe dọa hạt nhân. Liệu có vị tổng thống Mỹ nào chấp nhận mạo hiểm để New York hoặc Los Angeles bị phá hủy nhằm bảo vệ Đài Loan?
Các tàu ngầm tên lửa hạt nhân là công cụ tối cao cho khả năng «tấn công thứ hai» về nguyên tử, với 2 điều kiện: các tàu ngầm phải đủ khả năng chống ồn và tàng hình để không bị phát hiện; tầm bắn của tên lửa phải đủ xa để phóng tới lãnh thổ của kẻ thù. Dường như các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc vẫn chưa hội đủ hai yếu tố này.
Để khả năng «tấn công thứ hai» về nguyên tử của Trung Quốc không còn quá phụ thuộc vào eo biển Đài Loan, nối từ Biển Đông ra Thái Bình Dương, Tập Cận Bình hồi tháng 03/2021 đã ra lệnh cho quân đội đẩy nhanh nhất có thể việc chế tạo một thế hệ tầu ngầm tấn công hạt nhân mới (Tang 096), ít gây ồn hơn và được trang bị tên lửa có tầm bắn tới 11.000 km, như vậy các tàu ngầm này sẽ không phải rời khỏi vùng biển của Trung Quốc, nếu muốn phóng tên lửa hạt nhân tới tận lãnh thổ Mỹ. Tập Cận Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, thế hệ tàu ngầm mới sẽ đi vào hoạt động. L’Obs kết luận : Khi đó, không điều gì có thể ngăn cản Tập Cận Bình thực hiện giấc mơ tấn công Đài Loan.
Hai yếu tố có thể ngăn cản Tập Cận Bình chiếm Đài Loan
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, tuần báo Le Point giới thiệu bài phỏng vấn Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, mà họ gọi là một trong những chuyên gia lớn về Trung Quốc đương đại, người kêu gọi phương Tây phải cứng rắn, nhưng không cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.
Bài phỏng vấn có tiêu đề: «Kevin Rudd: Chúng ta vẫn còn có thể tránh được chiến tranh». Theo cựu thủ tướng Úc, sức mạnh đang lên của Trung Quốc vừa là một thách thức vừa mang lại cơ hội cho Tây phương. Trung Quốc là một thị trường lớn cả về hàng hóa và dịch vụ, nên tất cả các nền kinh tế khác đều có lợi khi thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Về chống biến đổi khí hậu, là một quốc gia rộng lớn, Trung Quốc cũng có một vai trò then chốt. Thế nhưng, các nước Tây phương cũng phải định nghĩa với các đồng minh, nhất là với Mỹ, về «những lằn ranh đỏ chiến lược» với Bắc Kinh.
Về hồ sơ nóng Đài Loan, cựu thủ tướng Úc lưu ý có hai điểm có thể cản Trung Quốc dùng vũ lực thôn tín Đài Loan: khả năng Mỹ duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan và phản ứng của cộng đồng quốc tế trong trường hợp Bắc Kinh chiếm Đài Loan.
Đài Loan «xù lông nhím» để tự vệ
Vẫn về Đài Loan và Trung Quốc, Le Point giới thiệu bài viết của đặc phái viên Jérémy André từ Đài Bắc về tinh thần, sự chuẩn bị trong dân chúng trước nguy cơ Đài Loan bị tấn công.
Theo giới phân tích, cho dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần chỉ sau 20 năm, công tác chuẩn bị vũ trang, thao dợt quân sự, tập trận đổ bộ gia tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng phải đến cuối thập niên này thì giả thuyết Bắc Kinh thôn tính Đài Loan mới có khả năng xảy ra, bởi đến thời điểm đó Trung Quốc mới có thể vượt Mỹ về kinh tế và quân sự.
Tuy nhiên, chứng kiến việc Mỹ vội vã rút quân khỏi Afghanistan, Đài Loan đã ý thức rõ ràng hơn về việc phải dựa trước hết vào chính mình : Một chú nhím phải biết xù lông để tự vệ. Và Đài Loan tìm cách «trang bị vũ khí đến tận chân răng». Đài Bắc đã đặt mua vũ khí hạng nặng của Mỹ trị giá 5 tỉ đô la hồi năm 2020 và 750 triệu đô la hồi mùa hè 2021. Đài Loan cũng không tiếc công sức cho các chương trình phát triển vũ khí nội địa: chiến đấu cơ, tàu ngầm, máy bay tự hành, đầu đạn tên lửa… nhằm «lên dây cót tinh thần» cho dân chúng.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích và giới chức, điểm yếu của Đài Loan lại nằm ở khả năng huy động dân chúng. Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia Pháp về Trung Quốc và Đài Loan, người dân hòn đảo không ý thức được về mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong khi đó, theo một thăm dò ý kiến do Brookings Institution thực hiện, có một nghịch lý là dù có đến 79% số người được hỏi thấy là các hoạt động quân sự của Trung Quốc gia tăng trong 6 tháng qua, nhưng chỉ có 30% lo lắng về điều này. Và cũng chỉ có 57,6% dân Đài cho rằng chiến tranh «có thể» xảy ra.
Nghịch lý kiểu Đài Loan
Nhà nghiên cứu Lew Nachman, một trong các tác giả cuộc khảo sát, phân tích: «Dân Đài ý thức được về mối đe dọa gia tăng, nhưng họ không lo lắng… Dù có 20 máy bay tiêm kích Trung Quốc quần thảo quanh không phận Đài Loan thì cũng chẳng ngăn cản nổi người dân hòn đảo đến quán Starbucks». Một nhà ngoại giao, nghiên cứu nhận định dân Đài có thái độ như vậy vì họ tin tưởng vào chính quyền Thái Anh Văn.
Theo nhà nghiên cứu Mỹ Lew Nachman, đó chính là thách thức lớn cho chính quyền Thái Anh Văn. Tổng thống Đài Loan muốn dân Đài cảm thấy lo lắng hơn và ủng hộ quân đội nhiều hơn nhằm có được ngân sách cao hơn cho quốc phòng.
Để khắc phục thái độ «thờ ơ», nhất là của giới trẻ, ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị chính quyền thắt chặt chính sách nghĩa vụ quân sự 2 năm (so với thời gian bị rút ngắn còn 4 tháng như từ năm 2013 đến nay), bởi nếu bị tấn công, quân đội chính quy 165.000 người như hiện nay là không thể đủ, Đài Loan cần huy động thêm nhân lực từ nguồn 1,6 triệu quân dự bị động viên trong độ tuổi chiến đấu.
Hiện giờ cũng có nhiều cá nhân, hiệp hội hoạt động để nâng cao tinh thần cảnh giác cho dân chúng về an ninh quốc gia, huấn luyện họ về cách sơ cứu những người bị thương hàng loạt, triển khai các dự án tạo thêm chỗ trú ẩn dưới lòng đất ở Đài Bắc và cải thiện hệ thống thông gió cho hầm trú ẩm …
Liên Âu và khủng hoảng lãnh đạo
Liên quan đến châu Âu, Courrier International lưu ý « Sự thiếu vắng các nhà lãnh đạo lớn đang âm thầm làm suy yếu châu Âu », nhan đề bài viết dịch từ trang mạng in.gr của Hy Lạp. Thủ tướng Đức Angela Merkel rời vị trí quyền lực sẽ để lại khoảng trống trong đội ngũ lãnh đạo Liên Âu.
« Cuộc khủng hoảng về vị trí lãnh đạo » dường như là biểu hiện của một Liên Hiệp Châu Âu đang bị tan rã, bởi lịch sử Liên Âu phần lớn gắn với câu chuyện của các nhà lãnh đạo, chẳng hạn tướng De Gaulle, thủ tướng Đức Helmut Kohl, tổng thống Pháp François Mitterand và trong một chừng mực nào đó là nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher …
Theo tác giả bài viết, trên thực tế cuộc khủng hoảng lãnh đạo Liên Âu do ngày càng thiếu vắng các nhân vật nổi tiếng trên tuyến đầu phản ánh một cuộc khủng hoảng sâu hơn của chính tiến trình hội nhập châu Âu. Liên Âu đã không thể chứng minh là một cực thực sự khác biệt so với Mỹ, không tạo ra được một mô hình kinh tế mới năng động hơn, không tạo ra được giải pháp thay thế cho điều gọi là « một cuộc chiến tranh lạnh mới », cũng không có khả năng đề xuất hay bảo đảm có được một cách xử lý khác về các cuộc khủng hoảng địa chính trị mà đa phần là do các nước thành viên không có chung quan điểm.
Bài viết kết luận trong hoàn cảnh như vậy, không dễ để Liên Âu có được các nhà lãnh đạo nổi trội.
Đại dịch lần tới sẽ liên quan đến chăn nuôi công nghiệp?
Trong lĩnh vực khoa học, y tế, báo Courrier International giới thiệu bài viết của báo Anh The Guardian «Đại dịch lần tới sẽ liên quan đến ngành chăn nuôi?». Không nói về virus corona, bài viết đề cập đến các chủng virus gây bệnh cúm gia cầm, mà sự biến chủng và lây lan của chúng được đẩy nhanh do phương thức chăn nuôi công nghiệp.
Tác giả cho biết đang có một đại dịch khác xảy ra trên thế giới: đại dịch cúm gia cầm, nhất là cúm H5N8 tại ít nhất 50 quốc gia, trong đó có Anh Quốc, bùng lên từ vài năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Gần đây, tại Nga, trong một trang trại nuôi gia cầm quy mô lớn gần thành phố Astrakhan, miền nam Nga, 101.000 con gà đã nhiễm virus H5N8 rồi chết. 900.000 con gia cầm lập tức sau đó bị tiêu hủy đề phòng dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, trong số 150 người lao động được xét nghiệm, đã có 2 người nhiễm virus. Họ là những ca đầu tiên nhiễm virus H5N8 từ gia cầm.
Trên truyền hình, cố vấn chính của Nga về các vấn đề tiêu dùng cảnh báo dịch bệnh có thể sẽ xảy ra và virus H5N8 sẽ lây lan từ người sang người. Chính vì thế, phải khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu vac-xin ngừa H5N8. Nhưng đáng tiếc là Tổ Chức Y Tế Thế Giới không thực sự chú ý, do đang tập trung đối phó với Covid-19. Vấn đề đáng lo là các chủng virus gây bệnh cúm gia cầm (ít nhất là 8 chủng đã được ghi nhận) đều có khả năng lây sang người và lây lan rất nhanh, thậm chí có thể nguy hiểm hơn Covid-19, lại thường lây lan trong các trại chăn nuôi công nghiệp có trên khắp thế giới.
Trước đây, chính phủ các nước và ngành công nghiệp chăn nuôi thường cho rằng chim di trú là nguyên nhân làm lây lan dịch cúm gia cầm. Nhưng ngày càng rõ ràng là các khu chăn nuôi công nghiệp đã trở thành nơi hình thành dịch, ổ lây nhiễm những loại virus mới gây chết người.
Đệ Nhất Thế Chiến: Erich von Falkenhayn – Người muốn «hút kiệt máu» nước Pháp
Về lịch sử, nhân dịp kỷ niệm Ngày ký kết hiệp định kết thúc Đệ nhất thế chiến 11/11, Courrier International giới thiệu bài viết của báo Đức Die Welt về vụ tướng Đức, Erich von Falkenhayn, với trận Verdun đã muốn «hút kiệt máu» người Pháp, để nước Pháp không thể vực dậy sau tổn thất lớn về nhân mạng.
Erich von Falkenhayn từng là vị tướng cấp cao nhất trong quân đội Đức : tổng tham mưu trưởng quân đội Đức. Năm 1920, khi viết hồi ký, vị tướng Đức đã nói về «mục đích» của trận Verdun 1916: rút hết máu và sức lực của người Pháp, nước Pháp. Cứ 2 người Đức chết thì phải có trên 5 người Pháp đổ máu. Nhưng lịch sử đã không diễn ra theo ý tổng tham mưu trưởng quân đội Đức.
Thùy Dương