Ðiểm Báo Pháp – 13/2/22
Nga-Trung đe dọa hòa bình thế giới, Mỹ khó thoái thác vai trò ‘hiến binh’
Tuy muốn rút lui để tập trung vào địch thủ chính trong thế kỷ 21 là Trung Quốc, những tuần vừa qua, Hoa Kỳ phải lên tuyến đầu để chống lại áp lực của Nga ở Ukraina, và ít nhất ba lần can thiệp quân sự vào Trung Đông. Khó thể kết thúc vai trò « hiến binh quốc tế » khi không có ai thế chỗ, và thế giới lại trở thành nơi để kẻ mạnh múa gậy vườn hoang.
Hồ sơ của Courrier International tuần này được dành cho « Lạm phát, nỗi đau đầu của toàn thế giới ». Từ
Liban đến Achentina, từ Pháp cho đến tất cả các nước giàu, giá cả lên
đến mức chưa từng thấy kể từ 30 năm qua. Về thời sự trong nước, Le Point đăng ảnh tổng thống Emmanuel Macron bên cạnh ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse, chạy tựa « Một chiếc ghế cho hai người ». L’Express nói về việc kế thừa Bolloré, đế chế truyền thông Pháp 200 năm tuổi ; L’Obs dành nhiều trang trong cho « Chiếc bẫy Mali » đối với Pháp.
Tập và Putin thách thức Mỹ
Về địa chính trị, L’Express nhấn mạnh « Cặp Tập-Putin thách thức nước Mỹ ». Một nhà phân tích của Rand Corporation nhận xét : « Các cuộc tập trận chung Nga-Trung tăng lên về số lượng, tầm vóc và độ phức tạp trong những năm gần đây ».
Tháng
8/2021, trên 10.000 binh lính Nga và Trung Quốc đã cùng huấn luyện quy
mô tại Hoa lục, trong đó phía Trung Quốc điều 200 xe thiết giáp, 90 khẩu
pháo, khoảng 100 phi cơ và trực thăng. Đôi bên còn triển khai một cuộc
tập trận giả định bị hỏa tiễn Mỹ tấn công. Giáo sư Alexander Korolev,
chuyên về an ninh quốc tế cho biết : « Trong loại huấn luyện này, một bộ chỉ huy chung được thành lập ». Hơn
nữa, các cuộc tập trận không chỉ diễn ra trên lãnh thổ Nga hay Trung
Quốc, mà cả trên Địa Trung Hải, trên Biển Đông hay ngoài khơi Nhật Bản.
Nga-Trung : Bằng mặt nhưng chưa hẳn bằng lòng
Hai
nước láng giềng dù vậy vẫn chưa chính thức thành lập liên minh, chỉ
dừng ở mức hợp tác. Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev ở Matxcơva, Nga
và Trung Quốc không hoàn toàn có cùng quan điểm địa chính trị. Bắc Kinh
không nhìn nhận việc Nga chiếm Crimée, còn Matxcơva không ủng hộ yêu
sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Và nhiều chuyên gia nghi
ngờ khả năng đôi bên hỗ trợ lẫn nhau về quân sự trong trường hợp chiến
tranh nổ ra ở Ukraina hay Đài Loan.
Bề ngoài có vẻ êm ả, nhưng cặp
Nga-Trung tiềm ẩn những xung đột do mối quan hệ ngày càng mất thăng
bằng (GDP Trung Quốc lớn gấp 10 Nga). Tuy Trung Quốc là đối tác thương
mại lớn nhất của Nga, nhưng Nga chỉ là đối tác thứ 14 của Trung Quốc năm
2020. Và nếu Nga xuất sang chủ yếu là dầu khí, Trung Quốc bán lại cho
Nga thiết bị, máy móc với giá trị tăng thêm cao hơn hẳn.
Hiện
thời, khủng hoảng Ukraina làm lợi cho Tập Cận Bình vì hướng sự chú ý của
Washington sang phía khác. Trong trường hợp xung đột lớn ở Đông Âu, Mỹ
phải giảm tập trung vào những hành động của Trung Quốc tại Châu Á-Thái
Bình Dương, và khiến Nga lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Nhưng các
nhà quan sát khác cho rằng Bắc Kinh cũng không có lợi khi chiến tranh
làm kinh tế thế giới đi xuống.
Mỹ khó rút khỏi vai trò « sen đầm quốc tế »
Nhà bình luậnPierre Haski trên L’Obs nhận thấy « Sự bất khả thoái thác của Mỹ ». Ai
cũng biết rằng Hoa Kỳ rút lui khỏi châu Âu và Trung Đông để tập trung
vào địch thủ chính trong thế kỷ 21 là Trung Quốc. Có điều thế giới không
giản đơn như vậy.
Chỉ riêng trong những tuần vừa qua, Hoa Kỳ phải
lên tuyến đầu để chống lại áp lực của Vladimir Putin ở Ukraina, và ít
nhất ba lần can thiệp quân sự vào vùng Trung Đông mà Mỹ vốn đã muốn lặng
lẽ ra đi. Khó thể kết thúc vai trò « hiến binh quốc tế » khi không có
ai thế chỗ, và khi thế giới lại trở thành một khu rừng hoang.
Ý
hướng rút lui bắt đầu từ thời Barack Obama « xoay trục » sang châu Á,
được thúc đẩy một cách khá lộn xộn trong nhiệm kỳ Donald Trump và tiếp
tục được đào sâu với Joe Biden. Vụ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan là
biểu tượng : cần phải kết thúc hai thập niên chiến tranh tốn kém, làm
mất đi vị trí thống trị của Mỹ sau chiến tranh lạnh. Tập trung chống
Trung Quốc là đồng thuận giữa hai đảng.
Washington lại phải can thiệp vào Trung Đông và châu Âu
Tại
Trung Đông, trừ hồ sơ nguyên tử Iran, tân chính quyền Mỹ giữ khoảng
cách. Ông Trump đã dành chuyến công du đầu tiên cho Ả Rập Xê Út, còn
Biden vẫn chưa đặt chân đến. Tuy nhiên những tuần qua, Hoa Kỳ đã đóng
vai trò quyết định : hỗ trợ lực lượng Kurdistan khi bị quân thánh chiến
tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) tấn công, đặc nhiệm Mỹ trừ khử
được thủ lãnh IS tại Idleb. Và quân đội Mỹ đã kích hoạt hệ thống chống
hỏa tiễn Patriot ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất để đối phó với
tên lửa của quân Houthi do Iran chống lưng, từ Yemen bắn sang…
Nhưng
tại châu Âu là ý nghĩa nhất : Joe Biden kết nối với các đồng minh để
đối phó tốt hơn với Trung Quốc. Putin muốn lợi dụng thời điểm bản lề –
một nước Mỹ bận nhìn sang phía khác, một châu Âu chưa sẵn sàng – để thay
đổi thế quân bình ở sườn phía đông châu lục. Khi tập trung quân tại
biên giới Ukraina, Crimée và Belarus để đòi hỏi Kiev không bao giờ được
vào NATO, tổng thống Nga đã gây phản tác dụng. Đó là một nước Mỹ buộc
lòng phải dấn thân trở lại, một Liên minh Bắc Đại Tây Dương bừng tỉnh dù
hai năm trước tổng thống Emmanuel Macron gọi là « chết não », và một « mặt trận phương Tây » vững chải dù có những khác biệt.
Putin
vẫn có ưu thế trong trò chơi của ông ta. Nhưng đã có bài học được rút
ra, đó là đối với một phần khá lớn châu Âu, nước Mỹ là người giữ an ninh
cho châu lục chứ không phải người châu Âu. Những bài học lịch sử khiến
họ không muốn ra khỏi chiếc khiên đang che chắn.
Giáo sư Vincent Pons của Havard Business School trên L’Express
có cách nhìn khác, cho rằng Biden cao giọng trong hồ sơ Ukraina là để
che lấp thế yếu trong nội bộ : chỉ có 42% người Mỹ ủng hộ ông sau một
năm cầm quyền, tỉ lệ thấp kỷ lục từ sau Đệ nhị Thế chiến, trừ Donald
Trump. Vẫn có thể hình dung Joe Biden mạnh tay tại Ukraina để làm quên
đi những thất bại, như George W. Bush trong thời kỳ suy thoái kinh tế,
vẫn được cử tri Mỹ dồn phiếu nhờ đáp trả vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín.
Tuy nhiên lần này không phải tổ quốc bị đe dọa. Châu Âu ở xa, Ukraina
lại càng xa hơn nữa.
Khi kẻ gây hấn kêu gào bị tấn công
Le Point tỏ ra bực tức trong bài « Tổng thể những hèn nhát của chúng ta ». Tuần
báo thiên hữucho rằng phương Tây đang đi xuống, mà bằng chứng là trong
ván cờ ở Ukraina và nhiều nơi khác trên thế giới, rất có thể sẽ lùi thêm
vài nước. Những tên đao phủ nay đóng vai nạn nhân, kẻ gây hấn lại kêu
gào bị tấn công. Vladimir Putin và Tập Cận Bình vừa ra tuyên bố chung tố
cáo phương Tây đang đe dọa hòa bình thế giới ! Trong khi Putin ồ ạt đưa
100.000 quân và sắp tới lên đến 150.000 quân xung quanh Ukraina, đất
nước thuộc Liên Xô cũ có 40 triệu dân.
Viện sĩ hàn lâm Pháp Chamfort từng viết : « Những người yếu đuối là đội ngũ nhẹ dạ của đoàn quân hung ác, họ còn gây tác hại hơn cả kẻ xấu ». Theo Le Point,
Joe Biden nằm trong số này, khiến chẳng bao lâu sẽ phải tiếc nuối
Donald Trump. Từ sau bi kịch Afghanistan, mọi người biết rằng Hoa Kỳ
không sẵn sàng chết cho Ukraina hay bất kỳ ai khác. Liên Hiệp Châu Âu
cũng không hơn gì khi không có quân đội.
Về phía Trung Quốc thì
coi Đài Loan là lãnh thổ của mình từ ngàn xưa, một sự dối trá trắng trợn
cho thấy ý đồ phía sau. Kiểu bóp méo thông tin này cũng được Putin dùng
cho Ukraina. Nhưng một quốc gia Ukraina đã có nhiều thế kỷ tồn tại, đất
nước của những người Cô-dắc xưa kia tên là Nhà nước Kiev, và hồi thế kỷ
17 đã dại dột nhờ Nga bảo hộ trước Ba Lan và sau đó bị hai nước này xâu
xé. Là vựa lúa mì của Liên Xô, Ukraina không bao giờ tha thứ việc
Stalin đã « diệt chủng » một phần dân số nước này (2,6 đến 5 triệu
người) khi gây ra hai trận đói khủng khiếp năm 1932 và 1933.
Putin biết mình muốn gì, nhưng phương Tây thì không
Courrier International dịch bài viết trên The Guardian khẳng định « Putin biết mình muốn gì, nhưng phương Tây thì không ». Trong
khi quân Nga dàn trận gần Ukraina, và châu Âu đối mặt với một cuộc
chiến quy mô nhất kể từ 1945, thế giới cố tìm hiểu ý định của Vladimir
Putin. Nhưng theo nhà sử học Anh Timothy Garton Ash, câu hỏi mà các quốc
gia dân chủ châu Âu và Bắc Mỹ cần tự đặt ra là : Chúng ta muốn gì ?
Bởi
vì mục tiêu dài hạn của Putin tại Đông Âu hoàn toàn rõ rệt, ông ta muốn
tái lập tư cách đế quốc của Nga và khu vực ảnh hưởng đã bị mất đi sau
khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Chỉ có chiến thuật của Putin là chưa rõ. Từ
2008, khi Putin dùng vũ lực kiểm soát hai mảnh đất ly khai của Gruzia
và nhất là chiếm Crimée năm 2014, rõ ràng ông sẵn sàng dùng mọi cách, từ
ngoại giao đến bóp méo thông tin, từ tấn công tin học đến chiến tranh
trực diện.
L’Express cho biết tất cả các chuyên gia đều
dự đoán một cuộc tấn công vào Ukraina dù toàn bộ hay từng phần, đều sẽ
bắt đầu bằng việc làm tê liệt nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, hệ thống ngân
hàng, dịch vụ công bằng cách huy động đại quy mô tin tặc. Năm 2007,
Estonia đã nếm mùi vì dám tháo gỡ một bức tượng vinh danh Liên Xô, đến
nỗi giờ đây nước này cho đặt trụ sở một cơ quan an ninh mạng của NATO.
Estonia bị tấn công theo kiểu DDoS (từ chối dịch vụ), còn những tuần lễ
gần đây Anh, Mỹ báo động một loại virus nguy hiểm chuyên xóa dữ liệu, có
thể lây lan nhanh.
Hai mô hình Helsinki và Yalta
Phương
Tây lâu nay do dự giữa hai mô hình Helsinki và Yalta, ngoài mục tiêu
trước mắt là răn đe để Nga không xâm lược Ukraina. Trên giấy tờ, mọi
nước Tây Âu bảo vệ mô hình Helsinki – một châu Âu của những quốc gia dân
chủ, độc lập, chủ quyền, bình đẳng với nhau, tôn trọng Nhà nước pháp
quyền, giải quyết tranh chấp bằng phương cách hòa bình. Tầm nhìn này
được đưa ra trong thỏa thuận Helsinki năm 1975 và chi tiết hóa trong
hiến chương Paris vì một châu Âu mới năm 1990, rồi định chế hóa bằng Tổ
chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Mô hình kia là Yalta. Cuộc
họp thượng đỉnh tháng 2/1945 giữa Joseph Stalin, Franklin D. Roosevelt
và Winston Churchill được tổ chức tại Yalta ở … Crimée (một sự mỉa mai
của lịch sử), đã trở thành biểu tượng cho việc các cường quốc Đông và
Tây chia sẻ ảnh hưởng ở châu Âu. Có thể coi yêu sách quá đáng của
Vladimir Putin là một « Yalta 2 ». Tác giả chỉ trích Đức khi từ chối
cung cấp vũ khí tự vệ cho Ukraina, là đã tham gia công thức Yalta trong
khi tự cho là Helsinki, một Yalta đáng xấu hổ. Theo nhà sử học, châu Âu
cần quyết tâm áp dụng mô hình Helsinki, và trong dài hạn có thể mở cửa
đón nhận một nước Nga thực thụ hậu Putin, một nước Nga dân chủ.
Nạn nhân diệt chủng cầm đuốc Bắc Kinh 2022 : Như Thế vận thời Hitler !
Nhìn sang châu Á, L’Obs nói về « Bắc Kinh 2022 : Thách thức của người Duy Ngô Nhĩ ».
Tờ báo mô tả một cảnh trong lễ khai mạc ở sân vận động « Tổ chim ». Đạo
diễn Trương Nghệ Mưu từng bị thất sủng năm 2013 do vi phạm chính sách
một con, nay được phép quay lại, rõ ràng đã hợp tác chặt chẽ với cơ quan
tuyên truyền của Đảng.
Hàng trăm vũ công nhảy múa trong những
vầng sáng laser và hiệu ứng 3D, mang theo những con chim bồ câu trắng
tạo thành hình trái tim, một chú chim thoát khỏi, được đưa lại vào nhóm.
Cư dân mạng hiểu rằng đó là biểu tượng của việc thu phục « những người ly khai »
Đài Loan, Hồng Kông, Duy Ngô Nhĩ về với mẫu quốc. Hai vận động viên cầm
ngọn đuốc Olympic là một người Hán và một người…Duy Ngô Nhĩ.
Các
nhà quan sát so sánh với Thế vận hội 1936. Chính là nước Đức của Hitler
đã lăng-xê ngọn đuốc thế vận, mời một kiếm sĩ Đức gốc Do Thái tham gia.
Giới chuyên gia không hề tưởng tượng một sự tương đồng đến thế với chế
độ quốc xã diệt chủng người Do Thái, cho rằng Trung Quốc không hiểu biết
về lịch sử châu Âu. Bắc Kinh muốn dùng « một hòn đá ném hai con
chim » : bác bỏ cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và chứng tỏ Trung
Quốc có truyền thống thể thao mùa đông đủ để tổ chức Thế vận hội. Thậm
chí báo chí nhà nước còn khoe rằng Trung Quốc đã sáng tạo ra môn trượt
tuyết, tuy môn này đã có ở Na Uy và Nga cách đây 5.000 năm.
Người Duy Ngô Nhĩ bị lãng quên, trong một Thế vận hội bị lạnh nhạt
L’Obs nhắc
nhở, theo nghiên cứu của giáo sư Abduweli Ayup, có ít nhất 13 vận động
viên Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh giam cầm trong đó ít nhất hai người đã chết
trong tù. Tờ báo ghi nhận tại lễ khai mạc chỉ có khoảng 30 lãnh đạo các
nước hiện diện, so với cả trăm người hồi Thế vận hội 2008. Ngoài một số
nước tẩy chay ngoại giao, cộng đồng quốc tế lấy cớ đại dịch Covid để
đến các đại diện cấp thấp dưới bộ trưởng, thậm chí chỉ là những nhân
viên ngoại giao.
Nhà văn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy trong bài « Người Duy Ngô Nhĩ bị lãng quên » chỉ trích Thế vận hội Bắc Kinh 2022 diễn ra trên nỗi đau của người biểu tình Hồng Kông bị bịt miệng, những nhà sư tự thiêu ở Tây Tạng, và tội phạm chống nhân loại đánh vào thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Liệu họ sẽ bị hiến sinh trên bàn thờ đế quốc Trung Hoa, trở thành nạn nhân của toàn cầu hóa giai đoạn cuối ? Cần phải tránh cho được viễn cảnh này.
Thụy My